📞

Tin thế giới 13/12: Nga-Trung tham vấn về tên lửa chiến lược, Pháp có tân Thủ tướng, Moscow đối thoại với phe đối lập ở Syria

Nhất Phong 21:54 | 13/12/2024
Tàu hải quân Mỹ cập cảng Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm đại biện lâm thời tại Syria, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ thăm Iraq, Ukraine chi thêm 26 triệu USD mua UAV, chưa sẵn sàng đàm phán với Nga… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua
Sau 8 năm, tàu chiến Mỹ chuẩn bị cập cảng Campuchia. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Nga-Trung tham vấn về tên lửa tầm trung và tầm ngắn: Nga và Trung Quốc đã chia sẻ quan điểm về tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn. Đây là nội dung được thảo luận trong cuộc cuộc tham vấn Nga-Trung về phòng thủ tên lửa và các khía cạnh liên quan đến sự ổn định chiến lược đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.

Thông báo ngày 13/12 của Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc tham vấn diễn ra ngày 11/12, trong đó "hai bên đã khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và phối hợp về những nhân tố ổn định chiến lược này". (Sputnik)

*Tàu hải quân Mỹ ghé thăm cảng Campuchia sau 8 năm: Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 13/12 thông báo một tàu chiến Mỹ sẽ cập cảng nước này vào tuần tới, đánh dấu lần đầu tiên một tàu quân sự Mỹ ghé thăm đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực sau 8 năm.

Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết thêm 27 tàu hải quân Mỹ đã thăm nước này kể từ năm 2007, nhưng chuyến thăm 5 ngày vào tuần tới sẽ là lần đầu tiên một tàu Mỹ cập cảng sau 8 năm.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết chuyến thăm của tàu USS Savannah đến thành phố cảng Sihanoukville ở phía Nam nhằm mục đích "củng cố và mở rộng tình hữu nghị", cũng như "thúc đẩy hợp tác song phương giữa Campuchia và Mỹ". (AFP)

*New Zealand và Thái Lan hướng tới quan hệ đối tác chiến lược: Giới chức New Zealand và Thái Lan ngày 13/12 đã thông qua lộ trình tiến tới quan hệ đối tác chiến lược nhằm đảm bảo các cuộc đàm phán đi đúng hướng để nâng cấp quan hệ hai nước vào năm 2026.

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan Maris Sangiampongsa tại Auckland, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết hai nước đã đặt khung thời gian biểu mục tiêu đầy tham vọng để nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược".

Ngoại trưởng New Zealand cho biết thêm Wellington và Bangkok có mối quan hệ đối tác quan trọng, và trong 18 tháng tới, hai bên sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. (THX)

Châu Âu

*Ông Francois Bayrou được chỉ định làm tân Thủ tướng Pháp: Theo thông cáo báo chí của Điện Elysee ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định ông Francois Bayrou làm Thủ tướng mới của nước này.

Nhiệm vụ của tân Thủ tướng 73 tuổi Francois Bayrou rất nặng nề, khi ông phải đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai chỉ trong vòng 6 tháng qua.

Dự kiến tân thủ tướng Pháp sẽ công bố danh sách các bộ trưởng của mình trong những ngày tới. Ông Francois Bayrou là người thứ tư ngồi vào ghế nóng trong năm 2024. (AFP)

*Ukraine chi thêm 26 triệu USD mua UAV cho quân đội: Ngày 13/12, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal thông báo rằng Bộ Quốc phòng nước này đã phân bổ 1,1 tỷ hryvnia (26,3 triệu USD) cho các lữ đoàn nhằm mua sắm thiết bị bay không người lái (UAV) và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu khác.

Theo chỉ thị của Tổng thống Volodymyr Zelensky, việc cấp khoản kinh phí này nhằm tăng cường nguồn lực cho các lữ đoàn trong việc mua thêm UAV. Từ đầu năm đến nay, chính phủ Ukraine đã chi 229 tỷ hryvnia (5,48 tỷ USD) để mua sắm trang thiết bị quân sự, vũ khí, đạn dược, thiết bị bảo hộ cá nhân và thực phẩm cho các lực lượng an ninh và quốc phòng.

Cùng ngày, một phái đoàn Mỹ đã đến thủ đô Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn. Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bridget Brink, đã thông báo về sự kiện này trên mạng xã hội X. (TASS/Ukrinform)

*Nga tấn công căn cứ huấn luyện phi công F-16 tại Ukraine: Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự quan trọng tại Ukraine, trong đó có căn cứ huấn luyện phi công F-16 ở Kiev. Theo thông tin từ hãng thông tấn TASS, cuộc tấn công đã sử dụng hơn 120 tên lửa các loại, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Ngoài ra, quân đội Nga cũng nhắm vào các mục tiêu ở Boryspil và Pereyaslavl. Tại Boryspil, các cơ sở sản xuất máy bay không người lái và cơ sở sửa chữa trực thăng đã bị tấn công. Trong khi đó, ở Pereyaslavl, các doanh nghiệp chuyên sửa chữa xe chiến đấu bọc thép và thiết bị hạng nặng của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị hư hại đáng kể. (TASS)

*Ukraine chưa sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga: Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak khẳng định Kiev chưa sẵn sàng đàm phán với Nga vì nước này thiếu vũ khí, đảm bảo an ninh và chưa đạt được vị thế quốc tế mong muốn.

Trước đó, trong cuộc gặp lãnh đạo phe đối lập Đức Friedrich Merz, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine muốn chấm dứt chiến tranh và cần có những nỗ lực để đất nước ông mạnh hơn và buộc Điện Kremlin phải hành động hướng tới hòa bình.

Trong những tuyên bố công khai gần đây, ông Zelensky cũng khẳng định các cuộc đàm phán có thể diễn ra ngay cả khi Nga vẫn đang nắm giữ vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được trong cuộc xung đột. (Reuters)

Trung Đông – châu Phi

*Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ thăm Iraq: Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm bất ngờ tới Iraq, gặp gỡ Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ông Blinken đang tìm cách điều phối cách tiếp cận khu vực đối với vấn đề Syria, đặc biệt là sau sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo phóng viên AFP đi cùng đoàn, ông Blinken đã bay từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đến Baghdad và bắt đầu cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq ngay sau khi đến nơi. (AFP)

*Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đàm phán với lãnh đạo phe đối lập ở Syria: Các nguồn tin khu vực ngày 12/12 đưa tin Giám đốc Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin và người đứng đầu Cơ quan An ninh Nhà nước Qatar Khalfan bin Ali bin Khalfan Al-Batty Al-Kaabi đã có chuyến thăm Syria để đàm phán với lãnh đạo phe đối lập về tương lai của quốc gia Trung Đông này.

Bộ Thông tin lâm thời Syria khẳng định ông Kalin và ông Khalfan al-Kaabi đã đến thủ đô Damascus để gặp thủ lĩnh phe đối lập Syria Ahmed al-Sharaa và Thủ tướng lâm thời Syria Mohammad al-Bashir.

Cùng ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận thông tin của Bộ Ngoại giao Syria nói rằng Bộ trưởng Hakan Fidan cũng có mặt trong thành phần phái đoàn đàm phán tới Syria, khẳng định rằng ông Fidan vẫn ở đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Al Jazeera)

*Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm quyền đại biện lâm thời tại Syria: Hãng thông tấn bán chính thức Anadolu ngày 12/12 đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm quyền đại biện lâm thời tại Syria.

Theo tuyên bố, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mauritania, Burhan Koroglu, đã được bổ nhiệm làm quyền đại biện lâm thời tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa Đại sứ quán của nước này tại thủ đô Damascus vào năm 2012, với lý do bạo lực leo thang và kêu gọi Tổng thống Syria Bashar Al-Assad từ chức trong bối cảnh cuộc nội chiến ở nước này bắt đầu vào năm 2011.(Al Jazeera)

*Nga tiến hành đối thoại với nhóm HTS của Syria: Ngày 12/12, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại các nước Trung Đông và châu Phi, ông Mikhail Bogdanov cho hay Nga đã thiết lập các liên lạc trực tiếp với ủy ban chính trị của nhóm vũ trang Hồi giáo Syria, Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Ông Bogdanov nói: “Các mối liên hệ đã được thiết lập với ủy ban chính trị (Hayat Tahrir al-Sham), hiện đang làm việc tại một trong những khách sạn ở Damascus. Thứ trưởng Bogdanov cũng cho biết Moscow đặt mục tiêu duy trì các căn cứ quân sự của mình tại Syria để tiếp tục "chống khủng bố quốc tế" tại quốc gia này. (Interfax/Sputniknews)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ - Trung gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học: Ngày 13/12, Washington và Bắc Kinh đã gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ thêm 5 năm, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh kinh tế và chính trị giữa hai nước ngày càng gay gắt. Quyết định này được đưa ra bất chấp những chỉ trích từ các phe phản đối, bao gồm đảng Cộng hòa Mỹ, cho rằng thỏa thuận này đang tạo lợi thế cho Trung Quốc.

Thỏa thuận hợp tác này đã có từ năm 1979 và được gia hạn định kỳ mỗi 5 năm. Tuy nhiên, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, do những căng thẳng liên quan đến một khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc bị bắn hạ trên không phận Mỹ, cũng như các vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) và viện trợ quân sự của Mỹ cho hòn đảo này. (AFP)

*Mỹ cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức Gruzia: Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này đã chặn thị thực của khoảng 20 người bị cáo buộc phá hoại nền dân chủ ở Gruzia, bao gồm các bộ trưởng đương nhiệm và nghị sĩ.

Quốc gia ven Biển Đen này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 10, và chính phủ đã quyết định hoãn đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước.

Trong một tuyên bố ngày 12/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định: "Hành động hôm nay sẽ ảnh hưởng đến khoảng 20 cá nhân, bao gồm những người đang giữ chức vụ bộ trưởng và nghị sĩ quốc hội, các quan chức thực thi pháp luật và an ninh, cũng như công dân bình thường". (AFP)

*Ông Trump cân nhắc quân sự chống chương trình hạt nhân Iran: Tờ Wall Street Journal đưa tin Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các phương án nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, bao gồm cả khả năng thực hiện đòn không kích phòng ngừa.

Theo nguồn tin của tờ báo, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đang xây dựng chiến lược "gây sức ép tối đa" mới đối với Tehran, bao gồm các bước quân sự và tăng cường trừng phạt tài chính".

Trong khi đó, giới chức Iran cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ nên từ bỏ ý định gây sức ép tối đa lên Tehran. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cảnh báo nếu không, Washington sẽ phải đối mặt với "sức kháng cự tối đa" từ Nhà nước Hồi giáo. (TASS)

*Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Ukraine: Theo tuyên bố ngày 12/12, Mỹ sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh Washington đang gấp rút tăng cường hỗ trợ Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: "Mỹ chuẩn bị cung cấp thêm một gói viện trợ quan trọng gồm vũ khí và trang thiết bị cấp thiết cho các đối tác Ukraine, khi họ phòng thủ trước các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga", đồng thời tiết lộ gói viện trợ này sẽ được lấy từ kho dự trữ quân sự của Mỹ. (AFP)