Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu liên tục cáo buộc Nga có các động thái 'gây hấn', song Moscow luôn bác bỏ. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Căng thẳng Nga-Ukraine: Phương Tây chĩa mũi dùi vào Nga
Ngày 13/12, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, khối này đang thảo luận với Mỹ và Anh về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga, song chưa có quyết định nào được đưa ra.
Phát biểu trước báo giới trước thềm cuộc họp các ngoại trưởng EU, ông Borrell nói: “Chúng tôi đang ở chế độ ngăn chặn. Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng Nga sẽ phải giá đắt cho mọi hành vi gây hấn chống lại Ukraine".
Trước đó, ngày 12/12, một dự thảo tuyên bố sau Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho hay: "Việc Nga tăng cường hành động gây hấn quân sự nhằm vào Ukraine sẽ gây ra những hậu quả to lớn và tổn thất nghiêm trọng".
Theo dự thảo, Ngoại trưởng các nước G7 nhất trí về việc chỉ trích Nga tăng cường quân sự gần Ukraine, đồng thời kêu gọi Moscow giảm leo thang.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, nước này đang cân nhắc mọi lựa chọn về cách phản ứng nếu "Nga xâm lược Ukraine", đồng thời đề cập việc từng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như trong quá khứ để gửi đi thông điệp ngoại giao tới Moscow.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, khí đốt sẽ “khó có thể” chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 nếu Nga tiếp tục "các hành động gây hấn" nhằm vào Ukraine, khẳng định dự án khí đốt này là một “đòn bẩy” của Mỹ và phương Tây đối với Nga.
Ukraine hiện đang là trọng tâm trong cuộc khủng hoảng của quan hệ giữa phương Tây và Nga. Các nước phương Tây cáo buộc Moscow bố trí hàng chục nghìn quân ở biên giới nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.
Nga liên tục bác bỏ cáo buộc trên. Ngày 12/12, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng, quân đội Nga không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào và Moscow đang bị chỉ trích vì chuyển quân bên trong chính lãnh thổ của mình. (Reuters)
Ukraine "than thở" về xích mích với chính quyền cựu Thủ tướng Đức Merkel
Mới đây, trả lời phỏng vấn Financial Times (FT), Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cáo buộc chính phủ của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chặn không cho Kiev mua vũ khí thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Reznikov cho biết, tháng trước, Đức áp đặt quyền phủ quyết đối với việc Ukraine muốn mua hệ thống chống bắn tỉa và súng trường để tiêu diệt máy bay không người lái, song sau đó Berlin đã giảm nhẹ quan điểm đối với súng trường khi công nhận chúng là một loại vũ khí phi sát thương.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, nước này sẽ tìm cách mua vũ khí trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương với các đồng minh, chẳng hạn như với Mỹ, Anh, Litva và Pháp.
FT cho hay, quan điểm của tân chính phủ Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện vẫn chưa rõ ràng. (Sputnik)
Belarus dọa cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu
Ngày 13/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo, nước này sẽ tạm dừng việc trung chuyển khí đốt tới châu Âu nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây đặt Minsk vào tình trạng khẩn cấp.
Phát biểu với đài TRT của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Lukashenko nói: “Nếu các biện pháp trừng phạt mà họ đang và sẽ thực hiện đặt chúng tôi vào tình trạng khẩn cấp hoặc chúng tôi không có cách nào để đáp trả các lệnh trừng phạt của họ, thì chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp mạnh là dừng việc trung chuyển khí đốt”.
Ông Lukashenko cũng cho biết, nước này đang cố gắng thuyết phục hàng nghìn người tị nạn quay trở lại đất nước của họ. (Sputnik)
Tình hình Syria: Tiến triển hướng tới giải pháp chính trị
Ngày 12/12, Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen kêu gọi cách tiếp cận “từng bước một” trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad tại thủ đô Damascus, ông Geir Pedersen nói: “Tôi nghĩ hiện tại đã xuất hiện khả năng cho việc bắt đầu thăm dò điều mà tôi gọi là cách tiếp cận ‘từng bước một’, nghĩa là đặt lên bàn những bước đi được định nghĩa cụ thể, có thể kiểm chứng, từ đó có thể hy vọng bắt đầu xây dựng lòng tin”.
Phát biểu trên được đặc phái viên của LHQ đưa ra sau khi ông hoàn thành chuyến thăm đến châu Âu, Mỹ và các nước Arab có can dự lợi ích vào cuộc xung đột tại Syria. Theo ông Geir Pedersen, hiện có thể bắt đầu xem xét lập trường của các nước Arab, Mỹ, châu Âu, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh giao tranh lớn bắt đầu giảm bớt từ năm 2020, Syria đã bắt đầu thăm dò khả năng nới lỏng sự cô lập quốc tế, nhất là trong quan hệ giữa Damascus với các nước thành viên khối Arab. (AFP)
Đàm phán hạt nhân Iran: Nga mong đạt tiến bộ, nói trừng phạt chỉ phản tác dụng
Ngày 13/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ hy vọng vào khả năng các nước đạt được tiến bộ nhất định trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran.
Theo ông Ryabkov, Nga đã giải thích với Mỹ rằng sẽ là phản tác dụng nếu đe dọa Iran bằng các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới đang diễn ra.
Trước đó ngày 12/12, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani cho biết, đã có những tiến triển “tốt đẹp” trong những cuộc thảo luận với các cường quốc, có khả năng nhanh chóng mở đường cho những cuộc đàm phán nghiêm túc về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định, Tehran nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hạt nhân và "nếu phía bên kia cũng nghiêm túc về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận tốt". (Sputnik)
Tổng thống Hàn Quốc thăm Australia, ký thỏa thuận quốc phòng lớn
Ngày 12/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Canberra, bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Australia. Chuyến thăm 4 ngày được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, trong đó có việc đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định về các nguyên vật liệu thô và các khoáng sản quan trọng.
Ngày 13/12, hai nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 1 tỷ AUD (716,5 triệu USD), theo đó, công ty quốc phòng Hanwha Corp của Hàn Quốc sẽ chế tạo 30 xe tăng có gắn pháo tự vận hành và 15 xe bọc thép tiếp tế đạn dược cung cấp cho Australia.
Phát biểu với các phóng viên tại Canberra, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh: "Đây là một chương quan trọng nữa trong lĩnh vực quốc phòng của Australia khi chúng tôi tiếp tục xây dựng năng lực chủ quyền của mình và Hàn Quốc là một đối tác quan trọng trong hành trình đó".
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ tuyên bố nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. (Aljazeera)
Nga-Trung Quốc chuẩn bị tổ chức thượng đỉnh trực tuyến
Ngày 13/12, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận về các ưu tiên hợp tác giữa 2 nước trong một cuộc gặp trực tuyến vào ngày 15/12 tới.
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo sẽ tổng kết các kết quả của việc hợp tác phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung Quốc trong năm 2021 và các ưu tiên hợp tác trong tương lai”.
Israel-Palestine đụng độ ở Bờ Tây
Sáng sớm 13/12, các nguồn tin an ninh và y tế cho biết, một người Palestine đã bị bắn chết trong một vụ đụng độ với các lực lượng Israel ở khu vực Ras Al-Ain thuộc thành phố Nablus (Palestine), phía Bắc Bờ Tây bị chiếm đóng.
Trong khi đó, theo cảnh sát Israel, các sĩ quan đặc nhiệm nước này được binh lính yểm trợ đã bắt giữ một nghi phạm ở Nablus, đồng thời thu giữ một vũ khí bán tự động.
Thông báo của cảnh sát nêu rõ: "Khi các lực lượng đặc nhiệm Israel kết thúc nhiệm vụ và rời khỏi hiện trường, những kẻ bạo loạn đã ném các thiết bị nổ vào họ từ cự ly ngắn, gây nguy hiểm tới tính mạng".
Các lực lượng Israel đã đáp trả bằng hỏa lực và "dường như đã bắn trúng một trong số những kẻ bạo loạn, người này đã được các bác sĩ thuộc tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ (Red Crescent) sơ tán khỏi hiện trường". (AFP)
Mỹ ban bố tình trạng thảm họa sau cơn lốc hủy diệt
Ngày 13/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “tình trạng thảm họa liên bang lớn” tại bang Kentucky sau vụ bão và lốc xoáy khiến hơn 100 người thiệt mạng ở bang này.
Quyết định trên mở đường cho việc cấp thêm ngân sách liên bang nhằm hỗ trợ hàng nghìn người đang trong cảnh mất nhà cửa, thiếu lương thực, nước uống và điện sinh hoạt sau thảm họa.
Các hỗ trợ sẽ bao gồm chi phí cho nơi ở tạm thời và sửa chữa nhà cửa, các khoản vay để khắc phục thiệt hại về tài sản không được bảo hiểm, và nhiều chương trình khác để hỗ trợ các cá nhân và chủ doanh nghiệp phục hồi sau thảm họa.
Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear cho biết, đây là trận lốc xoáy hủy diệt chưa từng thấy trong lịch sử bang Kentucky, làm sập cả những công trình kiên cố nhất bằng bê tông cốt thép. Lực lượng cứu hộ Mỹ hiện đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người mất tích. (Reuters)
Một số tin tức quốc tế nổi bật khác trong ngày:
Mỹ nói về việc Ukraine, Gruzia muốn gia nhập NATO: Ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, Ukraine và Gruzia có thể tiến tới gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tùy thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra. (NBC News)
Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á: Ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Indonesia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan nhằm thúc đẩy quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực. (Reuters)
Mỹ-Trung-Triều nhất trí về nguyên tắc tuyên bố chấm dứt chiến tranh: Ngày 13/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên nhất trí về mặt nguyên tắc đối với việc đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. (Yonhap)