📞

Tin thế giới 13/3: Nước châu Âu nhắc Ukraine hãy lo cho mình; Chủ tịch Trung Quốc sắp đến Nga? Thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển

Hoàng Hà 19:47 | 13/03/2023
Diễn biến xung đột ở Ukraine, rộ tin Chủ tịch Trung Quốc sắp đến Nga, hai ngân hàng Mỹ nối nhau sụp đổ, sự bùng nổ của dàn nghệ sĩ châu Á tại Oscar 2023 danh giá... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Silicon Valley Bank và Signature Bank liên tiếp nhau đóng cửa chỉ trong vài ngày, gây ra 'cú nổ lớn' trên thị trường tài chín thế giới. (Nguồn: CNBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga nghi nhóm thân Ukraine phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev ngày 13/3 nhận định.

Tuy nhiên, ông lưu ý, cho tới nay, Moscow vẫn chưa biết chính xác thủ phạm của hành động này và vụ phá hoại không mang lại cho Ukraine bất cứ lợi ích gì.

Trước đó, truyền thông phương Tây đưa tin, cộng đồng tình báo Mỹ nghi ngờ một nhóm thân Ukraine thực hiện các vụ nổ gây hư hại nghiêm trọng 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc hồi tháng 9 năm ngoái.

* Vấn đề "số 1" của Ukraine trong xung đột với Nga: Ngày 12/3, trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi Đức nhanh chóng mở rộng việc cung cấp đạn dược cho Ukraine. Theo ông, việc thiếu đạn dược đang là vấn đề "số 1" trong việc ứng phó Nga.

Cũng theo nhà ngoại giao, Kiev không kỳ vọng có thể nhận được sự viện trợ các máy bay chiến đấu trong tương lai gần, song kêu gọi phương Tây nên bắt tay đào tạo phi công cho Ukraine để không lãng phí thời gian khi quyết định cung cấp máy bay được đưa ra.

Ông Kuleba kêu gọi Đức theo gương các nước khác đào tạo phi công cho Ukraine và đó sẽ là "một thông điệp rõ ràng về cam kết chính trị".

Cùng ngày, phát biểu thông qua một video, ca ngợi việc Na Uy tích cực hỗ trợ quân sự cho Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, các quốc gia khác nên noi gương Oslo. (Kyiv Independent, Pravda)

* Không quân Nga bắn hạ 4 tên lửa tại khu vực Belgorod trong ngày 13/3, theo người đứng đầu khu vực Belgorod Vyacheslav Gladkov. Các mảnh vỡ tên lửa đã gây hư hại cho 2 tòa nhà dân cư và một người bị thương.

Belgorod là một vùng thuộc miền Nam nước Nga, giáp biên giới Ukraine, và đã nhiều lần bị tấn công kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở quốc gia Đông Âu láng giềng hồi tháng 2 năm ngoái.

Hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm cho vụ phóng, song trước đây, ông Gladkov từng cáo buộc các lực lượng Ukraine ở bên kia biên giới tiến hành các cuộc tấn công tương tự. Kiev hầu như không bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công này. (Reuters)

Châu Âu

* Gruzia kêu gọi Tổng thống Ukraine không can thiệp vấn đề nội bộ: Tuần trước, bình luận về các cuộc biểu tình ở Gruzia chống "tác nhân nước ngoài", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn những người biểu tình vẫy cờ của nước ông.

Khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng, điều này thể hiện sự tôn trọng và chúc Gruzia giành được "thắng lợi dân chủ".

Ngày 12/3, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình IMEDI, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili cho rằng, bình luận của các chính trị gia Ukraine là một "sự can thiệp trực tiếp" vào chính trị nội bộ của Gruzia, đồng thời kêu gọi Kiev không can thiệp tình hình chính trị ở nước này.

Ông Garibashvili nhắc nhở Ukraine rằng, Kiev hãy "chăm lo lo cho bản thân và đất nước mình, chúng tôi sẽ tự lo đất nước của chúng tôi". (Reuters)

* Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết tăng ngân sách quốc phòng thêm 5 tỷ bảng Anh (6 tỷ USD) trong hai năm tới, vào thời điểm thế giới trở nên bất ổn hơn, kéo theo việc gia tăng các mối đe dọa đối với an ninh của Vương quốc Anh.

Tờ Belfast Telegraph dẫn lời nhà lãnh đạo nói, với khoản tăng này, Anh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP để "có thể tiếp tục dẫn đầu thế giới về phòng thủ và bảo vệ đất nước". (TASS)

Châu Á

* Trung Quốc bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vào sáng ngày 13/3, với việc thông qua nhiều nghị quyết và một loạt nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và ngoại giao của quốc gia châu Á tỷ dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc đã bầu các nhân sự cấp cao cho Ban lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước, trong đó ông Tập Cận Bình vẫn làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, ông Lý Cường làm Thủ tướng, ông Vương Hộ Ninh làm Chủ tịch Chính Hiệp khóa XIV...

Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh những nỗ lực vững chắc của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy thực hiện "một quốc gia, hai chế độ" và sự nghiệp thống nhất đất nước. (THX)

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch thăm Nga vào tuần tới để gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, sớm hơn so với dự kiến trước đó, theo các nguồn thạo tin.

Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn" trong tháng 2/2022, vài tuần trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và hai bên đã tiếp tục tái khẳng định sức mạnh của mối quan hệ này. (TASS)

* Mỹ-Trung có thể và cần phải hợp tác, theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ông Lý cho rằng, hai nước có thể đạt được rất nhiều điều thông qua việc này,

Theo ông, sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 11/2022 cần được chuyển thành các chính sách thực tế và hành động cụ thể.

Tuy nhiên, tân Thủ tướng Trung Quốc cũng chỉ trích "sự bao vây và trấn áp của Mỹ", cảnh báo rằng điều đó không có lợi cho bất kỳ ai. (THX/AFP)

* Triều Tiên phóng tên lửa, chỉ trích Mỹ triệu tập họp Hội đồng Bảo an: Ngày 13/3, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này đã phóng 2 tên lửa từ tàu ngầm 8.24 Yongung vào rạng sáng 12/3, tấn công một mục tiêu dưới nước ở ngoài khơi phía Đông.

Các tên lửa này đã bay khoảng 1.500 km trước khi đánh trúng mục tiêu. Quân đội Hàn quốc đang trong tình trạng báo động cao và đã làm việc với đối tác Mỹ để phân tích các chi tiết vụ phóng này.

Cùng ngày, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích động thái Mỹ triệu tập cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bảo an về những vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng trong tuần này.

Cũng trong ngày này, Mỹ và Hàn Quốc khai mạc cuộc tập trận chung được cho là quy mô lớn nhất trong 5 năm qua, có tên "Lá chắn tự do", kéo dài trong 11 ngày. (Yonhap)

* Indonesia tái khẳng cam kết ủng hộ tính chính nghĩa của Palestine trong bối cảnh Jakarta chấp nhận sự tham gia của Israel tại Giải vô định bóng đá thế giới U20.

Tại cuộc họp báo ngày 10/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah khẳng định, mặc dù Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) đã quyết định các vấn đề về các đội tham dự U20 và các quy định liên quan nhưng điều đó không ảnh hưởng đến lập trường của Indonesia đối với vấn đề Palestine.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng đã nhiều lần vận động cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine tại các diễn đàn đa phương. (Antara)

* Israel hoãn họp về dự án định cư E1 gây tranh cãi tại Bờ Tây lại vào ngày 12/6. Trước đó, hồi tháng 2, Ủy ban quản lý dân sự lên kế hoạch họp bàn về các dự án xây dựng khu định cư E1 vào ngày 27/3.

Quyết định trên của Israel được đưa ra cùng ngày xảy ra giao tranh giữa quân đội nước này với các tay súng Palestine gần thành phố Nablus ở phía Bắc khu Bờ Tây. Các nguồn tin hai bên cho biết 3 tay súng Palestine thiệt mạng trong vụ giao tranh này. (Times of Israel)

Châu Mỹ

* Nicaragua đóng cửa Đại sứ quán tại Vatican, theo một nguồn tin cấp cao của Vatican ngày 12/3.

Nguồn tin cho hay, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã ra lệnh trên, vài ngày sau khi Giáo hoàng Francis so sánh chính phủ Nicaragua với chế độ độc tài.

Mặc dù việc đóng cửa này không đồng nghĩa với sự cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Managua và Tòa thánh, song đây được xem là một bước chuẩn bị để hướng tới kịch bản này. (Reuters)

* Hai ngân hàng lớn của Mỹ nối nhau phá sản: Ngày 10/3, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã phải đóng cửa, trở thành ngân hàng lớn nhất sụp đổ kể từ sau vụ ngân hàng Washington Mutual phá sản năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Giới chức Mỹ đã thông báo hàng loạt hành động để bảo vệ các khách hàng, tiền gửi cũng như ngăn chặn phản ứng dây chuyền sau vụ này.

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung về việc đóng cửa ngân hàng Signature Bank có trụ sở ở ở bang New York. Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ.

Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý nêu rõ, tất cả tiền gửi tại Signature Bank sẽ còn nguyên vẹn và “người đóng thuế sẽ không bị ảnh hưởng”.

Các nhà quản lý ngân hàng New York đã chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của Signature Bank sau này.

Đại diện của Signature Bank hiện chưa đưa ra bình luận gì.

Các động thái trên khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt". (Reuters)

Châu Phi

* Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen thăm Ai Cập ngày 12/3, gặp một loạt quan chức cấp cao nước chủ nhà, trong đó có Ngoại trưởng Sameh Shoukry, bàn về các biện pháp thúc đẩy hòa bình ở Syria.

Trước đó, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry vừa có chuyến công du Syria, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân nước này sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào đầu tháng 2 vừa qua.

Đây cũng là chuyến thăm lần đầu tiên của một Ngoại trưởng Ai Cập tới Syria sau một thập kỷ quan hệ song phương căng thẳng. (Egypt Forward)

Oscar: 'Cú nổ lớn' của những nghệ sĩ phương Đông

Vào lúc 7h ngày 13/3 (giờ Việt Nam), lễ trao giải thưởng điện ảnh danh giá thế giới Oscar đã khai mạc tại Nhà hát Dolby ở thành phố Los Angeles (Mỹ).

Có tới 4 diễn viên châu Á lọt vào danh sách đề cử tại 4 hạng mục chính, gồm Dương Tử Quỳnh (Nữ chính xuất sắc), Quan Kế Huy (Nam phụ xuất sắc), Stephanie Hsu và Hồng Châu (Nữ phụ xuất sắc).

Kết quả này vừa lập kỷ lục số lượng diễn viên châu Á được đề cử nhiều nhất trong một năm, vừa là cột mốc quan trọng cho sự hiện diện của những nghệ sĩ phương Đông tại giải Oscar và Hollywood nói chung.

Phim xuất sắc nhất - giải thưởng quan trọng nhất của Oscar 2023 - đã thuộc về Everything Everywhere All at Once (Cuộc chiến đa vũ trụ).

Diễn viên chính của phim, ngôi sao Malaysia Dương Tử Quỳnh trở thành minh tinh châu Á đầu tiên đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong lịch sử Oscar.

Everything Everywhere All at Once là màn giao thoa hoàn hảo giữa chất hàn lâm và giải trí với một câu chuyện khoa học viễn tưởng pha chất hài hành động để tôn vinh tình cảm gia đình cùng những triết lý nhân sinh sâu sắc đậm chất Á Đông.

Everything Everywhere All at Once cũng mang lại tượng vàng Oscoar cho nam diễn viên gốc Á Quan Kế Huy ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Ngoài ra, bộ phim All Quiet on the Western Front cũng nhận được mưa giải thưởng tại mùa giải năm nay, gồm: Quay phim xuất sắc nhất; Phim quốc tế hay nhất; Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất và Nhạc phim gốc hay nhất.