Lo ngại sử dụng vũ khí hóa học trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Quân đội Mỹ) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine tranh cãi về việc ai sử dụng vũ khí hóa học
Ngày 13/4, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho rằng, có nguy cơ cao Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine, nhấn mạnh lại tuyên bố tương tự được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra trước đó.
Trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Estonia ngày 13/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga đang sử dụng bom phốt pho và chiến thuật khủng bố nhằm vào dân thường ở Ukraine, song không cung cấp bằng chứng.
Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Washington bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Ukraine về khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột đang diễn ra, trích dẫn việc Moscow đã phá hủy kho dự trữ hóa chất cuối cùng của mình vào năm 2017.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết, Moscow coi những mối đe dọa khủng bố hóa học do những người theo chủ nghĩa dân tộc và quân đội Ukraine gây ra là rất thực tế.
Thứ trưởng Syromolotov nói: “Khả năng cao xảy ra kịch bản như vậy là do nhiều cuộc khiêu khích hóa học được tổ chức bởi các nhóm cực đoan có vũ trang do Mỹ và các đồng minh NATO kiểm soát trong cuộc xung đột Syria”. (Reuters/Sputnik)
Thực hư tin hơn 1.000 quân Ukraine đầu hàng ở Mariupol?
Ngày 13/4, Bộ chỉ huy phòng thủ lãnh thổ của vùng lãnh thổ ly khai Donetsk cho biết, tại thành phố cảng miền Nam Mariupol, 1.009 binh sĩ thuộc Các Lực lượng vũ trang Ukraine (APU) đã đầu hàng.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, có 1.026 binh sĩ Ukraine "thuộc lữ đoàn bộ binh biển 36 tự nguyện hạ vũ khí và đầu hàng trong khu vực nhà máy sản xuất kim loại Ilyicha ở thành phố Mariupol".
Trước việc này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết, ông không có thông tin. (Reuters/TASS)
Ukraine đóng tất cả hành lang nhân đạo trong ngày 13/4
Ngày 13/4, Ukraine tuyên bố đóng toàn bộ các hành lang nhân đạo cho phép sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự của nước này, đồng thời cáo buộc các lực lượng Nga vi phạm thỏa thuận cho phép người dân rời đi.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng Ukraine, Iryna Vereshchuk, cho hay: "Thật không may, chúng tôi không mở các hành lang nhân đạo ngày hôm nay. Tình hình dọc các tuyến đường quá nguy hiểm và chúng tôi buộc phải từ chối mở chúng”.
Bà Vereshchuk cho biết, quanh Zaporizhzhia ở miền Nam, các lực lượng Nga đang chặn xe buýt sơ tán người dân và ở khu vực miền Đông Lungansk, quân đội Nga đang vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong quá trình sơ tán người dân. (Reuters)
Lãnh đạo Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia tới Ukraine
Ngày 13/4, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ba Lan, ông Pawel Szrot cho biết, Tổng thống nước này cùng những người đồng cấp Lithuania, Latvia và Estonia đang trên đường tới thủ đô Kiev để thực hiện cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Szrot nêu rõ, trong chuyến thăm mang tính biểu tượng này sẽ có các cuộc đối thoại chi tiết về vấn đề hỗ trợ Ukraine.
Văn phòng Tổng thống của 4 quốc gia trên từ chối cung cấp thêm chi tiết về chuyến thăm vì lý do an ninh. (AFP)
Mỹ, Australia thảo luận về hòa bình và ổn định ở khu vực
Ngày 12/4, trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và thương mại Australia Kathryn Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nêu bật tầm quan trọng của hòa bình ở Eo biển Đài Loan.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Sherman bày tỏ quan ngại về những sự kiện gần đây ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hai bên thảo luận về cơ hội tiếp tục hợp tác với những đối tác và đồng minh "để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm Eo biển Đài Loan".
Hai quan chức cũng trao đổi về những hành động của đồng minh nhằm "buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người hỗ trợ ông phải chịu trách nhiệm" cho xung đột ở Ukraine, cùng cách thức cung cấp hỗ trợ cho Kiev. (AP)
Australia đề nghị Quần đảo Solomon không ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc
Ngày 13/4, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương của Australia Zed Seselja đã đề nghị Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare không ký kết một hiệp ước an ninh gây tranh cãi với Trung Quốc.
Trong tuyên bố của mình, ông Seselja cho biết, ông đã đề nghị Thủ tướng Sogavare "cân nhắc việc không ký thỏa thuận và tham khảo ý kiến các nước ở khu vực Thái Bình Dương trên tinh thần cởi mở và minh bạch, phù hợp với các khuôn khổ an ninh của khu vực”.
“Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Sogavare rằng, Australia vẫn là một lựa chọn đối tác an ninh của Quần đảo Solomon và Solomon cam kết rằng, nước này sẽ không bao giờ được sử dụng để xây dựng các căn cứ quân sự của các cường quốc bên ngoài", ông Seselja khẳng định.
AUKUS mời Nhật Bản làm thành viên
Tờ Sankei của Nhật Bản mới đây tiết lộ thông tin, AUKUS muốn hợp tác sâu rộng hơn với Tokyo dựa trên tiềm năng về mặt kỹ thuật của quốc gia này trong phát triển vũ khí siêu vượt âm, trí tuệ nhân tạo, cũng như phát triển công nghệ lượng tử.
Thông tin này được hé lộ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch thăm Nhật Bản vào cuối tháng 5 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản). Hội nghị này được cho là nhằm thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ngày 13/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu khẳng định, nước này không nhận được lời đề nghị tham gia AUKUS và cho rằng, truyền thông nước này đã đưa tin thiếu chính xác.
Tờ báo trên cũng cho biết, Tokyo có ý kiến “tích cực” về việc tham gia nhóm, nhưng đang đánh giá cẩn thận các tác động. (Reuters)
Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, quan điểm của Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Nga là không thể chấp nhận được, bởi vì tất cả các quốc gia khác cuối cùng sẽ phải trả giá cho chúng.
“Mỹ là một cường quốc và chịu trách nhiệm đặc biệt trong việc tuân thủ các quy tắc của hệ thống kinh tế thế giới và duy trì sự ổn định của nó. Một tình huống mà tất cả các quốc gia khác sẽ phải trả giá cho các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington", ông Triệu Lập Kiên khẳng định.
Ông cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần hỗ trợ cho đàm phán hòa bình giữa Nga-Ukraine bởi “xung đột và trừng phạt không phải là lựa chọn duy nhất”. (TASS)
Pháp kêu gọi thận trọng trong quan hệ với Nga
Ngày 13/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối việc lặp lại tuyên bố của người đồng cấp Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga phạm tội ác "diệt chủng" đối với người dân Ukraine, đồng thời cảnh báo hành động gây leo thang căng thẳng bằng lời nói như vậy sẽ không giúp chấm dứt cuộc chiến.
Theo Tổng thống Macron, tốt nhất là nên "cẩn trọng" khi sử dụng thuật ngữ “tội diệt chủng” trong tình huống này, đặc biệt là khi "người Ukraine và người Nga là dân tộc anh em".
Ngoài ra, Tổng thống Pháp cũng thông tin thêm, ông sẽ tiến hành điện đàm với cả người đồng cấp Nga Putin và Ukraine Zelensky trong vài ngày tới. (AFP)
Bộ tứ thực hiện đợt bàn giao vaccine Covid-19 đầu tiên
Ngày 12/4, trong khuôn khổ quan hệ đối tác vaccine, Ấn Độ đã thay mặt các quốc gia nhóm Bộ tứ (Quad) đã bàn giao lô vaccine đầu tiên cho Campuchia. Tổng cộng, 325.000 liều vaccine Covishield sản xuất tại Ấn Độ đã được trao tới Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Campuchia Devyani Khobragade, cùng với đại diện các Đại sứ quán Australia, Nhật Bản và Mỹ tại Campuchia, đã cùng trao lô vaccine nói trên tại Cung điện Hòa Bình ở Phnom Penh.
Tuyên bố nêu rõ: “Ấn Độ đã trao lô vaccine này như một phần trong cam kết của Thủ tướng Narendra Modi tặng 500.000 liều vaccine ngừa Covid-19 cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo sáng kiến vaccine của Bộ Tứ”. (Khmer Times)
| Gần 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 Một số nhà nghiên cứu ước tính, gần 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ít nhất một ... |
| Tin thế giới 12/4: Tổng thống Nga khẳng định mục tiêu ở Ukraine là 'cao cả'; Kiev hối EU phải quyết định ngay; New Delhi nói gì về Moscow? Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Nga-Pháp lại 'căng' vụ trục xuất, Đối thoại 2+2 Mỹ-Ấn Độ, Tổng thống Mỹ lên kế hoạch đến châu Á, ... |