Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 13/4 tại Washington D.C. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nêu điều kiện gia hạn thỏa thuận ngũ cốc: Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết “rất khó để nói về việc mở rộng hơn nữa ‘Sáng kiến Biển Đen’ sau ngày 18/5” nếu Moscow không thấy bất kỳ tiến triển nào từ các bên. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga đã nêu một loạt điều kiện để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, bao gồm việc cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Nga kết nối lại với Hệ thống thanh toán SWIFT. Việc cung cấp máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và dịch vụ cũng phải được nối lại.
Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế với các dịch vụ bảo hiểm và tiếp cận cảng, cũng như biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến sản xuất và vận chuyển thực phẩm và phân bón. (AFP)
* Ukraine: “Đã đến lúc biến Biển Đen thành một Biển Baltic mới”: Ngày 13/4, phát biểu trực tuyến tại hội nghị an ninh Biển Đen diễn ra tại thủ đô Bucharest (Romania), Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nhấn mạnh: “Biển Đen đóng vai trò quan trọng để giúp châu Âu có hòa bình và hướng tới tương lai. Đáng buồn thay, đó cũng là minh chứng cho thấy mọi thứ chuyển biến xấu nhanh thế nào nếu mối đe dọa bị xem nhẹ. Đã đến lúc biến Biển Đen thành một Baltic mới, vùng biển của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Ông nhận định rằng các nước cần “cùng nhau giải quyết vấn đề chung của Nga” như tích hợp hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa Ukraine với các đồng minh NATO ở Biển Đen và Biển Baltic. Ngoại trưởng Kuleba nhận định, hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Vilnius (Litva) là cơ hội để thúc đẩy việc Ukraine sớm gia nhập liên minh quân sự này, chứng tỏ “cánh cửa không chỉ mở mà còn có kế hoạch rõ ràng về thời điểm và cách thức Ukraine được kết nạp”. (Reuters)
* Ukraine, Mỹ thảo luận về hỗ trợ quân sự cho Kiev: Ngày 12/4, viết trên Telegram, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm Washington, ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin “về nhu cầu cấp thiết của Ukraine để thực hiện một chiến dịch phản công khác nhằm giải phóng các vùng đất của Ukraine”.
Theo ông, Ukraine cần các hệ thống phòng không, pháo hạng nặng và thiết bị, súng cối và đạn dược. Thủ tướng Shmyhal nhấn mạnh thêm rằng nước này cũng đang trông đợi vào việc Mỹ cung cấp cho họ các tên lửa tầm bắn xa hơn. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng thảo luận về vấn đề đầu tư và hỗ trợ tái thiết quốc gia bị xung đột tàn phá này. (Tân Hoa xã)
* Tài liệu mật rò rỉ của Mỹ: Nga-Ukraine khó hòa đàm năm nay: Theo bản đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ trong tài liệu mật bị rò rỉ, các phân tích cho thấy ngay cả khi Ukraine chiếm lại được lãnh thổ “đáng kể” và gây ra “tổn thất không đỡ nổi cho các lực lượng Nga”, những thắng lợi này sẽ không dẫn đến các cuộc đàm phán hòa binh, ít nhất là trong năm nay.
Một trong số tài liệu rò rỉ có nội dung: “Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột khó có thể xảy ra trong năm 2023 theo tất cả các kịch bản được xem xét”. Những đánh giá trên đây dựa trên số liệu về “quân nhân, vũ khí và thiết bị của mỗi bên”.
Tài liệu này cho rằng xung đột dự kiến sẽ kéo dài, ít nhất là năm 2024. Trong khi đó, theo một quan chức Mỹ giấu tên, quyết định thời điểm đàm phán sẽ tùy thuộc vào Kiev và người Ukraine. (Washington Post/Sputnik)
* Lãnh đạo Hà Lan và Litva thảo luận về Ukraine: Ngày 12/4, Nội các Hà Lan cho biết Thủ tướng Mark Rutte sẽ gặp Tổng thống Litva Gitanas Nauseda ngày 17/4 để thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh của NATO sắp tới ở thủ đô Vilnius và xung đột tại Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo sẽ được tổ chức từ ngày 11-12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva. (Sputnik)
* Thụy Sỹ công bố gói viện trợ bổ sung cho Ukraine: Ngày 13/4, Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis thông báo nước này sẽ cung cấp viện trợ bổ sung trị giá 1,5 tỷ Franc Thụy Sỹ (1,68 tỷ USD) cho Ukraine, muộn nhất vào năm 2028.
Cùng với gói viện trợ 300 triệu Franc Thụy Sỹ (560 triệu USD) giai đoạn 2023-2024, tổng giá trị viện trợ nước này cung cấp cho Ukraine năm 2028 sẽ đạt 1,8 tỷ Franc Thụy Sỹ (2,24 tỷ USD). Trước đó, chính quyền Bern đã hỗ trợ 1,03 tỷ Franc Thụy Sỹ để ủng hộ khoảng 75.000 người dân Ukraine muốn di cư tới Thụy Sỹf. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Viện trợ Ukraine: WB 'mở ví' cấp 200 triệu USD, lộ chi phí vực dậy nền kinh tế, Thụy Sỹ hứa gửi thêm tiền |
Mỹ-Trung
* Trung Quốc trừng phạt nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan: Ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với nghị sĩ Michael McCaul - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - do “can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc và thực hiện chuyến thăm Đài Loan.
Trong một diễn biến liên quan, 9 giờ tối cùng ngày (giờ địa phương), cơ quan phụ trách giao thông Đài Loan sẽ yêu cầu các hãng vận tải đường biển và hàng không tránh xa khu vực Trung Quốc đang thực hiện hoạt động hàng không vũ trụ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Sự ‘dè chừng’ của giới đầu tư công nghệ Mỹ-Trung |
Nga-Trung
* Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga về Afghanistan: Ngày 13/4, trả lời họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran, Pakistan và Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ và tham gia định dạng Moscow do Nga khởi xướng. Chúng tôi sẵn sàng tương tác chặt chẽ hơn với phía Nga theo cơ chế phối hợp và hợp tác giữa các nước láng giềng của Afghanistan”.
Cùng ngày, Hội nghị Ngoại trưởng các láng giềng Afghanistan lần thứ tư đã diễn ra tại Samarkand (Uzbekistan). Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã góp mặt tại hội nghị.
Các bên sẽ thảo luận về vấn đề Afghanistan, cách thức phát triển một cách tiếp cận chung trong khu vực và thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa các quốc gia tại các hội nghị trước đó. Hội nghị gần đây nhất theo hình thức này đã được tổ chức tại thành phố Đồn Khê của Trung Quốc vào tháng Ba năm ngoái. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ giải mật vụ rút quân khỏi Afghanistan: Nói bị đặt vào tình thế bất khả kháng, chính quyền của ông Trump 'dính vạ' |
Đông Nam Á
* Indonesia bắt giữ và tiêu diệt thêm 6 đối tượng khủng bố: Ngày 13/4, ông Aswin Siregarcho, người phát ngôn của đơn vị chống khủng bố của Indonesia Densus 88 biết đã hoàn thành kế hoạch đột kích vào một nhóm 6 nghi can khủng bố tại Lumpung. Theo đó, 2 đối tượng đã bị tiêu diệt, 4 nghi can khủng bố khác đang bị giam giữ để khai thác thông tin. Nhóm này được cho là có liên hệ với nhóm Jamaah Islamiah ở Lampung. Ông Aswin không tiết lộ danh tính của cáckẻ khủng bố do tiếp tục mở rộng điều tra phát hiện đối tượng khác có liên quan.
Theo ông Aswin, trong quá trình triển khai chiến dịch, 1 thành viên của lực lượng Densus 88 đã bị thương. Tuy nhiên, hiện sức khỏe của người này đã ổn định. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thụy Điển bất ngờ đóng cửa Đại sứ quán tại Islamabad, lý do là gì? |
Đông Bắc Á
* Trung Quốc ban hành quy tắc mới tuyển mộ binh lính thời chiến: Ngày 12/4, Trung Quốc đã ban hành quy định mới trong công tác tuyển mộ binh lính thời chiến, ưu tiên các cựu chiến binh. Các quy tắc mới được công bố cho hay công tác tuyển dụng cần “tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh”và tăng hiệu quả bằng cách tuyển tân binh “có năng lực cao”.
Đây là một phần của sửa đổi về điều khoản tuyển dụng do Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) thông qua đầu tháng. Sửa đổi sẽ có hiệu lực ngày 1/5 tới. Cụ thể, lần đầu tiên, một chương riêng về tuyển quân thời chiến được đưa vào quy định, nêu rõ các cựu quân nhân sẽ được ưu tiên và có khả năng được tuyển mộ vào đơn vị ban đầu của họ hoặc vị trí tương tự.
Ngày 13/4, CMC ban hành bảng câu hỏi và trả lời (Q&A) để giải thích việc bổ sung chương “tuyển dụng thời chiến” vào quy định quân đội. Một quan chức CMC cho hay: “Để bảo đảm việc thay quân bình thường và nhu cầu bổ sung binh lính thời chiến, các quy định tham khảo thông lệ chung của nhiều quốc gia khác nhau ... và lập một chương đặc biệt để điều chỉnh vấn đề tuyển dụng thời chiến”.
Các công dân nhận được giấy báo tuyển quân trong thời chiến phải đến địa điểm nhập ngũ đúng thời gian quy định, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định sửa đổi lần cuối năm 2001. Trong thời chiến, theo quy định, Quốc vụ viện và CMC có thể điều chỉnh các điều kiện và phương thức tuyển dụng “trong phạm vi quy định của pháp luật”. Việc sửa đổi là một phần trong nỗ lực liên tiếp của Bắc Kinh để điều chỉnh và cải thiện hệ thống pháp luật, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho các quy định thời chiến trước nhiều mối nguy cơ gia tăng. (SCMP)
* Nhật Bản, Mỹ tập trận chung ở Biển Nhật Bản: Ngày 13/4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo: “Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ đã tiến hành diễn tập huấn luyện chung, trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng, khi mà Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng là tên lửa đạn đạo lớp ICBM từ góc cao”.
Cùng ngày, Nhật Bản đã bảo vệ quyết định gửi cảnh báo về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên tới hàng triệu người tại Hokkaido, khẳng định rằng “an toàn là sự ưu tiên hàng đầu”. Trước đó, cảnh báo lúc 8h00 ngày 13/4 đã kích hoạt còi báo động ở Hokkaido và gửi tin nhắn tự động đến điện thoại hơn 5 triệu người dân ở khu vực, hối thúc họ tìm nơi trú ẩn sau khi Triều bắn một loại tên lửa đạn đạo mới. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết báo động đã tắt vào lúc 8h16 sau khi có thông tin cập nhật về quỹ đạo của tên lửa. Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tên lửa đã rơi lúc 8h19. (Reuters)
* Hàn-Mỹ-Nhật điện đàm chỉ trích Triều Tiên: Ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong các Đặc phái viên hạt nhân nước này, Mỹ và Nhật Bản đã điện đàm ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa hướng về biển Nhật Bản.
Trong các cuộc điện đàm, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn cùng những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản, ông Sung Kim và ông Funakoshi Takehiro, đã chỉ trích Triều Tiên đã tiếp tục “vi phạm trắng trợn” nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các quan chức cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về mức độ khiêu khích chưa từng có cũng như phát ngôn đe dọa của Triều Tiên từ năm 2022. Đồng thời, nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ để có phản ứng quốc tế thống nhất đối trước các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên phóng tên lửa, Nhật Bản báo động, triệu tập họp chính phủ khẩn |
Châu Âu
* Tổng thống Nga chỉ thị tăng cường sản xuất vệ tinh nội địa: Ngày 12/4, tại một sự kiện long trọng ở Điện Kremlin nhân Ngày quốc tế con người bay vào không gian, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Chúng ta cần tập trung vào việc sử dụng không gian gần Trái đất. Để làm được điều này, cùng với việc kinh doanh công nghệ, cần tăng đáng kể việc sản xuất vệ tinh.
Chuyển từ chế tạo–thử nghiệm sang lắp ráp dây chuyền. Những nhiệm vụ như vậy đang được giải quyết trên thế giới, và đương nhiên, chúng ta cũng có thể giải quyết chúng”. Ông cũng nhận định rằng hiện xứ bạch dương đang có các giải pháp độc đáo trong quốc phòng và vũ trụ, đồng thời lưu ý tiềm năng các ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.
Trước đó, ngày 24/1, Giám đốc điều hành tập đoàn Roskosmos, ông Yuri Borisov tuyên bố Nga cần mở rộng nhóm vệ tinh bay trên quỹ đạo lên 1.000 vệ tinh năm 2030, đồng nghĩa rằng Nga cần sản xuất 200-250 vệ tinh/năm. Theo ông, Nga hiện sản xuất ít hơn nhiều và đây là thách thức với ngành vũ trụ Nga. (TTXVN)
* Nga: Nguy cơ đụng độ với NATO tại khu vực đang gia tăng: Ngày 13/4, trả lời báo chí trong nước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói: “Thật không may, những rủi ro đang gia tăng. Mọi người đều nhận thức được nguy cơ này”. Viện dẫn tình hình ở vùng Baltic, ông cho rằng NATO đã biến khu vực này thành “một khu vực cạnh tranh về quân sự”. Quan chức ngoại giao Nga nhận định: “Sau khi các nước vùng Baltic gia nhập, NATO liên tục biến khu vực yên tĩnh nhất này thành khu vực gia tăng hoạt động quân sự. Mọi chuyện bắt đầu năm 2004, khi khối quyết định tiến hành chiến dịch tuần tra không phận các nước liên minh”.
Theo ông, Nga đã đề xuất một số biện pháp nhằm bình thường hóa tình hình, nhưng NATO đã không xem xét. Ông cũng cảnh báo nguy cơ va chạm tăng lên nhiều lần khi Phần Lan tham gia liên minh quân sự này. (Sputnik)
* Nga sẽ đáp trả quyết định trục xuất của Na Uy: Ngày 13/4, TASS (Nga) dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho hay nước này sẽ đáp trả việc Na Uy trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga. Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga, coi đây là các sĩ quan tình báo hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao.
Thông báo nhấn mạnh: “Quyết định của chính phủ (Na Uy) là nhằm phản ứng trước tình hình an ninh biến động ở châu Âu, vốn dẫn đến tình trạng gia tăng mối đe dọa tình báo từ phía Nga”. (Reuters)
* Đức: Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống: Ngày 13/4, phát biểu trước thềm chuyến thăm Trung Quốc sắp tới, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Đối tác, đối thủ cạnh tranh, đối thủ mang tính hệ thống - đó là kim chỉ nam cho chính sách đối với Trung Quốc của châu Âu. Kim sẽ xoay theo hướng nào trong tương lai phụ thuộc vào con đường Trung Quốc lựa chọn.”
Bà cho biết trong chiến lược mới, Đức sẽ tính đến vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Theo Ngoại trưởng Annalena Baerbock, bài toán của Berlin sẽ là “cân bằng hợp lý mối quan hệ tương lai” với Bắc Kinh, đối tác thương mại và cường quốc mong muốn “định hình trật tự thế giới theo ý tưởng riêng.”
Ngoại trưởng Đức cũng cho biết bà muốn tìm kiếm các cơ hội để hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc trong việc thúc đẩy các nhà hoạt động tại nước này, bảo vệ khí hậu và trong các lĩnh vực định hướng tương lai như năng lượng tái tạo.
Khi tới Trung Quốc ngày 13/4, Ngoại trưởng Baerbock trước tiên sẽ đến Thiên Tân, cách Bắc Kinh khoảng nửa giờ đi tàu. Đây là nơi có cảng container lớn nhất miền Bắc Trung Quốc và lớn thứ 6 thế giới, địa điểm quan trọng với các công ty Đức khu vực. Sau đó, bà sẽ hội đàm tại Bắc Kinh với người đồng cấp Tần Cương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính. (TTXVN)
* Phần Lan kết thúc cuộc tập trận đầu tiên sau khi vào NATO: Ngày 13/4, Hải quân Phần Lan cho biết tàu FGS Mecklenburg-Vorpommern của Đức và tàu khu trục NRP Bartolomeu Dias của Bồ Đào Nha sẽ neo tại Helsinki tới ngày 16/4.
Trước khi cập cảng, các tàu đã tham gia một cuộc tập trận do Hạm đội Duyên hải Phần Lan tổ chức ở Vịnh Phần Lan, cùng với 3 tàu Phần Lan. Đây là “lần đầu tiên” Phần Lan và Hạm đội Duyên hải tập trận kể từ khi Helsinki gia nhập NATO. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Đức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, 'nóng' vấn đề Đài Loan? |
Châu Mỹ
* Canada, Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác an ninh: Ngày 13/4, một nguồn tin từ quan chức Ottawa cho biết Ngoại trưởng Canada Melanie Joly sẽ thông báo về thỏa thuận chia sẻ thông tin an ninh trong chuyến thăm chính thức Seoul tuần này. Thỏa thuận cho phép chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quốc phòng ở mức độ cao hơn, mở đường cho công ty Canada tham gia một số hợp đồng mua sắm.
Nguồn tin cũng khẳng định: “Trước những thách thức hiện nay đối với an ninh toàn cầu và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, sự hợp tác này càng quan trọng hơn”. Tháng 10/2022, Canada đã đưa ra thông báo tương tự về một thỏa thuận chia sẻ thông tin với Nhật Bản. Sau Seoul, bà Joly sẽ có chuyến thăm Tokyo. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Trừng phạt Nga: Anh điền thêm 11 cái tên mới, Canada gây áp lực cho đồng minh thân cận của Moscow |
Trung Đông-Châu Phi
* Saudi Arabia và Syria tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình Syria: Ngày 12/4, theo Arab News, tại cuộc gặp cùng ngày ở Jeddah (Saudi Arabia) Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad và người đồng cấp nước chủ nhà Hoàng tử Faisal bin Farhan đã thảo luận nỗ lực chung về một giải pháp chính trị cho tình hình Syria nhằm duy trì sự thống nhất, an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Tuyên bố chung cũng hoan nghênh Riyadh và Damascus đã bắt đầu các thủ tục nối lại dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay giữa hai nước.
Hai Ngoại trưởng nhất trí về tầm quan trọng của giải quyết các thách thức nhân đạo và tạo môi trường phù hợp để hàng viện trợ đến được tất cả các khu vực ở Syria. Trong số các chủ đề nhân đạo được thảo luận, hai bên đã trao đổi về các giải pháp nhằm tạo điều kiện thích hợp để người tị nạn Syria và những người di tản trong nước hồi hương một cách an toàn. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh và chống khủng bố dưới mọi hình thức, hợp tác chống buôn lậu và buôn bán ma túy.
Ông Mekdad đánh giá cao nỗ lực của Saudi Arabia giúp chấm dứt khủng hoảng ở Syria, cũng như nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo và hàng cứu trợ cho người bị ảnh hưởng bởi động đất hôm 6/2 vừa qua.
| Khối Arab sắp nhóm họp ngoại trưởng, bàn chuyện đưa Syria 'về nhà' Ngày 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari cho biết, Saudi Arabia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị ngoại trưởng các ... |
| Sau 12 năm, một Ngoại trưởng Syria đến Saudi Arabia, hai nước báo một tin vui Hãng thông tấn chính thức (SANA) của Syria đưa tin, Ngoại trưởng nước này Faisal Mekdad đã đến Saudi Arabia ngày 12/4. |
| Thỏa thuận Saudi Arabia-Iran: Lợi ích bất ngờ Giới quan sát cho rằng một Trung Đông ổn định hơn sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ, ngay cả khi Trung Quốc thực hiện ... |
| Tình hình Ukraine: Ông Zelensky biên thư gửi Thủ tướng Ấn Độ, tiếp tục 'điệp khúc' F-16, tài liệu mật bị rò rỉ tiết lộ số tổn thất thực Ukraine tiếp tục các nỗ lực ngoại giao quốc tể để tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và nhân đạo trong bối cảnh xung ... |
| Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc 'rần rần' trước việc Triều Tiên phóng tên lửa, Bình Nhưỡng 7 ngày liến tiếp 'ngó lơ' Seoul Ngày 13/4, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng về vụ phóng tên lửa sáng sớm cùng ngày của Triều Tiên ra vùng ... |