Tàu khu trục Gorshkov, tàu ngầm hạt nhân Kazan, tàu chở dầu Pashin và tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker của Nga thăm Cuba. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Philippines tố Trung Quốc tăng số tàu đến Biển Đông: Philippines cáo buộc Trung Quốc trong tuần này đã gia tăng số lượng tàu hoạt động ở Biển Đông, trước khi Bắc Kinh khởi động chính sách bắt giữ người nước ngoài bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải, bắt đầu từ ngày 15/6.
Người phát ngôn Hải quân Philippines - Thiếu tướng Roy Vincent Trinidad - ngày 11/6 cho biết 146 tàu Trung Quốc, trong đó có 22 tàu chiến, đã bị phát hiện ở Biển Tây Philippines (thuật ngữ của Manila để chỉ một phần Biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines). Con số này tăng so với 125 tàu trong tuần trước.
Hải quân Philippines cũng cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng ở Biển Đông nếu Trung Quốc thực hiện kế hoạch bắt giữ người nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Các quy định mới của Trung Quốc cho phép Hải cảnh giam giữ người nước ngoài xâm nhập vào biên giới nước này, kể cả ở Biển Đông, trong thời gian tối đa 60 ngày.(SCMP)
*Trung Quốc sẵn sàng nâng cấp quan hệ với New Zealand: Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 13/6 đưa tin Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Wellington hướng tới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - New Zealand.
Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp nước chủ nhà Christopher Luxon, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định Bắc Kinh cũng sẵn sàng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với Wellington về giáo dục, văn hóa và những hoạt động giao lưu khác.
Ông Lý Cường lưu ý trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, cả Trung Quốc và New Zealand đều hết sức coi trọng phát triển quan hệ song phương và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. (Reuters)
*Nhật Bản và Triều Tiên bí mật đàm phán về bắt cóc con tin: Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc ngày 13/6 dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ Nhật Bản và Triều Tiên đã tiến hành cuộc họp kín tại Mông Cổ vào giữa tháng 5 vừa qua, xoay quanh nỗ lực của Tokyo nhằm giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ.
Hôm 11/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố tăng cường nỗ lực xúc tiến hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhằm đưa những người bị bắt cóc trở về, đồng thời cam kết sẽ “thúc đẩy những cuộc đàm phán song phương cấp cao” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông.
Cuộc gặp bí mật nói trên diễn ra bất chấp việc em gái của ông Kim Jong Un là bà Kim Yo Jong, quan chức cấp cao trong Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, hồi tháng 3 tuyên bố từ chối mọi liên hệ hoặc đàm phán với phía Nhật Bản. (Yonhap)
Châu Âu
*Đức bất ngờ phản đối gói trừng phạt mới chống Nga: Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 12/6 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) trên thực tế đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, song động thái này đã bất ngờ vấp phải sự phản đối từ Berlin.
DPA dẫn nguồn tin trên tiết lộ những nghi ngờ của Đức chủ yếu liên quan đến các biện pháp được soạn thảo nhằm gây khó khăn hơn cho nỗ lực “lách” các biện pháp trừng phạt. Berlin đang kêu gọi hạn chế hoặc từ bỏ hoàn toàn những biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Quan điểm này dựa trên lo ngại rằng các doanh nghiệp Đức có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. (DPA)
*Nga thực hành phóng tên lửa điện tử trong tập trận hạt nhân chiến thuật: Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trong khuôn khổ giai đoạn 2 cuộc tập trận về cách thức triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, quân đội nước này đã thực hành phóng tên lửa điện tử.
Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ: “Trong khuôn khổ giai đoạn 2 cuộc tập trận của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược, đội ngũ quân nhân của một đơn vị tên lửa thuộc Quân khu Leningrad đã thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, qua đó bí mật tiến tới vị trí được chỉ định và thực hiện những vụ phóng tên lửa điện tử nhằm vào các mục tiêu của đối phương”.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, “các quân nhân trong lực lượng hải quân tham gia tập trận thực hiện những chuyến đi biển đến khu vực tuần tra được chỉ định”. (Sputniknews)
*Loạt quốc gia EU kêu gọi hạn chế đi lại của các nhà ngoại giao Nga: Trong lá thư chung mới đây gửi người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, Ngoại trưởng 8 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Czech, Ba Lan, Romania, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Lithuania và Latvia, kêu gọi EU cấm các nhà ngoại giao Nga đi lại tự do trong liên minh này và hạn chế đến các quốc gia mà họ được công nhận.
Ngọai trưởng 8 quốc gia tin rằng EU cần "tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc có đi có lại và hạn chế việc đi lại để các thành viên các phái đoàn ngoại giao Nga và gia đình chỉ được đến lãnh thổ một quốc gia công nhận họ". Theo các ngoại trưởng EU, biện pháp này"sẽ thu hẹp đáng kể không gian hoạt động của các đặc vụ Nga". (AFP)
*G7 “hy vọng” đạt được thỏa thuận tài trợ cho Ukraine: Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết G7 đã đạt được tiến bộ “rất tốt” trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine và các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong ngày hôm nay tại Hội nghị thượng đỉnh ở Italy.
Thỏa thuận dự kiến sẽ bao gồm một khoản vay trị giá 50 tỷ USD cho Kiev, được đảm bảo nhờ lợi nhuận trong tương lai từ tiền lãi 300 tỷ euro (325 tỷ USD) tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. (AFP)
*Ukraine xác nhận sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ LB Nga: Ngày 13/6, Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo (GUR) trực thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Kirill Budanov xác nhận về việc các cuộc tấn công sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ LB Nga.
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenbergđã công bố kế hoạch các nước thành viên liên minh cung cấp thường xuyên và bắt buộc các gói hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp liên tục đạn pháo 155 mm, hệ thống tên lửa HIMARS 227 mm, hơn 50-70 tên lửa ATACMS hàng tháng trong hơn ba năm, tên lửa SCALP-EG và xe bọc thép.
Các chuyên gia lưu ý rằng việc cung cấp tên lửa ATACMS có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa và tên lửa SCALP-EG có độ chính xác cao tạo ra mối đe dọa khá nghiêm trọng với LB Nga.(Reuters)
Trung Đông – châu Phi
*Hamas bảo vệ quyết định điều chỉnh đề xuất ngừng bắn: Một lãnh đạo cấp cao của Hamas ngày 13/6 khẳng định những yêu cầu điều chỉnh mà lực lượng này đưa ra đối với đề xuất ngừng bắn do Mỹ công bố là “không đáng kể”.
Theo đó, Hamas yêu cầu chọn danh sách 100 tù nhân Palestine có mức án cao được trả tự do từ các trại giam của Israel. Hamas phản đối Israel loại bỏ danh sách này trong dự thảo thỏa thuận, cũng như việc Tel Aviv không chấp nhận giới hạn thời gian trả tự do cho các tù nhân có mức án cao xuống không quá 15 năm.
Trước đó, ngày 12/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hamas đã đề xuất nhiều thay đổi với dự thảo thỏa thuận do Washington hậu thuẫn, và một số trong đó không thể thực hiện được. Tuy nhiên, các nhà hòa giải đã quyết tâm thu hẹp bất đồng. (Al Jazeera)
*Israel hứng chịu khoảng 40 quả rocket từ Lebanon: Còi báo động không kích đã vang lên khắp các thành phố ở miền Bắc Israel trong ngày 13/6, khi các quan chức nước này cho biết khoảng 40 quả rocket đã được phóng từ Lebanon vào buổi chiều cùng ngày.
Đài truyền hình Kan đã phát sóng cảnh quay về nhiều vụ đánh chặn tên lửa giữa không trung phía trên các thị trấn của Israel, bao gồm cả ở Safed, cách biên giới khoảng 12 km.
Cơ quan cứu thương quốc gia Israel cho biết có 2 người bị thương do mảnh vỡ từ các quả rocket.
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ lo ngại rằng giao tranh dọc biên giới Israel-Lebanon có thể trở thành một cuộc chiến toàn diện, đồng thời kêu gọi hướng đến các thỏa thuận an ninh mới. (Al Zareera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ dõi theo nhóm tàu Nga thăm Cuba: Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 12/6 thừa nhận Mỹ đang theo dõi sát sao nhóm tàu quân sự Nga cập cảng Cuba cùng ngày, tuy nhiên, ông khẳng định đây là hoạt động thường lệ.
Chuyến thăm Cuba của nhóm tàu Nga - gồm tàu khu trục Gorshkov, tàu ngầm hạt nhân Kazan, tàu chở dầu Pashin và tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker - diễn ra giữa lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc xem có thể tiến thêm bao xa để hỗ trợ Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy phương Nam của quân đội Mỹ (SOUTHCOM) khẳng định sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi vị trí nào, song tập trung cao độ cho sứ mệnh quốc phòng.
Giáo sư William Leogrande của Đại học Mỹ cho rằng động thái cử tàu chiến đến Cuba là cách Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở người đồng cấp Biden rằng Moscow có thể thách thức Washington trong phạm vi ảnh hưởng của mình. (AFP)
*Dư luận đánh giá cao Tổng thống Biden hơn người tiền nhiệm Trump: Theo kết quả thăm dò mới của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 12/6 cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Bidennhận được nhiều đánh giá tích cực trên toàn cầu hơn cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong khi những người được khảo sát tin tưởng ông Biden hơn người tiền nhiệm Trump ở 24 quốc gia, thì cựu Tổng thống Mỹ chỉ dẫn đầu ở Hungary và Tunisia, và không có sự khác biệt đáng kể ở 8 quốc gia còn lại. Cả hai người đều nhận được xếp hạng tín nhiệm cao nhất ở Philippines, cụ thể là ông Biden đạt 77% và ông Trump đạt 68%.
Xu hướng uy tín đi xuống của cả 2 chính trị gia dường như phù hợp với sự suy giảm niềm tin vào Mỹ trong vai trò của một nền dân chủ mẫu mực. Báo cáo ghi nhận ở tất cả các quốc gia được khảo sát, khoảng 4 trong số 10 người được hỏi cho rằng mặc dù Mỹ từng là hình mẫu về dân chủ trên toàn cầu, song nhận định đó hiện không còn đúng nữa. (Reuters)