Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) ngày 23/10/2024. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Mỹ-Campuchia sắp đàm phán nối lại tập trận chung: Tờ Phnom Penh Post đưa tin, tại cuộc gặp ngày 13/1 với Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) – Đại tướng Vong Pisen, Tùy viên Quốc phòng Mỹ tại Campuchia Kyle Saltzman cho biết các cuộc thảo luận về việc nối lại cuộc tập trận chung “Người gác đền Angkor” (Angkor Sentinel) giữa Mỹ và Campuchia có thể diễn ra vào tháng 2.
Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, mô tả các cuộc thảo luận về việc nối lại tập trận chung là dấu hiệu tích cực cho thấy quan hệ Mỹ-Campuchia đang được cải thiện. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng do những bất đồng về vấn đề dân chủ và việc Campuchia thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. (Phnom Penh Post)
Tin liên quan |
Viễn cảnh bán đảo Triều Tiên khi ông Trump trở lại |
*Hàn Quốc thẩm vấn tướng lĩnh quân đội về vụ thiết quân luật: Ngày 14/1, một ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc đã tiến hành phiên thẩm vấn đầu tiên đối với các quan chức Bộ Quốc phòng và các chỉ huy quân đội, những người được cho là có liên quan đến việc Tổng thống Yoon Suk Yeol áp đặt thiết quân luật hồi tháng trước.
Các nhân chứng chính, bao gồm Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Park An-su - người từng giữ chức Tư lệnh thiết quân luật, và Trung tướng Kwak Jong-keun, Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt lục quân, đã có mặt tại phiên thẩm vấn. Tư lệnh Bộ Tư lệnh phản gián quốc phòng Trung tướng Yeo In-hyung, người bị nghi ngờ đã điều quân tới Quốc hội và Ủy ban bầu cử quốc gia, đồng thời ra lệnh bắt giữ các lãnh đạo đảng cầm quyền và đảng đối lập chính, đã không có mặt tại phiên thẩm vấn. (Yonhap)
*Nhật Bản đón phái đoàn quân sự Trung Quốc: Ngày 14/1, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết phái đoàn Trung Quốc, gồm các quan chức Chiến khu miền Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đến thăm các đối tác Nhật Bản và giới chức quốc phòng cấp cao nước chủ nhà từ ngày 13-17/1.
Chuyến thăm diễn ra sau khi các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc gặp nhau vào tháng 11/2024 tại Lào bên lề một hội nghị quốc phòng khu vực, nơi họ đã nhất trí tăng cường trao đổi giữa các binh sĩ.
Ông Hayashi nhận định: "Lần đầu tiên sau 5 năm, các cuộc trao đổi giữa binh sĩ hai bên được khôi phục. (AFP)
*Philippines phản đối Trung Quốc triển khai "tàu quái vật" ở Biển Đông: Ngày 14/1, Philippines tuyên bố việc Trung Quốc triển khai tàu tuần duyên 5901 lớn nhất của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila là điều đáng báo động và rõ ràng nhằm đe dọa ngư dân hoạt động quanh một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Philippines Jonathan Malaya nhấn mạnh: “Chúng tôi ngạc nhiên về hành động ngày càng gia tăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi triển khai tàu 'quái vật'”.
Ông Malaya khẳng định Manila sẽ tiếp tục phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này. (Reuters)
*Hàn Quốc họp khẩn về vụ Triều Tiên phóng tên lửa: Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 14/1 đã triệu tập cuộc họp để thảo luận về vụ Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông.
Trong thông cáo gửi báo giới, phát ngôn viên Phủ Tổng thống cho biết : "Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ động thái của Triều Tiên và duy trì sẵn sàng kiên quyết đáp trả mọi hành động khiêu khích".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng nay, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức. Vụ phóng hôm 14/1 là vụ phóng tên lửa thứ hai của Bình Nhưỡng trong năm nay, sau khi nước này tuyên bố đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm vào tuần trước. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga và Belarus tổ chức diễn tập chỉ huy chung: Bộ Quốc phòng Belarus ngày 14/1 xác nhận hoạt động huấn luyện tham mưu của Bộ Tư lệnh lực lượng chung giữa quân đội Belarus và Nga sẽ được tổ chức ở Minsk nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Nhà nước Liên minh.
Theo Bộ Quốc phòng Belarus, từ ngày 14 đến 16/1, đại diện các lực lượng vũ trang Belarus và Nga sẽ công bố một trong những phương án sử dụng các nhóm quân trong quá trình hiệp đồng tác chiến tại các điểm kiểm soát cố định.
Bộ trên cho biết cuộc diễn tập này là một phần không thể thiếu trong loạt biện pháp chuẩn bị cho cuộc tập trận chiến lược chung Zapad-2025 được tổ chức trong năm nay trên lãnh thổ Belarus. (Sputniknews)
*Ukraine áp đặt trừng phạt 140 thực thể tài chính Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với 140 thực thể trong lĩnh vực tài chính của Nga, bao gồm Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) - đơn vị vận hành hệ thống thanh toán Mir.
Sắc lệnh này đã được công bố trên trang web của ông Zelensky. Theo nội dung văn bản, các biện pháp trừng phạt được áp đặt trong thời hạn 10 năm đối với 96 pháp nhân và 75 cá nhân.
Ngoài NSPK, danh sách trừng phạt còn có nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền Zolotaya Korona. (Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Belarus ra lệnh cho quân đội, gợi mở khả năng đón tên lửa 'bom tấn' Oreshnik |
*Nga tuyên bố thỏa thuận đối tác với Iran không nhắm vào nước thứ 3: Ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hiệp ước đối tác chiến lược giữa Nga và Iran sẽ không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào khác.
Điện Kremlin hôm 13/1 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ hội đàm tại Moscow vào ngày 17/1, sau đó hai bên sẽ ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện.
Liên quan đến vấn đề Ukraine, ông Lavrov bày tỏ Nga sẵn sàng nghiên cứu các sáng kiến hòa bình về Ukraine của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi ông này nhậm chức vào tuần tới. Theo ông, Nga hoan nghênh việc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump bắt đầu nói về "thực tế trên thực địa" khi thảo luận về Ukraine. (Reuters)
*Thêm một tuyến cáp ngầm nối Phần Lan và Thụy Điển bị hư hại: Bộ trưởng Phòng thủ dân sự Thụy Điển Karrl-Oskar Bohlin ngày 14/1 cho biết một tuyến cáp ngầm khác giữa Thụy Điển và Phần Lan ở Biển Baltic đã bị hư hỏng chưa rõ nguyên nhân.
Trong tuyên bố, Bộ trưởng Bolin cho hay các vết kéo lê mỏ neo đã được xác định, đồng thời xác nhận vụ việc có liên quan đến một tàu biển, nhưng ông không đề cập đến khả năng liệu đây có phải là một sự cố có chủ ý hay không.
Ngày 25/12 năm ngoái, đường dây truyền tải điện Estlink 2 nối Phần Lan và Estonia đã ngừng hoạt động. Cảnh sát Phần Lan nghi con tàu treo cờ Quần đảo Cook Eagle S đã làm hỏng tuyến cáp này do kéo lê mỏ neo dưới đáy biển.
Trong hai ngày 25-26/12, thêm 4 tuyến cáp viễn thông dưới Biển Baltic bị đứt, 3 trong số đó nối Phần Lan với Estonia, tuyến còn lại nối Phần Lan với Đức. (AFP)
*Nga ngăn chặn âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào doanh nghiệp quốc phòng: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 14/1 thông báo đã ngăn chặn được một cuộc tấn công khủng bố do tình báo Ukraine lên kế hoạch liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại để đầu độc công nhân tại một doanh nghiệp quốc phòng thuộc vùng Yaroslavl.
FSB cũng cho biết các hoạt động của kẻ khủng bố này được điều phối từ lãnh thổ Ukraine thông qua các ứng dụng nhắn tin trên Internet nước ngoài, với bằng chứng là các thông tin thu được từ các thiết bị liên lạc của nghi phạm.
Năm 2023, FSB đã bắt giữ một đặc vụ của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), đối tượng đã tìm cách đầu độc binh sĩ Nga trong một sự kiện ở thành phố Armavir của Armenia. Năm 2024, 4 công dân Nga do tình báo quân sự Ukraine tuyển mộ đã bị bắt ở thành phố Sankt Peterburg khi đang lên kế hoạch đầu độc thông qua thực phẩm dành cho quân nhân Nga. (Sputniknews)
Trung Đông-châu Phi
*Iran và Nga có thể hình thành liên minh chống phương Tây: Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban kinh tế Quốc hội Iran Jafar Qaderi ngày 14/1 cho rằng Iran và Nga có thể đóng vai trò là hình mẫu để truyền cảm hứng cho các quốc gia khác thành lập một liên minh mạnh mẽ hơn chống lại các cường quốc phương Tây.
Trước đó một ngày, Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali cho biết Nga và Iran gần đây đã hoàn tất một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm nội dung về tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và gồm 47 điều khoản.
Vào tháng 12 năm ngoái, ông Jalali tuyên bố Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian sẽ đến thăm Nga vào ngày 17/1/2025 để ký hiệp ước. (Al Jazeera)
*Sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza: Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ đang tiến rất gần đến một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza và giải cứu con tin giữa Israel và Hamas.
Tuy nhiên, ông Sullivan cũng thận trọng không đưa ra bất kỳ cam kết hay dự đoán cụ thể nào. Theo nguồn tin từ tờ The Hill, một quan chức Israel xác nhận thỏa thuận đang ở giai đoạn cuối nhưng chưa hoàn tất.
Hiện ông Brett McGurk, quan chức cấp cao phụ trách khu vực Trung Đông của Nhà Trắng, đang có mặt tại Qatar để thúc đẩy đàm phán. Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cũng đang phối hợp trong tiến trình này.(Reuters)
*Iran bắt giữ thành viên IS: Hãng thông tấn Tasnim của Iran ngày 14/1 đưa tin, cơ quan thực thi pháp luật nước này đã bắt giữ một thành viên của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở tỉnh Mazandaran miền Bắc Iran.
Theo Tasnim, nghi phạm đã bị bắt giữ tại huyện Juybar trong một chiến dịch chung giữa các đơn vị chống khủng bố của tỉnh Mazandaran và tỉnh lân cận Golestan. Thông tin về nghi phạm không được công bố và nghi phạm đã được giao cho cơ quan tư pháp.
Vào tháng 10 năm ngoái, 3 thành viên IS đã bị bắt tại quận Nowshahr của tỉnh Mazandaran trước khi những đối tượng này có thể thực hiện một cuộc tấn công vào một khu phức hợp du lịch nổi tiếng. (Tasnim)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 14/1 lên án việc Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông của nước này, đồng thời tiến hành tham vấn chặt chẽ với phía Hàn Quốc và Nhật Bản về các sự kiện gần đây.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định sự kiện này không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nhân sự, lãnh thổ hoặc các đồng minh của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Trước đó cùng ngày, Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra phía bờ biển phía Đông của nước này, đánh dấu màn phô trương sức mạnh mới nhất của Bình Nhưỡng, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền. (Reuters)
*Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố muốn "sớm" gặp ông Putin: Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của kênh truyền hình Newsmax, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt.
Ông Trump nhấn mạnh: "Tôi biết ông ấy muốn gặp và tôi sẽ gặp ông ấy rất sớm. Tôi đã có thể làm việc này sớm hơn nhưng... phải vào nhiệm sở đã. Với một số việc, bạn thực sự phải có mặt ở đó".
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump, ông Mike Waltz, nói với hãng tin ABC News rằng các cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống đắc cử Mỹ có thể diễn ra trong tương lai gần.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp mới của Mỹ mà không đặt ra điều kiện tiên quyết nào. (TASS)
*Ông Trump sẽ bị kết tội nếu không đắc cử nhiệm kỳ hai: Theo một báo cáo của công tố viên đặc biệt Jack Smith được truyền thông Mỹ trích dẫn sáng sớm 14/1, Tổng thống đắc cử Donald Trump lẽ ra bị kết tội với cáo buộc nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử hồi năm 2020 nếu ông không đắc cử 4 năm sau đó.
Báo cáo nêu rõ: "Quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ rằng Hiến pháp nghiêm cấm việc tiếp tục truy tố và xét xử một Tổng thống là tuyệt đối và không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội danh, sức mạnh của bằng chứng từ phía Chính phủ, hay giá trị của việc truy tố mà Văn phòng Công tố viên đặc biệt hoàn toàn ủng hộ". (AFP)
*Khả năng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại Greenland: Alexander Stepanov, Giám đốc chương trình tại Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định việc Mỹ giành được quyền kiểm soát Greenland sẽ cho phép Washington triển khai các tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân và vũ khí có độ chính xác cao tại hòn đảo này mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Ông Stepanov lập luận: Nếu Mỹ giành được quyền kiểm soát hòn đảo này, các nhóm đa nhiệm được trang bị vũ khí có độ chính xác cao, bao gồm tên lửa siêu thanh Dark Eagle cũng như một căn cứ hải quân cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia hoặc tàu ngầm dự án SSNX mang tên lửa siêu thanh trên biển, rất có thể sẽ được triển khai tại đây".
Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng Greenland chiếm 30% trữ lượng khí đốt chưa khai thác của thế giới mà tình trạng băng tan sẽ giúp tiếp cận dễ dàng hơn. (TASS)
| Ukraine tấn công sân bay Nga bằng tên lửa Mỹ, Washington nói Moscow sắp phóng thêm tên lửa Oreshnik Quân đội Nga cho biết Ukraine đã tấn công một sân bay ở miền Nam nước Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung ... |
| Vụ Triều Tiên phóng tên lửa: Hàn Quốc họp khẩn, cùng Mỹ-Nhật Bản tỏ thái độ, vũ khí này là gì? Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra vào khoảng 12h trưa 6/1 theo giờ địa phương (tức khoảng 10h sáng cùng ngày theo ... |
| Ảnh ấn tượng: Ông Trump nói ‘chúng ta buộc phải chấm dứt xung đột ở Ukraine’, đang thu xếp gặp Tổng thống Nga Putin, Triều Tiên phóng tên lửa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xác nhận đang thu xếp cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Triều Tiên phóng tên lửa ... |
| Tàu Philippines bị phun vòi rồng ở Biển Đông: Manila gửi công hàm thứ 20, Washington nhắc lại lập trường 'cứng' Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng gia tăng khi Bắc Kinh tỏ ra quyết liệt hơn trong một số ... |
| Viễn cảnh bán đảo Triều Tiên khi ông Trump trở lại Việc ông Donald Trump, một nhà lãnh đạo rất khó đoán định trở lại Nhà Trắng lần thứ hai được dự báo sẽ mang đến ... |