Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ ra mắt cuốn hồi ký có tên "Freedom" vào ngày 26/11. (Nguồn: Urban Zintel) |
Nga-Ukraine
* Nga đánh chặn 25 rocket phóng loạt Vampire ở tỉnh Belgorod rạng sáng 14/5, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Thống đốc tỉnh Belgorod Vyacheslav Gladkov cũng cho biết, một số mục tiêu trên không đã bị bắn hạ khi tiếp cận Belgorod. Hậu quả là một phụ nữ bị thương và 21 căn hộ, 1 trường học và 1 đường dây điện bị hư hỏng. (Reuters)
* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ thăm Ukraine vào sáng 14/5 và đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.
Tại cuộc gặp ở Kiev, ông Blinken cho biết, các thiết bị quốc phòng trong gói viện trợ vũ khí mới đã bắt đầu được chuyển đến Ukraine và sẽ tiếp tục được cung cấp trong thời gian tới.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky gửi lời cảm ơn Mỹ vì gói viện trợ vũ khí quan trọng, đồng thời cho biết hiện nước này đang thiếu các thiết bị phòng không. (AFP)
* Canada phản đối triển khai quân đội NATO ở Ukraine, nhưng ủng hộ việc thành lập phái bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở quốc gia Đông Âu, Bộ trưởng Quốc phòng quốc gia Bắc Mỹ Bill Blair cho biết.
Ông Blair cũng lưu ý rằng, phái bộ trên không nhất thiết phải được đặt ở Ukraine. (Spuntik)
* Liên minh châu Âu (EU) rất khó tiếp tục viện trợ riêng cho Ukraine để Kiev tiếp tục cuộc chiến trong xung đột với Nga nếu Mỹ thay đổi các ưu tiên an ninh sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Trong một bài phát biểu ngày 13/5, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chia sẻ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc liệu Mỹ có tiếp tục duy trì các ưu tiên an ninh tương tự hay không, đường lối này còn tùy thuộc vào việc ai sẽ tiếp quản Nhà Trắng".
Trong khi đó, theo một tài liệu dự thảo, EU đã đưa ra các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine, gồm 9 hình thức viện trợ bao gồm vũ khí, huấn luyện binh sĩ, hợp tác công nghiệp quốc phòng và hỗ trợ rà phá bom mìn.
Dự thảo lưu ý rằng, EU đã đồng ý viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá 5 tỷ Euro (5,04 tỷ USD) trong năm nay, nhưng không còn cam kết tương tự trong những năm tới. (Sputnik)
Châu Âu
* Đức sẽ ra mắt hồi ký của cựu Thủ tướng Angela Merkel vào ngày 26/11, gần 3 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 16 năm của nữ lãnh đạo chính phủ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Đức, người được mệnh danh là "bà đầm thép", theo thông báo của Nhà xuất bản Kiepenheuer & Witsch.
Đồng tác giả cuốn hồi ký là Chánh Văn phòng Thủ tướng Beate Baumann, một nữ cố vấn có ảnh hưởng trên chính trường nhưng luôn đứng ở “vị trí sau cánh gà”.
Cuốn sách có tựa đề Freedom (Tự do) - dài 700 trang và sẽ được xuất bản ở hơn 30 quốc gia - kể về những ký ức của bà Merkel trong suốt giai đoạn 1954-2021, những năm tháng của 2 nhà nước Đức - 35 năm dưới thời Đông Đức (CHDC Đức - GDR) và 35 năm ở nước Đức thống nhất.
Phát biểu trong tuyên bố sau thông báo trên, bà Merkel nói: “Tự do đối với tôi là gì? Câu hỏi này đã chiếm trọn cuộc đời tôi. Tự do là không ngừng học hỏi, không phải đứng yên mà được phép tiến xa hơn, ngay cả khi đã rời bỏ chính trường”. (The Guardian)
* Nga bắt giữ
Liên quan thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày từ chố bình luận song nhấn mạnh, cơ quan điều tra đang xem xét vụ việc, đồng thời, tuyên bố quyết định thay đổi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Nga và bê bối này sẽ không gây ra tác động tiêu cực tới cách thức Moscow tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong Văn phòng Tổng thống, kiện toàn bộ máy của cơ quan này để bắt đầu nhiệm kỳ mới. (TASS)
* Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Trung Quốc từ ngày 16-17/5 và sẽ thảo luận với Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình về quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ "xác định các hướng đi chính để phát triển hơn nữa hợp tác thực tế Nga-Trung và trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế cấp bách nhất.
Theo thông báo của Điện Kremlin, hai nước lên kế hoạch ký kết một tuyên bố chung và một số thỏa thuận song phương sau cuộc đàm phán của các nguyên thủ. (TASS)
* Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận chống thiết bị không người lái trên biển từ ngày 14/5, tập trung vào hoạt động bảo vệ các điểm căn cứ và thông tin liên lạc, với sự tham gia của 15 tàu chiến và xuồng.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các thủy thủ đoàn sẽ tiến hành huấn luyện chiến đấu với xuồng không người lái và thiết bị bay không người lái mô phỏng kẻ thù, cũng như thực hiện những bài tập bắn đạn thật nhằm vào các vật thể mô phỏng những mối đe dọa trên mặt nước và trên không quy mô nhỏ. (THX)
* Hải quân Hoàng gia Anh sẽ nhận 6 tàu chiến hỗ trợ đa năng (MRSS) mới, có nhà chứa máy bay trực thăng và khả năng phóng thiết bị bay không người lái cũng như được trang bị tia laser DragonFire.
Anh đã khởi động quá trình phát triển các tàu mới này. (Telegraph)
* Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người đồng cấp từ Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland thảo luận về các vấn đề liên quan chính sách an ninh của châu Âu cũng như tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng các cuộc đàm phán song phương với những người đồng cấp trên tại Thụy Điển trong ngày 14/5. (AFP)
Mỹ-Trung Quốc
* Mỹ ra "tối hậu thư" cho một công ty Trung Quốc: Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm Công ty TNHH MineOne Partners, được Trung Quốc hậu thuẫn, sở hữu đất gần căn cứ Không quân Francis E. Warren ở Wyoming, viện dẫn những mối quan ngại an ninh quốc gia.
Theo Nhà Trắng, tài sản mà MineOne Partners Ltd. và các chi nhánh mua lại vào tháng 6/2022, hiện đang được sử dụng làm cơ sở khai thác tiền điện tử, nằm cách căn cứ Francis E. Warren, nơi có tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman 3, khoảng 1,6 km. MineOne thuộc sở hữu của công dân Trung Quốc.
Với sắc lệnh của tổng thống, công ty và các chi nhánh của MineOne Partners Ltd phải bán tài sản trong vòng 120 ngày và dỡ bỏ tất cả các công trình kiến trúc cũng như vật thể khác trên địa điểm trong vòng 90 ngày.(Kyodo)
* Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” sau khi có thông tin Mỹ đang lên kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa năng lượng sạch của cường quốc kinh tế châu Á như xe điện, pin và các sản phẩm năng lượng Mặt trời.
Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Trung Quốc luôn phản đối hành động đơn phương tăng thuế, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Hàn Quốc tập trận không quân trong ngày 14/5 nhằm đối phó với một cuộc tấn công quy mô lớn trên không, với sự tham gia của các đơn vị đến từ Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Khoảng 30 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu F-35A, cũng như nhiều khí tài phòng không khác nhau, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và Cheongung, cùng tàu khu trục ROKS Sejong Đại đế sẽ được triển khai để đánh chặn hơn 800 mục tiêu mô phỏng. (Yonhap)
* Nhật Bản trao công hàm phản đối quan chức Hàn Quốc thăm quần đảo tranh chấp, mà Tokyo gọi là Takeshima, còn Seoul gọi là Dokdo, thông qua các kênh ngoại giao vào ngày 13/5.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa bày tỏ: "Việc lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc tới thăm Takeshima bất chấp nhiều lần phía Nhật Bản yêu cầu kiềm chế là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vô cùng đáng tiếc".
Trước đó cùng ngày, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk đã đến thăm quần đảo Dokdo/Takeshima. (Kyodo)
Trung Đông-châu Phi
* Iran cáo buộc Pháp can thiệp công việc nội bộ sau khi Paris ra tuyên bố cáo buộc Tehran “bắt giữ con tin” và “tống tiền” ở cấp nhà nước trong vụ giam giữ 4 công dân của quốc gia châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani bày tỏ: “Chúng tôi cực lực lên án những quan điểm thiếu chuyên nghiệp, can thiệp và không phù hợp như vậy khi sử dụng những tài liệu tham khảo sai sự thật”.
Trước đó, Iran đã bắt giữ 2 công dân Pháp là giáo viên Cecile Kohler và cộng sự Jacques Paris hồi tháng 5/2022 với cáo buộc tìm cách kích động tình trạng bất ổn lao động. Cùng với đó, Iran cũng giam giữ 2 công dân Pháp khác. (MNA)
* Đàm phán Israel-Hamas bị đình trệ, gần như rơi vào bế tắc do chiến dịch ở Rafah.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar ngày 14/5, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani chia sẻ: “Chúng ta đã thấy một số động lực được xây dựng trong vài tuần qua nhưng thật không may là mọi thứ đã không đi đúng hướng… Những gì xảy ra với Rafah đang là vấn đề gây cản trở”. (Bloomberg)
* Hezbollah tiếp tục cuộc chiến với Israel để hỗ trợ Gaza, theo tuyên bố của thủ lĩnh nhóm vũ trang này Hassan Nasrallah.
Ông Nasrallah cho biết, mặt trận giữa Hezbollah-Israel đóng vai trò quan trọng trong việc “gây áp lực buộc kẻ thù phải dừng cuộc chiến chống lại Gaza”.
Đề nghị những người định cư Israel sống ở miền Bắc gần biên giới Lebnaon kêu gọi chính quyền nước nhà “ngăn chặn cuộc chiến” ở Gaza, thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo, nếu tình hình căng thẳng vẫn tiếp diễn, họ sẽ phải ở sống trong những hầm trú ẩn dành cho người di tản. (Al-Manar)
* 13 nước tham gia cuộc diễn tập ngăn chặn hàng hải ở Ghana: Trong 5 ngày, 13 quốc gia từ khắp Tây Phi, châu Âu và Bắc Mỹ đã cử các phái đoàn quân sự đến tham gia cuộc tập trận huấn luyện ngăn chặn quân sự năm 2024 mang tên Obangame Express.
Năm nay, cuộc diễn tập có 111 người tham gia đến từ Benin, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Hy Lạp, Guinea, Liberia, Hà Lan, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone, Togo và Mỹ.
Cuộc tập trận do Lực lượng Hải quân Mỹ-châu Âu-châu Phi (NAVEUR-NAVAF) tổ chức tại Trụ sở Hải quân miền Tây Ghana ở Sekondi. (Navy.mil)
* Chính quyền bang Khartoum của Sudan ban bố lệnh giới nghiêm vào ngày 13/5. Các hoạt động thương mại và công cộng bị cấm từ 22h-5h, trong khi người dân và phương tiện giao thông bị cấm di chuyển từ 23h-5h. (CCTV)
Châu Mỹ
* Mỹ hoài nghi khả năng Israel giành chiến thắng toàn diện ở Gaza, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Kurt Campbell thừa nhận.
Bên cạnh đó, ông Campbell cũng xác nhận những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Israel liên quan chiến dịch quân sự của quốc gia Trung Đông ở thành phố Rafah, cực Nam Dải Gaza. Đồng thời, ông cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden không hài lòng với chiến dịch của Israel. (Politico)
* Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Sviridenko thăm Argentina từ ngày 13/5 và đã gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Diana Mondino.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina cho biết, tại buổi làm việc hai bên đã trao đổi những vấn đề liên quan xung đột ở Ukraine, cũng như những tác động tới nền kinh tế quốc gia Đông Âu.
Ukraine mong muốn tăng cường trao đổi thương mại với Argentina và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp chế biến và y tế, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của Buenos Aires đối với Kiev tại các diễn đàn đa phương.
Về phần mình, bà Mondino khẳng định cam kết của Buenos Aires trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, hệ thống đa phương của Liên hợp quốc và các giá trị dân chủ. (UNN)