Tổng thống Ukraine tuyên bố sắp tung kế hoạch mới để giải quyết cuộc xung đột. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc thông báo kế hoạch tập trận chung với Singapore: Ngày 15/11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương thông báo quân đội nước này và Singapore sẽ tiến hành cuộc tập trận chung mang tên Hợp tác-2024, tại tỉnh Hà Nam, miền Trung của Trung Quốc, vào cuối tháng 11 này.
Ông Trương Hiểu Cương cho biết cuộc tập trận sắp tới, tập trung vào các hoạt động chống khủng bố ở đô thị, sẽ được tổ chức theo kế hoạch hàng năm và sự đồng thuận của hai bên. Mục đích tập trận nhằm tăng cường hợp tác thực chất giữa quân đội hai nước và củng cố năng lực của họ trong các hoạt động chống khủng bố chung. (TTX)
Tin liên quan |
Viễn cảnh nào cho đàm phán Ukraine-Nga hậu bầu cử Mỹ |
*Philippines bổ nhiệm tư lệnh hải quân mới: Ngày 15/11, Tổng thống Philippines Romualdez Marcos đã bổ nhiệm Chuẩn Đô đốc Jose Ma. Ambrosio Ezpeleta làm tư lệnh hải quân mới của nước này.
Ông Marcos đã chủ trì lễ bổ nhiệm ông Ezpeleta sau buổi lễ chuyển giao quyền chỉ huy tại trụ sở Hải quân ở thành phố Manila. Ông Ezpeleta được bổ nhiệm thay thế phó Đô đốc Toribio Adaci Jr., nghỉ hưu vào ngày 15/11. (Strait Times)
*Pháo tự hành Triều Tiên xuất hiện trên lãnh thổ Nga: Pháo tự hành M1989 Koksan cỡ nòng 170 mm do Triều Tiên sản xuất đã được quay phim trên một đoàn tàu quân sự tại thành phố Krasnoyarsk ở vùng Siberia của LB Nga.
Kênh Telegram của Nga đưa tin việc cung cấp pháo tự hành Koksan cho Nga có thể gắn liền với hoạt động mở rộng hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên.
Pháo tự hành Koksan lần đầu tiên được biết đến vào những năm 1980, khi chúng được quân đội Iran sử dụng trong chiến tranh Iran-Iraq. Cho tới nay, đây là trường hợp duy nhất được xác nhận về việc sử dụng loại pháo tự hành này bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên.
Theo các chuyên gia quân sự, Koksan có tầm bắn xa và uy lực, khiến nó trở thành một công cụ hữu ích trong các tình huống xung đột. (Yonhap)
*Sri Lanka: Đảng NPP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội: Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng liên minh Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP) của tân Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử trước thời hạn hôm 14/11, đảm bảo quyền lực để thúc đẩy các kế hoạch chống đói nghèo ở quốc đảo đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính này.
Theo kết quả kiểm phiếu ngày 15/11, NPP giành được 137/196 phiếu. Trước đó, truyền thông địa phương dự đoán số ghế của đảng này sẽ vượt 150 ghế trong Quốc hội gồm 225 thành viên nhờ số ghế được phân bổ theo hệ thống phân bổ theo tỷ lệ.
NPP đã giành được gần 62% tương đương 7 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử, tăng so với mức 42% mà đảng của ông Dissanayake giành được hồi tháng 9. Điều này cho thấy ông đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn, bao gồm cả từ các nhóm thiểu số. (Strait Times)
Châu Âu
*Nghị viện châu Âu kêu gọi cấm tàu chở dầu Nga đi qua eo biển Manche: Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14/11 đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh cấm các tàu chở dầu chở dầu của Nga đi qua eo biển Manche.
Nghị quyết cũng khuyến nghị các nước khác đang kiểm soát các eo biển chiến lược cần thực thi các biện pháp tương tự nhằm hạn chế sự di chuyển của các tàu chở dầu Nga. Các nghị sĩ EP nhấn mạnh rằng các biện pháp như vậy sẽ làm tăng áp lực kinh tế lên Nga và làm phức tạp thêm hoạt động xuất khẩu tài nguyên dầu mỏ của nước này ra thị trường thế giới.
Quyết định của EP dù không mang tính ràng buộc nhưng thể hiện mong muốn của EU tiếp tục gây áp lực trừng phạt và hạn chế nguồn tài chính của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ. (Sputniknews)
*Ukraine sắp công bố “kế hoạch” mới cho cuộc xung đột: Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky ngày 14/11 cho biết ông sẽ trình bày một kế hoạch mới cho Ukraine.
Trong video đăng trên kênh Telegram, ông Zelensky cho hay: “Tổng cộng 10 điểm sẽ được trình bày vào tuần tới”, và gồm các hạng mục về an ninh, năng lượng và vũ khí.
Trong phần vũ khí, kế hoạch sẽ liên quan đến việc sản xuất ở Ukraine và hợp tác với các đối tác. Mặc dù trước đó, nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, ông Alexey Goncharenko thừa nhận rằng bất kỳ sáng kiến nào của Kiev đều dựa vào hành động của đối tác phương Tây.
Ngoài ra, một trong những điểm của kế hoạch mới sẽ là “chủ quyền văn hóa”. Cụ thể điều khoản này sẽ quy định việc “sản xuất nội dung bằng tiếng Ukraine”. (Reuters)
*Cựu quan chức NATO nêu khả năng nhượng bộ của Nga với Tổng thống đắc cử Mỹ: Thời báo Tài chính (FT) dẫn lời cựu Phó Tổng Thư ký NATO Rose Gottemoeller nêu 3 nhượng bộ mà Nga có thể thực hiện đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Nhượng bộ đầu tiên, theo bà Gottemoeller, là cách diễn giải lệnh ngừng bắn ở Ukraine - cụ thể là mô tả về tình trạng như Tây Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nhượng bộ thứ hai là Ukraine có thể gia nhập NATO, nhưng thời điểm gia nhập bị hoãn vô thời hạn. Nhượng bộ thứ ba là sự sẵn sàng của Nga trong việc nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Theo cựu chính trị gia này, những thỏa thuận như vậy sẽ không gây khó khăn đáng kể cho Nga nhưng sẽ giúp củng cố vị thế của ông Trump. (AFP)
*Nga tăng cường tấn công Ukraine bằng UAV: Kênh truyền hình ABC News đưa tin quân đội Nga đã tăng đáng kể tần suất các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Ukraine sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Từ ngày 1/10 đến 5/11, quân đội Nga đã triển khai hơn 2.200 UAV tấn công các mục tiêu của Ukraine. Tuy nhiên, trong vòng một tuần sau cuộc bầu cử, số lượng các cuộc tấn công như vậy đã tăng mạnh với 641 UAV đã được phóng đi, tương đương khoảng 90 UAV/ngày.
Cường độ gia tăng của các cuộc tấn công nhằm gây khó khăn hơn cho cơ sở hạ tầng và người dân Ukraine, điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể ảnh hưởng đến thiện chí đàm phán của Kiev. Số vụ tấn công tăng mạnh có thể là do kỳ vọng về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức. (ABC)
Trung Đông – châu Phi
*Bất đồng trong nội bộ Chính phủ Israel tiếp tục gia tăng: Kênh tin tức Channel 12 của Israel ngày 14/11 đưa tin đưa Tổng chưởng lý nước này Gali Baharav-Miara đã yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đánh giá lại nhiệm kỳ của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, viện dẫn sự can thiệp rõ ràng của ông Ben-Gvir vào các vấn đề của cảnh sát.
Channel 12 đã công bố một bản sao bức thư do Tổng chưởng lý Baharav-Miara gửi Thủ tướng Netanyahu, trong đó bà mô tả các vụ việc ông Ben-Gvir đã "can thiệp bất hợp pháp" vào các hoạt động chuyên môn của cảnh sát. Theo bà Baharav-Miara, việc Chính phủ Israel không phản ứng là thể hiện sự ủng hộ với ông Ben-Gvir.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì những bất đồng nội bộ. (Al Jazeera)
*Iran đặt điều kiện trong đàm phát hạt nhân: Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán hạt nhân nếu các bên khác nghiêm túc trong vấn đề này.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iran, ông Araghchi đưa ra tuyên bố này sau cuộc gặp Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đang có chuyến thăm tại thủ đô Tehran của Iran.
Ngoại trưởng Iran nêu rõ: "Vì chúng tôi chắc chắn về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình, chúng tôi không có vấn đề gì khi hợp tác với cơ quan này và có thể tiếp tục các hoạt động hợp tác này. Tuy nhiên, vì mục đích đó, các bên khác cũng nên hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình". (Reuters)
*Hezbollah tấn công trả đũa các căn cứ quân sự của Israel: Lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã thực hiện các đòn trả đũa mới nhằm vào các mục tiêu của Israel sâu bên trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, tấn công một số căn cứ quân sự quan trọng của Nhà nước Do Thái tại Tel Aviv và Haifa.
Trong loạt động thái trả đũa mới nhất diễn ra đêm 14/11, Hezbollah đã nhắm mục tiêu vào căn cứ Tel Haim của Israel tại Tel Aviv bằng một loạt tên lửa. Căn cứ này cách biên giới Lebanon 120 km.
Hezbollah cũng nã một loạt tên lửa vào căn cứ hải quân Stella Maris, phía Tây Bắc Haifa, bằng một loạt tên lửa. Phong trào Hồi giáo này đã tấn công căn cứ Eliakim, phía Nam Haifa bằng máy bay không người lái. Một số cuộc tập hợp của lực lượng Israel tại nhiều khu định cư bao gồm Hanita, Kiryat Shmona, Yi'ron, Shlomi, Sa'sa và Dishon cũng bị tấn công. (Al Jazeera)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ cân nhắc mở rộng kho vũ khí hạt nhân: Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ rằng nước này có thể quyết định gia tăng kho vũ khí hạt nhân do các mối đe dọa được cho là đến từ Trung Quốc, Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, nguồn tin cho hay quyết định này vẫn thuộc về chính quyền tương lai của ông Donald Trump, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
START-3 hay New START là Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược. Hiệp ước này hạn chế số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một số loại tên lửa, đầu đạn hạt nhân khác đối với Nga và Mỹ. Vào tháng 2/2023, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow ngừng tham gia Hiệp ước START-3 nhưng không rút khỏi hiệp ước này. (Sputnik/ WSJ)
*Mỹ cung cấp viện trợ quân sự hàng tuần cho Ukraine: Mỹ chuyển sang lịch trình cung cấp viện trợ quân sự hàng tuần cho Ukraine nhằm đảm bảo chuyển giao toàn bộ số viện trợ còn lại trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Bộ phận báo chí Lầu Năm Góc cho biết Chính phủ Mỹ có kế hoạch chuyển vũ khí và hàng hóa quân dụng còn lại trị giá 7,1 tỷ USD cho Ukraine trước ngày 20/1 tới. Tuy nhiên, quân đội Mỹ thừa nhận sẽ rất khó thực hiện được điều này, và một số vũ khí sẽ phải chuyển giao cho Kiev dưới quyền tổng thống mới, và việc này có thể gặp một số “khó khăn”.
Việc Mỹ có ý định chuyển toàn bộ số viện trợ quân sự còn lại cho Ukraine trước khi ông Trump chính thức lên nắm quyền đã được Ngoại trưởng Ukraine Andrei Sibiga, người vừa có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, xác nhận. (Reuters)
*Quan chức tình báo Mỹ bị bắt tại Campuchia: Tờ Khmer Times ngày 14/11 đưa tin, một quan chức tình báo Mỹ đã bị bắt giữ tại Campuchia và bị buộc tội làm gián điệp, sau cuộc điều tra về vụ rò rỉ tài liệu mật vào tháng trước, trong đó nêu chi tiết về kế hoạch tấn công Iran của Israel.
Asif William Rahman, làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đã bị các quan chức Cục Tình báo liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại một địa điểm không xác định ở Campuchia vào ngày 12/11. Sau đó, Rahman đã được đưa tới Guam, tại đây ông bị buộc tội 2 tội danh cố ý lưu trữ và lan truyền thông tin quốc phòng. Ông Rahman đã bị truy tố vào tuần trước tại Tòa án liên bang ở Virginia.
Ông Rahman được cho là đã làm rò rỉ thông tin liên quan đến kế hoạch trả đũa của quân đội Israel đối với Iran sau vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo ngày 1/10, trong đó Tehran đã phóng gần 200 vật thể bay vào Israel. (Khmer Times)
| Ukraine 'lạc quan thận trọng' sau khi bàn tính với Mỹ việc tấn công Nga, Đức trấn an Kiev 'hãy tin tưởng' Ngày 13/11, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha thông báo đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Brussels, Bỉ, về cuộc xung ... |
| Mỹ tố Trung Quốc tấn công các công ty viễn thông, xác nhận sẽ gặp thượng đỉnh tại Peru Ngày 13/11, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở Hạ tầng (CISA) đã ra tuyên ... |
| Hàn Quốc dọa trả miếng nếu Triều Tiên tiếp tục hợp tác quân sự với Nga, nói đã 'sẵn đòn' Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố có thể tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, tùy thuộc mức độ tham chiến ... |
| EU lần đầu tiên dùng ngân sách mua sắm vũ khí chung, ưu tiên cho Ukraine Liên minh châu Âu (EU) vừa có bước tiến lịch sử khi lần đầu tiên sử dụng ngân sách của khối để tài trợ cho ... |
| Bắt tín hiệu cách tiếp cận mới của ông Trump, Iran ra điều kiện đàm phát hạt nhân Theo New York Times, tỷ phú công nghệ Elon Musk, người có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald ... |
| Ukraine tuyên bố sắp tung kế hoạch mới, nói không với vũ khí hạt nhân, Mỹ gấp gáp dốc sạch viện trợ cho Kiev Ngày 14/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông sẽ trình bày một kế hoạch mới cho nước này trong cuộc xung đột, trong ... |