📞

Tin thế giới 15/12: Lãnh đạo Nga-Trung Quốc háo hức gặp mặt trực tiếp; Đòn đau của EU dành cho Nga; Lo ngại căn bệnh lạ ở Sudan

Duy Quang 19:57 | 15/12/2021
Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Trung Quốc, căng thẳng Nga-EU, Lithuania rút phái đoàn ngoại giao khỏi Trung Quốc... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung QUốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Getty)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Lãnh đạo Nga-Trung Quốc sớm gặp mặt trực tiếp ở Olympic Mùa đông 2022

Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến để bàn về các vấn đề chung.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng, ông rất mong chờ cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin bên lề Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

"Tôi sẵn sàng tiến về phía trước cùng các bạn để cùng nhau mở ra một trang mới trong quan hệ Trung Quốc-Nga thời hậu đại dịch", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin cho biết, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh là một ví dụ để các nước phát triển quan hệ trong thế kỷ 21.

Khẳng định vui mừng khi có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Putin nhấn mạnh: "Điều này cho phép chúng ta thảo luận kỹ lưỡng về sự phát triển của quan hệ Nga-Trung, quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược".

Nhà lãnh đạo Nga cho hay, ông coi mối quan hệ song phương là "một mô hình thực sự của hợp tác giữa các nước trong thế kỷ 21, dựa trên các nguyên tắc cơ bản như không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng lợi ích của nhau và quyết tâm biến biên giới chung thành vành đai vĩnh cửu hòa bình và láng giềng tốt đẹp".

Phía Nga cũng cho biết thêm, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của Moscow trong việc yêu cầu các đảm bảo an ninh từ phương Tây.(TASS)

Nga cáo buộc phương Tây tìm cách can thiệp bầu cử

Ngày 15/12, Ủy ban Bảo vệ chủ quyền nhà nước và ngăn chặn can thiệp công việc nội bộ thuộc Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga công bố báo cáo thường niên cho biết, phương Tây đã âm mưu thay đổi quyền lực ở Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, bắt đầu bằng việc làm mất uy tín cuộc bầu cử năm 2021 của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) khóa VIII.

Theo báo cáo, các thế lực nước ngoài đã nhắm vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia diễn ra vào tháng 9 vừa qua.

Báo cáo nêu rõ: “Những hành động phá hoại như vậy đều nhằm các mục tiêu dài hạn. Mục đích chính là nhằm thay đổi chính phủ ở Nga, nền tảng của chính sách đối nội và đối ngoại, nhằm dễ dàng kiểm soát đất nước chúng ta từ bên ngoài trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Điều này không vì lợi ích an ninh và sự thịnh vượng của người dân Nga, mà nhằm mục đích kiềm chế và làm suy yếu Nga nhiều nhất có thể”. (Sputnik)

Nga yêu cầu Mỹ và NATO có các bảo đảm về an ninh

Bộ Ngoại giao Nga thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Karen Donfried đã gặp nhau tại Moscow ngày 15/12 để thảo luận yêu cầu của Nga về các đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Cuộc thảo luận chi tiết kéo dài 40 phút có liên quan vấn đề bảo đảm an ninh đối với Nga trong bối cảnh Mỹ và NATO không ngừng nỗ lực thay đổi hiện trạng quân sự và chính trị tại châu Âu nhằm có lợi cho mình".

Moscow muốn Mỹ và NATO đảm bảo rằng, liên minh phương Tây sẽ không mở rộng sang Ukraine và triển khai binh sĩ và vũ khĩ tại đó, đồng thời cảnh báo Nga sẽ có biện pháp đáp trả nếu khối này không ngừng hành động như vậy. (TASS)

EU sẵn sàng siết chặt trừng phạt Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 15/12 khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng tăng cường các lệnh trừng phạt và thực hiện “các biện pháp chưa từng có” nhằm vào Nga nếu nước này tiếp tục gây hấn với Ukraine

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, bà Von der Leyen cho biết EU đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ nhằm đưa ra các lựa chọn vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt hiện có nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng, hàng hóa và quốc phòng của Nga.

Bà nói: “Nếu Nga có thêm bất kỳ hành động gây hấn nào, chúng tôi sẽ phản ứng bằng cách tăng cường mức độ và mở rộng các lệnh trừng phạt hiện có. Và tất nhiên chúng tôi sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp chưa từng có khiến Nga phải chịu những hậu quả nghiêm trọng”. (Reuters)

Nghị sỹ Mỹ hối thúc Tổng thống Biden hành động ngăn chặn Nga

Một nhóm các nghị sỹ Mỹ mới có chuyến thăm Ukraine đã lên tiếng hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden cần có hành động ngay lập tức nhằm vào Nga, trong đó có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt phủ đầu.

Cụ thể, ngày 14/12, nghị sỹ Seth Moulton cho rằng: "Tôi biết rằng, chúng ta có một cơ hội quan trọng trong vài tuần tới để ngăn chặn sự xâm lược của Nga tiếp tục xảy ra, mọi thứ từ một cuộc xâm nhập hạn chế cho đến một cuộc xâm lược tổng lực".

Ông Moulton nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Biden không muốn chọc tức Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng cần tập trung hơn nữa để tìm cách răn đe Moscow. Nghị sỹ này nói, sự lựa chọn vũ khí gửi đến Kiev cần phải phản ánh chiến lược đó.

Trong khi đó, nghị sỹ Mike Waltz cũng khẳng định Mỹ nên áp đặt các biện pháp trừng phạt phủ đầu nhằm vào Nga. (Sputnik)

Armenia-Azerbaijan tái khẳng định cam kết về an ninh Nagorno-Karabakh

Trong cuộc đàm phán ba bên tại Brussels, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilkham Aliyev đã đảm bảo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel rằng hai nước sẽ cam kết thực hiện các thỏa thuận về Nagorno-Karabakh, đạt được với sự trung gian của Nga.

Ông Michel cho biết: “"Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Aliyev tái xác nhận rằng, các cam kết chính trong khuôn khổ hai tuyên bố ba bên ngày 9/11/2020 và ngày 11/1/2021 sẽ được tôn trọng và những hiểu biết đạt được tại Sochi vào ngày 26/11 cần được xây dựng".

Bên cạnh đó, ông Michel khẳng định, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực tháo gỡ bom mìn nhân đạo, bao gồm bằng cách cung cấp lời khuyên của chuyên gia và hỗ trợ các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi xung đột, phục hồi và tái thiết.

“EU cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Armenia và Azerbaijan”, tuyên bố của EC khẳng định. (TASS)

Tàu chiến Đức tiến vào Biển Đông

Ngày 15/12, tàu hộ vệ Bayern của Đức đã đi vào Biển Đông, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi vào vùng biển này sau gần 20 năm.

Động thái này cho thấy Berlin đang cùng các nước phương Tây khác tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, sẽ mất vài ngày để tàu Bayern quá cảnh qua Biển Đông trong hải trình tới Singapore. Ngoài ra, giới chức Đức cho biết hải quân nước này sẽ bám sát các tuyến đường thương mại thông thường. Tuy nhiên, tàu Bayern không có kế hoạch đi qua Eo biển Đài Loan. (Reuters)

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố chương trình nghị sự mới

Ngày 15/12, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có bài phát biểu chính thức đầu tiên trước quốc hội trên cương vị là người đứng đầu chính phủ, trong đó đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sử dụng than đá, ô tô, quyền công dân và một số quan hệ với các nước lớn là những vấn đề trọng tâm được ông đề cập.

Trong bài phát biểu, ông Scholz kêu gọi công dân Đức tiêm vaccine ngừa Covid-19, giúp đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Nhà lãnh đạo Đức cho biết, chính phủ mới sẽ nỗ lực để hỗ trợ vaccine đến các nước nghèo. Ông kịch liệt chỉ trích những phần tử cực đoan chống đối các biện pháp chống dịch của chính phủ, ám chỉ những đối tượng theo thuyết âm mưu, truyền bá thông tin sai lệch.

Đề cập vấn đề chuyển đổi năng lượng và trung hòa khí thải, ông Scholz cho biết, chính phủ sẽ dồn lực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt ưu tiên chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Ngoài những vấn đề trên, ông cũng nói đến nhu cầu cải cách, đổi mới và tiến bộ ở Đức. Theo ông, để có được gắn kết xã hội, Đức cần tập trung vào sự bình đẳng, tôn trọng và hội nhập cho người lao động và người nhập cư.

Liên quan các phương tiện công cộng, ông Scholz cho biết sẽ có một khoản đầu tư đáng kể cho mạng lưới giao thông công cộng, trong đó ưu tiên cho đường sắt. Ông cam kết sẽ có nhiều chuyến tàu đêm hơn, kết nối tốt hơn giữa các thành phố và nhiều tuyến đường sắt hơn cho các vùng nông thôn. (DW)

Hàn Quốc dự kiến thời điểm nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 15/12 cho biết nước này đặt mục tiêu nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước khi nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in kết thúc vào tháng 5/2022.

Trả lời các phóng viên nước ngoài, ông Hong cho hay chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nếu việc mở cửa thị trường gây ra những thiệt hại về kinh tế. (Yonhap)

Căn bệnh bí ẩn ở Nam Sudan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mở cuộc điều tra cái chết của 89 người ở Fangak thuộc bang Jonglei, Nam Sudan do một căn bệnh bí ẩn gây ra.

Những cái chết bí ẩn xảy ra ở một khu vực bị lũ lụt trong thời gian gần đây. Các mẫu thu thập được cho kết quả âm tính với bệnh tả. Chuyên gia WHO Sheila Baya cho biết, họ đã cử một đội phản ứng nhanh đến đánh giá rủi ro và điều tra. (BBC)

WHO cảnh báo về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron

Ngày 15/12, WHO cho biết các bằng chứng ban đầu chỉ ra rằng, các loại vaccine Covid-19 hiện nay có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron. Biến thể này cũng có nguy cơ cao khiến một người tái nhiễm Covid-19.

Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, WHO cho rằng, cần thêm dữ liệu để hiểu rõ hơn về mức độ mà Omicron có thể né tránh khả năng miễn dịch có được từ việc tiêm vaccine hoặc từng bị nhiễm bệnh. (Reuters)

Một số tin quốc tế nổi bật khác:

Phái đoàn ngoại giao Lithuania rời Trung Quốc: Các nguồn tin ngoại giao cho biết ngày 15/12, phái đoàn ngoại giao Lithuania tại Trung Quốc đã rời khỏi nước này trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 nước đang xấu đi sau khi Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Vilnius hồi tháng trước.

Moldova muốn sớm gia nhập EU: Ngày 14/12, trong một phỏng vấn với hãng tin Reuters, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết, nước này mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trả lời câu hỏi liệu Nga có cho phép Moldova, quốc gia nằm giữa Ukraine và quốc gia thành viên EU Romania, gia nhập EU hay không, Tổng thống Sandu cho biết đã nói với các quan chức Nga rằng, mô hình của Liên minh 27 quốc gia là dành cho đất nước của bà.

Mỹ-Nhật lên kế hoạch tổ chức đối thoại 2+2: Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa cùng Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo của Nhật Bản dự kiến sẽ thăm Washington và tham dự đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng (Đối thoại chiến lược 2+2) với các quan chức đồng cấp của Mỹ vào đầu tháng 1/2022.