📞

Tin thế giới 15/2: Quân đội Nga hành động bất ngờ; Israel quyết định đột ngột với Ukraine; Trung Quốc nhắn Mỹ 'đừng đùa với lửa'

Hoàng Hà 19:39 | 15/02/2022
Căng thẳng giữa Nga với Ukraine và các quốc gia phương Tây, hành động mới nhất của quân đội Nga, hội đàm cấp cao Nga-Đức, Trung Quốc phản đối Mỹ liên quan Đài Loan... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Các xe tăng Nga trở về sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua:

Nga-Ukraine:

Nga bất ngờ rút một số lực lượng khỏi biên giới Ukraine

Đây là thông báo rút quân đầu tiên của Nga trong nhiều tuần qua. Hãng thông tấn Interfax đánh giá, động thái này có thể làm xuống thang căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.

Động thái cũng gây bất ngờ lớn với giới quan sát quốc tế cũng như các cường quốc phương Tây sau nhiều đồn đoán của những nước này rằng, khả năng Nga sẽ phát động một cuộc tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

Phản ứng về diễn biến mới này, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng: “Nga từng tuyên bố rằng họ không có kế hoạch tiến hành một cuộc “xâm lược” nhưng chúng tôi cần phải nhìn thấy một cuộc rút quân ở quy mô đầy đủ để chứng tỏ điều đó là đúng”. (Reuters, TASS)

Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tập trận

Ngày 15/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng xác nhận việc Nga rút một số lực lượng khỏi khu vực biên giới Ukraine và cho biết, việc này đã được lên kế hoạch từ trước.

Trả lời báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Nga đã tiến hành và sẽ tiếp tục tiến hành tập trận trên toàn lãnh thổ Liên bang. Đây là một quá trình liên tục, cũng như ở tất cả các quốc gia trên thế giới".

Theo ông, đây là "quyền của Nga khi tiến hành các cuộc tập trận trên lãnh thổ của quốc gia, nơi chúng tôi cho là phù hợp và đây không phải là chủ đề thảo luận với bất kỳ ai".

Ông Peskov còn chỉ trích các cáo buộc về cuộc xâm lược Ukraine của Nga không khác gì một chiến dịch chưa từng có để châm ngòi căng thẳng và leo thang tình hình. (Sputnik, AFP)

Nhật Bản để ngỏ các biện pháp trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine

Ngày 15/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố, Tokyo có thể áp dụng các biện pháp chống Moscow, trong đó có khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Nga xâm lược Ukraine.

Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Hayashi nói: "Trước tiên, Nhật Bản sẽ ưu tiên tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại ngoại giao. Nhưng nếu cuộc tấn công của Nga vào Ukraine xảy ra, Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp thích đáng".

Theo nhà ngoại giao Nhật Bản, các biện pháp sẽ có sự phối hợp với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cộng đồng quốc tế. (Reuters)

Ấn Độ kêu gọi công dân tạm thời rời khỏi Ukraine

Ngày 14/2, Đại sứ quán Ấn Độ tại Kiev kêu gọi công dân nước này, đặc biệt là các sinh viên không có mục đích thiết yếu, tạm thời rời khỏi Ukraine.

Khuyến cáo của Đại sứ quán Ấn Độ nêu rõ: "Công dân Ấn Độ ở Ukraine nên tránh tất cả các hoạt động đi lại không cần thiết đến và trong Ukraine. Đại sứ quán kêu gọi các công dân Ấn Độ thông báo về tình trạng của họ ở Ukraine để có thể tiếp cận khi cần".

Về phần hoạt động của Đại sứ quán, cơ quan này khẳng định sẽ vẫn làm việc bình thường để cung cấp tất cả các dịch vụ cho công dân Ấn Độ ở Ukraine. (Hindustan Times)

Thủ tướng Nhật Bản điện đàm với Tổng thống Ukraine

Ngày 15/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cùng nhất trí sẽ kiên trì có những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng liên quan tới Nga.

Theo Thủ tướng Kishida, Nhật Bản ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine và Tokyo sẽ có hành động "thích hợp" để ứng phó với tình hình liên quan Ukraine.

Trước đó, Nhật Bản đã giảm số lượng nhân viên đại sứ quán ở Ukraine, chỉ những nhân viên thiết yếu ở lại địa bàn và lưu ý rằng đại sứ quán sẽ chỉ thực hiện các chức năng hạn chế. Tokyo cũng kêu gọi công dân Nhật Bản ngay lập tức rời khỏi Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, lãnh đạo Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng liên quan vấn đề Ukraine.

Trong cuộc điện đàm ngày 15/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. (Kyodo)

Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức hội đàm ở Moscow

Ngày 15/2, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu diễn ra tại thủ đô Moscow, đánh dấu cuộc gặp mới nhất trong một loạt các nỗ lực ngoại giao suốt nhiều tuần qua nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan vấn đề Ukraine.

Mở màn cuộc hội đàm, Tổng thống Putin nói: "Thật không may, chúng ta sẽ phải dành một phần đáng kể thời gian để thảo luận các vấn đề liên quan tình hình ở châu Âu và an ninh", bao gồm cả Ukraine.

Trước thềm hội đàm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi Nga rút các binh sĩ mà nước này triển khai xung quanh Ukraine, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ phải "trả giá đắt" nếu tiến hành tấn công Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ hy vọng cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo sẽ mang tính xây dựng, thiết thực và hữu ích nhất có thể. (AFP, Reuters)

Mỹ-EU đổ hàng tỷ USD cho Ukraine

Ngày 15/2, Nghị viện châu Âu thông qua một gói viện trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 1,2 tỷ Euro (1,36 tỷ USD) cho Ukraine trong bối cảnh xuất hiện những lo sợ về một cuộc tấn công tiềm tàng do Nga phát động đe dọa tới nền kinh tế nước láng giềng này.

Đa số các nghị sĩ ủng hộ gói viện trợ mà các nước thành viên của khối đã nhất trí hôm 11/2.

Gói tài chính này - dự kiến được phân bổ thành 2 đợt trong vòng 12 tháng - là một phần của những nỗ lực mà các nước phương Tây hậu thuẫn Ukraine hỗ trợ nước này trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại.

Trước đó, ngày 14/2, Canada thông báo cung cấp một khoản vay mới trị giá 490 triệu USD.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine một khoản vay lên tới 1 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế nước này.

Trong một tuyên bố, ông Blinken nói: "Đề nghị này... sẽ củng cố khả năng của Ukraine trong việc đảm bảo ổn định kinh tế, tăng trưởng và thịnh vượng cho người dân trước hành vi gây bất ổn của Nga".

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói thêm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức tài chính quốc tế khác, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà tài trợ khác cũng sẽ giúp ích cho nỗ lực này. (AFP, Reuters)

Israel đột ngột dừng hợp đồng bán hệ thống Vòm Sắt cho Ukraine

Ngày 15/2, trang tin Ynetnews dẫn nguồn tin cho biết, trong những cuộc gặp không chính thức với các đối tác Mỹ, các quan chức Israel đã đề nghị hoãn việc bàn giao hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) cho Ukraine do lo ngại tổn hại tới quan hệ với Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Kiev đã lên đến đỉnh điểm, phía Mỹ đã đồng ý với đề xuất của Israel.

Theo tờ Times Of Israel, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin nói trên, Bộ Quốc phòng Israel cho biết, chưa nhận được đề xuất nào của Ukraine về việc chuyển giao Vòm Sắt.

Vòm Sắt là dự án phát triển chung giữa Mỹ và Israel nên bất cứ giao dịch mua bán nào đều phải có sự chấp thuận của Washington.

Ukraine đã tích cực vận động chính phủ Mỹ cho phép Israel bán hệ thống phòng thủ này cho Kiev. Khi đó, mâu thuẫn giữa Ukraine và Nga chưa căng thẳng như hiện nay nên đề nghị này được các chính trị gia thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ chấp nhận.

Gần đây phía Ukraine đã liên hệ trực tiếp với Israel đề nghị phê duyệt chính thức việc này. (Ynetnews, Times of Israel)

Trung Quốc: Trừng phạt đơn phương chỉ làm gia tăng chia rẽ, bế tắc

êu gọi "tất cả các bên tuân thủ lập trường công bằng và cởi mở, hỗ trợ đối thoại và đàm phán, cũng như thực hiện đúng các Thỏa thuận Minsk để giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng Ukraine". (TASS)

Nga sắp hồi đáp về đảm bảo an ninh với Mỹ và NATO

Ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow sắp hoàn tất nội dung phản hồi đối với những văn kiện về đảm bảo an ninh nhận được trước đó từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bà Zakharova thông báo, "hiện Nga đang cân nhắc khi nào sẽ đưa ra câu trả lời”.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn dự thảo của Bộ Ngoại giao nước này về các biện pháp ứng phó của Moscow đối với các đề xuất về đảm bảo an ninh.

Trong đề xuất này, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Moscow cần tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những đảm bảo an ninh từ phương Tây.

Theo ông Peskov, các nhà ngoại giao đang nỗ lực hoàn tất văn kiện này và sau đó sẽ được gửi đến các địa chỉ cần thiết.

Trong phản ứng mới nhất, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ hoan nghênh việc tiếp tục đàm phán. (Sputnik)

Trung Quốc phản đối nội dung liên quan tới Đài Loan trong chiến lược của Mỹ

Ngày 14/2, người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc Mã Hiểu Quang đã lên tiếng kiên quyết phản đối nội dung liên quan Đài Loan trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ công bố gần đây.

Ông Mã Hiểu Quang cho biết, nội dung liên quan Đài Loan can thiệp sâu rộng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc cũng như các quy tắc cơ bản về quản lý quan hệ quốc tế, làm suy yếu hòa bình và ổn định hai bờ Eo biển Đài Loan.

Nhấn mạnh Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang cho hay, tương lai Đài Loan chỉ có thể và phải do tất cả người dân Trung Quốc cùng quyết định, đồng thời ông khẳng định rằng tương lai và lợi ích của Đài Loan nằm ở sự thống nhất đất nước.

Người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan cũng kêu gọi phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và 3 thông cáo chung Trung Quốc-Mỹ, cũng như ngừng "đùa với lửa" trong các vấn đề liên quan Đài Loan. (THX)

Thủ tướng Israel lần đầu tới thăm Bahrain

Ngày 14/2, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tới Bahrain, thực hiện chuyến thăm cấp cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ hồi năm 2020.

Văn phòng Thủ tướng Israel ra thông cáo báo chí cho hay, ông Bennett sẽ gặp Thủ tướng Bahrain - Thái tử Salman bin Hamad al-Khalifa. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận phương án nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao, tập trung vào công nghệ và đổi mới.

Trao đổi với báo giới trước khi khởi hành, Thủ tướng Bennett cho biết, chuyến thăm này sẽ mang "thông điệp chân thành và chia sẻ lập trường chung đối với các mối nguy cơ chung". (Reuters)

Đàm phán hạt nhân: Iran muốn có sự đảm bảo

Ngày 15/2, các quan chức an ninh hàng đầu của Iran cho rằng, cần một "sự đảm bảo" và "xác minh" cho các cuộc hội đàm tại Vienna để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015.

Trên mạng xã hội Twitter, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkani đăng tải thông điệp nêu rõ, hành động "bất chính" của Mỹ được chứng minh là một "mối đe dọa quan trọng nhất cho bất cứ thỏa thuận nào" và "thực sự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc Iran sẽ có được những lợi ích kinh tế đáng tin cậy và bền vững". (AFP)

Chuyển thù thành bạn, Thổ Nhĩ Kỳ-UAE cùng thu về hàng chục thỏa thuận: Ngày 14/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo tới quốc gia vùng Vịnh kể từ năm 2013.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 13 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, y tế, công nghiệp, công nghệ, thương mại, kinh tế...