Ông Pita Limjaroenrat của đảng MFP gặp gỡ báo chí Thái Lan sau khi cuộc bầu cử có kết quả sơ bộ ngày 14/5. (Nguồn: Nikkei) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine là “nhà nước tài trợ khủng bố”: Trả lời phỏng vấn ngày 14/5 trước thông tin Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine Kirill Budanov muốn “tiếp tục tiêu diệt người Nga khắp mọi nơi” trên toàn cầu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Ukraine thực tế đã trở thành “nhà nước tài trợ khủng bố”.
Quan chức Nga cho rằng sự thừa nhận của ông Budanov là bằng chứng nữa cho thấy Ukraine đã trực tiếp dàn dựng các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người Nga, và nhấn mạnh “các cơ quan đặc nhiệm của Nga biết phải làm gì sau những tuyên bố như vậy”, nhưng không nêu chi tiết về các biện pháp đáp trả. Ông Peskov nêu rõ: “Bản chất của tuyên bố này là chưa từng có. Tất nhiên, sẽ rất lạ khi không nghe thấy bất kỳ lời chỉ trích nào từ các quốc gia châu Âu và từ Mỹ”.
Trước đó, ngày 10/5, quan chức Nga cũng nhận định rằng chính quyền Ukraine đã tự đặt mình vào hàng ngũ các quốc gia bảo trợ chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Điện Kremlin. (RT)
* Nga bác tin Wagner đề nghị tiết lộ vị trí quân đội Nga: Ngày 15/5, Moscow bác bỏ thông tin ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, từng đề nghị tiết lộ vị trí của quân đội Nga cho phía Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thông tin này giống như một “trò lừa bịp”, lưu ý rằng chính người đứng đầu Wagner đã bác bỏ cáo buộc trên.
Trước đó, ngày 14/5, Washington Post (Mỹ) dẫn nguồn tin tình báo của xứ cờ hoa bị rò rỉ vừa qua cho biết ông Yevgeny Prigozhin từng đề nghị tiết lộ vị trí của quân đội Nga cho Ukraine. Để đổi lấy việc Ukraine rút binh lính khỏi Bakhmut, hồi tháng một, ông Prigozhin được cho là đã đề nghị cung cấp thông tin từ cơ quan tình báo của mình về các vị trí của lực lượng Nga, song Ukraine đã từ chối đề nghị này. Ông Prigozhin đưa ra đề nghị trên thông qua các mối liên hệ với cơ quan tình báo Ukraine. Nhà Trắng hiện chưa phản hồi về thông tin này. (Reuters)
* Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ Bakhmut: Ngày 15/5, Tư lệnh Lục quân Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi tuyên bố: “Cuộc tấn công theo hướng Bakhmut là hoạt động tấn công thành công đầu tiên trong phòng thủ, cho thấy chúng ta có thể tiến lên và tiêu diệt đối thủ ngay cả trong điều kiện cực kỳ khó khăn... Chiến dịch bảo vệ Bakhmut vẫn tiếp tục. Mọi quyết định cần thiết cho việc phòng thủ đã được đưa ra”.
Cùng ngày, viết trên Telegram, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết kế hoạch bao vây và chiếm Bakhmut của Nga hiện vẫn không thay đổi và các lực lượng tấn công mới đang được gửi đến vùng ngoại ô thành phố này. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine đề xuất hoãn bầu cử: Ngày 14/5, trả lời phỏng vấn Washington Post, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh: “Nếu chúng ta còn áp đặt thiết quân luật, chúng ta không thể tổ chức bầu cử. Hiến pháp nghiêm cấm bất kỳ cuộc bầu cử nào diễn ra trong thời gian thiết quân luật. Nếu không có thiết quân luật, thì sẽ có (bầu cử)”. Ông cho rằng, theo Hiến pháp Ukraine, bầu cử diễn ra 90 ngày sau khi thiết quân luật kết thúc.
Theo lịch trình, Ukraine sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 10 tới và bầu cử tổng thống vào đầu năm sau.(Reuters)
* Tổng thống Ukraine thăm Anh: Ngày 15/5, viết trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đang trên đường tới Anh để gặp Thủ tướng chủ nhà Rishi Sunak: “London, Anh dẫn đầu các quốc gia giúp chúng ta tăng cường năng lực trên mặt đất và trên không. Hoạt động hợp tác này sẽ tiếp tục ngày hôm nay... Tôi sẽ gặp người bạn của tôi, (Thủ tướng) Rishi. Chúng tôi sẽ đối thoại thực chất theo hình thức trực tiếp và theo phái đoàn”.
Cùng ngày, Anh tuyên bố sẽ chuyển giao hàng trăm UAV tấn công, với tầm hoạt động hơn 200 km, cho Ukraine. Tuyên bố nêu rõ: “Hôm nay, Thủ tướng (Rishi Sunak) sẽ xác nhận việc Anh cung cấp thêm hàng trăm tên lửa phòng không và hệ thống UAV, trong đó có hàng trăm UAV tấn công tầm xa hơn 200 km cho Ukraine. Tất cả sẽ được chuyển giao trong vòng vài tháng tới, khi mà lực lượng Ukraine đang chuẩn bị tăng cường đòn kháng cự trước đợt tấn công của Nga”. (DW/Reuters)
* Hungary ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc về Ukraine: Ngày 15/5, phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh: “Hungary ủng hộ hòa bình. Cần phải đạt hòa bình càng sớm càng tốt. Đáng tiếc, luận điệu hiếu chiến cực kỳ mạnh mẽ ở cấp độ toàn cầu.
Vì vậy, chúng ta cần tăng cường tiếng nói của phe hòa bình. Chúng tôi rất coi trọng vai trò của Trung Quốc. Chúng tôi đánh giá cao kế hoạch của các bạn và hy vọng rằng nó sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận về cách đạt được hòa bình trong khu vực”. (TASS)
Nga-Trung
* Điện Kremlin chỉ trích phát biểu của Tổng thống Pháp về quan hệ Nga-Trung: Ngày 15/5, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov chỉ trích nhận định của ông Emmanuel Macron về quan hệ Nga-Trung, nhấn mạnh rằng đây là mối quan hệ của đối tác chiến lược và không liên quan gì đến sự phụ thuộc.
Trước đó, ngày 14/5, trả lời phỏng vấn tờ Opinion (Pháp), ông Macron cho rằng Nga đã “thất bại về mặt địa chính trị”: “Trên thực tế, họ (Nga) đã bước vào hình thái phụ thuộc liên quan đến Trung Quốc và đánh mất quyền tiếp cận vùng Baltic, vốn có tầm quan trọng then chốt, vì họ đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan đưa ra quyết định gia nhập NATO… Chỉ 2 năm trước đây, thực tế này là không tưởng. (Reuters)
Đông Nam Á
* Thái Lan công bố kết quả bầu cử sơ bộ: Trưa 15/5, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Ittiporn Boonpracong công bố kết quả của bầu cử hôm 14/5.
Theo đó, đảng Tiến bước (MFP) giành tổng cộng 152/500 ghế tại Hạ viên (gồm 113 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 39 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng). Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng thứ 2 với 141 ghế (tương ứng lần lượt là 112 và 29 ghế).
Trong khi đó, Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) đứng thứ 3 với 70 ghế (67 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 3 ghế theo danh sách đảng). Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) xếp sau với tổng số ghế đạt được là 40. Đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xếp thứ 5 với 23 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 13 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng.
Ông Ittiporn cũng cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 75,22%, cao hơn cả mức kỷ lục là 75,03% trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2011.
Sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố, lãnh đạo đảng MFP, ông Pita Limjaroenrat cho biết sẽ tìm cách xây dựng một liên minh 6 bên, trong đó bao gồm đảng Vì nước Thái. Nhà lãnh đạo 42 tuổi này cho biết, ông đã liên hệ với bà Paetongtarn Shinawatra, một trong các ứng cử viên thủ tướng của đảng Vì nước Thái, để mời tham gia liên minh nhằm thành lập chính phủ mới.
Nếu kịch bản này thành hiện thực, liên minh này sẽ giành 292 ghế và chiếm đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, để có thể thành lập chính phủ, liên minh này cần tối thiểu 376 phiếu trong bầu cử thủ tướng với sự tham gia của lưỡng viện. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Mỹ-Nhật-Hàn gặp gỡ bên lề thượng đỉnh G7 Hiroshima: Ngày 15/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết: “Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, chúng tôi muốn tiến hành cuộc gặp ba bên Nhật-Mỹ-Hàn và tổ chức một cuộc thảo luận sâu sắc hơn nữa”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và tình hình an ninh khu vực xấu đi.
Quan chức này xác nhận Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 18/5. (Sputnik)
* Báo Nhật: Tin tặc Triều Tiên đánh cắp 721 triệu USD tiền điện tử Nhật Bản: Ngày 15/5, nhật báo Nikkei (Nhật Bản) dẫn nghiên cứu của công ty phân tích blockchain Elliptic (Anh) cho biết các nhóm tin tặc có quan hệ với Triều Tiên đã đánh cắp 721 triệu USD tiền điện tử từ Nhật Bản kể từ năm 2017. Số tiền này tương đương 30% tổng số tiền điện tử bị đánh cắp toàn cầu.
Trước đó, cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) cũng nhiều lần tố tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp tiền điện tử và các tài sản ảo khác những năm gần đây nhằm tăng cường kho dự trữ ngoại tệ của Bình Nhưỡng. (Nikkei)
Châu Âu
* Nga mong muốn tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 15/5, Điện Kremlin cho biết Moscow mong đợi quan hệ hợp tác với Ankara sẽ tiếp tục và sâu sắc hơn, bất kể kết quả bầu cử tổng thống sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, với việc 100% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 14/5, đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận 49,35% số phiếu bầu, trong khi đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu giành 45%. Cả hai không đạt được hơn 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc vòng bầu cử thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 28/5 tới. (Reuters)
* Slovakia có Thủ tướng mới: Ngày 15/5, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đã bổ nhiệm ông Ludovit Odor làm Thủ tướng và giao cho chính trị gia này nhiệm vụ lãnh đạo đất nước tiến tới cuộc bầu cử sớm vào tháng 9. Việc bổ nhiệm ông Odor, 46 tuổi, nhà kinh tế học độc lập về chính trị, diễn ra sau sự sụp đổ của liên minh trung hữu, vốn cầm quyền ở Slovakia từ sau bầu cử năm 2020. (Reuters)
* Công đoàn Czech đình công phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”: Ngày 15/5, các công đoàn Cộng hòa Czech cảnh báo sẽ đình công để phản đối các biện pháp mang tính “thắt lưng buộc bụng” vừa được chính phủ thông qua.
Chủ tịch Liên Công đoàn Czech và Morava (CMKOS) Josef Stredula tuyên bố tình hình hiện nay là ”nghiêm trọng” và chỉ trích chính phủ không tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm túc với công đoàn. Theo ông, các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ trong gói hợp nhất vừa thông qua sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến người lao động và gia đình, cũng như những đối tượng hưu trí.
Trước đó, hôm 14/5, Thủ tướng Petr Fiala đã bác bỏ các chỉ trích của công đoàn và khẳng định chính phủ đã “duy trì đối thoại thường xuyên với đại diện của người lao động”. Ông khẳng định “cả ba bên gồm chính phủ, công đoàn và người lao động, đều biết rằng chúng ta cần tiết kiệm ngân sách".
Về phần mình, ông Stredula khẳng định công đoàn sẽ theo sát tình hình, đồng thời kêu gọi các công đoàn độc lập cùng phối hợp hành động và cảnh báo tình trạng đình công khẩn cấp mới là “hình thức nhẹ nhất” để phản ứng với chính phủ. (TTXVN)
* Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống: Ngày 15/5, kênh truyền hình quốc gia TRT TV (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin, với việc 100% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 14/5, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành được 49,35% số phiếu bầu, trong khi con số của đối thủ chính Kemal Kilicdaroglu là 45%. Ứng cử viên Sinan Ogan của Liên minh ATA chỉ nhận 5,22% số phiếu bầu trong khi ông Muharrem Ince, người đã rút lui, giành được 0,43% số phiếu ủng hộ. Cơ quan bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi số phiếu mà ông này nhận được là hợp lệ.
Đồng thời, cơ quan bầu cử đã loại bỏ hơn một triệu phiếu bầu không hợp lệ. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống đạt mức cao kỷ lục 88,84%.
Do không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ, theo quy định của nước này, đương kim Tổng thống Erdogan và ông Kilicdarogu sẽ bước vào vòng thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 28/5 tới. (TASS)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận nâng trần nợ công: Ngày 14/5, ông Joe Biden cho biết vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa. Phát biểu bên ngoài tư dinh tại Delaware, Tổng thống Mỹ cho biết cả ông và đảng Cộng hòa đều mong muốn đi đến một thỏa thuận chung.
Chia sẻ nhận định phát biểu trên CNN (Mỹ) ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng nhận định xứ cờ hoa “chưa bao giờ” và cũng “không thể” rơi vào tình trạng vỡ nợ. Ông cho biết hiện các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng” về nợ công đang diễn ra ở cấp chuyên viên. Bác bỏ các cáo buộc cho rằng nhà lãnh đạo này không muốn giải quyết nợ công khổng lồ của Mỹ, quan chức này khẳng định Tổng thống đã vạch ra kế hoạch 3.000 tỷ USD nhằm xóa nợ trong 10 năm, bao gồm lộ trình tăng thuế người giàu và nhiều doanh nghiệp.
Về phần mình, trả lời kênh FOX News (Mỹ) cùng ngày, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Byron Donalds cho rằng chính phủ cần đưa chi tiêu trở lại thời kỳ trước dịch Covid-19, sau đó mới có thể nói về tăng trần nợ công. Bình luận trên mạng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, đảng Cộng hòa “không nhượng bộ”, trừ khi đảng Dân chủ chấp nhận cắt giảm ngân sách chi tiêu công.
Đàm phán lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ về nâng trần nợ công liên tục rơi vào bế tắc, bất chấp nhiều cảnh báo rằng tình trạng vỡ nợ làm lung lay vị thế của xứ cờ hoa và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trong khi ông Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện, các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nếu muốn nâng trần nợ liên bang hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD. (CNN/FOX News/TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Ít nhất 676 người thiệt mạng trong đụng độ ở Sudan: Ngày 14/5, báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nêu rõ: “Những cuộc đụng độ giữa Các Lực lượng vũ trang Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) diễn ra suốt 30 ngày liên tiếp, đặc biệt là trong và quanh thủ đô Khartoum, khiến ít nhất 676 người thiệt mạng và 5.576 người bị thương”. Hơn 936.000 người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột từ hôm 15/4, bao gồm 736.200 người di tản ở trong nước và khoảng 200.000 người tị nạn tại các nước láng giềng.
Kể từ khi những cuộc đụng độ nổ ra hồi giữa tháng 4, cư dân thủ đô Khartoum đã phải đối mặt với tình cảnh thiếu lương thực trầm trọng, đặc biệt là sau khi hàng chục nhà máy bị cướp phá và phóng hỏa. Báo cáo của LHQ ước tính khoảng 15,8 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số Sudan, cần viện trợ nhân đạo vào năm 2023 và con số này có thể tăng lên do xung đột.
Ngày 11/5, tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, các bên đối địch ở quốc gia Đông Bắc Phi đã ký “Tuyên bố cam kết bảo vệ dân thường dân Sudan” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo đảm cho công tác sơ tán dân thường được tiến hành một cách an toàn. Tuy nhiên, hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và tiếp tục đụng độ vũ trang. (TTXVN)