Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng 'đậm' ở Iowa. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy hỗ trợ giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine, theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 16/1.
Trả lời họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh nêu rõ: "Quan điểm của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, bản chất là thúc đẩy hòa giải và đàm phán. Trung Quốc can dự với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Ukraine".
Quan chức ngoại giao Trung Quố khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Kiev để thực thi “sự đồng thuận quan trọng mà hai nguyên thủ quốc gia đạt được cũng như thúc đẩy sự phát triển quan hệ Trung Quốc-Ukraine”. (Sputnik)
* Thụy Sỹ sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chính phủ Thụy Sỹ nêu rõ: "Theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine, Thụy Sĩ đã nhất trí đăng cai tổ chức một hội nghị về công thức hòa bình".
Ông Zelensky hiện đang ở Bern và sẽ tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos. Nhà lãnh đạo Ukraine không cung cấp danh sách mở rộng những người tham dự hội nghị hòa bình theo dự kiến nói trên, song bày tỏ mong muốn " các nước ở Nam Bán cầu hiện diện".
Ngoài ra, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ rất muốn Trung Quốc tham dự công thức hòa bình của chúng tôi cũng như hội nghị thượng đỉnh này. Nhưng không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào mong muốn của chúng tôi". (Reuters)
* Phương Tây không được giảm bớt hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí và tiền bạc, nếu muốn Kiev thành công trong xung đột với Nga, theo lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo ngày 16/1.
Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại WEF, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: “Ukraine có thể chiếm ưu thế trong xung đột nhưng chúng ta phải tiếp tục tăng cường sức mạnh kháng chiến của họ”.
Theo quan chức châu Âu, người Ukraine "cần nguồn tài chính có thể dự đoán được trong suốt năm 2024 và xa hơn nữa. Họ cần nguồn cung vũ khí đầy đủ và duy trì liên tục để bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ hợp pháp của mình". (Reuters)
Trung Đông
* Mỹ-Anh tấn công vào tỉnh miền Trung Yemen để chống lại Houthi vào ngày 16/1, Sputnik đưa tin theo một nguồn tin từ chính quyền địa phương của tỉnh Al Bayda ở miền Trung Yemen.
Nguồn tin nêu rõ: "Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào doanh trại ở tỉnh Al Bayda, phía Đông Nam thủ đô Sanaa của Yemen. Máy bay của Mỹ và Anh đã ném bom các cơ sở của nhóm Ansar Allah trong doanh trại của huyện Mukayris, khu vực pháo đài At Taffah và các cơ sở ở huyện Sawmaah".
* Iran tấn công các mục tiêu khủng bố tại Iraq, Syria: Hãng thông tấn IRNA ngày 15/1 đưa tin, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã mở các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu “khủng bố” tại Syria và khu vực người Kurd tại Iraq.
Theo nguồn tin trên, IRGC đã xóa sổ “các trụ sở do thám” và “nơi tập trung các nhóm khủng bố chống Iran” tại Arbil, thủ phủ của khu trị người Kurd ở Iraq.
Ngoài ra, cơ quan báo chí Sepah News của IRGC cho hay, IRGC đã sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công “các địa điểm hội họp của các thủ lĩnh và phần tử chủ chốt liên quan đến các hoạt động khủng bố mới đây, đặc biệt là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Ngày 16/1, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết, Tehran tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác nhưng đồng thời sử dụng “quyền hợp pháp và chính đáng để ngăn chặn các mối nguy cơ an ninh quốc gia”, bảo vệ chủ quyền cũng như chống lại chủ nghĩa khủng bố.
* Iraq phản đối vụ tấn công tên lửa của Iran, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Iraq ngày 16/1.
Bộ trên cảnh báo, chính quyền nước này “sẽ thực hiện mọi bước pháp lý” cần thiết, bao gồm cả “việc khiếu nại với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".
Iraq cũng sẽ công bố kết quả điều tra về các cuộc tấn công, để chứng minh cho dư luận Iraq và quốc tế thấy sự sai trái của những cáo buộc mà những người chịu trách nhiệm về những vụ tấn công này đưa ra.
Ngay trong ngày 16/1, Iraq đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Iran để tham, trong bối cảnh cuộc tấn công của Tehran đã gây nên một số thương vong. (AFP)
* Pháp cáo buộc Iran gây leo thang căng thẳng khu vực: Theo hãng Reuters ngày 16/1, Pháp đã cáo buộc Iran vi phạm chủ quyền của Iraq sau khi vụ tấn công trên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh: “Những hành động như vậy là sự vi phạm chủ quyền của Iraq một cách trắng trợn, không thể chấp nhận được và đáng lo ngại, phá hoại sự ổn định và an ninh của Iraq cũng như của người Kurd, góp phần làm leo thang căng thẳng trong khu vực và phải dừng lại”.
* Israel bất ngờ rút một sư đoàn chủ lực khỏi Dải Gaza: Đài phát thanh quân đội Israel ngày 15/1 đưa tin, nước này vừa bất ngờ rút Sư đoàn số 36, gồm các Lữ đoàn Golani, số 6, 7, 188 và Quân đoàn Công binh.
Trong khi đó, tờ Haaretz dự báo, việc chuyển đơn vị tinh nhuệ Duvdevan (bí danh 217) từ Dải Gaza tới Bờ Tây được cho là nhằm đề phòng khả năng khu vực này sẽ leo thang căng thẳng trong những ngày tới.
Trước đó, các quan chức an ninh Israel cảnh báo nguy cơ bùng nổ xung đột từ Bờ Tây do gia tăng căng thẳng tại các vùng lãnh thổ mà Israel đang chiếm đóng của người Palestine.
* Một tàu chở hàng của Hy Lạp bị trúng tên lửa ngoài khơi Yemen, theo thông báo của công ty an ninh hàng hải Ambrey (Anh) trên mạng xã hội X (trước là Twitter) ngày 16/1.
Con tàu có tên Zografia, chủ sở hữu là người Hy Lạp nhưng treo cờ Malta. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết con tàu này chỉ bị hư hại nhẹ.
Trước đó một ngày, tàu M/V Gibraltar Eagle thuộc sở hữu của Mỹ cũng bị trúng tên lửa của Houthi.
Trong khi đó, theo kênh truyền hình Al Jazeera ngày 15/1, giới chức tình báo Mỹ cho biết, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy các chỉ huy cấp cao của Iran đã ra lệnh cho phong trào Houthi của Yemen tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ.
Bán đảo Triều Tiên
* Triều Tiên tuyên bố quan hệ với Nga đi đúng hướng: Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ngày 16/1, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Lavrov ở thủ đô Moscow.
tuyên bố, mối quan hệ Triều-Nga đang phát triển phù hợp với kế hoạch của lãnh đạo hai nước,
, Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực hết sức để phát triển quan hệ với Moscow.
Bên cạnh đó, bà Choe Son-hui cũng xác nhận, Triều Tiên đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bình Nhưỡng và hy vọng hai bên sẽ tăng cường trao đổi các phái đoàn cấp cao trong năm 2024. (Reuters)
* Chủ tịch Triều Tiên cứng rắn với Hàn Quốc: Trong một bài phát biểu trước Quốc hội ngày 15/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cảnh báo, nếu Hàn Quốc xâm phạm "dù chỉ 0,001 mm lãnh thổ, vùng trời và vùng biển" của đất nước ông, đó sẽ bị coi là hành động khiêu khích.
Chủ tịch Kim Jong Un đồng thời khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ không công nhận đường biên giới trên biển thực tế giữa hai nước - Đường Giới hạn phía Bắc (NLL).
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng yêu cầu xem xét lại Hiến pháp và các hành động pháp lý để xác định lại quan hệ với Hàn Quốc.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng quyết định bãi bỏ các cơ quan đảm nhiệm các vấn đề liên Triều Triều. (AFP, Yonhap)
* Tổng thống Hàn Quốc đáp trả Triều Tiên: Ngày 16/1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ trừng phạt Triều Tiên mạnh gấp nhiều lần trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện hành động chống lại Seoul.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố: “Triều Tiên nên nhận ra rõ ràng rằng, họ không thể đạt được bất cứ điều gì – an ninh, kinh tế hay duy trì hệ thống của mình – thông qua vũ khí hạt nhân và tên lửa”. (Yonhap)
Châu Âu
* Thủ tướng Bỉ kêu gọi châu Âu không nên “sợ” ông Trump trở lại: Ngày 16/1, trước khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố: “Nếu năm 2024 lại đem đến cho chúng ta 'Nước Mỹ trên hết', thì hơn bao giờ hết châu Âu phải là chính mình".
Nhà lãnh đạo quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh: "Chúng ta không nên lo sợ viễn cảnh đó, mà cần nắm bắt lấy bằng cách để châu Âu đứng trên một đôi chân vững chắc hơn đó là mạnh mẽ hơn, có chủ quyền hơn và tự tin hơn”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Trump giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của đảng Cộng hòa để tìm ra ứng viên đại diện tranh cử vị trí tổng thống Mỹ.
Châu Mỹ
* Bầu cử Mỹ 2024: Cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa, với 51% số phiếu bầu trên tổng số 99% số phiếu đã kiểm.
Ông Trump đã vượt qua hai đối thủ chính là bà Nikki Haley - cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đồng thời là cựu thống đốc bang South Carolina và ông Ron DeSantis - Thống đốc bang Florida.
Trên mạng xã hội X, Tổng thống Joe Biden thừa nhận: "Dường như ông Donald Trump đã chiến thắng tại bang Iowa. Tại thời điểm này, ông ấy là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa".
Giáo sư Julian E. Zelizer chuyên nghiên cứu về quan hệ công chúng tại Đại học Princeton cũng đồng ý với bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ. (Reuters)
* Một ứng cử viên đảng Cộng hòa bỏ cuộc đua: Ngày 15/1, tỷ phú Vivek Ramaswamy tuyên bố rời khỏi cuộc đua giành lá phiếu đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, sau thất bại tại Iowa với 7,7% số phiếu bầu.
Vị tỷ phú này cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống Trump. (AP)
Châu Phi
* Liên minh châu Phi kêu gọi giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine: Ngày 15/1, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cho biết, trong khi ảnh hưởng của khủng hoảng Nga-Ukraine không ngừng gia tăng, xung đột Israel-Palestine vẫn tiếp diễn với cường độ không tưởng.
Ông nói: “Lương tâm người châu Phi bị lung lay trước thảm kịch xảy ra do cuộc xung đột. Tôi nhắc lại một lần nữa lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột này”.
Nhắc lại rằng, cuộc xung đột là mối lo ngại lớn đối với châu Phi trong hơn 60 năm qua, nhà lãnh đạo lưu ý cần có một giải pháp lâu dài để đảm bảo hai quốc gia cùng tồn tại, nhằm cho phép người dân hai nước sống trong hòa bình và ổn định.
Chủ tịch AU cho biết, châu Phi cũng không thoát khỏi xung đột, đồng thời lưu ý các vấn đề an ninh đang diễn ra ở Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và các khu vực khác trên lục địa, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển của châu Phi.
Theo ông Mahamat, AU cần phải đi một chặng đường dài để đạt được mục tiêu chung của mình, đó là hòa bình, hội nhập và phát triển của châu Phi. (African Union)
* Ai Cập cảnh báo ý đồ của Israel chiếm lại hành lang Philadelphia: Sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ tham vọng giành lại quyền kiểm soát hành lang Philadelphia, vùng đệm trải dài 14 km dọc biên giới Ai Cập-Gaza, ngày 15/1, Cairo đã đưa ra cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.
Chủ tịch Cơ quan Quản lý Thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS) Diaa Rashwan nói rõ, việc lực lượng Israel "chiếm đóng" hành lang Philadelphia sẽ vi phạm các phụ lục của Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel ký tại Washington năm 1979, vốn đã chấm dứt 31 năm chiến tranh giữa hai nước.
Theo ông Rashwan, Israel không nên gây bất ổn cho Ai Cập và các quốc gia Arab, vì mối quan hệ giữa Israel và thế giới Arab vốn đã tồn tại nhiều bất đồng.
Chủ tịch Rashwan cảnh báo nghiêm khắc rằng, nếu Israel tìm cách đòi lại hành lang Philadelphia, Ai Cập sẽ bảo vệ an ninh quốc gia và chính nghĩa của người Palestine, vì hai vấn đề này có mối liên hệ với nhau.