Nga khẳng định sẽ chú ý diễn biến việc Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập NATO. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga nói "không có lối thoát khác": Ngày 16/5,
"Chúng tôi không có lối thoát nào khác, sự nghiệp của chúng tôi là đúng và tất nhiên chúng tôi sẽ giành chiến thắng". (TASS)
* Ukraine ký thỏa thuận vay Nhật Bản 100 triệu USD: Ngày 16/5, Bộ Tài chính Ukraine thông báo, nước này và Nhật Bản đã ký thỏa thuận về khoản vay 100 triệu USD, chủ yếu nhằm giúp hỗ trợ những người dễ bị tổn thương ở quốc gia Đông Âu này sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Khoản cho vay này phải trả sau 30 năm và bao gồm thời gian ân hạn 10 năm. (Reuters)
* Ukraine triển khai quân tới biên giới với Nga, song chưa rõ số lượng và địa điểm cụ thể các binh sĩ được triển khai. (Reuters)
* Nga nói châu Âu đã mất cơ hội thỏa hiệp, điều mà Moscow đã đề xuất trong trong tám năm qua. Theo Nga, đề xuất này là điều lý tưởng để giữ thể diện cho Ukraine và để đảm bảo một đất nước thống nhất. (TASS)
* EU sẽ viện trợ bổ sung 500 triệu Euro cho Ukraine, theo thông báo của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. (Reuters)
Gia nhập NATO
* Quốc hội Phần Lan, Thụy Điển bắt đầu thảo luận về việc gia nhập NATO trong ngày 16/5, trong bối cảnh hai nước láng giềng trong tuần này chuẩn bị nộp đơn gia nhập liên minh quân sự phương Tây.
Việc bắn tiếng gia nhập NATO là bước ngoặt đáng kể liên quan chính sách không liên kết của quân đội Thụy Điển và Phần Lan, vốn được hai nước lần lượt áp dụng trong hơn 75 năm và 2 thế kỷ qua. (AFP)
* Nga theo dõi sát sao việc Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO, theo tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/5.
Ông Peskov cho rằng, sự tham gia của hai nước này vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không thể củng cố kiến trúc an ninh của châu Âu.
Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, việc Phần Lan và Thụy Điển lựa chọn tham gia liên minh quân sự NATO là một sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng và chứng kiến tình hình thế giới thay đổi hoàn toàn. (Reuters)
* Thụy Điển sẽ đối thoại với Thổ Nhĩ kỳ để gia nhập NATO: Ngày 16/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết, nước này sẽ cử các nhà ngoại giao tới Thổ Nhĩ Kỳ để đối thoại liên quan kế hoạch Stockholm gia nhập NATO.
Phát biểu trên Đài truyền hình SVT, ông Peter Hultqvist nói: “Chúng tôi sẽ cử một nhóm các nhà ngoại giao tới để tiến hành các cuộc thảo luận và đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ để chúng tôi có thể xem việc này được giải quyết như thế nào và thực sự chuyện này là như thế nào”.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ những kẻ khủng bố ở nước họ, đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn trở thành thành viên của NATO.
* Lãnh đạo đảng Cộng hòa Mỹ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO: Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết, Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan trước kỳ nghỉ thường niên vào tháng 8 tới. (Reuters)
* Thụy Điển gia nhập NATO không nhằm mục đích chống Nga: Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andresson cho biết, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ở nước này ủng hộ việc gia nhập NATO không nhằm mục đích chống lại Nga mà chỉ là để "tốt cho Thụy Điển". (TASS)
* Nga sẽ tăng cường quân đội nếu NATO triển khai vũ khí tấn công ở Phần Lan, theo lời của Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga Viktor Bondarev ngày 15/5.
Trên Telegram, ông Bondarev nói: "Chúng tôi sẽ củng cố khu vực biên giới, tăng cường sự hiện diện của quân đội Nga nếu vũ khí tấn công của NATO được triển khai trên lãnh thổ Phần Lan, ở khu vực lân cận với lãnh thổ của chúng tôi". (Sputnik)
* Đức đổ lỗi cho Nga đơn phương từ bỏ Đạo luật căn bản về quan hệ hợp tác, an ninh: Ngày 15/5, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, chính cách hành xử của Nga đã dẫn đến việc nước này đơn phương từ bỏ Đạo luật căn bản về quan hệ hợp tác, an ninh ký với NATO năm 1997.
Bà Baerbock cho hay: “Chính phủ Nga đã thể hiện lập trường rõ ràng rằng Đạo luật căn bản NATO-Nga không còn giá trị gì nữa. Vì vậy, chúng tôi hiện phải thừa nhận rằng đạo luật căn bản này cũng do Nga đơn phương chấm dứt chứ không phải NATO”.
Đạo luật căn bản về quan hệ, hợp tác, an ninh giữa Nga-NATO được thiết lập để xây dựng lòng tin và hạn chế sự hiện diện vũ lực của cả hai bên ở Đông Âu. Tuy nhiên, NATO trên thực tế đã ngừng hợp tác với Nga từ năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập Crimea. (Reuters)
Nga-EU
* EU không chắc đạt được thỏa thuận về lệnh cấm dầu mỏ Nga: Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhận định, các ngoại trưởng của khối không thể chắc chắn đạt được một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ nhằm vào Nga.
Phát biểu tại Brussels khi tới tham dự hội nghị ngoại trưởng EU, ông Borrell cho biết, có một số "lập trường cứng rắn từ một số quốc gia thành viên". (Reuters)
* Lithuania EU đang là con tin: Ngày 16/5, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết, các kế hoạch của EU nhằm áp đặt một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga đã bị chỉ 1 trong số 27 thành viên của khối chặn lại.
Ông nói: "Toàn bộ liên minh đang bị bắt làm con tin bởi một quốc gia thành viên... chúng ta phải nhất trí, chúng ta không thể bị bắt làm con tin".
Theo các nhà ngoại giao EU, Hungary là quốc gia đang chưa chấp thuận áp đặt lệnh cấm dầu mỏ đối với Nga. (Reuters)
* Khả năng EU áp đặt gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga: Ngày 16/5, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết, EU sẽ áp đặt gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, song liên minh này cần thêm thời gian để đạt được đồng thuận.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg bày tỏ hy vọng EU sẽ nhất trí về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga trong những ngày tới. (Reuters)
Châu Mỹ
* Mỹ và 6 thành viên APEC thiết lập hệ thống dữ liệu chung: Ngày 16/5, nhật báo Nikkei của Nhật Bản đưa tin, Mỹ cùng với Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Singapore đã nhất trí thiết lập một khuôn khổ chung để chuyển dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân, loại trừ Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, khuôn khổ này có thể được sử dụng để mở rộng mạng lưới thương mại điện tử và giới thiệu các hệ thống được các nước cùng phát triển để kiểm soát vận tải không người lái trong khu vực
Theo nguồn tin, khuôn khổ này được thiết lập để thay thế những khuôn khổ hiện đang được Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sử dụng, trong đó Trung Quốc và Nga cũng là thành viên.
Hơn nữa, các quốc gia bên ngoài APEC, gồm Brazil và Anh, cũng sẽ được mời tham gia.
* Mỹ loại 5 nhóm cực đoan khỏi danh sách khủng bố: Mỹ quyết định loại 5 nhóm cực đoan khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài, trong đó có một số tổ chức từng gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng, sát hại hàng trăm, hàng nghìn người trên khắp châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Các tổ chức cực đoan nói trên, bao gồm Tổ chức ly khai xứ Basque ETA, giáo phái Aum Shinrikyo của Nhật Bản, nhóm Do Thái cực đoan Kahane Kach và hai nhóm Hồi giáo từng hoạt động ở Israel, các vùng lãnh thổ Palestine và Ai Cập. (SCMP)
* Tổng thư ký LHQ lên án vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ: Ngày 15/5, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ xả súng làm ít nhất 10 người thiệt mạng tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người da đen ở thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ hôm 14/5.
Tổng thư ký Guterres gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình và những người thân của các nạn nhân và hy vọng công lý sẽ được thực thi nhanh chóng". (AFP)
* Cuba chỉ trích Mỹ vì bị loại khỏi thượng đỉnh khu vực: Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Quốc hội Cuba chỉ trích việc nước này bị loại khỏi Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9, dự kiến diễn ra từ ngày 8-10/6 tại Los Angeles.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày đầu tiên của kỳ họp bất thường thứ 5 của cơ quan lập pháp Cuba, Ủy ban Quan hệ Quốc tế nêu rõ: “Không có lý do nào có thể biện minh cho việc loại trừ một quốc gia châu Mỹ khỏi sự kiện khu vực này”.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parilla cho rằng, với quyết định này, Mỹ đã loại bỏ cả khả năng thảo luận các vấn đề quan trọng trong mối quan hệ song phương và khu vực, chẳng hạn như vấn đề di cư. (The Business News)
Bán đảo Triều Tiên
* Mỹ-Hàn nhất trí tham vấn chặt chẽ về viện trợ cho Triều Tiên: Ngày 16/5, Đặc phái viên của Hàn Quốc về hòa bình và các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Kim Gun và người đồng cấp Mỹ Sung Kim đã thảo luận và bày tỏ quan ngại về tình hình dịch Covid-19 ở Triều Tiên.
Hai quan chức nhất trí tham vấn chặt chẽ về cách thức cung cấp viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng cùng với cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc điện đàm, ông Sung Kim tái khẳng định ủng hộ việc Seoul thúc đẩy cung cấp vaccine và vật tư y tế cho Bình Nhưỡng.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố, nước này không tiếc công sức để giúp đỡ Triều Tiên đối phó với đợt bùng phát lớn virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Hàn Quốc cũng đã đề xuất tổ chức các cuộc họp cấp chuyên viên với Triều Tiên về đề xuất hỗ trợ cho nước láng giềng trong cuộc chiến chống Covid-19 và đang chờ phản hồi. (Yonhap)
* Triều Tiên đề nghị Trung Quốc hỗ trợ phòng chống đại dịch: Một nguồn tin ngoại giao ngày 15/5 cho biết, Triều Tiên gần đây đã thông qua kênh ngoại giao để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ hàng hóa và trang thiết bị chống dịch Covid-19 và các cuộc đàm phán đang được tiến hành. (Yonhap)
Trung Đông
* Israel mở lại cửa khẩu Erez nối nước này với Dải Gaza vào ngày 15/5, sau 2 tuần bị đóng, trong bối cảnh căng thẳng vẫn chưa dịu bớt giữa người Palestine ở Bờ Tây và các lực lượng an ninh Israel.
Việc mở cửa khẩu này sẽ giúp khoảng 12.000 người dân ở Gaza hiện đang có giấy phép lao động được nhập cảnh Israel để làm việc.
Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Sa’ar cho rằng đây là một “sai lầm”, nhấn mạnh Israel “nên sử dụng các công cụ để đối trọng với Hamas”, lực lượng đang quản lý Dải Gaza. Trong khi đó, Bộ trưởng Hợp tác Khu vực Esawi Frej lại ủng hộ, cho rằng việc mở cửa “là một bước đi đúng, giúp thúc đẩy hòa bình và an ninh”. (Times of Israel)
* 45 người Palestine bị thương trong các cuộc đụng độ với quân đội Israel, gần Ramallah ở Bờ Tây, theo thống kê của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 15/5. (Sputnik)
Thủ tướng Ấn Độ thăm chính thức Nepal
Ngày 16/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương tại Lumbini, phía Tây Nam Nepal giáp Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi gọi đây là “cơ hội để tăng cường hợp tác liên tục và phát triển các lĩnh vực mới trong quan hệ đối tác nhiều mặt giữa hai nước”.
Tại cuộc hội đàm, hai thủ tướng thảo luận việc mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thủy điện, phát triển và kết nối, đồng thời hai bên đã ký kết 6 Biên bản ghi nhớ (MoU) liên quan các vấn đề năng lượng, liên kết đào tạo và nghiên cứu văn hóa. (The Indian Expres)