📞

Tin thế giới 16/6: Nga cảnh báo Ukraine về 'hành động tự sát'; Kiev gọi, phương Tây đáp lời; Hàn Quốc đứng trước thời khắc lịch sử?

Hoàng Hà 19:45 | 16/06/2022
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, lãnh đạo các nước Pháp-Đức-Italy lần đầu đến Kiev từ sau khi chiến sự nổ ra ngày 24/2, tình hình Bán đảo Triều Tiên và Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy đến thăm thành phố Iprin của tỉnh Kiev ngày 16/6 trước khi đến thủ đô Kiev gặp Tổng thống Ukraine Zelensky. (Nguồn:AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga cảnh báo Ukraine hậu quả của việc tấn công cầu Crimea: Nghị sĩ Hạ viện Nga từ khu vực Crimea Mikhail Sheremet cho rằng, việc Ukraine đe dọa tấn công cây cầu Crimea là một hành động tự sát. Theo ông, việc bảo vệ cây cầu này được thực hiện cả từ trên không và vùng biển ở Eo biển Kerch.

Ông Sheremet nói: "Cây cầu ở Crimea được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không hiện đại, đáng tin cậy. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo Kiev không thực hiện hành động khiêu khích. Nếu không, quả báo sẽ nhanh như chớp. Trung tâm ra quyết định sẽ bị phá hủy, kể cả ở Kiev".

Nghị sĩ này cũng "cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra đối với các nước phương Tây nếu họ quyết định cung cấp vũ khí theo yêu cầu cho Ukraine".

Trước đó, Thiếu tướng quân đội Ukraine Dmitry Marchenko phát biểu với truyền thông sở tại rằng, cầu Crimea sẽ trở thành mục tiêu số một nếu quân đội Ukraine được cung cấp vũ khí thích hợp từ Mỹ và châu Âu. (Sputnik)

*Lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Italy thăm Ukraine: Ngày 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đến thủ đô Kiev, chuyến thăm đầu tiên của các lãnh đạo này kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine cuối tháng 2 năm nay.

Ba nhà lãnh đạo sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đến các địa điểm từng xảy ra xung đột cũng như thảo luận về tình hình chiến sự và các giải pháp cho xung đột hiện nay.

nhấn mạnh: "Pháp đã sát cánh cùng Ukraine kể từ ngày đầu tiên. Chúng tôi kiên định sát cánh với Kiev. Người Ukraine phải kháng cự và chiến thắng".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp

* Nga phản ứng về chuyến công du của các lãnh đạo châu Âu tới Ukraine: Ngày 16/5, Điện Kremlin đã bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania sẽ tận dụng chuyến công du Kiev để có được "tầm nhìn thực tế về hiện trạng vấn đề".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tôi hy vọng rằng lãnh đạo các nước này sẽ không tập trung hỗ trợ bằng cách bơm thêm vũ khí cho Kiev vì điều đó sẽ hoàn toàn vô dụng và gây thiệt hại thêm cho Ukraine". (Reuters)

* Tổng thống Ukraine mời Thủ tướng Australia Anthony Albanese đến Kiev khi ông Albanese thực hiện chuyến thăm tới châu Âu vào cuối tháng này.

Theo Đại sứ Ukraine tại Canberra Vasyl Myroschnychenko, ông Zelensky hy vọng sẽ tổ chức cuộc tiếp đón ông Albanese tại thủ đô Kiev, để thể hiện tình đoàn kết chống lại chiến dịch quân sự của Nga và tận mắt chứng kiến nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng chi phí năng lượng của Australia.

Ông Albanese dự kiến sẽ đến Madrid (Tây Ban Nha), dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường niên từ ngày 28-30/6 và tới Pháp để hàn gắn quan hệ hai nước.

Truyền thông Australia dẫn các nguồn tin của chính quyền nước này cho rằng, chuyến thăm Kiev có thể không khả thi, do ông Albanese đang phải xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước và cần phải cân bằng thời gian ở trong và ngoài nước. (The Australian)

* Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nói Nga sai lầm lớn khi đặt cược vào sự chia rẽ của NATO trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo ông, "nếu Moscow nghĩ rằng các nước đồng minh châu Âu và cộng đồng các nền dân chủ nói chung sẽ phó mặc người Ukraine cho số phận của họ, thì chúng ta có thể nói rằng, suy nghĩ này đã được chứng minh là hoàn toàn sai lầm”.

Trước đó, Ngoại trưởng Di Maio cho biết, phản ứng đối với cuộc chiến sẽ tạo thêm "động lực mới" cho EU, song ông cho rằng quy tắc đồng thuận đang "cản trở" liên minh và cơ chế ra quyết định của khối này phải được thay đổi. (ANSA)

* Nhà Trắng kêu gọi công dân Mỹ không đến Ukraine sau khi có những thông tin về việc hai công dân Mỹ đã bị các lực lượng Nga bắt giữ trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Trước đó, tờ The Telegraph của Anh đưa tin, hai cựu quân nhân Mỹ tham gia chiến sự ở Ukraine với tư cách tình nguyện viên đã bị Nga bắt làm tù binh ở ngoại ô Đông Bắc Kharkov vào tuần trước.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói, nếu những thông tin trên là chính xác, Washington “sẽ làm tất cả những gì có thể” để đưa những người này về nước. (Reuters)

* Nga có lợi thế nhưng chưa chắc sẽ chiếm được Donbass, theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, ngày 15/6.

Phát biểu tại một cuộc họp báo khi bình luận về khả năng Nga sẽ củng cố được quyền lực tại Donbass, Tướng Milley đánh giá: “Đây không phải là sự đã rồi. Chẳng có gì là chắc chắn trong chiến sự".

Theo tướng Mỹ, "chiến sự có rất nhiều bước ngoặt, nên tôi sẽ không nói điều này là chắc chắn, tôi sẽ chỉ nói rằng những con số rõ ràng là đứng về phía Nga”. (Sputnik)

* Tàu chở ngũ cốc Ukraine có thể tránh thủy lôi: Ngày 15/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, sẽ mất nhiều thời gian để gỡ thủy lôi tại các cảng của Ukraine nhưng thay vào đó, có thể thiết lập một hành lang trên biển theo đề xuất của Liên hợp quốc.

Ankara hiện đang chờ phản hồi từ Nga liên quan tới kế hoạch này. Theo ông Cavusoglu, “do đã biết vị trí của các quả thủy lôi nên có thể thiết lập các tuyến đường an toàn tại 3 cảng”.

* Tổng thống Ukraine sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G7 theo lời mời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng như dự Thượng đỉnh NATO ngay sau đó ở Madrid, Tây Ban Nha, theo lời mời của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine không cho biết hình thức tham dự trực tiếp hay trực tuyến. (Reuters)

* Có tới 1.000 binh sĩ Ukraine bị thương và tử vong mỗi ngày ở Donbass, theo ước tính của Trưởng phái đoàn đàm phán hòa bình của Ukraine David Arakhamia.

Quan chức Ukraine cho rằng, thiệt hại trung bình hằng ngày của binh sĩ nước này là từ 200-500 người. Tuy nhiên, thông tin của ông Arakhamia mâu thuẫn với số liệu chính thức mà Kiev và Washington công bố. (Axois)

* Ukraine dồn dập nhận được tin viện trợ: Ngày 15/6, Mỹ thông báo gói viện trợ quân sự mới trị giá 1 tỷ USD, Canada cung cấp gói vũ khí mới trị giá 6,9 triệu USD trong khi Đức hứa chuyển thêm 3 hệ thống phóng rocket đa nòng MARS II cho Ukraine.

Ngày 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết, nước này đã tặng 5 máy bay trực thăng quân sự gồm 4 chiếc M1-17 và 1 chiếc trực thăng Mi-2 cùng hàng nghìn quả rocket phóng loạt Grad cho Kiev.

Các động thái trên diễn ra sau cuộc họp của 45 bộ trưởng quốc phòng các nước phương Tây tại Brussels, Bỉ, để bàn về việc hỗ trợ Ukraine sau khi nước này kêu gọi các quốc gia tăng cường hỗ trợ vũ khí. (Reuters)

Châu Âu

* Nga gần như không có không gian cho đối thoại với EU, theo lời đại diện thường trực của Nga tại khối này Vladimir Chizhov.

Theo ông Chizhov, một vài năm trước đây có điều kiện cho đối thoại giữa Nga và EU, nhưng "bây giờ không gian đó thực tế đã khép lại".

Nhà ngoại giao Nga nêu rõ: “Tôi và các đồng nghiệp từng có một số cuộc tiếp xúc và dường như họ e ngại việc duy trì đối thoại với chúng tôi. Chưa kể đến thực tế là trong cuộc chiến chống Nga, một nhóm nhân viên của tôi đã được thông báo là không được hoan nghênh”. (Sputnik)

* Nga không có ý định rút khỏi WTO: Hãng Interfax ngày 16/6 dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, nước này không xem xét việc rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

* Nga trừng phạt 121 cá nhân Australia, trong đó có các nhà báo và quan chức quốc phòng, viện dẫn điều mà Moscow mô tả là một "chương trình nghị sự bài Nga" ở Australia.

Trong số các cá nhân bị trừng phạt có nhà báo của hãng ABC News, tờ Sydney Morning Herald và hãng Sky News, cùng một loạt quan chức quốc phòng. (Reuters)

* Serbia phủ nhận khả năng công nhận Kosovo: Ngày 15/6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phủ nhận sự công nhận lẫn nhau giữa nước này và Kosovo, được đề cập trong báo cáo mới nhất về Serbia do Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Tổng thống Serbia cho rằng, đây là "một chính sách kỳ lạ" và nội dung được nhắc tới không tôn trọng khuôn khổ đàm phán đã được Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu thông qua.

Theo ông, khuôn khổ đàm phán để Serbia gia nhập EU bao gồm việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Pristina, song khẳng định, "sự công nhận lẫn nhau này là mong muốn của họ, là điều tốt đẹp mà họ mong muốn còn chúng tôi không muốn điều đó". (Exit News)

* EU phân bổ trên 40 triệu USD cho ngân sách quốc phòng Moldova: Ngày 15/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Quỹ Phòng thủ châu Âu (EDF) sẽ phân bổ 40 triệu Euro (khoảng 41,5 triệu USD) cho ngân sách quốc phòng Moldova, láng giềng của Ukraine.

Phát biểu trong chuyến thăm một ngày tới Chisinau, Tổng thống Macron nói: “Chính sách trung lập của Moldova không có nghĩa là phi quân sự và khoản 40 triệu Euro mà nước này sẽ nhận từ EDF sẽ giúp tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng".

Tổng thống Macron cũng cam kết sự ủng hộ của Pháp và châu Âu đối với nỗ lực của Moldova trong việc gia nhập EU. (Sputnik)

Đông Bắc Á

* Dấu hiệu Triều Tiến tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân: Hình ảnh chụp vệ tinh ngày 14/6 cho thấy "các dấu hiệu mới về hoạt động bên dưới lối vào đường hầm số 4" tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Báo cáo được công bố trên trang web của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho rằng, hoạt động này gợi nhiều suy đoán về "nỗ lực khôi phục lại cơ sở này để có thể thử hạt nhân trong tương lai". (Yonhap)

* Hàn-Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và thương mại, theo thông báo của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin sau cuộc gặp cùng ngày với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo.

Theo ông Park, cuộc đối thoại nhằm "đảm bảo khả năng hợp tác song phương Hàn-Mỹ với tư cách đồng minh chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực, như mở rộng chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Đánh giá chuyến thăm Mỹ 4 ngày rất hiệu quả, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết: “Tôi có thể tận mắt chứng kiến Hàn Quốc đang đứng trước thời khắc lịch sử để trở thành một quốc gia quan trọng toàn cầu”. (Yonhap)

* Hàn Quốc thành lập cơ quan đánh giá việc triển khai THAAD: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một cơ quan tham vấn chính phủ-dân sự để đánh giá tác động môi trường của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này.

Theo đó, bộ trên đã yêu cầu các tổ chức môi trường liên quan và chính quyền cấp tỉnh khuyến nghị các thành viên đánh giá hệ thống THAAD ở Seongju, cách Seoul khoảng 300 km về phía Nam.

Động thái nhằm khẩn trương thúc đẩy quá trình hoạt động “bình thường hóa” của hệ thống này.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup nói, việc “bình thường hóa” hệ thống THAAD “đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn” và cam kết sẽ khẩn trương thúc đẩy việc này. (Yonhap)

* Hội nghị quân sự tại Nhật Bản: Trong tuần này, các chỉ huy quân sự từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Philippines và 14 quốc gia khác đã tiến hành Hội nghị tác chiến đổ bộ (PALS) ở thủ đô Tokyo.

Mỹ hy vọng sự kiện này, vốn do Washington khởi xướng vào năm 2015, sẽ giúp tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia, từ đó kiềm chế Trung Quốc.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Trung tướng Steven Rudder, Tư lệnh Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Không có quốc gia nào có thể tự mình làm tất cả, mọi người đều góp một phần sức lực".

Đại tướng Yoshida Yoshihide, Tham mưu trưởng Lực lượng Tự vệ mặt đất Nhật Bản cho hay: "PALS 2022 lan truyền một thông điệp mạnh mẽ, đó là chúng ta không cho phép những thay đổi đơn phương nguyên trạng bằng vũ lực". (Reuters)

Trung Đông

* Nga thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ dừng can thiệp quân sự tại Syria trong cuộc đàm phán ở Kazakhstn hôm 15/6, theo lời Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentyev.

Ông Lavrentyev cho biết thêm: “Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục họ rằng vấn đề cần được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không dùng đến bạo lực vì điều đó có thể dẫn đến leo thang quân sự”. (TASS)

* Mỹ duy trì kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thái tử Saudi Arabia, theo Foreign PolicyThe Hill đưa tin ngày 15/6.

Đây là quyết định đảo ngược hoàn toàn chủ trương của Tổng thống Biden hồi mới nhậm chức về việc cô lập ngoại giao Saudi Arabia liên quan vấn đề nhân quyền và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nhấn mạnh, đây chỉ là một trong hàng loạt cuộc gặp của ông Biden với các nhà lãnh đạo các nước vùng Vịnh sắp tới, dự kiến diễn ra từ 13-16/7.

Dư luận cho rằng, tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng cao và đang có xu hướng diễn biến xấu hơn là nguyên nhân khiến ông Biden buộc phải tranh thủ các nước như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhiều hơn nhằm tăng nguồn cung, kiểm soát giá xăng dầu.

* Chính trị gia tên tuổi tại Iraq tuyên bố “rút lui khỏi tiến trình chính trị": Theo truyền thông sở tại, ông Moqtada al-Sadr - Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite, đồng thời là chính trị gia có nhiều ảnh hưởng tại Iraq - ngày 15/6 tuyên bố quyết định rút khỏi tiến trình chính trị.

Tuyên bố được Giáo sĩ Sadr đưa ra sau khi ông đề nghị các nghị sĩ thuộc khối chính trị của mình rút khỏi Quốc hội giữa bế tắc kéo dài trong việc thành lập chính phủ mới tại Iraq. (Reuters)

* Iran thừa nhận có kế hoạch tiến hành hai vụ thử tên lửa Zuljanah sử dụng nhiên liệu rắn sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động chuẩn bị đang diễn ra ở bệ phóng tại sa mạc.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran Ahmad Hosseini cho biết, nước này sẽ phóng thử thêm 2 lần tên lửa Zuljanah nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Tuy nhiên, ông Hosseini không nêu khung thời gian cụ thể cho các vụ thử này.

* Iran bắt giữ tàu chở nhiên liệu trọng tải lớn ở vùng Vịnh: Ngày 16/6, hãng IRNA đưa tin, giới chức Iran đã bắt giữ một tàu chở 90.000 lít nhiên liệu lậu tại vùng biển gần đảo Kish ở vùng Vịnh.

Theo đó, thuyền trưởng và 5 thành viên khác trong thủy thủ đoàn đã bị phát lệnh tạm giữ hình sự. (Reuters)

* Morocco dự định sớm mở Đại sứ quán tại Israel: Ngoại trưởng Israel Yair Lapid ngày 15/6 cho hay, Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita sẽ có chuyến thăm nhân dịp chính thức mở Đại sứ quán của quốc gia Bắc Phi tại nhà nước Do Thái vào mùa Hè 2022.

Trong khi đó, tờ Times of Israel dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, chính phủ nước này dự kiến sẽ nâng cấp phái đoàn ngoại giao tại Rabat trùng với thời điểm chuyến thăm của Ngoại trưởng Bourita.