📞

Tin thế giới 16/8: Nga bắn hạ UAV gần Crimea, Philippines bổ nhiệm ‘đặc phái viên’ tại Trung Quốc

Minh Quân 21:30 | 16/08/2023
Ukraine nêu bài toán hậu cần của Nga ở Crimea, Triều Tiên nêu thông tin về binh sĩ Mỹ đào tẩu, Dải Gaza sẵn sàng cho bầu cử… là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Ukraine giành lại làng Urozhaine tại Donetsk - Trong ảnh: Một binh sĩ Ukraine đang kiểm tra tọa độ tấn công của tên lửa ở Donetsk. (Nguồn: New York Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga bắn hạ UAV mới, quan chức Ukraine nói về hậu cần ở Crimea: Ngày 16/8, Interfax (Nga) dẫn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết: “Hôm nay, vào khoảng 11h sáng (theo giờ Moscow), chúng tôi đã chặn đứng nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Các hệ thống phòng không của Nga đã phát hiện và phá hủy UAV trên bầu trời của bán đảo Crimea”.

Trong một tin liên quan, phát biểu trên kênh United News (Ukraine), bà Natalia Humeniuk, Giám đốc Trung tâm Báo chí của Bộ Chỉ huy tác chiến miền Nam Ukraine: “Thực tế là bán đảo này (Crimea) thực sự đang biến thành một hòn đảo theo nghĩa đen vì vấn đề hậu cần phức tạp và bị chậm lại. Vẫn có những cách để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, các tuyến hậu cần bị quá tải do nhu cầu quân sự lẫn dân sự. Trong bối cảnh đó, hiện người Nga đang cố gắng sửa chữa các cây cầu”.

Theo bà, Nga đang muốn thành lập các đội sửa chữa cầu nhưng chưa thể kiếm được người thực hiện. Đồng thời, quan chức này cho biết: “Hiện các cây cầu (nối Crimea) nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí mà Ukraine có. Điều này cũng có nghĩa là các cầu phao thay thế cũng không an toàn”. (Reuters/Sputnik/Ukrinform)

* Tình báo Anh: Nga bắt đầu tự sản xuất mẫu UAV có nguồn gốc từ Iran: Ngày 16/8, tình báo Anh cho rằng, Moscow đã bắt đầu sử dụng loại UAV tấn công tương tự như mẫu Shahed của Iran. Theo đó, các UAV này được sản xuất ngay trong nước Nga. Song tình báo Anh cho rằng, hiệu suất của các loại vũ khí này đã thay đổi và Ukraine đã cho thấy khả năng vô hiệu hóa phần lớn UAV loại này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nga có thể đặt mục tiêu tự cung cấp UAV kiểu của Iran trong những tháng tới. Tuy nhiên, tạm thời, Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện và UAV từ Iran, chủ yếu được vận chuyển qua biển Caspi”.

Trước đó, phương Tây cho rằng, Nga đã nhập khẩu các UAV do Iran sản xuất kể từ tháng 9/2022, song chính quyền Iran đã bác bỏ các thông tin này. (Ukrinform)

* Ukraine: Nga tấn công cảng Reni trên sông Danube: Ngày 16/8, ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, trong đêm, Nga đã dùng UAV để tấn công nhằm vào cảng Reni trên sông Danube. Trước đó trong ngày 16/8, nước này đã đưa tin về các đợt tấn công khác vào cảng Izmail. Ukraine có 2 cảng chính trên sông Danube là Reni và Izmail. Đây đều là các cảng quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của đất nước Đông Âu.

Trong một diễn biến khác, Thống đốc vùng Belgorod (Nga) Vyacheslav Gladkov cho biết, đợt pháo kích Ukraine hôm 15/8 đã khiến 1 người thiệt mạng. (AFP/Reuters)

* Ukraine tuyên bố giành lại làng Urozhaine ở vùng Donetsk: Ngày 16/8, trong bài viết trên mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nêu rõ: “Urozhaine đã được giải phóng. Lực lượng phòng thủ của chúng ta đang cố thủ ở vùng ngoại ô. Cuộc phản công vẫn tiếp tục”.

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định nguồn lực quân sự của Ukraine đang “gần cạn kiệt”, bất chấp việc Kiev vẫn tiếp nhận vũ khí do các đồng minh phương Tây chuyển giao. (AFP)

* Ukraine cập nhật tổng thiệt hại của quân đội Nga: Ngày 16/8, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) cho biết, quân đội Nga đã mất 255.570 quân tại Ukraine từ đầu xung đột. Theo đó, nước này đã mất 4.324 xe tăng, 8.380 xe chiến đấu bọc thép, 7.614 xe chở và téc nhiên liệu, 5.152 hệ thống pháo, 714 hệ thống tên lửa đa nòng, 485 hệ thống phòng không, 315 máy bay phản lực, 314 trực thăng, 4.248 UAV và 18 tàu thuyền. (The Kiev Independent)

Đông Nam Á

* Toà án Hiến pháp Thái Lan bác khiếu nại của MFP: Ngày 16/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 16/8 đã bác bỏ khiếu nại của đảng Tiến bước (MFP), về việc xem lại quyết định của Quốc hội không cho phép ứng cử viên thủ tướng của đảng này, ông Pita Limjaroenrat, được tái đề cử. Phán quyết gần như khép lại hy vọng của đảng MFP để lập chính phủ mới, đồng thời mở đường cho Quốc hội tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để bầu thủ tướng, sớm nhất là cuối tuần này.

Cụ thể, Toà án Hiến pháp Thái Lan từ chối xem xét vụ khiếu kiện này với lý do đơn kiện được 20 cá nhân đứng tên nhưng không có bản thân ứng cử viên thủ tướng Pita Limjaroenrat. Đồng thời, quyết định của Toà án cũng nêu rõ: “Quyền lợi của những người khởi kiện không bị vi phạm và họ không có quyền khiếu kiện”.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết, một cuộc họp chung sẽ được triệu tập ngày 18/8 hoặc 22/8 để bầu thủ tướng mới.

Hiện đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã xác nhận sẽ đề cử ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng này vào vị trí thủ tướng trong phiên bỏ phiếu tới. Song lãnh đạo và các nghị sĩ của MFP đã lên tiếng phản đối đề cử thủ tướng này. (Reuters)

* Philippines bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng làm đặc phái viên tại Trung Quốc: Ngày 16/8, viết trên Facebook chính thức, Bộ phận truyền thông của Phủ Tổng thống Philippines thông báo, cựu Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã được bổ nhiệm làm “Đặc phái viên của Tổng thống tại Trung Quốc về những quan ngại đặc biệt”. Tuy nhiên, thông báo không cung cấp thêm thông tin chi tiết khác.

Hiện Bộ Ngoại giao Philippines từ chối bình luận về việc bổ nhiệm bất ngờ này.

Ông Locsin hiện là Đại sứ Philippines tại Anh và Ireland. Khi còn làm Ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, ông từng chỉ trích Trung Quốc về sự hiện diện của tàu nước này ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. (AFP)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về kiểm soát vũ khí: Ngày 15/8, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ XI, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các cuộc tập trận và diễn tập chung với tất cả các quốc gia để tìm kiếm một khu vực tập trận rộng lớn hơn, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, ông cho biết: “Trung Quốc luôn sẵn sàng tăng cường công tác an ninh trong khuôn khổ SCO và tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng với Iran, quốc gia mới được kết nạp và Belarus, quốc gia sắp gia nhập tổ chức”.

Đầu tháng 7, Iran đã trở thành thành viên đầy đủ trong SCO, trong khi Belarus ký biên bản ghi nhớ để gia nhập tổ chức này. (Sputnik)

* KCNA: Binh sĩ Mỹ vượt biên sang Triều Tiên vì “vỡ mộng”: Ngày 16/8, hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) cho biết giới chức đã công bố kết quả ban đầu điều tra về binh sĩ Mỹ nêu trên. Theo đó, Travis King, binh nhì trong lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, đã “xâm nhập trái phép” lãnh thổ Triều Tiên hôm 18/7. Vào ngày hôm đó, binh sĩ này đã hòa vào dòng khách du lịch đến Khu vực An ninh Chung (JSA) ở Panmunjom, một khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Theo truyền thông, binh sĩ này đã vượt qua ranh giới quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Sau đó, người này bị binh sĩ Triều Tiên đang làm nhiệm vụ bắt giữ.

Bản thân King đã thừa nhận hành vi xâm nhập bất hợp pháp, đồng thời nói anh ta quyết định tới Triều Tiên vì bất bình trước “sự ngược đãi và phân biệt chủng tộc” trong quân đội Mỹ. Binh sĩ này mong muốn “tị nạn ở Triều Tiên hoặc một nước thứ ba”. Hiện phía Triều Tiên đang tiếp tục điều tra vụ việc. (Tân hoa xã)

Châu Âu

* Ba Lan sớm tổ chức trưng cầu ý dân: Ngày 15/8, Quốc hội Ba Lan đã thông qua luật cho phép tổ chức cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày tổng tuyển cử 15/10 tới. Theo đó, đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền muốn người dân trả lời 4 câu hỏi. Giới phân tích cho rằng, đây là nỗ lực huy động toàn bộ cử tri nòng cốt tham gia cuộc bầu cử “quan trọng nhất” kể từ năm 1989. (Reuters)

* Phần Lan: Cựu Thủ tướng sẽ tranh cử tổng thống: Ngày 16/8, ông Alexander Stubb cho biết sẽ tranh cử vị trí tổng thống Phần Lan vào tháng 1/2024.

Phát biểu với các phóng viên, cựu Thủ tướng nêu rõ: “Trong tình hình địa chính trị hiện nay, câu trả lời là rất rõ ràng: khi Tổ quốc gọi, chúng tôi sẽ lên đường”. Trước đó, ngày 12/8, Thủ tướng đương nhiệm Petteri Orpo đã đề nghị ông Alexander Stubb trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Liên minh quốc gia.

Ông Stubb, hiện là Giáo sư, Giám đốc Viện Đại học châu Âu ở Florence (Italy), đã từng giữ một số chức vụ bộ trưởng trước khi giữ chức Thủ tướng giai đoạn năm 2014-2015. Như vậy, ông Alexander Stubb sẽ tham gia cuộc tranh đua với cựu Ngoại trưởng Pekka Haavisto, học giả Mika Aaltola và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn để trở thành Tổng thống thay ông Sauli Niinisto. (Reuters)

* Tây Ban Nha: Thủ tướng tạm quyền muốn Hạ viện ủng hộ để lập Chính phủ mới: Ngày 16/8, ông Pedro Sanchez cho biết sẽ dự định tìm kiếm sự ủng hộ của Hạ viện để thành lập Chính phủ mới. Trước đó, ngày 25/7, ông Pedro Sanchez được chỉ định là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi nước này giải quyết được tình trạng bất ổn chính trị nảy sinh từ cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn nêu trên.

Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, mặc dù đảng Nhân dân (PP) cánh hữu của ông Alberto Nunez Feijoo đã giành được nhiều ghế nhất, 136 ghế, nhưng không thể hội đủ đa số tuyệt đối (176 ghế) tại Quốc hội để đứng ra thành lập Chính phủ mới ngay cả khi có sự hỗ trợ của đảng Vox cực hữu (33 ghế). Trong khi đó, đảng Xã hội (PSOE) của ông Pedro Sanchez, vốn đứng thứ 2 với 122 ghế, hiện đang có nhiều lựa chọn hơn để thành lập liên minh với các đảng nhỏ hơn. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Paraguay mở lại Đại sứ quán Israel tại Jerusalem: Ngày 16/8, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã cuộc hội kiến ông Santiago Pena, chính trị gia vừa nhậm chức Tổng thống Paraguay cùng ngày. Nhà lãnh đạo mới của đất nước Nam Mỹ khẳng định sẽ mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem, trong khi Israel cũng sẽ mở lại Đại sứ quán ở Asunción, chấm dứt xung đột ngoại giao kéo dài 5 năm qua giữa hai quốc gia. Tân Tổng thống Paraguay cũng nhận lời mời thăm chính thức Israel.

Hiện đã có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt trụ sở Đại sứ quán tại Jerusalem, thủ đô theo tuyên bố của Israel nhưng đang tranh chấp với Palestine, bao gồm Mỹ, Honduras, Guatemala và Kosovo, trong khi các nước khác đều đặt trụ sở tại Tel Aviv hoặc các thành phố khác.

Trước đó, năm 2018, chính phủ Paraguay tuyên bố chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem, nhưng sau đó hủy bỏ quyết định. Sau đó, Israel đã đáp trả bằng cách đóng cửa Đại sứ quán tại Asunción. (TTXVN)

* Palestine sẵn sàng tổ chức bầu cử ở Gaza: Ngày 16/8, Ủy ban Bầu cử Trung ương Palestine (CEC) cho biết sẵn sàng tổ chức bầu cử cấp thành phố ở Dải Gaza.

Trước đó, trong một hội thảo tổ chức tại Gaza ngày 15/8 với sự có mặt của đại diện lãnh đạo các phe phái Palestine và các tổ chức dân sự, lãnh đạo Hamas Zakaria Abu Muammar đã hy vọng về sự đồng thuận quốc gia và sự ủng hộ rộng rãi để tổ chức bầu cử thành phố ở Gaza dưới sự giám sát của CEC. Là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người, từ năm 2007, Dải Gaza đã bị Israel phong tỏa. Hiện khu vực này nằm dưới sự quản lý của Phong trào Hamas. (Tân hoa xã)

* 17 binh sĩ Niger thiệt mạng gần Mali: Tối ngày 15/8, Bộ Quốc phòng Niger cho biết, 17 binh sĩ nước này đã thiệt mạng cùng ngày sau cuộc tấn công được cho là do các phần tử thánh chiến thực hiện gần biên giới phía Tây với Mali.

Theo thông báo, những người trên đã bị “khủng bố phục kích gần thị trấn Koutougou”. Cuộc tấn công cũng khiến 20 binh sĩ khác cũng đã bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng. Đáp lại, quân đội đã “vô hiệu hóa” hơn 100 kẻ tấn công khi chúng rút lui. Hiện binh sĩ thương vong đã được đưa đến thủ đô Niamey. (AFP/Reuters)