📞

Tin thế giới 1/7: Sức ép từ phương Tây đưa Nga-Belarus gần nhau hơn; Ukraine trước tương lai ‘tươi sáng’; Mỹ lại làm căng với Trung Quốc

Quang Đào 19:45 | 01/07/2022
Nga nói gì về sức ép của phương Tây? Ukraine đạt được thỏa thuận mới với EU; Myanmar xin lỗi Thái Lan... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Quan hệ giữa Nga-EU đã bị 'phá hủy'. (Nguồn: eu-russia-expertnetwork.eu)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga nói gì về sức ép của phương Tây

Ngày 1/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sức ép chính trị từ phương Tây đang thúc đẩy nước này tăng tốc hội nhập với nước láng giềng Belarus.

Trước đó 1 ngày, Trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus tại Minsk mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết EU đã phá hủy mối quan hệ với Nga - vốn được xây dựng trong nhiều thập kỷ, chỉ trong 1 đêm.

“Tôi chỉ có thể nói rằng từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ không tin tưởng vào cả người Mỹ và EU. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để không phải phụ thuộc vào họ trong những lĩnh vực quan trọng”, ông Lavrov tuyên bố.

Nhà ngoại giao Nga cho biết Moscow vẫn cởi mở trong vấn đề hợp tác ngoại giao và đối thoại với EU, song tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về cách thức can dự đê đảm bảo lợi ích của Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei cho rằng quan hệ căng thẳng hiện nay là do phương Tây gây ra. Tuy nhiên, ông Makei cho biết Belarus tiếp tục vận động đối thoại với phương Tây và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hai nước phải thực hiện các biện pháp chung khẩn cấp để cải thiện năng lực quốc phòng cũng như sự sẵn sàng tác chiến của quân đội hai nước này. (TASS/RT)

Nga nêu quan điểm về việc bắt giữ sao bóng rổ Mỹ

Ngày 1/7, Điện Kremlin tuyên bố việc bắt giữ ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner, người sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm ở Nga nếu bị kết án về tội liên quan ma túy, không mang động cơ chính trị.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, cô Griner đã bị phát hiện tàng trữ ma túy và việc đưa ra phán quyết là tùy thuộc vào tòa án.

Ngôi sao WNBA 31 tuổi này đã bị còng tay tại một phòng xử án ở ngoại ô Moscow trước đó cùng ngày. Nhà chức trách đưa ra cáo buộc trên đối với cô sau khi họ tìm thấy hộp chứa cần sa trong hành lý của cô hồi tháng 2. (Reuters)

Nga bắt giữ nhà khoa học vì nghi ngơi liên quan tới Trung Quốc

Nga đã bắt giữ một nhà khoa học ở Siberia với cáo buộc phản quốc do tình nghi hợp tác với các cơ quan an ninh Trung Quốc. Nhân vật này có tên Dmitry Kolker, là Tiến sĩ Vật lý và Toán học, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ quang học lượng tử tại Đại học Novosibirsk (Nga).

Kolker và luật sư hiện chưa bình luận. Tuy nhiên TASS dẫn lời gia đình Kolker cho biết ông này bị cáo buộc cộng tác với cơ quan an ninh Trung Quốc. Trước đây, Kolker từng thuyết trình tại một hội nghị quốc tế ở Trung Quốc.

Ukraine ca ngợi quan hệ với EU

Ngày 1/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này và Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu một chương mới trong lịch sử, sau khi Brussels chính thức chấp thuận quy chế ứng cử viên của Ukraine trong khối này.

Phát biểu trước Quốc hội Ukraine, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: "Một chương mới trong lịch sử đã mở ra đối với cả EU và Ukraine. Giờ đây chúng ta sát cánh cùng nhau". Theo Tổng thống Zelensky, đây vừa là "vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao" khi nỗ lực hướng tới việc hiện thực hóa "nguyện vọng của đất nước chúng ta".

Ông nói thêm: "Chúng ta đã thực hiện một hành trình kéo dài 115 ngày để có được quy chế ứng cử viên và hành trình trở thành thành viên của chúng ta không nên kéo dài nhiều thập kỷ. Chúng ta nên nhanh chóng xúc tiến công việc này. Ukraine đang chiến đấu để lựa chọn các giá trị của mình, để trở thành thành viên trong gia đình châu Âu".

Ngay sau các bài phát biểu trên, một lá cờ của EU đã được mang vào tòa nhà Quốc hội Ukraine và đặt ngay cạnh quốc kỳ Ukraine. (Reuters)

Ukraine bắt đầu bán điện cho EU, nhằm tránh phụ thuộc Nga

Ngày 30/6, trong một đoạn video, Tổng thống Ukraine cho biết việc khởi động đường truyền tải điện tới Romania là bước đầu có thể giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Ông Zelensky cho rằng: “Nhờ có điện Ukraine, một phần đáng kể khí đốt mà người tiêu dùng châu Âu sử dụng của Nga có thể được thay thế. Do vậy, đây không chỉ là vấn đề lợi nhuận xuất khẩu cho chúng ta mà còn là vấn đề an ninh cho toàn châu Âu”.

Trong thông báo trước đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết tiềm năng xuất khẩu điện của Ukraine sang châu Âu có thể đạt 2,5 GW. (Reuters)

Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì ủng hộ Nga

Ngày 28/6, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng đã bổ sung 36 thực thể vào Danh sách Thực thể có hành động trái với lợi ích chính sách đối ngoại hoặc an ninh quốc gia của Mỹ. Trong số đó, 25 công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh phản đối vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vì không có cơ sở theo luật pháp quốc tế hoặc bất kỳ ủy quyền nào từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ngày 30/6: “Không hề có căn cứ để Mỹ viện dẫn luật nội địa và áp đặt trừng phạt với các doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc mạnh mẽ phản đối điều này… Trung Quốc và Nga có các hợp tác kinh tế và thương mại bình thường trên cơ sở cùng tôn trọng, công bằng và lợi ích chung. Đây không thể là mục tiêu của bất kỳ hạn chế hay can thiệp nào từ một bên thứ ba”.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ thu hồi các lệnh trừng phạt và ngừng áp đặt quyền tài phán dài hạn cũng như các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với doanh nghiệp Trung Quốc. (Asia Times)

Trung Quốc phản đối Ấn Độ tổ chức hội nghị G20 ở Jammu & Kashmir

Trung Quốc ngày 30/6 đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Ấn Độ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2023 tại khu vực Jammu & Kashmir, lặp lại sự phản đối của đồng minh thân cận Pakistan.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn nhấn mạnh rằng các bên liên quan nên tránh “những động thái đơn phương” có thể làm “phức tạp” tình hình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định: “Chúng tôi lưu ý diễn biến mới nhất này. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề Kashmir là nhất quán và rõ ràng. Đây là vấn đề tranh chấp còn sót lại từ quá khứ, cần được giải quyết hòa bình và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và các thỏa thuận song phương”.

Theo ông Triệu Lập Kiên, “các bên liên quan cần nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. (THX)

Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm về thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, thỏa thuận mà nước này ký với Phần Lan và Thụy Điển nhằm xóa bỏ quyền phủ quyết của Ankara về việc kết nạp 2 nước Bắc Âu này vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là dấu chấm hết và buộc 2 nước này phải giữ lời hứa của mình.

Phát biểu với phóng viên trên chuyến bay trở về từ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ông Erdogan cho hay không cần phải vội vàng thông qua hồ sơ xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông, trước tiên, Ankara phải xem liệu 2 nước này có giữ lời hứa theo đúng thỏa thuận hay không, bao gồm cả việc dẫn độ các nghi can mà Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm. (Reuters)

Tân đặc khu trưởng Hong Kong nhậm chức

Ngày 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân lãnh đạo đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu (John Lee), khi thành phố này đánh dấu kỷ niệm 25 năm Anh bàn giao trở lại cho Trung Quốc.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Lý Gia Siêu khẳng định luật pháp là một giá trị cơ bản đối với thành phố này và đạo luật an ninh quốc gia áp dụng với đặc khu hồi năm 2020 đã mang đến sự ổn định sau làn sóng biểu tình chống chính quyền năm 2019. (Reuters)

Myanmar xin lỗi Thái Lan

Thái Lan hôm 1/7 cho biết Myanmar đã gửi lời xin lỗi sau khi một máy bay chiến đấu của nước này xâm nhập không phận Thái Lan, buộc chính quyền phải sơ tán hàng trăm người dân.

Sự việc trên diễn ra vào ngày 30/6 tại huyện Phop Phra, tỉnh Tak của Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết nước này không muốn làm sự việc thêm nghiêm trọng.

“Các tùy viên quân sự đã trao đổi, và họ (phía Myanmar) xin lỗi. Bộ ngoại giao của hai nước cũng đã nói chuyện. Đây có vẻ như là một sự cố nghiêm trọng, nhưng tất cả phụ thuộc vào chúng ta có muốn làm nghiêm trọng vấn đề này hay không. Hai bên đang có mối quan hệ tốt đẹp và có thể nói chuyện”, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định. (Reuters)

Hàn Quốc muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản

Ngày 1/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần thảo luận đồng thời các vấn đề cả trong quá khứ và tương lai để giải quyết các tranh chấp đã làm quan hệ song phương căng thẳng trong những năm gần đây.

Ông Yoon đưa ra phát biểu với báo giới sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh NATO và có các cuộc tiếp xúc bên lề với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Yonhap)

Thủ lĩnh tối cao của Taliban bất ngờ tái xuất

Haibatullah Akhundzada, nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, ngày 1/7 tham dự cuộc họp về đoàn kết quốc gia tại thủ đô Kabul cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp đất nước.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 1/7, phó thủ lĩnh Taliban kiêm quyền Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani cho biết thế giới đang đòi hỏi chính phủ và giáo dục hòa nhập ở Afghanistan, nhưng điều đó cần thời gian.

“Cuộc họp này là về sự tin tưởng và sự tương tác. Chúng tôi ở đây để xây dựng tương lai theo Hồi giáo và vì lợi ích quốc gia”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói rằng họ sẽ tôn trọng quyết định của những người trong cuộc họp, nhưng tiếng nói cuối cùng về việc giáo dục trẻ em gái là thuộc về nhà lãnh đạo tối cao. (Reuters)