📞

Tin thế giới 17/1: Nga nói Ukraine bị biến thành 'con bài mặc cả'; Iraq đã căng với Iran; Trung Quốc 'trấn an' Australia

Hoàng Hà 21:59 | 17/01/2024
Tình hình quanh xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa Iraq và Pakistan với Iran liên quan các vụ xâm phạm lãnh thổ, giao tranh ở Dải Gaza... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Cột khói đen bốc lên sau vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Thái Lan chiều 17/1. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga đánh chặn nhiều tên lửa phóng loạt (MLRS) và máy bay không người lái (UAV) ở tỉnh Belgorod, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/1.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev đã cố thực hiện một cuộc tấn công vào các mục tiêu ở LB Nga bằng cách sử dụng các vũ khí trên, song nga đã chặn được 4 MLRS RM-40 Vampire do Czech sản xuất và 2 UAV.

Đây là cuộc tấn công thứ hai của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) rạng sáng 17/1.

Cuộc tấn công đầu tiên vào tỉnh Belgorod và các khu vực lân cận là vào khoảng hai giờ sáng – khi đó Bộ Quốc phòng LB Nga cho biết đã bắn hạ 7 tên lửa phóng loạt Olkha và 4 UAV của Ukraine. (TASS)

* Mỹ hoài nghi việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga: Ngày 17/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không đánh giá tích cực về triển vọng ngừng bắn giữa Moscow và Kiev.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi luôn sẵn sàng và chú ý đến điều đó, bởi vì hơn ai hết người dân Ukraine luôn mong muốn điều này. Tuy nhiên, cần phải có sự sẵn sàng từ phía Nga trong việc tham gia, đàm phán một cách thiện chí, dựa trên các nguyên tắc cơ bản... là toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, độc lập".

Theo quan chức Mỹ, chỉ khi Nga thực sự "sẵn sàng đàm phán trên cơ sở đó, họ sẽ thấy người Ukraine muốn làm điều đó và chắc chắn họ sẽ tìm được sự hỗ trợ từ Washington".

Bày tỏ nghi ngờ ý định của Tổng thống Vladimir Putin, Ngoại trưởng Blinken đồng thời lưu ý rằng, Mỹ đã đề cập với Nga trước khi chiến dịch quân sự nổ ra về điều mà Moscow miêu tả là lo ngại an ninh liên quan Ukraine. Khi đó, ông Putin cảnh báo việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (AFP)

* Thỏa thuận với Anh khiến Ukraine thành con bài mặc cả, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh tại Kiev.

Về văn kiện này, bà Zakharova nói: "Thỏa thuận chỉ ra rằng Ukraine thực sự không có cơ hội thoát khỏi cuộc xung đột thông qua đàm phán, khiến Kiev trở thành một con bài mặc cả... và giữ quốc gia Đông Âu này trong tiến trình gia nhập NATO và chống lại Nga hiện tại”.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này và Ukraine sẵn sàng ký một thỏa thuận về đảm bảo an ninh trong những tuần tới theo thỏa thuận được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius hồi tháng 7/2023. (TASS)

* Lãnh đạo EU tin tưởng tìm ra giải pháp cung cấp viện trợ cho Ukraine: Ngày 17/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, bà “tự tin” rằng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm ra giải pháp cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Hiện tại, EU chưa thể bật đèn xanh cho gói tài chính trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) viện trợ Kiev vì quyền phủ quyết của quốc gia thành viên Hungary.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục viện trợ cho Kiev khi Ukraine bước sang năm thứ ba của cuộc xung đột với Nga.

Pháp cũng tuyên bố sẽ chuyển thêm tên lửa hành trình tầm xa SCALP cùng với hàng trăm quả bom cho Kiev. (Reuters)

* Cuộc họp ở Davos (Thụy Sỹ) về Ukraine không có lợi cho tiến trình giải quyết khủng hoảng của quốc gia Đông Âu này, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova đánh giá ngày 17/1.

Bà cho rằng, một giải pháp hòa bình thực sự toàn diện, công bằng và bền vững chỉ có thể thực hiện được bằng cách đưa Ukraine trở lại trạng thái trung lập, không liên kết và không có vũ khí hạt nhân với sự tôn trọng đầy đủ các quyền và tự do của công dân thuộc mọi quốc tịch sống trên lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quân đội nước này đang chiếm ưu thế trong cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm với Ukraine, đồng thời cảnh báo quốc gia láng giềng có nguy cơ bị giáng đòn “không thể gượng dậy” nếu giao tranh tiếp diễn. (Anadolu)

* Tổng thống Ukraine không muốn đóng băng cuộc xung đột với Nga, lập luận rằng, việc đóng băng không dẫn đến sự kết thúc giao tranh.

Theo ông, lãnh đạo các nước phương Tây cần tăng cường áp lực trừng phạt lên Nga và thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine để đảm bảo Moscow không chiếm được ưu thế. (Reuters, AFP)

Trung Đông

* Căng thẳng Iraq-Iran: Một ngày sau khi Iran tấn công tên lửa vào thành phố Erbil của người Kurd ở Iraq, ngày 17/1, một nguồn tin cho biết, Thủ tướng Iraq Masrour Barzani đã hủy cuộc gặp được lên kế hoạch với Ngoại trưởng Iran bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.

Baghdad thông báo đã đệ đơn kiện Iran lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và gửi đơn khiếu nại lên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cáo buộc “vụ tấn công này là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq” cũng như đe dọa an ninh của người dân nước này.

Iraq cũng triệu hồi Đại sứ nước này tại Iran để tham vấn liên quan vụ tấn công.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Thabet al-Abbasi tuyên bố: “Việc Iran ném bom vào người Kurd đáng bị lên án và dứt khoát bác bỏ. Các cuộc tấn công này vi phạm thỏa thuận an ninh với Iran và thỏa thuận này có thể bị đình chỉ”.

Trước những diễn bên mới này, cùng ngày 17/1, Iraq thông báo, Liên đoàn Arab (AL) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn, song không rõ thời điểm cụ thể.

Anh, Pháp cũng lên án vụ tấn công của Iran, trong khi Nga cho biết đang theo dõi chặt tình hình. (Reuters, Sputnik)

* Bờ Tây, Dải Gaza tiếp tục bị tấn công: Ngày 17/1, Quân đội Israel (IDF) thông báo đã tấn công một nhóm chiến binh ở khu tị nạn Balata, thành phố Nablus thuộc Bờ Tây, làm một chỉ huy cấp cao của vùng tử vong.

Trong khi đó, Đài truyền hình Al-Jazeera đưa tin, các loạt pháo hạng nặng và tên lửa không đối đất vẫn tiếp tục trút xuống các tòa nhà ở khu vực phía Tây và phía Bắc của thành phố Gaza, cho dù các khu vực này gần như đã không còn bóng người.

* Tổng thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn nhân đạo tại Gaza, cảnh báo các bên trong cuộc xung đột ở Gaza đã "phớt lờ luật pháp quốc tế, chà đạp Công ước Geneva và thậm chí vi phạm Hiến chương LHQ”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hối thúc các bên bắt đầu tiến trình dẫn tới hòa bình bền vững cho người Israel và người Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối những lời kêu gọi ngừng bắn, nói rằng Israel sẽ tiếp tục tấn công ở Gaza cho đến khi đánh bại Hamas và giải cứu các con tin bị bắt giữ trong cuộc tấn công của các tay súng Hamas ngày 7/10 năm ngoái. (Reuters)

* Nguy cơ xung đột Gaza đẩy Trung Đông vào tình thế nguy hiểm là nhận định của Ngoại trưởng Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan - ngày 16/1.

Ông bày tỏ quan ngại của Saudi Arabia về tình trạng căng thẳng ở Biển Đỏ và an ninh khu vực nói chung, đồng thời tuyên bố nỗ lực giảm leo thang ở Biển Đỏ là ưu tiên hàng đầu.

Ngoại trưởng Saudi Arabia tái khẳng định phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Theo ông, những vụ tấn công ở Biển Đỏ có liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.

Lưu ý Riyadh không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào có thể ngăn chặn xung đột và leo thang từ phía Israel, Saudi Arabia đặt ra ưu tiên là tìm ra con đường giảm leo thang và mục tiêu này phụ thuộc vào việc chấm dứt giao tranh ở Gaza. (Anadolu)

* EU bước đầu ủng hộ thành lập lực lượng răn đe Houthi ở Biển Đỏ nhằm bảo vệ tàu thuyền trước những cuộc tấn công của phiến quân Houthi.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, mục tiêu là EU thiết lập sứ mệnh muộn nhất vào ngày 19/2, sau đó, lực lượng răn đe sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động, phối hợp với các đối tác cùng chí hướng khác trong khu vực nhằm ngăn chặn tình trạng gián đoạn trên tuyến tuyến đường thương mại then chốt này.

Ngày 17/1, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani hối thúc EU đưa ra quyết định chính trị vào tuần tới để lực lượng này có thể đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.

Các nhà ngoại giao cho rằng, cần phải xác định chính xác các quy tắc can dự ngoài việc tuần tra và cách thức để chiến dịch này phù hợp với các chiến dịch khác của EU ngoài khơi bờ biển Somalia và eo biển Hormuz. (Reuters)

Châu Á

* Căng thẳng Iran-Pakistan: Sáng 17/1, Bộ Ngoại giao Pakistan ra tuyên bố cáo buộc nước láng giềng Iran xâm phạm không phận, “gây ra cái chết của 2 trẻ em vô tội và khiến 3 bé gái bị thương”, cảnh báo nguy cơ dẫn đến “những hậu quả nghiêm trọng” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố nêu rõ: “Trách nhiệm đối với các hậu quả sẽ hoàn toàn thuộc về phía Iran”, đồng thời nhấn mạnh biến cố xảy ra bất chấp sự tồn tại của một số kênh liên lạc giữa hai nước.

Bộ trên cũng thông báo đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Iran và không cho phái viên của Tehran trở lại Islamabad sau vụ việc.

Bộ Ngoại giao Iran hiện chưa đưa ra bình luận về những cáo buộc từ phía Pakistan.

Trước căng thẳng mới này, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Chúng tôi kêu gọi cả hai bên kiềm chế, tránh những hành động dẫn đến leo thang căng thẳng và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định”. (AFP)

* Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản tập trận hải quân chung ở vùng biển phía Nam Bán đảo Triều Tiên, diễn ra từ 15-17/1, theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc.

Thông cáo báo chí của JCS có đoạn: "Cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của 3 quốc gia trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ phía Triều Tiên cũng như các mối đe dọa trên biển".

Cuộc tập trận cũng tập trung vào việc ứng phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải, bao gồm vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tăng cường hợp tác ba bên trong việc thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. (Yonhap)

* Trung Quốc không tìm kiếm chiến lược quân sự ở các quốc đảo Thái Bình Dương, theo lời Đại sứ nước này tại Australia Tiếu Thiên.

Reuters dẫn lời ông Tiếu Thiên ngày 17/1 cho biết, các quốc đảo Thái Bình Dương quan tâm việc thiết lập quan hệ chính trị với Bắc Kinh, bán sản phẩm cho thị trường Trung Quốc và nhận được sự giúp đỡ từ nước này về cơ sở hạ tầng và duy trì trật tự xã hội.

Nhấn mạnh Trung Quốc "không tìm kiếm chiến lược quân sự", ông Tiếu Thiên nói thêm rằng, Australia không cần phải lo lắng về mối quan hệ ngày càng phát triển của Bắc Kinh ở khu vực Quần đảo Thái Bình Dương.

* Kuwait thành lập Chính phủ mới: Ngày 17/1, Kuwait đã thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sheikh Mohammed Sabah al-Salem al-Sabah.

Đây là chính phủ đầu tiên của Kuwait kể từ khi Quốc vương Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah từ trần hồi tháng 12/2023.

Quốc vương mới Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah được cho là sẽ duy trì các chính sách đối ngoại của Kuwait trong đó có việc ủng hộ sự đoàn kết của người Arab trong vùng Vịnh, các liên minh với phương Tây và mối quan hệ tốt đẹp với Riyadh - một mối quan hệ được coi là ưu tiên hàng đầu. (Reuters)

* Nổ nhà máy pháo hoa ở miền Trung Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 120 km về phía Bắc vào chiều 17/1. Cảnh sát Thái Lan xác nhận, khoảng 20 người đã thiệt mạng trong vụ nổ .

Thống đốc tỉnh Suphan Buri cho biết, lực lượng cứu hộ chưa tìm thấy người sống sót. Thủ tướng Srettha Thavisin đã được báo cáo về vụ việc. Lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân. (Bangkok Post)

Châu Âu

* Nga coi Triều Tiên là một đối tác quan trọng và dự định thúc đẩy các mối quan hệ trong mọi lĩnh vực, theo thông báo của người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/1.

Thông tin trên được ông Peskov cung cấp cho báo giới về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tối 16/1.

Hai bên đã thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và các vấn đề quốc tế nóng nhất, song trọng tâm vẫn là quan hệ song phương.

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với bà Choe Son-hui, Moscow khẳng định luôn ủng hộ Triều Tiên tại LHQ và đánh giá rất cao lập trường tương tự của Triều Tiên trong việc ủng hộ các quan điểm của Nga. (TASS)

* Anh-Mỹ phối hợp ứng phó với các mối đe dọa sinh học theo Đối thoại chiến lược mới về an ninh sinh học trên nguyên tắc "Một sức khỏe" (One Health), bao gồm cả hợp tác phát triển vaccine, chính phủ Anh thông báo ngày 16/1.

Thỏa thuận này được thúc đẩy bởi mục tiêu chung của cả hai nước là ứng phó với “các mối đe dọa sinh học ngày càng đa dạng và gia tăng”, bao gồm “các đại dịch trong tương lai, tình trạng kháng kháng sinh, một cuộc tấn công có chủ ý, cũng như những mối đe dọa có thể phát sinh từ việc lạm dụng công nghệ sinh học”.

Khuôn khổ đối tác mới bao gồm việc hài hòa các phương pháp tiếp cận nghiên cứu và giám sát sinh học, với một trong những cam kết là "tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị thế hệ tiếp theo". (Sputnik)

Châu Phi

* Sudan “đóng băng” quan hệ với Cơ quan Liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD), cáo buộc tổ chức này vi phạm chủ quyền, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan ngày 16/1.

IGAD đã mời ông Mohamed Hamdan Daglo, người đứng đầu Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đang đối đầu vũ trang với quân đội Sudan suốt 9 tháng qua, dự hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Uganda vào ngày 18/1 tới.

Bộ Ngoại giao Sudan cáo buộc quyết định “mời thủ lĩnh dân quân” là “tiền lệ nguy hiểm” và “vi phạm điều lệ của IGAD”. (AFP)

* Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ tấn công nhằm vào phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi mới đây, khiến một nhân viên gìn giữ hòa bình đến từ Cameroon thiệt mạng và 5 người bị thương.

Đại diện thường trực của Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere, nước đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1/2024, đã đưa ra tuyên bố, trong đó bày tỏ chia buồn với gia đình của binh sĩ thiệt mạng, cũng như với Cameroon.

Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ việc, các thành viên hội đồng tái khẳng định "các cuộc tấn công chống lại lực lượng gìn giữ hòa bình có thể cấu thành tội ác chiến tranh", đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ của tất cả các bên theo luật nhân đạo quốc tế.