Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc trao đổi ngày 16/10 tại Tel Aviv. (Nguồn: GPO) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nhận định về tác động của bầu cử Ba Lan: Ngày 17/10, trả lời câu hỏi liên quan đến tác động của bầu cử Ba Lan tới quan hệ với Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Thành thật mà nói, điều đó khó có thể xảy ra vào lúc này. Không có bộ phận nào trong chính quyền Ba Lan công khai hoặc thậm chí ngầm ám chỉ rằng cần phải khôi phục quan hệ với Nga. Sự thật là người Ba Lan vẫn không thích hay thân thiện với chúng ta, họ có quan điểm rất thù địch trong mọi vấn đề liên quan đến chúng ta. Chúng ta không thích điều đó… Thật vô lý khi hai quốc gia láng giềng lại có thái độ thù địch với nhau như vậy”.
Ba Lan và Nga có chung đường biên giới ngắn dọc theo vùng Kaliningrad của Nga. Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Moscow và Warsaw vốn căng thẳng, song đang càng xấu đi kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Ba Lan hiện là một trong những đồng minh chủ chốt của Ukraine chống lại Nga. (AFP)
Tin liên quan |
Xung đột Nga-Ukraine: Lực lượng Kiev thiệt hại nặng nề ở Kupyansk; Tổng thống Putin tuyên bố nỗ lực phản công chưa đạt được kết quả gì |
* Ukraine cảnh báo về “cái chết từ từ” của OSCE: Ngày 16/10, phát biểu tại họp báo với sự tham dự của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Bujar Osmani, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng mọi thứ Nga làm đang gây nguy hại cho tổ chức này.
Cảnh báo OSCE có thể đối mặt với “cái chết từ từ” nếu Nga tiếp tục là thành viên, ông cũng kêu gọi tổ chức này hướng tới “một cuộc sống mới không có Nga”.
Trước đó, Kiev đã nhiều lần kêu gọi loại Moscow ra khỏi các tổ chức quốc tế do xung đột ở Ukraine, bao gồm G20, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức thể thao lớn. Nga cũng cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại và “chiếm đoạt” OSCE, cho rằng tổ chức này đã quay lưng lại với các nguyên tắc thành lập.
OSCE được thành lập vào tháng 8/1975, với mục tiêu làm giảm bớt căng thẳng giữa hai bên trong Chiến tranh Lạnh và giúp các thành viên phối hợp trong các vấn đề như nhân quyền và kiểm soát vũ khí. Tổ chức này thường cử quan sát viên tới các xung đột và bầu cử trên khắp thế giới. OSCE cũng triển khai các chương trình nhằm chống lại nạn buôn người và bảo đảm tự do truyền thông. Tuy nhiên, kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, OSCE đã gặp khó khăn khi Nga đã chặn các quyết định quan trọng, vốn đòi hỏi có sự đồng thuận để triển khai. (Kiev Post)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine : Moscow nói về Warsaw hậu bầu cử, Kiev cảnh báo ‘cái chết từ từ’ cho OSCE? |
Israel-Hamas
* Giám đốc tình báo Israel nhận trách nhiệm về vụ tấn công của Hamas: Ngày 16/10, trong bức thư gửi các nhân viên của Cơ quan Tình báo nội địa Israel (Shin Bet), Giám đốc Ronen Bar nêu rõ: “Dù đã thực hiện một loạt hành động, nhưng thật không may, ngày thứ Bảy (7/10), chúng ta đã không đưa ra đủ cảnh báo để ngăn chặn cuộc tấn công. Là người đứng đầu tổ chức, trách nhiệm về việc này thuộc về tôi. Sẽ có điều tra về việc này. Bây giờ, chúng ta đang chiến đấu”.
Theo báo chí Israel, đêm trước khi xảy ra vụ tấn công, đã có các dấu hiệu không bình thường ở Dải Gaza. Tuy nhiên, Shin Bet chỉ cử một đơn vị nhỏ tới biên giới. Trong cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, 10 nhân viên Shin Bet thiệt mạng. (TTXVN)
* Báo Mỹ nêu nguồn tin tình báo Hamas thu thập để tấn công Israel: Ngày 16/01, Washington Post (Mỹ) dẫn lời bà Miri Eisin, cựu sĩ quan tình báo cấp cao của IDF cho biết: “Hoạt động của Hamas là kết quả của ít nhất 2 năm lập kế hoạch, giai đoạn bao gồm hai cuộc xung đột giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và phong trào Thánh chiến Hồi giáo này, nhóm chiến binh nhỏ ở Dải Gaza. Trong thời gian này, Hamas bị chỉ trích vì đứng nhìn các thủ lĩnh Jihad Hồi giáo bị Israel sát hại trong các cuộc tấn công”. Ngoài ra, theo bà, thông tin tình báo về các thị trấn biên giới của Israel có thể một phần lấy từ hàng nghìn người Gaza đi qua biên giới Israel mỗi ngày và làm việc ở các khu vực đó. (Washington Post)
* Tổng thống Mỹ sẽ thăm Israel, tới Jordan để hội đàm với Palestine: Sáng 17/10, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo ông Joe Biden sẽ tới Israel ngày 18/10 tới. Sau cuộc hội đàm trong đêm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv, ông Blinken nêu rõ: “Tổng thống sẽ tái khẳng định tình đoàn kết của Mỹ với Israel và cam kết vững chắc của chúng tôi đối với an ninh của nước này”.
Theo thông cáo Nhà Trắng, ông Joe Biden cũng sẽ đến thủ đô Amman của Jordan trong ngày 18/10 để hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II.
Về phần mình, người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn tướng Daniel Hagari nhận định chuyến thăm này có “tầm quan trọng chiến lược”. (AFP/TTXVN)
* Ngoại trưởng Mỹ thảo luận xuyên đêm tại Israel, hỗ trợ ‘khủng’ được đề cập? Sáng ngày 17/10, sau 8 giờ hội đàm trong đêm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ: “Theo yêu cầu của chúng tôi, Mỹ và Israel đã nhất trí phát triển một kế hoạch cho phép viện trợ nhân đạo từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức đa phương đến được với dân thường ở Gaza”. Hiện các nhà lập pháp Mỹ đang soạn thảo một gói viện trợ cho Israel và Ukraine.
Trong khi đó, tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời ba quan chức cho biết Israel đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ USD. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jake Sullivan từng cho biết Washington dự định yêu cầu hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, Israel và các nhu cầu khác.
Về phần mình, đài NBC (Mỹ) cho biết một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ tỏ ra hoài nghi về kết hợp các yêu cầu hỗ trợ quân sự cho Ukraine và Israel. Ngay cả một số người thường ủng hộ hỗ trợ cho cả hai nước cũng tỏ ra hoài nghi.
* Mỹ sẽ triển khai 2.000 quân hỗ trợ Israel: Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, khoảng 2.000 binh sĩ nước này đã được lệnh chuẩn bị triển khai để hỗ trợ Israel. Các quân nhân của xứ cờ hoa nhận được lệnh đã trong trạng thái chuẩn bị triển khai trong 96 giờ, hiện rút ngắn xuống còn 24 giờ. Những binh sĩ này có nhiều kỹ năng và chuyên môn khác nhau, bao gồm hỗ trợ y tế và xử lý chất nổ.
Song số binh sĩ này chưa được điều động đi đâu và họ không nhất thiết sẽ tới Israel hay Dải Gaza. Theo quan chức trên, nếu được triển khai, số binh sĩ này sẽ tới “quốc gia gần đó”. (NBC)
* HĐBA bác dự thảo nghị quyết của Nga về Israel và Dải Gaza: Ngày 16/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bác dự thảo nghị quyết của Nga về kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc xung đột Hamas-Israel. Theo đó, nghị quyết không nhận được 9 phiếu ủng hộ cần thiết.
Nga, Trung Quốc, UAE, Gabon và Mozambique đã bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết. Trong khi Albania, Brazil, Ghana, Malta, Thụy Sỹ và Ecuador bỏ phiếu trắng. Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản bỏ phiếu chống. Giải thích về lập trường của mình, Đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng, nghị quyết của Nga không có nội dung nào lên án hành động của Hamas.
Dự thảo nêu rõ: “HĐBA LHQ kêu gọi đưa ra một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, bền vững và được tuân thủ đầy đủ". Dự thảo nghiêm khắc lên án bạo lực. hành động quân sự chống lại dân thường và “mọi hành động khủng bố”. Dự thảo cũng kêu gọi thả tất cả con tin một cách an toàn và cung cấp, phân phối viện trợ nhân đạo thông suốt và tạo điều kiện để sơ tán dân thường.
Về phần mình, Đại sứ Nga Vasily Nebenzya tuyên bố Hội đồng Bảo an LHQ một lần nữa đã trở thành “con tin” cho nguyện vọng của phương Tây, Ngày 14/10, ông từng cảnh báo Trung Đông đang trên bờ vực của một cuộc xung đột tổng lực và thảm họa nhân đạo chưa từng có. Đại sứ Nga so sánh việc phong tỏa và pháo kích Dải Gaza với chiến dịch tấn công Leningrad trong Thế chiến II. (Sputnik)
* Colombia yêu cầu Đại sứ Israel “tỉnh táo trong lời nói”: Ngày 16/10, viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Colombia Álvaro Leyva nhấn mạnh rằng “sự kiêu ngạo của Đại sứ Israel tại Colombia” trước Tổng thống Colombia Gustavo Petro sẽ ghi dấu ấn trọng lịch sử ngoại giao toàn cầu. Song ông khẳng định Đại sứ Israel chưa bị trục xuất: Colombia chỉ yêu cầu nhà ngoại giao này “tỉnh táo trong lời nói” và tôn trọng Tổng thống Gustavo Petro. Dù vậy, Ngoại trưởng Colombia cho biết sẽ đình chỉ quan hệ với Israel nếu cần thiết.
Trước đó, Nhà nước Do Thái cũng đã triệu Đại sứ Colombia Margarita Manjarrez để phản đối các phát ngôn của Tổng thống Gustavo Petro thể hiện ủng hộ Palestine. Phản ứng đầu tiên của Israel trước tuyên bố nêu trên là tạm dừng xuất khẩu các thiết bị an ninh sang Colombia. Về phần mình, Tổng thống Petro khẳng định tuyên bố của ông chỉ là “phản ánh những sự thực của lịch sử”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ trước xung đột Israel-Hamas: Ngoại trưởng họp xuyên đêm ở thực địa, Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố gửi tàu sân bay, kêu gọi ngừng bắn |
Đông Bắc Á
* Nhật Bản phản đối Nga cấm nhập khẩu cá: Ngày 17/10, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu nhấn mạnh: “Quyết định đơn phương của Nga không căn cứ vào dữ liệu khoa học là không thể chấp nhận được. Ngày 16/10, một công hàm phản đối đã được chuyển cho phía Nga thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu hủy bỏ (hạn chế nhập khẩu)”. Theo quan chức này, Tokyo đã giải thích sự an toàn của nước nhiễm xạ đã qua xử lý thủy sản Nhật Bản cho cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Moscow, một cách minh bạch và có cơ sở khoa học.
Trước đó, ngày 16/10, Cơ quan giám sát an toàn nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor thông báo quốc gia này đã tham gia lệnh cấm tạm thời của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu các sản phẩm cá của Nhật Bản như một biện pháp phòng ngừa sau vụ xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Sputnik)
* Washington thấy “tín hiệu đáng lo ngại” về quan hệ Nga-Triều, Moscow nói gì? Ngày 17/10, phát biểu với phóng viên sau cuộc gặp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản ở Jakarta, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã gọi mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga là “đáng lo ngại”. Ông cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực bảo vệ các đồng minh.
Tuy nhiên, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Triều Tiên đang gửi vũ khí cho Nga.
Trước đó ngày 13/10, Nhà Trắng cho rằng Bình Nhưỡng gần đây đã cung cấp cho Moscow một chuyến hàng vũ khí, coi đây là một diễn biến đáng lo ngại về mối quan hệ quân sự ngày càng mở rộng giữa hai quốc gia này. Trong khi đó, hồi tháng trước, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh nói rằng London đang hối thúc Bình Nhưỡng ngừng đàm phán về vũ khí với Moscow. (Reuters/TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Báo Mỹ tiết lộ thông tin bất ngờ về khả năng Triều Tiên đang làm điều này với Nga |
Châu Âu
* Armenia sẵn sàng kí thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan cuối năm 2023: Ngày 17/10, Thủ tướng Nikol Pashinyan tuyên bố Yerevan sẵn sàng kí thỏa thuận hòa bình với Balku vào cuối năm nay và sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả công dân Azerbaijan trên lãnh thổ của mình.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tin tưởng vào một thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan nếu hai bên cho thấy thiện chí và tiến tới một thỏa thuận về biên giới chung giữa hai nước. (TTXVN)
* Hạ viện Nga thông qua việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân: Ngày 17/10, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện với 412 phiếu thuận.
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết thông qua LHQ, Mỹ đã đề nghị Nga không hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện.
Về phần mình, trong tháng này, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Nga hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước năm 1996 vì Mỹ đã không phê chuẩn văn kiện này. Ông không xác nhận liệu Nga có nối lại việc thử hạt nhân hay không. (Reuters)
* Pháp phản đối chính sách chống lại năng lượng hạt nhân: Ngày 17/10, phát biểu trước thềm một cuộc họp nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về cải cách thị trường điện Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng của Pháp Agnes Pannier-Runacher nêu rõ: “Việc phân biệt đối xử chống lại hạt nhân là đi ngược lại lợi ích của người châu Âu”. Đồng thời, quan chức này khẳng định rằng năng lượng hạt nhân có thể cải thiện tình hình an ninh năng lượng hiện nay.
Trước đó, thỏa thuận cải cách thị trường điện đã bị trì hoãn nhiều tháng, do bất đồng giữa Đức và Pháp về việc liệu Paris có khả năng trợ cấp cho các nhà máy năng lượng hạt nhân khá lớn của mình theo quy định hay không. (Reuters)
* Bầu cử Hạ viện Ba Lan có kết quả chính thức: Sáng ngày 17/10, Ủy ban bầu cử quốc gia Ba Lan (PKW) đã công bố kết quả bầu cử Hạ viện. PKW cũng cho biết tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 15/10 vừa qua đạt mức cao kỉ lục với 74,37%.
Cụ thể, với 99,97% số phiếu đã được kiểm, đảng PiS về nhất với 7.638.060 phiếu, đạt tỉ lệ 35,39% số phiếu ủng hộ. Liên minh Dân sự đối lập về thứ hai với 6.622.871 phiếu, đạt tỉ lệ ủng hộ 30,69%. Các đảng tiếp theo lần lượt là đảng Con đường Thứ ba với 14,4% (3.108.961 phiếu), Cánh tả mới (NL) với 8,61% (1.857.527 phiếu) và Liên đoàn (Konfederacja) với 7,16% (1.546.271 phiếu). Đây cũng là các đảng được lọt vào Hạ viện. Như vậy, đảng PiS sẽ giành được 196 ghế/460 ghế tại Hạ viện. Liên minh Dân sự sẽ có 158 ghế, Con đường Thứ ba 61 ghế, Cánh tả mới 30 ghế và đảng Liên đoàn giành 15 ghế. (TTXVN)
* Hungary không muốn chống lại Nga: Ngày 17/10, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung Quốc trước thềm Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF), Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định Budapest không bao giờ muốn chống lại Moscow, mà muốn xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ. Ông cũng nhấn mạnh quốc gia này đang cố gắng cứu vãn liên lạc song phương, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế càng gia tăng.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận viêc vận chuyển khí đốt và dầu mỏ cũng như vấn đề năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh chấm dứt trừng phạt Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như việc ngăn dòng người di cư là vấn đề quan trọng đối với châu Âu, bao gồm cả Hungary. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Quốc hội Ba Lan: Đáp án còn ở phía trước |
Trung Đông-Châu Phi
* EU duy trì biện pháp kiềm chế Iran: Ngày 17/10, các nước thành viên EU tuyên đã ra tuyên bố chung nêu rõ: “Hội đồng (châu Âu) đã thông qua các văn bản pháp lý để duy trì các biện pháp ban đầu được LHQ áp đặt đối với các cá nhân và tổ chức liên quan đến hoạt động hạt nhân hoặc hoạt động tên lửa đạn đạo, hoặc liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Hội đồng cũng nhất trí duy trì các biện pháp hiện hành theo cơ chế trừng phạt của EU, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vấn đề phổ biến hạt nhân của Iran, cũng như các lệnh cấm vận vũ khí và tên lửa”.
Tuyên bố nêu rõ đây không phải là biện pháp mới với Iran; các biện pháp trừng phạt Iran của EU vốn được dỡ bỏ theo Kế hoạch hành động Chung Toàn diện (JCPOA) vẫn được dỡ bỏ. Như vậy, EU sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế chống lại Iran theo cơ chế trừng phạt không phổ biến vũ khí hạt nhân sau ngày 18/10, ngày hết hiệu lực các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm hạn chế việc Iran mua tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái theo JCPOA. (Reuters)
| Tình hình Ukraine : Avdiivka vẫn là điểm nóng, Washington sẽ tăng viện trợ cho Kiev? Nga chủ động tấn công ở Avdiivka, Mỹ tính tăng viện trợ chính quyền Kiev…là một số tin tức đáng chú ý về tình hình ... |
| Hàn Quốc tổ chức Đối thoại Quốc phòng Seoul 2023 Ngày 16/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ đăng cai Diễn đàn an ninh quốc tế thường niên trong tuần này, nhằm ... |
| Tổng thống Nga nêu điều kiện đàm phán với Ukraine, đánh giá cao đề xuất hòa bình của Trung Quốc Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, nếu muốn bắt đầu đàm phán hòa bình, Ukraine cần hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán và sẵn ... |
| Israel cáo buộc Hezbollah do Iran hậu thuẫn tấn công miền Bắc, bác bỏ tin đồn về thoả thuận ngừng bắn 5 giờ ở Dải Gaza Ngày 16/10, người phát ngôn Quân đội Israel (IDF), Chuẩn tướng Daniel Hagari cho biết, Iran chỉ đạo phong trào Hezbollah ở Lebanon triển khai ... |
| Tổng thống Mỹ sẽ 'thể hiện cam kết vững chắc' với an ninh của Israel Phía Mỹ và Israel đều đã xác nhận thông tin về chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng tới Nhà nước Do Thái trong những ... |