Nhỏ Bình thường Lớn

Tin thế giới 17/4: Tướng Trung Quốc gặp ông Putin bàn chuyện gì? Thủ lĩnh IS bị Mỹ tiêu diệt, tại sao Myanmar ân xá 3.000 người?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc gặp Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine? Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Sudan; một thủ lĩnh hàng đầu của IS bị Mỹ tiêu diệt tại Syria; Lý do Myanmar ân xá hơn 3.000 người? Australia và Mỹ tổ chức tập trận "khủng" nhất lịch sử; động thái cho thấy quan hệ Nhật-Hàn được hâm nóng… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tin thế giới 17/4: Tướng Trung Quốc gặp ông Putin bàn chuyện gì? Thủ lĩnh IS bị Mỹ tiêu diệt, tại sao Myanmar ân xá 3.000 người?
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tại Moscow, ngày 16/4 (ảnh: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Châu Âu:

* Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Moscow. Cuộc gặp diễn ra sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 3 năm nay. Trước đó một tháng, vào ngày 22/2, Tổng thống Putin cũng đã tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.

Trong cuộc gặp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chuyến thăm Nga gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất hiệu quả và quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, bao gồm quân sự. Tổng thống Putin cho biết Nga và Trung Quốc thường xuyên trao đổi thông tin thông qua các cơ quan quân sự và tiến hành các cuộc tập trận chung. Ông cũng nhận định, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất góp phần củng cố quan hệ chiến lược giữa hai nước. (TASS)

* Nga-Ấn thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do. Ngày 17/4, Ấn Độ và Nga cho biết hai nước đang thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do. Trong nhiều thập kỷ qua, Nga là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất cho Ấn Độ và là thị trường lớn thứ tư cho dược phẩm của Ấn Độ. Tháng 3/2023, Nga đã thay Iraq trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ. Tính đến ngày 31/3, tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gần 4 lần lên 46,33 tỷ USD (Reuters).

* Bộ Quốc phòng Nga kiểm tra đột xuất Hạm đội Thái Bình Dương. Ngày 17/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soigu đã báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc kiểm tra đột xuất đối với Hạm đội Thái Bình Dương. Theo hãng tin TASS, có hơn 25.000 quân nhân, 167 tàu chiến, trong đó có 12 tàu ngầm, 89 máy bay và trực thăng đang tham gia cuộc kiểm tra đột xuất này (bắt đầu từ ngày 14/4). Bộ trưởng Shoigu cho biết các lực lượng và đơn vị này trong tình trạng sẵn sàng cao thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện.

Trong khuôn khổ cuộc kiểm tra đột xuất, các đội hình và đơn vị quân sự thuộc lực lượng ven biển và thủy quân lục chiến phiên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã được báo động, đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và bắt đầu hành quân đến các khu vực tập trung. Các tàu chiến, thuyền và tàu hỗ trợ của Hạm đội Thái Bình Dương rời điểm triển khai đến các khu vực được chỉ định trên biển Nhật Bản, biển Okhotsk và biển Bering để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, gồm bắn đạn, diễn tập chiến thuật và hợp đồng tác chiến. Lực lượng chống ngầm trực chiến tiến hành dò tìm tàu ngầm đối phương như một phần của cuộc kiểm tra đột xuất mức độ sẵn sàng.(TASS)

* Phần Lan vận hành lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu. Sau nhiều tháng trì hoãn, ngày 16/4, Phần Lan chính thức vận hành lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 thế hệ tiếp theo của mình và cũng là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất ở châu Âu.

Theo thông báo của TVO-đơn vị vận hành Olkiluoto 3, lò phản ứng này hiện sản xuất khoảng 14% điện năng của đất nước và dự kiến sẽ hoạt động trong "ít nhất 60 năm tới". Lò được đưa vào hoạt động chậm hơn 12 năm so với kế hoạch ban đầu. Theo nhà điều hành hệ thống truyền tải của Phần Lan, Fingerrid, hơn 50% lượng điện năng của Phần Lan được sản xuất từ năng lượng hạt nhân. (AP News)

Châu Á:

* Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tập trận phòng thủ tên lửa chung ở vùng biển quốc tế phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Tham gia tập trận có 3 tàu khu trục được trang bị hệ thống tác chiến Aegis tiên tiến, gồm tàu ROKS Yulgok Yi I của Hàn Quốc, tàu USS Benfold của Mỹ và tàu JS Atago thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản.

Lần gần đây nhất Hàn-Mỹ-Nhật tiến hành cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên là vào tháng 2/2023. Trong thời gian qua, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, trong đó có cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên vào tháng 2 và cuộc tập trận chống tàu ngầm hôm 3/4. Cùng thời gian, Triều Tiên cũng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa ra vùng biển phía Đông của nước này. (Yonhap).

* Myanmar ân xá hơn 3.000 người nhân dịp Năm mới theo lịch Mynamar. Ngày 17/4, chính quyền Myanmar cho biết sẽ ân xá hơn 3000 tù nhân, trong đó có trên 100 tù nhân là người nước ngoài. Myanmar thường ân xá cho hàng nghìn tù nhân trong đợt ân xá hằng năm để đánh dấu Tết cổ truyền của mình. Vào dịp này năm trước, Myanmar đã trả tự do cho 1.619 tù nhân. (TTXVN).

* Động thái cho thấy quan hệ Hàn-Nhật ấm lên. Ngày 17/4, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khởi động cơ chế đàm phán chính sách ngoại giao-quốc phòng, vốn bị dừng từ 2018. Đây là chỉ dấu cho thấy mối quan hệ song phương Hàn-Nhật đang dần tan băng.

Trong phiên họp này, hai bên dự kiến chia sẻ đánh giá về tình hình an ninh ở Đông Bắc Á, Bán đảo Triều Tiên, cũng như chính sách quốc phòng và an ninh của mỗi bên. Cơ chế tham vấn ngoại giao quốc phòng Hàn-Nhật khởi động vào năm 1998 sau một thỏa thuận giữa Bộ trưởng ngoại giao hai nước một năm trước đó (Yonhap).

* Australia và Mỹ tổ chức tập trận ‘khủng’ nhất trong lịch sử. Bộ Quốc phòng Australia thông báo nước này sẽ tổ chức cuộc tập trận Talisman Sabre lần thứ 10 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tập trận có sự tham gia của khoảng 30.000 quân, gấp đôi con số của năm 2021.

Tập trận Talisman Sabre 2023 diễn ra từ ngày 22/7 đến ngày 4/8 ở bang Queensland, Tây Australia, Lãnh thổ phía Bắc và New South Wales. Đây là hoạt động huấn luyện kết hợp song phương lớn nhất giữa Lực lượng Phòng vệ Australia và quân đội Mỹ, phản ánh quan hệ liên minh Australia-Mỹ.

Các quốc gia xác nhận tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre 2023 bao gồm Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Papua New Guinea, Tonga, Pháp, Anh, Canada và Đức. Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ tham dự với tư cách quan sát viên (Reuters).

* Ấn Độ: 11 người tử vong, hơn 40 người nhập viện do sốc nhiệt. Nắng nóng trên 38 độ C đã khiến ít nhất 11 người tử vong và hơn 40 người phải nhập viện do sốc nhiệt sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời kéo dài 5 tiếng tại bang Maharashtra ở miền Đông Ấn Độ ngày 16/4. Đầu tháng 4, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết phần lớn đất nước sẽ trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng cho tới tháng 6. Năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận tháng 2 nóng nhất kể từ năm 1901. (Indiatimes)

Châu Mỹ

* Xả súng tại Mexico, ít nhất 7 người thiệt mạng. Nhà chức trách Mexico cho biết ngày 15/4, các tay súng đã xông vào công viên nước La Palma ở thành phố Cortazar thuộc bang Guanajuato miền Trung nước này và xả súng khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em.

Những năm gần dây, bang Guanajuato-một bang công nghiệp phát triển thịnh vượng-đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực liên quan đến ma túy. Bang này đã trở thành một trong những nơi bạo lực nhất Mexico do mâu thuẫn giữa nhóm tội phạm Santa Rosa de Lima và băng đảng Jalisco New Generation chuyên trộm cắp nhiên liệu và buôn ma túy.

Mexico đã ghi nhận hơn 350.000 vụ giết người, hầu hết do các băng đảng tội phạm tiến hành, kể từ khi chính phủ triển khai quân đội chống các băng đảng buôn bán ma túy từ năm 2006. (CNN)

* Ngoại trưởng Nga thăm 4 nước Mỹ Latinh. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ thăm Brazil, Venezuela, Nicaragoa và Cuba. Mục tiêu chính của chuyến công du của Ngoại trưởng Lavrov là tăng cường hợp tác cùng có lợi với các nước Mỹ Latinh trong các lĩnh vực chính trị, thương mại và kinh tế, giáo dục, nhân đạo, văn hóa và các lĩnh vực khác.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ Latinh là khu vực có quan hệ thân thiện với Nga, một trong những trung tâm định hình thế giới đa cực và Nga có kế hoạch duy trì đối thoại năng động với khu vực này, phát triển hợp tác xây dựng mà không có bất kỳ sự áp đặt nào từ bên ngoài (TASS).

* Đấu giá viên ruby lớn nhất thế giới tại New York (Mỹ). Hãng đấu giá Sotheby’s cho biết sẽ tiến hành đấu giá viên hồng ngọc (ruby) lớn nhất thế giới trong tháng 6 tới tại thành phố New York (Mỹ) và ước tính giá bán hơn 30 triệu USD.

Đây sẽ là viên ruby có giá trị nhất được bán đấu giá. Bà Uni Kim, chuyên gia kim hoàn thuộc Sotheby’s hy vọng viên ruby có tên gọi Estrela de Fura (Ngôi sao Fura), với trọng lượng 55,22 carat, sẽ được bán với giá hơn 30 triệu USD. Hiện viên đá có xuất xứ từ Myanmar “Sunrise Ruby” nặng 25,59 carat đang giữ kỷ lục thế giới với giá bán 30,3 triệu USD trong phiên đấu giá tại Sotheby’s Geneva vào tháng 5/2015.(CNN)

Trung Đông-châu Phi

* Anh, Mỹ kêu gọi Sudan ngừng giao tranh, Liên hợp quốc họp khẩn. Ngày 17/4, Mỹ và Anh đã kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" tại Sudan sau khi giao tranh giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF trong 2 ngày qua đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ họp kín trong ngày 17/4 để thảo luận tình hình tại Sudan (TTXVN)

* Mỹ tiêu diệt 1 thủ lĩnh IS tại Syria. Ngày 17/4, một trực thăng của Mỹ đã không kích các vị trí của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Đông Bắc Syria. Ít nhất 3 đối tượng bị tiêu diệt, trong đó có 1 đối tượng được cho là thủ lĩnh cấp cao của IS tại Syria. Hiện các lực lượng Mỹ duy trì nhiệm vụ trọng tâm là đánh bại IS tại 2 nước Syria và Iraq như một phần trong chiến dịch nhằm ngăn chặn tổ chức khủng bố này tập hợp lực lượng trở lại. Cách đây 1 tuần, Mỹ tiến hành không kích và bắt giữ 1 kẻ do thám của IS cùng 2 thành viên của tổ chức này ở miền Đông Syria. (Al Jazeera)

* Thảm sát tại Burkina Faso, hơn 80 người thương vong. Chính phủ Burkina Faso thông báo các tay súng chưa rõ danh tính đã sát hại 40 người và làm bị thương 33 người khác trong một vụ tấn công ở miền Bắc nước này.

Từ năm 2015 đến nay, Burkina Faso đã rơi vào vòng xoáy bạo lực thánh chiến khởi phát từ Mali và Niger vài năm trước đó và lan sang nước này. Theo các tổ chức nhân đạo, bạo lực ở Burkina Faso đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người trong 7 năm qua (bao gồm cả dân thường và binh lính) và khiến khoảng 2 triệu người phải di tản. (Reuters)

Chọn Nga bắt đầu chuyến công du sau nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc: Quan hệ hai nước ưu việt, đang kề vai sát cánh

Chọn Nga bắt đầu chuyến công du sau nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc: Quan hệ hai nước ưu việt, đang kề vai sát cánh

Ngày 16/4, trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên đến Moscow kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lý Thượng ...

Sudan: Giao tranh tiếp diễn, thương vong tăng cao

Sudan: Giao tranh tiếp diễn, thương vong tăng cao

Đến hôm nay, 17/4, tình hình ở Sudan vẫn chưa hề lắng dịu. Có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ ở Khartoum khi ...

Mỹ 'loay hoay' giúp Nhật-Hàn ‘làm lành’

Mỹ 'loay hoay' giúp Nhật-Hàn ‘làm lành’

Mối quan hệ hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn có ý nghĩa rất quan trọng trong chính sách của Mỹ tại khu vực nhằm đối trọng ...

'Mùa Xuân mới' đang đến trong quan hệ Nhật - Hàn

'Mùa Xuân mới' đang đến trong quan hệ Nhật - Hàn

Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp hai nước xích lại gần nhau hơn, bước qua những ...

Australia: Hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông là “diễn biến tự nhiên”

Australia: Hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông là “diễn biến tự nhiên”

Australia cần nhìn nhận việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông là một “diễn biến tự nhiên”.

Chìa khóa cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Australia

Chìa khóa cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Australia

Cuộc gặp ngày 4/5 giữa ông Trump và ông Turnbull sẽ là cột mốc trong quan hệ song phương, nếu như hai bên có thể ...

Tin cũ hơn