📞

Tin thế giới 17/6: Tổng thống Nga thăm Triều Tiên, Trung Quốc chỉ trích tuyên bố chung của G7, Thủ tướng Israel giải tán Nội các chiến tranh

Nhất Phong 20:28 | 17/06/2024
Philippines cùng 4 nước diễn tập ở Biển Đông, NATO đưa vũ khí hạt nhân vào "chế độ chờ", Ngoại trưởng Ukraine đề cập đàm phán với Nga, Mỹ "đi sau" Trung Quốc tới 15 năm về phát triển năng lượng hạt nhân… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Vostochny Сosmodrome ở vùng viễn đông Amur, Nga, ngày 13/9/2023. (Nguồn: Sputnik)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Tổng thống Nga thăm Triều Tiên: Ngày 17/6, Điện Kremlin ra thông báo cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Triều Tiên trong hai ngày 18-19/6. Đây là chuyến thăm cực kỳ hiếm hoi, đánh dấu mối quan hệ đối tác đang được đẩy mạnh giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Lần gần nhất Tổng thống Putin thăm Bình Nhưỡng là tháng 7/2000.

Trong thông báo của Điện Kremlin nêu rõ: “Nhận lời mời của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Kim Jong Un, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm nhà nước hữu nghị trong hai ngày 18-19/6".

Trước khi thăm Triều Tiên, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm Trung Quốc và Belarus và Uzbekistan. Tổng thống Nga hiếm khi công du nước ngoài kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. (Yonhap)

*Mỹ, Canada, Nhật, Philippines diễn tập hàng hải ở Biển Đông: Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 17/6 xác nhận lực lượng Mỹ, Canada, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành diễn tập hàng hải chung kéo dài hai ngày tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông.

Theo hạm đội Thái Bình Dương, hoạt động hợp tác hàng hải nhằm mục đích “bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, tái khẳng định cam kết của 4 quốc gia trong việc tăng cường an ninh và sự ổn định của khu vực".

Cuộc diễn tập có sự tham gia của 4 tàu chiến và một loạt hoạt động diễn tập hàng hải để kiểm tra và xác nhận khả năng tương tác của học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy tắc của lực lượng vũ trang 4 nước.

Hồi tháng 4 vừa qua, Philippines đã tiến hành hoạt động hàng hải chung với Nhật Bản, Australia và Mỹ. (Reuters)

*Nga khó chuyển giao công nghệ quân sự cho Triều Tiên: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik ngày 17/6 tuyên bố khả năng Nga chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến nhất cho Triều Tiên là “rất thấp” bất chấp hoạt động hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng giữa hai nước, vì Moscow lựa chọn đó là "phương sách cuối cùng".

Trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putintới Triều Tiên, ông Shin Won-sik dự đoán Tổng thống Putin sẽ yêu cầu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cung cấp thêm đạn dược và tên lửa đạn đạo cho Moscow, đồng thời lưu ý rằng Seoul đã phát hiện ít nhất 10.000 container vận chuyển từ Triều Tiên đến Nga.

Trước hoạt động hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ ông có kế hoạch sớm gặp những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản để ký một văn kiện nhằm tăng cường nỗ lực chung đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. (Yonhap)

Châu Âu

*Trung Quốc chỉ trích tuyên bố chung của G7: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm ngày 17/6 bác bỏ việc các nhà lãnh đạo G7 cảnh báo Bắc Kinh ngừng gửi các bộ phận vũ khí tới Nga, cho rằng tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh G7 là "đầy kiêu ngạo, định kiến và dối trá".

Tuyên bố chung sau hội nghị G7 ở Italy cho rằng Trung Quốc đang gửi các nguyên vật liệu lưỡng dụng tới Nga để giúp đỡ cuộc chiến của Moscow tại Ukraine. Sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, tuyên bố của G7 cũng chỉ trích “các hoạt động quân sự hóa, cưỡng bức và đe dọa” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong tuyên bố đáp trả, ông Lâm Kiếm nhấn mạnh tuyên bố của G7 đã "vu khống và công kích Trung Quốc". Trả lời họp báo thường kỳ, ông Lâm Kiếm khẳng định: “Tuyên bố đã nhắc lại những lời sáo rỗng không có cơ sở thực tế, không có cơ sở pháp lý và không có sự biện minh về mặt đạo đức, đồng thời đầy kiêu ngạo, thành kiến và dối trá”. (AFP)

*Ukraine không muốn là "kẻ thù" của Trung Quốc: Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 16/6 tuyên bố Trung Quốc không phải là "kẻ thù" của Ukraine, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Moscow.

Phát biểu họp báo sau phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sỹ, Tổng thống Zelensky bày tỏ: “Trung Quốc có thể giúp chúng tôi. Ukraine chưa bao giờ nói rằng Trung Quốc là kẻ thù của chúng tôi. Tuy nhiên, Trung Quốc nên liên lạc trực tiếp với chúng tôi về các đề xuất giúp chấm dứt cuộc chiến với Nga, hơn là thông qua các phương tiện truyền thông”.

Cũng theo Tổng thống Zelensky, Kiev sẵn sàng đàm phán hòa bình ngay lập tức với Moscow. Ông nhấn mạnh: “Nga có thể bắt đầu đàm phán với chúng tôi vào ngày mai, mà không cần chờ đợi bất cứ điều gì, nếu họ rút khỏi lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi”. (AFP)

*Đan Mạch tìm cách hạn chế đội tàu chở dầu bóng đêm của Nga: Ngày 17/6, Ngoại trưởng Đan Mạch Lokke Rasmussen cho biết Copenhagen đang xem xét các cách thức nhằm hạn chế việc qua lại của các tài chở dầu cũ chở dầu của Nga đi qua Biển Baltic.

Nga đã xuất khẩu khoảng 1/3 lượng dầu của mình bằng đường biển, tương đương 1,5% nguồn cung toàn cầu, thông qua eo biển Đan Mạch, nơi được coi là cửa ngõ vào Biển Baltic, do đó bất cứ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn nguồn cung này cũng sẽ đầy giá dẩu lên cao hơn.

Ngoại trưởng Đan Mạch cho biết quốc gia Bắc Âu này đã tập hợp một nhóm quốc gia đồng minh để đánh giá các biện pháp nhằm vào cái gọi là đội tàu bóng đêm gồm các tàu cũ chở dầu của Nga. (Reuters)

*Ngoại trưởng Ukraine đề cập tới việc đàm phán với Nga: Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba tuyên bố Nga sẽ được mời dự hoà nghị hòa bình về Ukraine lần tiếp theo. Theo lời ông Kuleba, hội nghị lần hai sẽ nhằm kết thúc chiến tranh và do đó sẽ phải có mặt cả hai bên tham chiến.

Ông cũng thừa nhận Kiev hiểu rằng sớm hay muộn cũng sẽ phải đối thoại với Moscow. Ông Kuleba tiết lộ thêm rằng tại Geneva quan điểm của phương Tây và các nước Nam bán cầu về giải quyết xung đột có sự khác biệt, cụ thể các nước Nam bán cầu đưa ra những “thoả hiệp khó khăn cần phải thực hiện”.

Bộ Ngoại giao Thuỵ Sỹ cho biết hội nghị hoà bình lần thứ hai có thể diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. (TASS)

*NATO đàm phán đưa vũ khí hạt nhân vào "chế độ chờ": Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 17/6 cho biết liên minh quân sự này đang đàm phán để triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt vào "chế độ chờ".

Người đứng đầu NATO khẳng định mục tiêu của NATO "tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng tôi vẫn sẽ là một liên minh hạt nhân. Bởi vì một thế giới trong đó Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, còn NATO thì không, là một thế giới nguy hiểm hơn".

Tuần trước, ông Stoltenberg đã tuyên bố vũ khí hạt nhân là "đảm bảo an ninh cuối cùng" của NATO và là công cụ để gìn giữ hòa bình. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong các tình huống cực đoan.

NATO đóng vai trò lớn hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí cho Kiev, hiếm khi công khai đề cập đến vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ đã triển khai bom hạt nhân tại một số địa điểm ở châu Âu. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

*Thủ tướng Israel giải tán Nội các chiến tranh: Ngày 17/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã giải tán Nội các chiến tranh gồm sáu thành viên của nước này được thành lập sau khi nổ ra xung đột Israel-Hamas vào tháng 10/2023.

Đây là một diễn biến được dự báo từ trước sau khi Bộ trưởng Benny Gantz, thành viên của đảng Liên minh quốc gia, ngày 9/6 đã tuyên bố rút khỏi Nội các chiến tranh Israel.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu, trong thời gian tới Thủ tướng Netanyahu sẽ tiến hành các cuộc tham vấn về cuộc chiến ở Gaza với một nhóm nhỏ các bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer.

Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với yêu cầu từ các đối tác tôn giáo dân tộc chủ nghĩa trong Liên minh cầm quyền là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben-Gvir được tham gia Nội các chiến tranh, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với các đối tác quốc tế của Israel, trong đó có đồng minh Mỹ. (Al Jazeera)

*Mỹ tố tàu chiến Iran phớt lờ tín hiệu cấp cứu từ tàu hàng trên Biển Đỏ: Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của quân đội Mỹ ngày 16/6 cáo buộc một tàu chiến của Iran đã phớt lờ tín hiệu cấp cứu từ một tàu dân sự đang gặp hỏa hoạn trên Biển Đỏ.

Tàu MV Verbena thuộc sở hữu của Ukraine, do Ba Lan điều hành, đã bốc cháy kể từ hôm 13/6 khi bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công bằng tên lửa. Theo CENTCOM, tàu chiến IRIN Jamaran của Iran đã không phản hồi khi MV Verbena gửi tín hiệu cấp cứu từ khoảng cách 14 km. Ngày 15/6, do không thể khống chế được ngọn lửa, thủy thủ đoàn đã rời bỏ MV Verbena khi được một tàu dân sự khác đến giải cứu.

Trước đó, ngày 12/6, Houthi cũng đã tấn công tàu chở than Tutor thuộc sở hữu của Hy Lạp ở khu vực gần cảng Hodeidah của Yemen, khiến con tàu bị hư hỏng nặng.

Mỹ và Anh đã phát động “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ. Washington và các đồng minh đã tiến hành nhiều đợt không kích vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. (Al Jazeera)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Mỹ "đi sau" Trung Quốc tới 15 năm về phát triển năng lượng hạt nhân: Báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ Thông tin, một viện nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho thấy Mỹ có thể đang tụt hậu so với Trung Quốc tới 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao. Các yếu tố như phương pháp tiếp cận công nghệ được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ và nguồn tài chính dồi dào đã tạo lợi thế cho Trung Quốc.

Trung Quốc hiện có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với thời gian xây dựng trung bình khoảng 7 năm, nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Mặc dù Mỹ có đội ngũ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và chính quyền của Tổng thống Joe Bidencoi nguồn điện gần như không phát thải này là rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, sau khi hai nhà máy lớn ở Georgia đi vào hoạt động vào năm 2023 và 2024 với chi phí vượt ngân sách hàng tỷ USD và bị trì hoãn nhiều năm, không có lò phản ứng hạt nhân nào của Mỹ đang được xây dựng. (Reuters)

*Lở đất tại Ecuador, hơn 40 người thương vong và mất tích: Nhà chức trách Ecuador ngày 16/6 cho biết mưa lớn đã gây lở đất tại một khu du lịch ở miền Nam nước này, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 6 người bị thương và 30 người mất tích.

Vụ lở đất xảy ra tại khu nghỉ dưỡng Banos de Agua Santa ở thành phố du lịch Banos ở tỉnh Tungurahua, gần chân một ngọn núi lửa đang hoạt động. Chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa một số khu nghỉ dưỡng ven biển, cùng tuyến đường chính dẫn vào khu vực xảy ra lở đất nêu trên.

Theo Văn phòng Tổng thống, mưa lớn cũng gây thiệt hại tại nhiều khu vực khác ở Ecuador. Đã có tổng cộng 48 trường hợp khẩn cấp được báo cáo trên toàn quốc. (AFP)