Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nước này ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP nếu đáp ứng điều kiện và được các nước thành viên chấp thuận. (Nguồn Sky News Australia) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga nêu ‘logic cơ bản’ đằng sau sự cố với Dòng chảy phương Bắc: Ngày 18/10, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng, cuộc điều tra quốc tế về sự cố với hai Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic là nhằm đổ lỗi cho Nga.
Theo quan chức này, “logic cơ bản” cho thấy, các tổn hại với đường ống này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Nga. Đồng thời, ông chỉ trích các bên đã điều tra “bí mật” mà không có sự tham gia của phía Moscow.
Người phát ngôn Tổng thống Nga cũng khẳng định, 4 vùng lãnh thổ vừa sáp nhập đang nằm dưới sự bảo vệ của kho vũ khí hạt nhân của Moscow.
Quan chức này nhấn mạnh: “Những vùng lãnh thổ này là phần không thể nhượng lại của Liên bang Nga... và an ninh của chúng được đảm bảo ở mức tương tự như phần còn lại của lãnh thổ Nga”.
Ngoài ra, ông cho hay, hiện chưa có sắc lệnh nào của Tổng thống Vladimir Putin về chấm dứt kế hoạch động viên quân sự ở Nga, song ông lưu ý một số khu vực đã hoàn tất quá trình này. (AFP, Reuters)
* Ukraine lo tình hình “nghiêm trọng” sau các vụ tấn công cơ sở năng lượng: Ngày 18/10, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cảnh báo, tình hình “nghiêm trọng” sau khi Nga tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khi mùa Đông sắp tới.
Quan chức này nhấn mạnh: “Tình hình hiện đang rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc vì các khu vực của chúng ta phụ thuộc lẫn nhau... cả nước cần chuẩn bị cho tình trạng mất điện, nước và hệ thống sưởi ấm”.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, 30% nhà máy điện của nước này đã bị phá hoại do các cuộc tấn công từ phía Nga kể từ ngày 10/10, dẫn tới tình trạng mất điện diện rộng trên phạm vi cả nước.
Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định “không còn cơ hội để đàm phán với chính quyền Nga diễn ra”. (AFP/Sputnik)
* Ukraine nhận 2 tỷ Euro viện trợ của EU: Ngày 18/10, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo, Kiev đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính 2 tỷ Euro từ Liên minh châu Âu (EU).
Ông cho biết: “Nguồn tài chính bổ sung sẽ giúp trang trải các chi phí ngân sách cấp bách, đặc biệt là cho các lĩnh vực xã hội và nhân đạo”. Đây là đợt đầu tiên trong gói 5 tỷ Euro của EU sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cùng ngày, ông Dmitry Simes, nhà xuất bản kiêm Giám đốc điều hành tạp chí National Interest (Mỹ) cho rằng, Ukraine sẽ không tồn tại được một tháng nếu thiếu hỗ trợ quân sự của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Simes nói: “Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách viện trợ quân sự, tài chính và chính trị chưa từng có từ Mỹ và NATO. Nếu không có sự hỗ trợ đó, Ukraine không thể cầm cự nổi một tháng trước sự tấn công dồn dập của lực lượng Nga”.
Ngoài ra, tác giả bài viết đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong quyết định của chính quyền ông Joe Biden khi trao cho Kiev quyền phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào giữa Moscow và Washington liên quan đến xung đột Ukraine.
Chuyên gia này nói thêm: “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng NATO phải hỗ trợ Ukraine ở mức độ ‘cần bao nhiêu có bấy nhiêu’, thay vì cố gắng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột vốn dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát này”. (AFP/Reuters/Sputnik)
* Ngoại trưởng Đức ca ngợi hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraine: Ngày 18/10, phát biểu tại một diễn đàn về chính sách đối ngoại ở thủ đô Berlin, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đánh giá, hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraine là một đóng góp quan trọng để xóa tan nghi ngờ về độ tin cậy quốc tế của Đức.
Bà tuyên bố, Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Kiev, bao gồm cả vũ khí, đồng thời khẳng định hành động này hướng tới thúc đẩy sự tin tưởng và đoàn kết.
Ngoại trưởng Đức cho rằng, đoàn kết là cơ sở cho chính sách an ninh chung của EU và NATO, quyết định gần đây nhất của EU về huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine ở Ba Lan và Đức chứng minh điều này.
Về các nước Baltic, Ngoại trưởng Baerbock khẳng định, an ninh các nước này hay Đông Âu cũng chính là an ninh của Đức, đồng thời cam kết trong trường hợp khẩn cấp, Berlin sẽ bảo vệ từng centimet lãnh thổ của liên minh. (AFP/Reuters)
* Italy cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự mới: Ngày 18/10, thông báo trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov thông báo, Italy đã cung cấp cho Kiev gói hỗ trợ quân sự mới. Theo ông Reznikov, gói viện trợ mới nhất này sẽ giúp Ukraine “tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công mới của Nga”.
Bà Giorgia Meloni, người dự kiến trở thành Thủ tướng tiếp theo của Italy, đã cam kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về “sự ủng hộ trước sau như một” với Kiev.
Ngay từ giai đoạn đầu cuộc xung đột, bà Meloni đã ủng hộ mạnh mẽ việc cấp vũ khí cho Ukraine nhằm giúp nước này phòng vệ và hứa sẽ ủng hộ chính sách của phương Tây chống lại Nga. (Reuters)
Châu Âu
* Cảnh sát Anh phát hiện gói đồ khả nghi gần Văn phòng Thủ tướng: Ngày 18/10, cảnh sát Anh đã phong tỏa một tuyến phố trung tâm thủ đô London, do phát hiện một gói đồ khả nghi gần số 10 phố Downing, nơi đặt văn phòng và tư dinh của Thủ tướng Liz Truss.
Một quan chức Anh cho biết thêm, cảnh sát cũng đã sơ tán một số tòa nhà chính phủ dọc con đường Whitehall. Hiện các chuyên gia đang kiểm tra gói đồ trên.
Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh bà Liz Truss đang đối mặt với nhiều sức ép từ lưỡng đảng liên quan đến chính sách thuế và buộc phải bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính mới Jeremy Hunt. (Reuters)
* Thủ tướng Thụy Điển bổ nhiệm nội các: Ngày 18/10, tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong nội các như Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao và Quốc phòng.
Theo đó, bà Elisabeth Svantesson sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính, ông Tobias Billstrom giữ cương vị Ngoại trưởng và ông Pal Jonson giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó một ngày, với 176 phiếu thuận và 173 phiếu chống, Quốc hội Thụy Điển đã bầu lãnh đạo đảng Ôn hòa Ulf Kristersson làm Thủ tướng mới. Với kết quả sít sao này, ông Kristersson sẽ lãnh đạo chính phủ thiểu số gồm 3 đảng cánh hữu là Ôn hòa, Dân chủ Cơ đốc giáo và Tự do. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc hoan nghênh Nhật Bản mở rộng cấm vận Triều Tiên: Ngày 18/10, Seoul bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Tokyo đóng băng tài sản của 5 tổ chức liên quan tới Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên liên tục triển khai các vụ phóng tên lửa đạn đạo trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, thông báo trừng phạt mới nhất của Nhật Bản thể hiện cam kết mạnh mẽ và thống nhất của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong phản ứng kiên quyết đối với hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên”.
Tuần trước, Hàn Quốc cũng đưa 15 cá nhân và 16 tổ chức của Triều Tiên vào danh sách đen trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt đơn phương đầu tiên của Seoul nhằm vào Bình Nhưỡng trong gần 5 năm qua.
Hiện Mỹ cùng các đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á đã và đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên để đối phó Triều Tiên. (Yonhap)
* Mỹ, Hàn Quốc triển khai “huấn luyện phản ứng nhanh”: Ngày 18/10, các Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết, lực lượng này đã thực hiện “đợt huấn luyện phản ứng nhanh” với đặc nhiệm của Hàn Quốc hồi tuần trước.
Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt của USFK Hàn Quốc (SOCKOR) công bố một loạt bức ảnh cho thấy các binh sĩ tham gia đợt huấn luyện vào ngày 12/10 vừa qua.
Trên tài khoản Facebook, SOCKOR nêu rõ: “Sự kiện năng nổ này đã chứng minh khả năng tương tác, quyết tâm cũng như sự sẵn sàng tuân thủ cam kết trước sau như một của chúng tôi, cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Gần đây, quân đội Mỹ công khai thông báo một loạt hoạt động huấn luyện với Hàn Quốc, trong bối cảnh dấy lên lo ngại Triều Tiên có thể tiếp tục hành động khiêu khích. (Yonhap)
Đông Nam Á
* Singapore ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP: Họp báo tại thủ đô Canberra (Australia) ngày 18/10, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Singapore ủng hộ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi về lập trường của Singapore, ông Lý Hiển Long nói: “Tôi nghĩ sẽ tốt nếu Trung Quốc có thể tham gia CPTPP. Tất nhiên, họ sẽ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện và nghĩa vụ. Nhưng tôi nghĩ đó là điều có thể và có thể thương lượng được”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore nêu rõ, việc Trung Quốc tham gia CPTPP cần có sự đồng thuận của tất cả nước tham gia. Singapore, trong vai trò là Chủ tịch Ủy ban CPTTP, đang thu thập ý kiến các thành viên của Hiệp định.
Ông cũng cho biết, hiện chưa có sự đồng thuận về đơn xin gia nhập CPTPP của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quá trình xem xét vẫn đang tiếp tục. (ABC)