📞

Tin thế giới 18/11: Nga phủ nhận thượng đỉnh với Mỹ, Hungary lo ‘bước đi đến chiến tranh’ của EU

Minh Vương 20:18 | 18/11/2022
Nga nói Mỹ "thử thách thức sự kiên nhẫn" của Triều Tiên, tuyên bố bộ trưởng APEC nhắc đến Ukraine, phán quyết về vụ MH17… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Mảnh vỡ của máy bay MH17 sau khi rơi tại Ukraine năm 2014. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga xác nhận tấn công “các cơ sở sản xuất tên lửa” của Ukraine: Ngày 18/11, tại họp báo thường kỳ, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã triển khai một đợt tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng Ukraine trước đó một ngày. Cụ thể, các lực lượng của Moscow đã sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu quốc phòng và công nghiệp, bao gồm cả “các cơ sở sản xuất tên lửa” của Ukraine. (Reuters)

* Nga tăng cường an ninh tại Crimea: Ngày 18/11, viết trên mạng xã hội, người đứng đầu Crimea do Moscow bổ nhiệm, ông Sergei Aksyonov nêu rõ: “Việc củng cố lực lượng ở vùng lãnh thổ Crimea đang được tiến hành dưới sự giám sát của tôi, với mục đích đảm bảo an ninh cho tất cả người dân tại đây”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Ukraine đang đạt một số bước tiến ở Kherson, ngay sát Crimea. (AFP/Tân Hoa xã)

* EU, Ukraine thảo luận về viện trợ cho Kiev: Ngày 18/11, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis đến Kiev để thảo luận với Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Denys Shmyhal về viện trợ của EU cho Ukraine. Ông Dombrovskis cho biết hai bên sẽ tập trung vào viện trợ tài chính khẩn cấp và kế hoạch năm 2023. Ông cũng sẽ trao đổi với lãnh đạo Ukraine về bước đi cụ thể để thúc đẩy hội nhập kinh tế song phương.

Trước đó, ngày 17/11, Ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của EU Janez Lenarcic cho biết khối sẽ cung cấp nơi tránh rét tạm thời, máy phát điện và bộ dụng cụ sửa chữa lưới điện cho Ukraine để giúp người dân nước này vượt qua mùa Đông, sau khi Nga tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. (Reuters)

* APEC nêu “nhiều đánh giá khác nhau” về xung đột Nga-Ukraine: Ngày 18/11, Tuyên bố chung của bộ trưởng các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cho biết “đã có thảo luận về xung đột Nga-Ukraine và tác động đến kinh tế thế giới... với nhiều đánh giá khác nhau về tình hình và biện pháp trừng phạt”.

Tuy nhiên, Tuyên bố cũng lưu ý APEC không phải là diễn đàn để giải quyết vấn đề an ninh, đồng thời tái khẳng định sẽ cam kết duy trì thị trường mở và “tiếp tục nỗ lực để đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động, an toàn và có khả năng phục hồi”. (Reuters)

* Vatican sẵn sàng làm trung gian cho xung đột Nga-Ukraine: Ngày 18/11, trả lời phỏng vấn với nhật báo La Stampa (Italy), Giáo hoàng Francis bày tỏ tin tưởng vào khả năng hòa giải giữa Nga và Ukraine và kêu gọi mọi người không từ bỏ: “Nhưng tất cả mọi người đều phải cam kết phi quân sự hóa và sau đó là từ bỏ bạo lực. Tất cả chúng ta đều phải là những người theo chủ nghĩa hòa bình. Hòa bình thực sự là kết quả của đối thoại”. Vatican sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để hòa giải và chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. (TTXVN)

Nga-Mỹ

* Nga không có kế hoạch thượng đỉnh với Mỹ: Ngày 18/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden không có kế hoạch gặp nhau vào thời điểm hiện tại.

Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán cấp cao với Washington về ổn định chiến lược nếu Mỹ sẵn sàng. Nga không loại trừ khả năng cuộc tiếp xúc mới với Mỹ sau cuộc đàm phán sắp tới ở Cairo (Ai Cập) về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tại Armenia vào tuần tới. (Reuters)

Châu Âu

* Hungary: Lệnh trừng phạt của EU là “bước đi hướng đến chiến tranh”: Ngày 18/11, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Thủ tướng Hungary Viktor Okban khẳng định: “Nếu ai đó can thiệp về kinh tế vào một cuộc xung đột quân sự, đó sẽ là một bước đi tiến đến chiến tranh”. Đồng thời, ông cho rằng việc “thể hiện quan điểm” có thể nhanh chóng trở thành “một bên tham chiến thực sự” và thông qua viện trợ vũ khí gây sát thương và huấn luyện binh lính Ukraine, EU đang tự gây nguy hiểm cho chính mình.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi tháng 2, Thủ tướng Orban đã cố gắng đưa ra quan điểm trung lập, từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev và phản đối viện trợ 18 tỷ Euro của EU. Dù không ngăn chặn trừng phạt của EU sau khi nhận được một số điều khoản miễn trừ, song Budapest cho rằng chính các trừng phạt của châu Âu đã khiến giá năng lượng và lạm phát tăng cao tại Hungary. (AFP)

* Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ 17 nghi phạm gây ra vụ nổ ở Istanbul: Ngày 18/11, Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết một tòa án nước này đã ra lệnh giam giữ tiền xét xử đối với 17 người bị tình nghi liên quan đến vụ nổ ở thành phố Istanbul trong tuần này, khiến 6 người thiệt mạng và hơn 80 người khác bị thương. Những người nằm trong danh sách gần 50 đối tượng bị cảnh sát Istanbul vây bắt, bao gồm cả nghi phạm đánh bom, được xác định là công dân Ahlam Albashir, người Syria.

Theo Sở cảnh sát Istanbul, Ahlam Albashir hành động theo lệnh của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK), với chi nhánh của tổ chức này là nhóm tự xưng Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) ở Syria. Cả hai nhóm này đều bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Các chính đảng Hàn Quốc cảnh báo về hành động của Triều Tiên: Ngày 18/11, các chính đảng lớn nhất của Hàn Quốc gồm đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền và đảng Dân chủ (DP) đối lập chính đã đồng loạt chỉ trích vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên cùng ngày.

Người phát ngôn của PPP, Hạ nghị sĩ Yang Kum-hee tuyên bố: “Chúng tôi cảnh báo Triều Tiên. Những hành động khiêu khích liều lĩnh sẽ chỉ gây tổn hại chế độ nước này và khiến cộng đồng quốc tế tăng cường biện pháp răn đe Triều Tiên”.

Theo ông, Bình Nhưỡng sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập hơn nữa nếu tiếp tục hành động tương tự, đồng thời lưu ý lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tái khẳng định cam kết tăng cường năng lực “răn đe mở rộng” ngày 13/11 tại Campuchia.

Hạ nghị sĩ An Ho-young, người phát ngôn của DP, nhận định Triều Tiên đang đe dọa hòa bình trên bán đảo bằng các vụ thử tên lửa và kêu gọi chấm dứt hành động này. Chính trị gia này nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc trước việc Triều Tiên vi phạm lệnh ngừng thử ICBM năm 2017 do chính nước này đặt ra”. (TTXVN)

* Nga cáo buộc Mỹ “thử thách sự kiên nhẫn” của Triều Tiên: Ngày 18/11, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov cho biết Moscow “quan ngại” trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan tránh xa xung đột.

Đáng chú ý, ông nhấn mạnh trong khi Moscow ưu tiên cách tiếp cận ngoại giao với bán đảo Triều Tiên thì Mỹ và các đồng minh trong khu vực lại “lựa chọn một con đường khác… Dường như sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng đang bị thử thách”. (AFP)

Đông Nam Á

* Malaysia ủng hộ phán quyết của tòa án Hà Lan về vụ rơi máy bay MH17: Thủ tướng tạm quyền Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nước hài lòng với phán quyết của Tòa án Hà Lan trong việc kết tội 3 bị cáo liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine năm 2014.

Ông cho biết phán quyết đã góp phần mang lại công lý cho tất cả 298 nạn nhân, trong đó có 43 người Malaysia, cũng như gia đình và người thân của họ. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông và chia buồn với gia đình nạn nhân và phi hành đoàn MH17.

Trước đó, Tòa án Hà Lan đã tuyên án tù chung thân đối với ba người đàn ông (gồm 2 người Nga và một người Ukraine) vì vai trò của họ trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Một bị cáo khác người Nga đã được tuyên trắng án. Những người bị kết án đều bị xét xử vắng mặt. Ba người bị kết tội cũng phải bồi thường hơn 16 triệu Euro cho thân nhân của các nạn nhân.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ phán quyết trên, cho rằng tòa án đã chịu sức ép từ các chính trị gia, các công tố viên và truyền thông Hà Lan khi buộc phải ra một phán quyết mang động cơ chính trị. Moscow cũng khẳng định các công tố viên đã bỏ qua tất cả bằng chứng cho thấy tên lửa bắn rơi máy bay có thể do binh lính Ukraine phóng đi từ vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát.

Ngày 17/7/2014, máy bay mang số hiệu MH17 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi do trúng tên lửa trên bầu trời miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc, song Moscow đã kiên quyết bác bỏ, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội chính phủ Ukraine kiểm soát. (TTXVN)

Trung Đông-châu Phi

* Pháp đình chỉ viện trợ phát triển với Mali: Ngày 17/11, Pháp quyết định đình chỉ viện trợ phát triển công cho Mali với lý do chính phủ nước này hợp tác với nhóm bán quân sự Wagner (Nga). Paris cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì “viện trợ nhân đạo” và một số hỗ trợ cho “các tổ chức xã hội dân sự Mali”, tuy nhiên không nêu cụ thể. Năm 2013-2017, Pháp đã viện trợ 490 triệu USD cho Mali thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Một nhóm tổ chức phi chính phủ bao gồm CCFD Terre-Solidaire, Handicap International, Médecins du Monde và Oxfam, đã gửi thư tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15/11 vừa qua để phản đối quyết định này.

Kể từ khi giành độc lập từ Pháp năm 1960, Mali đã trải qua 5 lần đảo chính quân sự và thường xuyên trở thành mục tiêu của các tổ chức khủng bố có liên hệ với al-Qaeda và Daesh. Sau hai lần đảo chính gần đây nhất năm 2020, 2021, mối quan hệ giữa Bamako và Paris đã rạn nứt. Nhiều nước phương Tây cũng cho rằng Mali đang có xu hướng ngả về Nga trong năm qua và hiện bắt tay với nhóm Wagner, lực lượng an ninh tư nhân thân Moscow. (Anadolu)