📞

Tin thế giới 18/6: Nga tuyên bố chấm dứt một 'trò hề' tranh cãi, NATO sửa lời về vũ khí hạt nhân? Hàn Quốc khôi phục quy trình tác chiến ở biên giới

Hoàng Hà 19:30 | 18/06/2024
Quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên, tình hình xung đột Ukraine và Dải Gaza, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bị truy tố tội khi quân, căng thẳng Chile-Argentina... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Các đồn bảo vệ quân sự của Hàn Quốc (phía trước) và Triều Tiên ở Paju, gần biên giới liên Triều, trong bức ảnh chụp hồi tháng 1/2022. (Nguồn: AP)

Châu Âu

* Moscow ngừng tranh cãi với Australia và Hà Lan về tai nạn máy bay MH17, song sẵn sàng làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Thông cáo của bộ trên nêu rõ: “Chúng tôi sẽ chấm dứt việc tham gia trò hề này".

Nga cũng cho biết đã cung cấp bằng chứng cho Hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) rằng, nước này không liên quan gì đến vụ tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Tháng 3/2022, Australia và Hà Lan đệ đơn khiếu nại chung về vụ tai nạn máy bay Boeing MH17, trong đó cáo buộc Nga vi phạm một điều khoản trong Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế năm 1944 yêu cầu Moscow không được sử dụng vũ khí tấn công máy bay dân sự khi đang bay. (TASS, Pravda)

* NATO sửa lời về việc triển khai tăng cường vũ khí hạt nhân: Ngày 17/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự này không có kế hoạch gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân, nhưng thay vào đó, sẽ tập trung nâng cấp và thay thế các máy bay chiến đấu.

Theo ông, NATO đã tiến hành hiện đại hóa theo hướng đi này được một thời gian và đảm bảo tính minh bạch của quá trình.

Tuyên bố trên khác với thông tin trước đó mà tờ The Telegraph đăng tải về bài phỏng vấn độc quyền với ông Stoltenberg, trong đó nhà lãnh đạo nói rằng, các quốc gia NATO đang thảo luận về khả năng triển khai thêm các đầu đạn hạt nhân và đặt chúng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu như một yếu tố răn đe. (NHK, Sputnik)

* Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tiết lộ sẽ thăm Trung Quốc trong những tuần tới, dù chưa xác nhận ngày cụ thể.

Bà cũng gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng, Rome sẵn sàng đối thoại, song nhấn mạnh giá trị của việc duy trì liên lạc cởi mở, đồng thời đảm bảo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng và một thị trường tự do hoạt động trong khuôn khổ công bằng. (Decode 39)

* Hội nghị thứ 2 về hòa bình cho Ukraine có thể diễn ra ở Saudi Arabia, theo Vụ trưởng Vụ An ninh quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ Gabriel Luchinger.

Nói rằng Nga cần được mời tham dự hội nghị bằng cách này hay cách khác, ông Luchinger lưu ý rằng, các bên cần thực hiện các bước đi độc lập để tổ chức hội nghị tiếp theo về cuộc xung đột ở Ukraine và trong tương lai “Thụy Sỹ sẽ hành động ở hậu trường”. (

* Nga tập trận ở Thái Bình Dương, biển Nhật Bản và biển Okhotsk, từ ngày 18-28/6, huy động hàng chục tàu thuyền, máy bay và trực thăng của lực lượng hàng không hải quân

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thông báo đã bắt đầu triển khai các lực lượng từ căn cứ đóng quân đến các khu vực được chỉ định để tiến hành cuộc tập trận dưới sự lãnh đạo chung của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Viktor Liina.

Các thủy thủ sẽ thực hành các kỹ năng chống ngầm, tổ chức phòng thủ, tấn công tên lửa, thực hành huấn luyện đẩy lùi các cuộc tấn công của máy bay và tàu chiến không người lái, thực hiện tổ hợp bài tập thực hành huấn luyện chiến đấu.

Tổng cộng có gần 40 tàu, thuyền và tàu hỗ trợ, khoảng 20 máy bay và trực thăng của lực lượng hàng không hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương tham gia cuộc tập trận. (TASS)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Nga-Triều Tiên có khả năng ký Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện mới: Moscow và Bình Nhưỡng bất ngờ công bố lịch trình chuyến thăm quốc gia Đông Bắc Á trong hai ngày 18-19/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc ngày 18/6, tại cuộc hội đàm thượng đỉnh lần này, lãnh đạo Nga-Triều có khả năng ký kết "Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện mới", có nội dung phản ánh tình hình địa chính trị thế giới và mức độ quan hệ hai nước.

Nếu diễn ra đúng dự đoán, văn kiện này sẽ thay thế cho các hiệp ước song phương hiện hành, đặt trọng tâm vào việc đảm bảo sự ổn định hơn nữa cho khu vực Đông Bắc Á.

* Quân đội Hàn Quốc rút ngắn quy trình tác chiến tại biên giới liên Triều, theo lời một quan chức quân đội nước này ngày 18/6. Động thái này được thực hiện sau khi Seoul đình chỉ hoàn toàn hiệu lực của Thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều ký năm 2018.

Theo đó, quy trình tác chiến của quân đội trên mặt đất được rút từ 5 xuống 4 giai đoạn, trên không từ 4 xuống 3 giai đoạn, trên biển từ 5 xuống 3 giai đoạn. (Yonhap)

* Thủ tướng Campuchia Hun Manet thăm Singapore trong 2 ngày 18-19/6, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Campuchia.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Hun Manet tới Singapore kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2023 và diễn ra trước lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025. (The Straits Times)

* Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bị truy tố tội khi quân: Theo Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan (OAG), cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã trình diện các công tố viên vào sáng 18/6 và bị đưa tới Tòa án Hình sự để buộc tội về vụ án khi quân.

Tòa án đã thụ lý vụ án vào lúc 8h56 ngày 18/6, chính thức tuyên ông Thaksin là bị cáo. Ngay sau khi Tòa thông báo quyết định truy tố, ông Thaksin đã ủy quyền cho luật sự riêng nộp đơn xin tại ngoại.

Tòa án Thái Lan đã cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nộp tiền để được tại ngoại, song ông bị cấm xuất cảnh. (Bangkok Post)

* Diễn đàn họp tác ba bên Hàn-Nhật-Trung diễn ra tại Seoul ngày 18/6, với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao thứ 2 Hàn Quốc Kang In-sun, Đại sứ Trung Quốc Hình Hải Minh và Đặc phái viên hàng đầu của Nhật Bản Mizushima Koichi.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Kang In-sun nhấn mạnh những nỗ lực giữa 3 nước nhằm củng cố hơn nữa hợp tác, gọi đây là khuôn khổ quan trọng cho sự phát triển quan hệ bất chấp còn tồn tại nhiều “khó khăn”.

Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hải Minh cho biết, vai trò của ba quốc gia ngày càng trở nên quan trọng vào thời điểm “chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang tràn lan”.

Về phần mình, Đặc phái viên hàng đầu của Nhật Bản tại Seoul Mizushima lưu ý đến "tiềm năng lớn" trong hợp tác ba bên, đồng thời khẳng định, Tokyo, với tư cách là chủ tịch luân phiên tiếp theo của hội nghị thượng đỉnh ba bên, sẽ làm việc với Seoul và Bắc Kin để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới. (Yonhap)

* Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường công du Malaysia từ ngày 18-20/6, dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Anwar Ibrahim để thảo luận các vấn đề song phương, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Hai nhà lãnh đạo sẽ chứng kiến việc trao đổi một số biên bản ghi nhớ (MoU) và thỏa thuận trong các lĩnh vực hợp tác, bao gồm kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh, du lịch, phát triển nhà ở và đô thị, giáo dục đại học, khoa học - công nghệ, và xuất khẩu nông sản của Malaysia sang thị trường Trung Quốc. (The Star)

Trung Đông-châu Phi

* Người Israel biểu tình ở Jerusalem ngày 17/6, kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới nhằm thay thế Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Những người biểu tình vẫy cờ Israel, mang biểu ngữ phản đối cách ông Netanyahu xử lý các vấn đề quan trọng như thúc đẩy dự luật quân sự, chỉ huy cuộc chiến với Hamas ở Gaza và phong trào Hezbollah tại Lebanon. (Reuters)

* Liên quân Mỹ-Anh không kích Yemen, cụ thể tại hai khu vực là sân bay Hodeidah và đảo Kamaran trong ngày 17/6.

Theo kênh truyền hình tin tức chính của phong trào Houthi, Al-Masirah TV, các lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện ít nhất 6 cuộc không kích vào sân bay quốc tế Hodeidah của Yemen và 4 cuộc không kích vào đảo Kamaran gần cảng Salif ngoài khơi Biển Đỏ.

* Liên minh châu Phi lên án "các vụ thảm sát" ở phía Đông CHDC Congo khiến 150 người thiệt mạng trong tháng này.

Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat cho biết đã "kinh hoàng khi biết các vụ thảm sát dân thường vô tội ngày càng gia tăng" do Lực lượng Dân chủ đồng minh (ADF), tại Beni và Lubero thuộc tỉnh Bắc Kivu, tiến hành, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công.

Khuyến khích "chính quyền Congo, phối hợp với các nước trong khu vực, tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế sự lan tràn mối đe dọa khủng bố ở khu vực Hồ Lớn châu Phi", ông Mahamat cũng nhắc lại "cam kết liên tục của AU với các quốc gia trong khu vực Hồ Lớn trong cuộc chiến chống khủng bố". (Ahram Online)

Châu Mỹ

* Gia tăng căng thẳng về chủ quyền biên giới Chile-Argentina: Ngày 17/6, Tổng thống Chile Gabriel Boric hối thúc Argentina tháo ngay những tấm pin năng lượng Mặt trời của một cơ sở quân sự đang lấn sang lãnh thổ Chile.

Ông khẳng định, không được phép “có sự mơ hồ” trong phân định ranh giới và đây là “nguyên tắc tôn trọng chủ quyền cơ bản” giữa hai quốc gia.

Nhà lãnh đạo tuyên bố, nếu Argentina không sớm thực hiện yêu cầu trên, Chile sẽ tự làm điều này, đồng thời bày tỏ mong muốn hai nước láng giềng sẽ không gặp “vấn đề” rắc rối. (Buenos Aires Times)

* Mỹ-Ấn đẩy mạnh hợp tác về công nghệ quan trọng và mới nổi: Ngày 17/6, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp chủ nhà Ấn Độ Ajit Doval đã chủ trì cuộc họp thứ 2 đánh giá việc thực hiện Sáng kiến Mỹ-Ấn về công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET), được hai nước khởi động vào tháng 1/2023.

Hai bên đã chia sẻ "quyết tâm ngăn chặn việc rò rỉ các công nghệ nhạy cảm và lưỡng dụng sang các quốc gia liên quan”, đồng thời khởi động quan hệ đối tác bán dẫn chiến lược mới giữa doanh nghiệp hai nước để sản xuất đạn dẫn đường chính xác và các linh kiện điện tử khác chủ yếu nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Mỹ và Ấn Độ cùng đầu tư vào một dự án khai thác lithium ở Nam Mỹ và một mỏ đất hiếm ở châu Phi "để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng", đồng thời cam kết sớm ký kết một hiệp ước song phương về các khoáng sản quan trọng là than chì, gali và germani.

Hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác sản xuất các hệ thống tác chiến trên bộ. (The White House)

* Canada hoãn đưa huấn luyện viên quân sự trở lại Ukraine: Ngày 17/6, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair cho biết, nước này không nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để điều các huấn luyện viên quân sự trở lại Ukraine. (CTV News)