Mỹ đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Nga nói về khung thời gian cho chiến dịch quân sự ở Ukraine: Ngày 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, điều chính yếu trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là hiệu quả mà nó mang lại.
Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Iran, ông Peskov nêu rõ: "Chắc chắn chiến dịch quân sự đặc biệt này sẽ kết thúc sau khi đạt được các mục tiêu đề ra. Chúng tôi không ấn định khung thời gian rõ ràng mà điều quan trọng nhất là hiệu quả của chiến dịch này".
Theo đại diện Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đưa ra chỉ thị cho Lực lượng Vũ trang nước này là phải luôn chú ý tránh gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự và gây thương vong cho dân thường. (Sputnik)
* EU cảnh báo hậu quả của việc Nga phong tỏa cảng biển Ukraine: Ngày 18/7, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cảnh báo, việc Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine sẽ đe dọa hoạt động cung cấp ngũ cốc cho hàng chục nghìn người.
Phát biểu với báo giới, ông Borrell nêu rõ: "Đó là vấn đề sinh tử đối với nhiều người. Và vấn đề đặt ra là Nga phải dỡ bỏ phong tỏa và cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine". (AFP)
* EU thông qua gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine: Ngày 18/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay, cơ quan này đã nhất trí thông qua gói hỗ trợ quân sự lần thứ 5 cho Ukraine trị giá 500 triệu Euro (500 triệu USD), trong khuôn khổ Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF).
Hiện hoạt động hỗ trợ của EU cho lực lượng vũ trang Ukraine về mặt thiết bị quân sự đã đạt 2,5 tỷ Euro. (Sputnik)
* Hungary kêu gọi EU tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine: Ngày 18/7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, tình hình xung đột ở Ukraine đang xấu đi nhưng thay vì thiết lập hòa bình, EU lại "bận rộn" nghiên cứu một gói trừng phạt khác.
Theo ông, giải pháp hòa bình là cách duy nhất để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc cũng như khắc phục tình trạng nguồn cung năng lượng bấp bênh và loại bỏ những cản trở trong hoạt động cung ứng lương thực. (Sputnik)
* Canada biểu tình ủng hộ Ukraine tại Đồi Quốc hội vào ngày 17/7. Những người biểu tình kêu gọi Canada "Hãy dũng cảm như Ukraine" và duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi thông điệp tương tự tới Thủ tướng Justin Trudeau. (The Star)
Châu Âu
* Tuabin khí cho Dòng chảy phương Bắc 1 đang được chuyển tới Nga: Ngày 189/7, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết, tuabin khí cho đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 đang được chuyển tới Nga và sẽ chỉ được sử dụng từ tháng 9 tới.
Trước đó, trong ngày 18/7, báo Kommersant đưa tin, Canada đã chuyển tuabin khí đến Đức bằng máy bay vào ngày 17/7 sau khi hoàn thành việc sửa chữa. Bộ Kinh tế Đức không cung cấp chi tiết hiện tuabin này đang ở đâu. (Reuters)
* Nga nói Iran là bạn: Ngày 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Iran là bạn và đối tác của Nga và Moscow "rất coi trọng" mối quan hệ song phương này.
Ông cũng bày tỏ hài lòng khi "Tổng thống của 2 nước đang trong quá trình liên lạc thường xuyên".
Nga cũng thông báo sẽ dần từ bỏ đồng USD trong hoạt động thương mại với Iran khi hai bên đang phát triển quan hệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhấn mạnh rằng, Moscow và Tehran có cơ hội để xây dựng hợp tác nhằm giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt. (Sputnik)
* Áo không thảo luận việc từ bỏ khí đốt Nga, theo lời Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg ngày 18/7.
Phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại EU, ông Schallenberg nêu rõ, Áo đã nói rõ ràng rằng, không cần thiết thảo luận việc ngừng mua khí đốt Nga, bởi việc đó "sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi".
Ông lưu ý, về vấn đề này, cần phải nhìn nhận thực tế "ngay cả khi điều đó gây khó chịu". (Teller Report)
* Việc EU cấp quy chế ứng viên cho Ukraine và Moldova nằm trong "ván bài địa chính trị" nhằm chống lại Moscow, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Trả lời phỏng vấn tờ Izvestia, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ, một phần của ván bài này "đang mang lại cho Ukraine và Moldova vị thế của 1 quốc gia, 1 ứng viên lâu dài của EU".
Tuy nhiên, theo ông, sẽ không có lợi ích tài chính hoặc kinh tế nào trong khuôn khổ "Cộng đồng Chính trị châu Âu" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất, song EU sẽ mời tất cả các nước tham gia ngoại trừ Nga và sẽ đề xuất các nước cùng đoàn kết với đường lối chống Moscow của khối này.
* Nga sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20: Ngày 18/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bằng cách này hay cách khác.
Tuy vậy, lịch trình các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị chưa được thống nhất.
Ngoài ra, ông Peskov khẳng định, tình hình phát triển kinh doanh hiện nay ở Nga phức tạp do môi trường không thân thiện, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với những gì phương Tây dự đoán khi các nước này áp đặt lệnh phong tỏa, trừng phạt nhằm chống Moskva. (Sputnik)
* Tỷ phú Nga đòi EU bồi thường 1 triệu USD: Báo The Wall Street Journal ngày 17/7 đưa tin, tỷ phú Nga - cũng có quốc tịch Bồ Đào Nha - Roman Abramovich đã yêu cầu EU chuyển 1 triệu USD cho tổ chức từ thiện của ông để bồi thường thiệt hại do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt.
Các vụ kiện được trình lên tòa án từ tháng 4 nhưng chưa có phiên điều xét xử nào được lên lịch.
Hồi tháng 3, EU trừng phạt tỷ phú Abramovich vì cáo buộc ông có "quan hệ mật thiết" và “đặc quyền tiếp cận” Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được cho là đã giúp ông tích lũy tài sản. EU cũng cho rằng Điện Kremlin được hưởng lợi từ các khoản thuế của tập đoàn thép Evraz, mà Abramovich là cổ đông.
Anh cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà tài phiệt Nga, buộc ông phải bán Câu lạc bộ bóng đá Chelsea mà Abramovich sở hữu từ năm 2003, nhưng không có quyền thu lợi nhuận từ thương vụ này.
* Quân đội Belarus sắp được trang bị hệ thống phòng không S-400, theo thông tin của Phó Tư lệnh Lực lượng Không quân và Phòng không trực thuộc Các Lực lượng vũ trang Belarus Dmitry Mikholap trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh STV.
Ngoài S-400, trực thăng Mi-35 sẽ sớm hiện diện trong phiên chế quân đội Belarus.
* Chỉ 6 nước châu Âu tham gia chính vào việc phong tỏa tài sản Nga: Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders cho biết, khối này đã phong tỏa khối tài sản trị giá 13,9 tỷ Euro (14 tỷ USD) của Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Reynders liệt kê 6 quốc gia thành viên thực hiện chính trong việc này là Đức, Pháp, Ireland, Áo, Bỉ và Luxembourg, với tổng tài sản phong tỏa là 12,7 tỷ Euro.
Ủy viên Tư pháp EU đã đề nghị khối này xem xét một đề xuất, theo đó việc vi phạm các lệnh trừng phạt sẽ bị coi là tội phạm. Điều này sẽ cho phép các nước châu Âu không chỉ phong tỏa mà còn thu giữ tài sản.
* Croatia giải thích việc cấm Tổng thống Serbia thăm Jasenovac: Ngoại trưởng Croatia Gordan Radman ngày 17/7 tuyên bố, chuyến thăm cá nhân theo kế hoạch của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tới khu trại tập trung Jasenovac ở Croatia vi phạm nghi thức hiện hành đối với các chính trị gia cấp cao và quan chức nhà nước.
Theo ông Radman, Croatia coi đây là "hành động không thiện chí, nhận thấy rằng chuyến thăm như vậy không chân thành và không phải là sự tri ân đối với các nạn nhân, mà được thúc đẩy bởi thực tế là các nhu cầu chính trị trong nước trước khi chính phủ Serbia được thành lập”.
Ngoại trưởng Radman cho biết thêm: “Croatia chân thành cam kết bình thường hóa quan hệ với Serbia".
Trước đó, hai nước trong tình trạng căng thẳng khi Bộ Nội vụ Serbia thông báo áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt đối với các nhà ngoại giao Croatia cũng như cấm ông Vucic tới khu trại tập trung Jasenovac. (Republic World)
*Đức kêu gọi các nước EU chấm dứt chặn các quyết định của khối: Trong một bài viết trên báo FAZ của Đức số ra ngày 17/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, tình trạng mất đoàn kết và bất đồng thường xuyên giữa các quốc gia thành viên khiến châu Âu suy yếu.
Kêu gọi EU chấm dứt quyền phủ quyết quốc gia đối với các vấn đề của khối để đoàn kết trong giai đoạn khủng hoảng, ông Scholz hối thúc các thành viên "chấm dứt sự phong toả ích kỷ đối với các nghị quyết của châu Âu, chấm dứt hành động đơn phương làm tổn hại tổng thể châu Âu".
* Bulgaria-Bắc Macedonia ký thỏa thuận mở đường cho các cuộc đàm phán kết nạp Bắc Macedonia và Albania vào EU.
* Tổng thống UAE thăm Pháp: Ngày 17/7, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed Al-Nahyan đã tới Paris trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của nhà lãnh đạo này với các thỏa thuận về năng lượng và giao thông vận tải nằm trong chương trình nghị sự.
Khía cạnh quan trọng của chuyến thăm nhiều khả năng là việc công bố "sự đảm bảo của UAE về lượng dầu khí cung cấp cho Pháp", trong bối cảnh Paris đang tìm cách "đa dạng hóa các nguồn cung giữa xung đột ở Ukraine".
Hai bên cũng dự kiến ký kết nhiều biên bản ghi nhớ và hợp đồng trong lĩnh vực giao thông vận tải và xử lý chất thải trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày của nhà lãnh đạo UAE. (AFP)
Châu Á
* Mỹ muốn loại bỏ "sự phụ thuộc quá mức" của Washington vào Trung Quốc về đất hiếm, pin mặt trời và các mặt hàng chủ chốt khác nhằm ngăn Bắc Kinh cắt giảm nguồn cung như đã làm với các nước khác. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra ngày 18/7.
Phát biểu khi tới Hàn Quốc, bà Yellen cho biết, bà đang thúc đẩy tăng cường quan hệ thương mại với Hàn Quốc và các đồng minh đáng tin cậy khác nhằm nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đồng thời ngăn chặn mọi hành vi thao túng có thể xảy ra của các đối thủ địa chính trị. (Reuters)
* Mỹ-Hàn tập trận phối hợp công nghệ cao, khai thác hệ thống tích hợp đa năng sử dụng tia laser cho phép binh sĩ hoạt động theo các kịch bản tác chiến mô phỏng chống lại các thế lực thù địch mà không cần sử dụng đạn thật, theo lời một quan chức Hàn Quốc ngày 18/7.
Cuộc tập trận này kéo dài 11 ngày được tiến hành tại Trung tâm huấn luyện tác chiến của quân đội Hàn Quốc (KCTC) ở Inje, cách thủ đô Seoul 165 km về phía Đông, bắt đầu từ ngày 11/7.
Tham gia sự kiện có 4.300 quân nhân Hàn Quốc cùng 300 binh sĩ Mỹ. Đáng chú ý, 2 bên đã huy động khoảng 100 thiết bị tác chiến, trong đó có xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành, trực thăng tấn công và máy bay không người lái. (Yonhap)
* Mỹ để ngỏ khả năng tăng cường trừng phạt Triều Tiên và bất kỳ vụ thử hạt nhân nào của Bình Nhưỡng cũng sẽ bị coi là hành động rất khiêu khích, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Tuy nhiên, bà Yellen từ chối nêu chi tiết về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng và thời điểm Washington sẽ áp đặt các biện pháp này.
Các lệnh trừng phạt này có thể sẽ được thảo luận trong cuộc họp giữa bà và các quan chức cấp cao Hàn Quốc tại Seoul trong ngày 19/7. (Reuters)
* Quốc hội Malaysia khai mạc phiên họp thứ 2 vào ngày 18/7 với chủ đề nổi bật nhất liên quan các biện pháp giải quyết chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng và đảm bảo giá cả hàng hóa.
Các chủ đề chất vấn khác sẽ gồm xác định các tiêu chuẩn được công nhận là đói nghèo giai đoạn 2020 đến nay và các biện pháp xóa đói giảm nghèo của chính phủ, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để giải quyết tình trạng lũ lụt tại thủ đô Kuala Lumpur, các chương trình của chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các cử tri trẻ về trách nhiệm đi bỏ phiếu.
Xung đột Nga-Ukraine cũng sẽ được nêu ra tại phiên họp Quốc hội liên quan các biện pháp tiếp theo của chính phủ, cũng như các bước để hạn chế tác động gián tiếp, đặc biệt là về kinh tế. (Malay Mail)
* Tổng thống Indonesia sắp thăm Hàn Quốc: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/7 cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có kế hoạch thăm Hàn Quốc trong tháng này để tổ chức cuộc hội đàm thượng đỉnh với với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk Yeol.
Ông Yoon và ông Widodo dự kiến tổ chức các cuộc thảo luận sâu về an ninh kinh tế, công nghiệp quốc phòng và các vấn đề khác. (Yonhap)
* Quyền Tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp: Chính phủ Sri Lanka ngày 18/7 ra thông báo cho biết, quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại đảo quốc này.
Ông Wickremesinghe khẳng định, chính quyền của ông sẽ lắng nghe những lo ngại chính đáng của người biểu tình ôn hòa và nỗ lực tìm ra giải pháp. (Reuters)
* Hàn Quốc thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương với Nhật Bản: Ngày 18/7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã đến thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến công du Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, và sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Hayashi Yoshimasa.
Hai bên sẽ thảo luận để tìm kiếm tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại đang cản trở quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước thời gian qua. (Yonhap)