Ngày 19/10, Kiev tiếp tục rung chuyển - Ảnh: Ô tô bốc cháy sau đợt tấn công tên lửa tại thủ đô Ukraine, ngày 10/10. (Nguồn Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tuyên bố thiết quân luật ở 4 vùng mới sáp nhập: Ngày 19/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga tuyên bố thiết quân luật tại 4 vùng mới sáp nhập từ Ukraine, gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Đồng thời, ông ban hành sắc lệnh hạn chế ra vào ở 8 khu vực giáp biên giới với Ukraine gồm Krasnodar, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov - tất cả đều giáp biên giới với Ukraine - và các vùng lãnh thổ Crimea và Sevastopol mà Nga sáp nhập từ Ukraine năm 2014. (Reuters/Sputnik)
* Nổ lớn ở trung tâm thủ đô Kiev: Ngày 19/10, Các phóng viên AFP cho biết, đã nghe thấy một số vụ nổ lớn ở trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine. Cụ thể, ít nhất hai vụ nổ đã vang lên vào khoảng 14h20 giờ Kiev (tức 18h20 giờ Việt Nam).
Các vụ nổ xảy ra sau đợt tấn công của Nga bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở thành phố này, hôm 18/10.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Moscow đã tiến hành cuộc không kích mới nhằm vào các mục tiêu quân sự và năng lượng ở Ukraine. Tuyên bố nêu rõ, "tất cả các mục tiêu được xác định đều bị bắn trúng". (AFP)
* Nga cấm dân thường đi vào Kherson, Ukraine nói “tuyên truyền sai sự thật”: Ngày 19/10, phát biểu trên đài truyền hình Vladimir Saldo, nhà lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở khu vực Kherson cho biết, chính quyền khu vực này cấm công dân đi vào thành phố cùng tên trong 7 ngày, trong bối cảnh sức ép gia tăng từ chiến dịch phản công của Ukraine.
Ông cho biết, Kherson có nguồn lực để ngăn không cho người dân tiến vào thành phố, coi đây là cần thiết để “bảo vệ tính mạng dân thường”. Trước đó, chính quyền này đã thông báo kế hoạch sơ tán 50.000-60.000 người trong 6 ngày tới.
Cùng ngày, viết trên Telegram, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã cáo buộc Nga đang hù dọa cư dân Kherson bằng “thông tin giả mạo”: “Người Nga đang tìm cách hù dọa người dân Kherson bằng các thông tin giả về việc quân đội chúng tôi pháo kích vào thành phố và cũng sắp xếp một chương trình tuyên truyền về sơ tán”.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cảnh báo về nguy cơ “bị tổn thương thực sự” trước thông tin do Nga phát tán.
Về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ông Petro Kotin, người đứng đầu Energoatom, cơ quan hạt nhân quốc gia của Ukraine, cho biết khoảng 50 nhân viên của nhà máy đã bị Nga bắt giữ. (Reuters/Sputnik)
Mỹ-Trung
* Mỹ: Trung Quốc là mối đe dọa về an ninh mạng: Ngày 19/10, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết, Trung Quốc đang đặt ra một mối đe dọa an ninh mạng thực sự “không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với cả các quốc gia khác”.
Đồng thời, ông mô tả chính sách bán trang thiết bị viễn thông của Trung Quốc là “rất hung hăng" và "chúng tôi cảm thấy buộc phải chia sẻ những rủi ro sau những gì xảy ra với các đối tác và đồng minh thân thiết của chúng tôi”.
Ngày 12/10, Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2022, trong đó coi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” lớn nhất. Theo văn kiện này, Bắc Kinh là đối thủ duy nhất của Washington được cho là đang tìm cách tăng cường năng lực kinh tế, ngoại giao và quân sự để thay đổi trật tự quốc tế. (Bloomberg)
Châu Âu
* Cố vấn cấp cao bị đình chỉ, Thủ tướng Anh bác lời kêu gọi từ chức: Ngày 19/10, biên tập viên chính trị của đài BBC (Anh) đưa tin, bà Jason Stein, một trong những cố vấn cấp cao nhất của Thủ tướng Anh Liz Truss, đã bị đình chỉ công tác và phải đối mặt với cuộc điều tra chính thức.
Văn phòng Thủ tướng Anh hiện chưa phản hồi khi được đề nghị bình luận về thông tin trên.
Cùng ngày, bà Liz Truss đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức của các nghị sĩ đối lập sau khi bà đảo ngược kế hoạch kinh tế do chính mình đề xuất.
Trả lời câu hỏi của lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer tại Quốc hội về lý do tại sao bà nên tiếp tục nắm quyền, Thủ tướng Truss nói: “Tôi là một chiến binh chứ không phải là một kẻ bỏ cuộc. Tôi hành động vì lợi ích quốc gia để đảm bảo rằng, chúng ta có được sự ổn định kinh tế”. (Reuters)
* Hà Lan chi mạnh cho mua sắm quốc phòng: Ngày 19/10, trong một bức thư gửi Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Hà Lan Christophe van der Maat cho biết, sau nhiều năm giảm chi tiêu, trong giai đoạn từ năm 2023-2026, quân đội Hà Lan sẽ mua một hệ thống pháo phản lực và 10 khẩu lựu pháo trị giá 1 tỷ Euro.
Hà Lan cũng sẽ mua một hệ thống phòng không cơ động trị giá 2,5 tỷ Euro. Đây là động thái thay đổi chính sách quốc phòng đáng chú ý của nước này sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Hà Lan không có pháo phản lực từ năm 2004, khi cắt giảm ngân sách quốc phòng dẫn đến việc bán hệ thống này cho Phần Lan. Hệ thống phòng không di động mới nhằm cải thiện năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa từ trực thăng, máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình của kẻ thù. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc phản đối Anh về vụ xô xát tại Lãnh sự quán: Ngày 19/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh đã trao công hàm phản đối chính thức cho London về vụ xô xát giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc với một người tuần hành Hong Kong tại trụ sở Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester, Anh, dẫn tới làn sóng chỉ trích. Ông kêu gọi London làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các nhà ngoại giao Trung Quốc trên đất Anh.
Trước đó, cảnh sát Anh cho biết, trong cuộc tuần hành cuối tuần, một nhóm nam giới đã ra khỏi lãnh sự quán, kéo vào bên trong và hành hung một người. Vụ việc đã nổ ra cuộc tranh cãi ngoại giao khiến Anh triệu một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc.
Cùng ngày, Bắc Kinh cho biết, nhân viên của họ đã bị thương trong vụ “xâm nhập bất hợp pháp Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manchester”. (AFP/Reuters)
* Hàn-Mỹ-Nhật nhóm họp cấp cao về Triều Tiên: Ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Cho Hyun Dong sẽ tham vấn 3 bên với những người đồng cấp Mỹ (bà Wendy Sherman) và Nhật Bản (ông Mori Takeo) tại Tokyo vào ngày 26/10 về các hành động mới đây của Triều Tiên.
Ba bên dự kiến sẽ thảo luận về cách thức mở rộng hợp tác xây dựng khả năng răn đe mạnh mẽ hơn trước mối đe dọa hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu khác.
Trước đó, ba bên đã có cuộc họp tại Seoul hồi tháng 6. Ông Cho cũng có kế hoạch tiến hành họp song phương với ông Mori trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản ba ngày, từ ngày 25/10. (Yonhap)
* Triều Tiên tiếp tục bắn đạn pháo, Hàn Quốc “sẵn sàng cho mọi tình huống”: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/10 đưa tin cùng ngày, quân đội nước này đã bắn thêm đạn pháo ra vùng biển phía Đông và phía Tây để đáp trả vụ phóng tên lửa của Hàn Quốc.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC), vụ bắn đạn pháo mới diễn ra sau khi Bình Nhưỡng đã bắn khoảng 100 quả đạn pháo vào vùng biển phía Tây và 150 đạn pháo vào vùng biển phía Đông đêm 18/10. Hiện Hàn Quốc đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để theo dõi và giám sát các hoạt động của Triều Tiên.
Seoul khẳng định quân đội nước này cũng “tăng cường tư thế sẵn sàng để chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra”. (KCNA/Yonhap)
Trung Á
* Kyrgyzstan yêu cầu CSTO cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới biên giới với Tajikistan: Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Kyrgyzstan Baktybek Bekbolotov cho biết nước này đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới biên giới với Tajikistan để đảm bảo tuân thủ lệnh ngừng bắn giữa hai nước.
Ông Bekbolotov nhấn mạnh: “Sẽ không có hòa bình cho đến khi có một lực lượng làm trọng tài giữa hai bên”.
Vào tháng trước, ít nhất 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh có sự hiện diện của xe tăng, máy bay và pháo phản lực tại khu vực tranh chấp ở biên giới hai nước.
Mặc dù hai bên vẫn duy trì lệnh ngừng bắn đạt được ngày 16/9 đến nay, cơ quan biên phòng của Tajikistan đã cáo buộc Kyrgyzstan đưa nhiều khí tài quân sự đến gần biên giới và xây dựng công sự.
Cả hai nước đều duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow và có căn cứ quân sự của Nga. (Reuters)