Hai tàu chở dầu bốc cháy do va chạm ở vùng biển ngoài khơi Singapore. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hai tàu chở dầu bốc cháy do va chạm ở vùng biển ngoài khơi Singapore: Tàu chở dầu cỡ lớn Hafnia Nile treo cờ Singapore đã bốc cháy ở ngoài khơi vùng biển Singapore sau khi va chạm với 1 tàu chở dầu siêu lớn khác (VLCC) treo cờ Sao Tome và Principe.
Cơ quan Hàng hải và Cảng biển của Singapore (MPA) cho biết họ đã được thông báo vào sáng 19/7 về vụ va chạm dẫn đến hỏa hoạn trên tàu Hafnia Nile đăng ký tại Singapore (được đóng năm 2017) và tàu chở dầu siêu lớn Ceres I (IMO 9229439) treo cờ Sao Tome và Principe.
Một máy bay trực thăng đã sơ tán 2 thành viên thủy thủ đoàn đến bệnh viện ở Singapore, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Singapore là trung tâm giao dịch dầu mỏ lớn nhất châu Á và là cảng tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới, các vùng biển xung quanh là tuyến đường thương mại quan trọng giữa châu Á, châu Âu và Trung Đông. (The tradewindsnews/Reuters)
*Triều Tiên, Nga thảo luận về hợp tác quân sự: Truyền thông Triều Tiên ngày 19/7 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác quân sự với Thứ trưởng Quốc phòng Nga, trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng tăng cường liên kết quân sự với Moscow.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ông Kim Jong Un đã gặp phái đoàn quân sự Nga do Thứ trưởng Aleksey Krivoruchko dẫn đầu ở Bình Nhưỡng hôm 18/7.
Thứ trưởng Krivoruchko đã trở thành quan chức quân sự đầu tiên của Nga đến thăm Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào tháng trước.
KCNA nêu rõ: “Cuộc thảo luận chia sẻ sự công nhận về tầm quan trọng và sự cần thiết của hợp tác quân sự giữa hai nước nhằm bảo vệ lợi ích an ninh chung”. (Yonhap)
*Trung Quốc lên án Mỹ "lạm dụng" việc kiểm soát xuất khẩu chip: Ngày 19/7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối việc Mỹ “lạm dụng” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và “phân mảnh” thị trường bán dẫn toàn cầu.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc còn nêu rõ: "Hy vọng các nước liên quan sẽ chống lại sự ép buộc kinh tế của Mỹ". Tuyên bố này được đưa ra sau khi hãng Bloomberg đưa tin Mỹ đang xem xét các quy tắc thương mại cứng rắn hơn đối với chip Trung Quốc, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip Nhật Bản và Hà Lan. (Reuters)
*Hàn Quốc và Trung Quốc đàm phán chiến lược cấp cao đầu tiên sau 2 năm: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 19/7 thông báo Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Kim Hong-kyun và người đồng cấp Trung Quốc Mã Triều Húc sẽ tổ chức cuộc đàm phán chiến lược cấp cao đầu tiên sau hơn 2 năm vào ngày 24/7 tới tại Seoul để thảo luận về hợp tác song phương về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các cuộc thảo luận vào tuần tới dự kiến sẽ bao gồm một loạt các vấn đề, bao gồm các nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, tình hình an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như các cách để tăng cường quan hệ song phương. (Yonhap)
*Trung Quốc muốn đối thoại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc: Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh nước này kỳ vọng tăng cường liên lạc, thúc đẩy hợp tác và đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và Trung Quốc-Hàn Quốc thông qua đối thoại song phương.
Ông Lâm Kiếm đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo khi trả lời các câu hỏi về chuyến thăm sắp tới của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đến Nhật Bản và Hàn Quốc từ 21-25/7. Thứ trưởng Mã Triều Húc sẽ tổ chức Vòng đối thoại chiến lược Trung-Nhật lần thứ 16 với người đồng cấp Nhật Bản Masataka Okano tại Tokyo và vòng đối thoại chiến lược cấp cao lần thứ 10 cùng người đồng cấp Hàn Quốc Kim Hong-kyun tại Seoul. (THX)
*Azerbaijan cáo buộc Pháp gây căng thẳng tại Caucasus: Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã chỉ trích phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ở London, cáo buộc nhà lãnh đạo Pháp cố gắng tạo ra căng thẳng ở Nam Caucasus và cản trở tiến trình hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Hajizadeh nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyên bố một lần nữa rằng những nỗ lực của Pháp không phục vụ hòa bình và dẫn đến mất ổn định trong khu vực sẽ không mang lại kết quả nào”. (AFP)
Châu Âu
*Nga tuyên án 16 năm tù phóng viên Mỹ: Hãng RIA đưa tin, một tòa án ở Nga ngày 19/7 đã ra phán quyết phóng viên Mỹ Evan Gershkovich phạm tội gián điệp và tuyên án tù 16 năm đối với ông này.
Các công tố viên cáo buộc rằng ông Gershkovich đã thu thập thông tin bí mật theo lệnh của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ về một công ty sản xuất xe tăng phục vụ chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ông là nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp ở Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Phán quyết được đưa ra sau một phiên xét xử tại thành phố Yekaterinburg, nơi ông bị bắt vào tháng 3/2023. (Reuters)
*Thủ tướng Hungary tuyên bố tiếp tục sứ mệnh hoà bình ở Ukraine: Ngày 19/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố dự định tiếp tục sứ mệnh hòa bình ở Ukraine, nhưng không muốn thông báo trước các bước tiếp theo vì lo ngại bị can thiệp. Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh, hiện có những lực lượng không quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.
Ngày 2/7, Thủ tướng Orban đã tới thăm Kiev và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau đó 3 ngày ông Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. Ngày 8/7, nhà lãnh đạo Hungary đã đến Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Orban còn có cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Washington và thăm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida. (AFP)
*Ukraine muốn Anh giúp dỡ bỏ hạn chế dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Thủ tướng Anh Keir Starmer và nội các Anh rằng khả năng về tên lửa tầm xa là chìa khóa cho những nỗ lực của Kiev trong cuộc chiến chống Nga.
Phát biểu tại Phố Downing ngày 19/7, ông Zelensky nhấn mạnh: "Hiện tại, chúng tôi chưa có câu trả lời chính cho vấn đề này và đó chính là khả năng tầm xa của chúng tôi".
Ông Zelensky kêu gọi Thủ tướng Starmer "hãy thuyết phục các đối tác khác dỡ bỏ các giới hạn" đối với việc Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga. (Reuters)
*Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Anh, Thụy Điển: Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 19/7 cho biết người đứng đầu bộ này, ông Minoru Kihara sẽ thăm Anh và Thụy Điển vào tuần tới. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tăng cường hợp tác an ninh với các nước châu Âu.
Ông Kihara dự kiến tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên ở London với Anh và Italy. Ba quốc gia đặt mục tiêu cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035.
Ông Kihara sẽ gặp tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey. Tại Thụy Điển, ông Kihara sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson. (Kyodo)
*Thủ tướng Đức thăm Serbia để ký hợp đồng cung cấp lithium: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thăm Serbia vào ngày 19/7 để hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.
Ông Scholz sẽ tham dự lễ ký kết thỏa thuận hợp tác EU - Serbia về cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng, chủ yếu là lithium và đây dự kiến sẽ là chương trình nghị sự chính của chuyến thăm. Đức là nhà sản xuất ô tô lớn nhất EU và rất quan tâm đến nguồn cung lithium, một thành phần quan trọng đối với ô tô điện. (Sputniknews)
*Kết quả bầu cử Chủ tịch Hạ viện Pháp: Các nhà lập pháp tại Quốc hội Pháp ngày 18/7 đã trao cho chính trị gia trung dung Yeael Braun-Pivet, một đồng minh trung thành của Tổng thống Emmanuel Macron, nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ tịch Hạ viện với chiến thắng sít sao trước ứng cử viên cánh tả.
Bà Braun-Pivet đã giành được 220 phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của bà cho vị trí này, nhà lập pháp cộng sản kỳ cựu Andre Chassaigne, nhận được 207 phiếu bầu, trong một cuộc đua sát nút và phải cần đến 3 vòng bỏ phiếu.
Hạ viện Pháp đã họp lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử bất phân thắng bại trong tháng này, trong đó liên minh cánh tả New Popular Front (NFP) bất ngờ đứng đầu, dẫn trước phe trung dung của ông Macron và phe cực hữu của bà Marine Le Pen, nhưng không có nhóm nào giành được đa số. (Reuters)
Trung Đông – châu Phi
*Anh nối lại tài trợ cho cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine: Ngày 19/7, Chính phủ Công đảng mới của Anh tuyên bố London sẽ tiếp tục tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) và kêu gọi Israel cho phép cung cấp thêm hàng viện trợ vào Gaza.
Anh là một trong số các quốc gia ngừng tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, gây ra cuộc chiến ở Gaza.
Phát biểu trước quốc hội, Ngoại trưởng Anh David Lammy cho hay chính phủ sẽ cung cấp 21 triệu bảng Anh (27,1 triệu USD) trong gói tài trợ mới.
Các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Đức, Italy, Australia và Canada cũng đã nối lại tài trợ cho UNRWA. EU cam kết tài trợ cho Chính quyền Palestine 435 triệu USD trong hai tháng tới. (AFP)
*Israel: UAV tấn công vào thủ đô Tel Aviv được phóng từ Yemen: Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Quân đội Israel Daniel Hagari cho biết quân đội Israel cho rằng máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất tấn công Tel Aviv vào sáng sớm 19/7 đã được phóng từ Yemen.
Trước đó, Không quân Israel (IAF) tuyên bố, sự việc trên “lẽ ra không nên xảy ra” và họ chịu hoàn toàn trách nhiệm về thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công gây chết người trên.
Vụ việc đang được “điều tra kỹ lưỡng” và IAF sẽ tăng cường tuần tra bằng máy bay chiến đấu “để bảo vệ bầu trời Israel”. (Times of Israel)
*Tàu thuyền tiếp tục bị tấn công ở vịnh Aden: Ngày 19/7, Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) và công ty an ninh Ambrey của Anh thông báo một tàu đã bị tấn công bởi vũ khí không xác định ở địa điểm cách thành phố Aden của Yemen 83 hải lý về phía Đông Nam.
UKMTO cho hay tất cả thủy thủ đoàn đều an toàn. Kể từ tháng 11/2023, phong trào Houthi ở Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa vào các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Phong trào này cho biết hành động của họ nhằm thể hiện tình đoàn kết với những người Palestine bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.
Anh và Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa Houthi kể từ tháng 2 năm nay, trong đó đã triển khai bắn hạ nhiều thiết bị bay không người lái và ném bom các địa điểm ở Yemen. (Reuters)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh
*Cựu Tổng thống Trump muốn "hòa hợp" với nhà lãnh đạo Triều Tiên: Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 18/7 tuyên bố ông có kế hoạch "hòa hợp" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nếu ông trở lại Nhà Trắng khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Trong bài phát biểu trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Milwaukee, bang Wisconsin, để chính thức chấp nhận đề cử của đảng này cho cuộc bầu cử tới, ông Trump cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "nhớ" ông ấy. Ông chia sẻ: "Tôi rất hợp với ông ấy, ông ấy muốn gặp lại tôi. Tôi nghĩ ông ấy cũng nhớ tôi”.
Cũng trong bài phát biểu, ông Trump cam kết sẽ đưa các công việc sản xuất ô tô và sản xuất khác trở lại Mỹ. (Reuters)
*Bầu cử Mỹ 2024: ông Donald Trump chính thức chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa: Trong ngày làm việc cuối cùng của Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa diễn ra từ ngày 15-18/7 (theo giờ địa phương) tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, ông Donald Trump đã chính thức chấp nhận đề cử làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹvào tháng 11 tới.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau vụ mưu sát bằng súng khi đi vận động tranh cử tại Pennsylvania hôm 13/7 vừa qua, cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh ông đang tranh cử để trở thành "Tổng thống cho toàn bộ nước Mỹ chứ không phải cho một nửa nước Mỹ, bởi không có chiến thắng nào chỉ giành cho một nửa nước Mỹ".
Đây là lần thứ 3 ông Trump chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ sau các nỗ lực tương tự vào các năm 2016 và 2020. (Reuters)