Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Mỹ-Nhật Bản-Australia diễn tập hải quân ở Biển Đông
Ngày 20/10, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo, nước này, Nhật Bản và Australia đã tiến hành hoạt động diễn tập hải quân ba bên ở Biển Đông vào ngày 19/10.
Theo thông báo, đây là chiến dịch chung thứ 5 của ba nước trong năm nay ở khu vực hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ.
Chiến dịch trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh tăng cường kêu gọi về một "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Reuters)
Australia xác nhận tham gia tập trận nhóm Bộ Tứ
Ngày 20/10, Hãng tin ABC của Australia đưa tin, nước này đã chính thức được mời tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn Malabar 2020 vào tháng 11 tới cùng với các nước thành viên khác trong nhóm Bộ tứ (Quad) là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds xác nhận Australia sẽ tham gia
Bộ trưởng Reynold khẳng định cuộc tập trận này rất quan trọng để Australia nâng cao năng lực hàng hải, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác thân thiết và thể hiện quyết tâm tập thể vì các lợi ích an ninh chung và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và thịnh vượng.
Australia hiện chưa công bố những khí tài hải quân sẽ triển khai tham gia cuộc tập trận này, nhưng các nguồn tin quốc phòng cho biết, tàu chiến HMAS Hobart hoặc HMAS Brisbane có khả năng sẽ tham gia. (ABC)
Mỹ-Ấn Độ
Ấn Độ-Mỹ sắp ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng thứ 3
Ngày 19/10, hãng thông tấn ANI đưa tin Ấn Độ và Mỹ sẽ ký Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) nhân đối thoại 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước dự kiến diễn ra trong ngày 26 và 27/10 tới.
Các nguồn tin chính phủ khẳng định thông tin trên và cho biết, thỏa thuận BECA sẽ đảm bảo các lực lượng vũ trang hai nước bắt đầu trao đổi về việc tăng cường hợp tác không gian địa lý.
BECA sẽ là thỏa thuận nền tảng thứ ba được ký kết giữa Ấn Độ và Mỹ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng sau Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) và Thỏa thuận bảo mật và tương thích thông tin (COMCASA) lần lượt được ký kết vào các năm 2016 và 2018.
BECA được kỳ vọng sẽ cho phép Ấn Độ sử dụng thông tin tình báo không gian địa lý của Mỹ và nâng cao độ chính xác quân sự của các hệ thống phần cứng và vũ khí tự động như tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Trong 15 năm qua, Ấn Độ đã mua các thiết bị quốc phòng của Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ USD. (ANI)
Iran
Iran sẵn sàng bán vũ khí cho nhiều nước
Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami vừa cho biết: "Từ một năm trước, nhiều quốc gia đã đến với chúng tôi để thảo luận về vấn đề trao đổi vũ khí. Cơ chế mua, bán vũ khí đã được chuẩn bị sẵn sàng cho Iran, nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ bán nhiều hơn mua".
Theo ông Hatami, nhiều nước đã phải ngạc nhiên trước tiến bộ lớn của Iran trong việc sản xuất vũ khí và nước này sẽ "bảo vệ sự tồn vong" của mình bằng cách bán vũ khí.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng khẳng định, nước này sẵn sàng ký thỏa thuận “quân sự và an ninh” với các nước Vùng Vịnh.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an ninh Vùng Vịnh, Bộ trưởng Hatami cho rằng, bất cứ mối đe dọa nào trong khu vực, sau các thỏa bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, sẽ dẫn tới “phản ứng trực tiếp và rõ ràng” từ Iran. (Tehran Times)
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên 'hứng đòn' trừng phạt của Mỹ liên quan đến Iran
Ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đưa 2 công dân Trung Quốc và 6 thực thể của nước này vào danh sách đen vì giao dịch với công ty vận tải biển IRISL của Iran và trong một số trường hợp, giúp đỡ công ty này né tránh các lệnh trừng phạt của Washington.
6 thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen là Reach Holding Group Company Ltd., Reach Shipping Lines, Delight Shipping Co., Ltd.; Gracious Shipping Co. Ltd., Noble Shipping Co. Ltd., Supreme Shipping Co. Ltd.
2 công dân Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt là Eric Chen, hay còn gọi là Chen Guoping - Giám đốc điều hành Reach Holding Group Company Ltd. và Daniel Y. He, hay còn gọi là He Yi - Chủ tịch của công ty này.
Khi bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, tài sản của các thực thể và cá nhân nằm trong phạm vi tài phán của Washington sẽ bị phong tỏa và các công dân Mỹ thường bị cấm giao dịch với những đối tượng này. (Reuters)
Nga-Anh
Nga bác cáo buộc của Anh tấn công mã độc nhằm vào Olympic Tokyo 2021
Ngày 19/10, chính quyền Anh lên án âm mưu mà London cho là của đơn vị 74455 thuộc cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) tiến hành các hoạt động “do thám trên không gian mạng” nhằm vào các nhà tổ chức, cung cấp dịch vụ hậu cần và tài trợ của Olympic và Paralympic Tokyo 2021.
Giới chức Anh cho biết, hoạt động trên bao gồm thủ đoạn tạo ra những trang web và tài khoản trực tuyến mạo danh các cá nhân chủ chốt để sử dụng cho những nỗ lực tấn công trong tương lai.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay, cáo giác trên được thực hiện "với sự phối hợp của các đồng minh quốc tế - bao gồm Mỹ - trong một phần của nỗ lực vạch trần và đối phó” với những hành động của Nga trên không gian mạng.
Ngày 20/10, Nga đã bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh những thông tin này không đúng sự thật và nhằm vào mục đích kích động tâm lý chống Nga.
Về phía Nhật Bản, cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, sẽ không bỏ qua các vụ tấn công mạng bằng mã độc và quốc gia này sẽ triển khai các giải pháp phòng thủ mạng nhằm đảm bảo Olympic Tokyo được tổ chức thành công.
Trong khi đó, Ban tổ chức Olympic Tokyo khẳng định, luôn duy trì cảnh giác trước nguy cơ các cuộc tấn công mạng, song cho biết tới nay chưa ghi nhận "tác động nghiêm trọng nào". (Reuters)
Nga-Mỹ
Nga tuyên bố sẵn sàng phong tỏa toàn bộ đầu đạn hạt nhân
Ngày 20/10, Nga tuyên bố sẵn sàng phong tỏa toàn bộ số đầu đạn hạt nhân của nước này nếu Mỹ làm tương tự để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm một năm.
Hiệp ước New START được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Đây là hiệp ước cuối cùng giới hạn các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ.
Tuần trước, Mỹ đã từ chối đề xuất của Nga gia hạn vô điều kiện New START thêm một năm, cho rằng bất cứ đề xuất nào như vậy phải bao gồm việc phong tỏa toàn bộ đầu đạn hạt nhân. (Reuters)
Xung đột Armenia-Azerbaijan
Mỹ muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan
Bộ trưởng Ngoại giao của Azerbaijan và Armenia, hai quốc gia đang vướng vào trong một cuộc xung đột lịch sử, dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington vào ngày 23/10.
Các chuyến thăm cùng ngày của Bộ trưởng hai nước đối đầu tới Mỹ cho thấy tín hiệu Washington đang tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc xung đột bùng phát, vốn đã giết chết hàng trăm binh sĩ và dân thường kể từ cuối tháng 9.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Armenia và Azerbaijan đến Mỹ được đánh giá là cơ hội để Chính quyền của ông Donald Trump thể hiện nỗ lực lãnh đạo toàn cầu chỉ vài ngày trước khi vị đương kim Tổng thống Mỹ đối mặt với cuộc tái tranh cử. (Politico)
Thụy Điển 'cấm cửa' Huawei, ZTE tham gia xây dựng mạng 5G
Ngày 20/10, giới chức Thụy Điển đã quyết định cấm sử dụng thiết bị viễn thông của hai tập đoàn Trung Quốc là Huawei và ZTE trong xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G của nước này. Động thái trên được đưa ra trước thềm sự kiện đấu giá phổ tần cho mạng 5G tại Thụy Điển dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) cho biết các công ty tham gia cuộc đấu giá sắp tới phải loại bỏ các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi bộ tính năng trung tâm hiện tại trước ngày 1/1/2025.
PTS định nghĩa bộ tính năng trung tâm là các thiết bị sử dụng trong xây dựng mạng lưới truy cập sóng vô tuyến, mạng lưới truyền phát, mạng lõi, cũng như dịch vụ và khả năng bảo trì của mạng. Cơ quan này khẳng định việc xây dựng các điều kiện cấp phép đều dựa trên các đánh giá của Lực lượng vũ trang và Cơ quan An ninh Thụy Điển.
Phía Huawei và ZTE hiện chưa đưa ra bình luận về quyết định trên của Thụy Điển. (Reuters)
Tình hình Syria
Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi căn cứ quân sự ở Tây Bắc Syria
Ngày 19/10, tờ Jerusalem Post của Israel đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang rút các binh sĩ khỏi một căn cứ quân sự ở Tây Bắc Syria, bắt đầu từ rạng sáng cùng ngày, nhưng đang tăng cường hiện diện tại một địa điểm khác.
Theo đó, trạm quan sát quân sự tại Morek, 1 trong 12 trạm quan sát do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên vào năm 2018 đang đứng trước khả năng phải dỡ bỏ, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại tỉnh Idlib.
Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ chưa cân nhắc rút khỏi trạm quan sát khác vào giai đoạn này.
Trước đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từng bác bỏ khả năng rút khỏi bất cứ trạm quan sát nào, nhưng việc ở lại Morek hiện không còn giá trị về mặt quân sự đối với Ankara. Một nhân vật cấp cao của phe đối lập tại Syria cho hay "quá trình tháo dỡ căn cứ đã bắt đầu được tiến hành và sẽ mất vài ngày".
Nguồn tin này khẳng định, đây là một phần trong nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm củng cố các ranh giới ngừng bắn đạt được trong thỏa thuận với Nga vào tháng 3 vừa qua, qua đó chấm dứt giao tranh nghiêm trọng suốt nhiều năm ở khu vực xung quanh Idlib. (Jerusalem Post)