📞

Tin thế giới 20/12: Ngân sách quốc phòng Mỹ tăng mạnh, Nga ‘chốt’ giá khí đốt cho Belarus

Minh Vương 20:28 | 20/12/2022
Mỹ quan ngại về vai trò của Belarus, Trung Quốc cảnh báo EU về vấn đề Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp thêm nóng …là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Nga cho rằng Ukraine đã chủ động tấn công Belgorod - Ảnh: Một tòa nhà bị hư hại sau khi trúng đạn tại Belgorod hồi tháng 10. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Ukraine có tên lửa Martlet, Nga nói về vụ pháo kích ở Donetsk và Belgorod: Viết trên Telegram, ngày 19/12, Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho hay: “Martlet đang được trang bị. Ngoài Ukraine, chỉ có quân đội hai quốc gia trên thế giới là Anh và Indonesia sở hữu tên lửa này”.

Cũng theo một đoạn video mà ông công bố, tên lửa Marlet cho phép quân đội Ukraine tạo ra một hệ thống phòng không nhiều lớp, bao gồm các hệ thống tầm ngắn và tầm trung như Buk-M1-2, cũng như các hệ thống tầm xa bao gồm S-300.

Cùng ngày, bình luận về vụ pháo kích nhằm vào Donetsk và Belgorod, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay: “Lực lượng vũ trang Ukraine hành động có chủ ý... đây không phải là một tai nạn”. Theo bà Zakharova, hơn 100 quả đạn pháo các cỡ khác nhau, đã được sử dụng trong cuộc pháo kích.

Cho tới thời điểm hiện tại, vụ việc tại Donetsk đã khiến 2 người chết và nhiều người bị thương. Trong khi đó, cuộc tấn công vào Belgorod đã khiến 1 người thiệt mạng, 10 người bị thương, 75 hộ gia đình và cơ sở công nghiệp bị ảnh hưởng. (TTXVN)

* Mỹ dự chi 126 triệu USD ứng phó sự cố hạt nhân tiềm ẩn ở Ukraine: Dự thảo ngân sách tài khóa 2023 của Mỹ ngày 20/12 nêu rõ: “Các cơ quan về an ninh hạt nhân quốc gia và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc phòng được phân bổ 126,3 triệu USD cho công tác chuẩn bị và ứng phó với sự cố hạt nhân, phóng xạ tiềm ẩn ở Ukraine”. (Sputnik)

* Mỹ lo ngại về vai trò của Belarus trong xung đột Nga-Ukraine: Trao đổi với báo giới ngày 19/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh: “Từ lâu, chúng tôi đã lo ngại về vai trò của Belarus”. Bà cho rằng Minsk đã góp phần kích hoạt các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, “viện trợ và cho phép Kiev sử dụng lãnh thổ làm nơi đóng quân”. Bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Minsk, Thư ký Jean-Pierre nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lực lượng của Nga. Đó là điều chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm, kể cả ở Belarus, đồng thời vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Ukraine”.

Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko. Phái đoàn Nga gồm Phó Thủ tướng Alexey Overchuk, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Trợ lý Đeiejn Kremlin Yuri Ushakov, Thư ký báo chí Dmitry Peskov và Giám đốc điều hành Roscosmos Yury Borisov. (TASS)

Đông Nam Á

* Hạ viện Malaysia phê duyệt dự luật ngân sách tạm thời: Sáng 20/12, Hạ viện Malaysia đã phê duyệt dự luật ngân sách tạm thời trị giá 107,7 tỷ RM (24,3 tỷ USD) trên cơ sở của Đạo luật Quỹ hợp nhất (Chi tiêu trên tài khoản) năm 2022. Văn kiện sẽ có hiệu lự ngày 1/1/2023, bao gồm các khoản trả lương cho công chức, tiện ích, học bổng, hỗ trợ phúc lợi cũng như các dịch vụ giáo dục và y tế.

Theo Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Anwar Ibrahim, khoản kinh phí này sẽ phục vụ cho các dịch vụ chính phủ nửa đầu năm 2023 trong khi chờ Bộ Tài chính xây dựng Ngân sách sửa đổi năm 2023 và đưa ra thảo luận tại Hạ viện tháng 2/2023.

Ngân sách này cũng bao gồm khoản chi cho các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án sửa chữa và bảo trì trường học, đường xá, bệnh viện và phòng khám y tế. Thủ tướng Malaysia khẳng định mục đích của dự luật phù hợp với Hiến pháp liên bang, khi phần lớn khoản chi dành cho các dịch vụ chung của Bộ Tài chính (28,12 tỷ RM), tiếp theo là Bộ Giáo dục (24,98 tỷ RM) và Bộ Y tế (17,05 tỷ RM).

Trước đó, ngày 7/10, cựu Bộ trưởng Tài chính Zaful Aziz đã trình bày Dự thảo ngân sách 2023 có tổng trị giá 372,3 tỷ RM (81 tỷ USD). Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim, Chính phủ Malaysia đã quyết định sẽ chỉnh sửa dự thảo ngân sách này. Việc đưa ra dự luật ngân sách tạm thời sẽ giúp duy trì hoạt động của chính phủ nước này. (TTXVN)

Nam Á

* WB tài trợ cho các dự án cứu trợ lũ lụt ở Pakistan: Ngày 19/12, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/12 đã phê duyệt gói tài trợ trị giá 1,69 tỷ USD cho các dự án cứu trợ lũ lụt ở Pakistan. Khoản tài trợ này chủ yếu dành cho các dự án cứu trợ ở tỉnh Sindh, Đông Nam Pakistan, nơi được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt.

Nền kinh tế của Pakistan đã bị ảnh hưởng nặng nề sau trận lũ lụt nghiêm trọng hồi đầu năm nay nhấn chìm nhiều vùng rộng lớn, cướp đi sinh mạng của gần 1.700 người, đồng thời làm hư cơ sở hạ tầng và đất nông nghiệp. (Reuters)

* Pakistan tiến hành chiến dịch giải cứu con tin: Giới chức an ninh Pakistan cho biết ngày 20/12, lực lượng đặc nhiệm Pakistan đã đột kích vào một trung tâm chống khủng bố ở khu vực Tây Bắc để giải cứu các nhân viên an ninh bị một nhóm phiến quân giữ làm con tin.

Trước đó, ngày 18/12, hơn 30 đối tượng thuộc lực lượng Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) bị giam giữ nhiều năm qua tại trung tâm chống khủng bố ở thị trấn Bannu, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, đã khống chế các nhân viên an ninh, cướp vũ khí và giữ họ làm con tin. Ngày 19/12, có tin một sĩ quan đã bị các đối tượng bắt cóc sát hại.

Người phát ngôn tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Muhammad Ali Saif cho biết các nghi can khủng bố đã đưa ra yêu sách được đến Afghanistan an toàn, đổi lại sẽ thả ít nhất 8 cảnh sát và quan chức tình báo quân sự bị giữ làm con tin.

Ngay sau đó, giới chức Pakistan đã nỗ lực thương lượng với những kẻ bắt cóc hơn 40 tiếng nhưng không thành. Hiện các lực lượng đặc nhiệm đã đột kích vào trung tâm trên. Tính đến chiều 20/12, lực lượng Pakistan đã giành lại kiểm soát cơ sở này.

Theo một nguồn tin an ninh, chiến dịch vẫn đang diễn ra. Thông tin chính xác về số con tin và số người thương vong sẽ được công bố sau khi chiến dịch được hoàn tất. Do lo ngại khả năng xảy ra thêm các vụ bắt cóc, nhà chức trách đã yêu cầu các trường học tại khu vực trên đóng cửa trong ngày 20/12. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc kêu gọi EU thận trọng với vấn đề Đài Loan: Ngày 20/12, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố: “Nghị viện châu Âu, với tư cách là cơ quan chính thức của Liên minh châu Âu (EU) nên tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc. Trung Quốc cực lực phản đối mọi hình thức tiếp xúc chính thức giữa EU và Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời kêu gọi EU thực sự tôn trọng chính sách Một Trung Quốc và thể hiện sự thận trọng trong phát biểu và hành động liên quan đến vấn đề Đài Loan”.

Trước đó, hôm 19/12, một phái đoàn Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu đã đến đảo Đài Loan trong khuôn khổ chuyến thăm bốn ngày để thảo luận về thương mại và đầu tư song phương giữa Đài Bắc và EU. (Sputnik)

* Nhật Bản và Mỹ thảo luận việc ông Joe Biden thăm Nagasaki: Kyodo (Nhật Bản) dẫn các nguồn thạo tin cho hay nước này và Mỹ đang thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Nagasaki tháng 5/2023 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima. Nếu kế hoạch trên trở thành hiện thực, ông Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố miền Tây Nam Nhật Bản, nơi quân đội Mỹ đã ném bom nguyên tử vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, người đã đưa ra tầm nhìn về một thế giới không có vũ khí hạt nhân kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021, có thể sẽ tháp tùng nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến thăm Nagasaki, vào khoảng thời gian trước hoặc sau hội nghị thượng đỉnh. Ông Kishida hy vọng mình cùng ông Joe Biden có thể gửi một thông điệp tương tự tới thế giới từ hai thành phố bị ném bom nguyên tử của Nhật Bản, trong bối cảnh có ngày càng nhiều lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19-21/5/2023 do Nhật Bản chủ trì. Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có chuyến đi lịch sử tới Hiroshima nhân dịp dự hội nghị thượng đỉnh G7 trước đó tại Nhật Bản. (Kyodo/Reuters)

Châu Âu

* Đại sứ Mỹ cáo buộc Nga, Trung Quốc hợp tác làm suy yếu NATO: Ngày 20/12, trả lời Financial Times (Anh), Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith nhấn mạnh: “Nga và Trung Quốc đang tăng cường chia sẻ bộ công cụ có thể khiến NATO quan ngại”. Cho biết NATO đã chứng kiến việc Nga và Trung Quốc “chia sẻ các chiến thuật hỗn hợp”, bà khẳng định: “Cả Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực chia rẽ... các đối tác xuyên Đại Tây Dương... Chúng tôi nhận thức rõ những nỗ lực đó và muốn giải quyết vấn đề này”.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid của Tây Ban Nha hồi tháng 6, NATO đã thông qua khái niệm chiến lược mới, trong đó lưu ý các tham vọng của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của liên minh này. (Sputnik)

* Nga sẽ cung cấp khí đốt giá cố định cho Belarus trong 3 năm: RIA Novosti (Nga) dẫn lời Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko ngày 20/12 cho biết khí đốt của Nga xuất khẩu sang Belarus sẽ có mức giá được cố định trong 3 năm. Trước đó, ngày 19/12, hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay hai bên đã thảo luận về các giá cả trong lĩnh vực năng lượng.

Ông Putin khẳng định Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Belarus theo điều khoản ưu đãi rất có lợi do sự đặc biệt trong quan hệ đối tác giữa hai nước này, coi đây là một biện pháp nghiêm túc để hỗ trợ kinh tế Belarus. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp chặn máy bay F-16 đang thực thi nhiệm vụ NATO: Ngày 20/12, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã có phản ứng cần thiết khi không quân Hy Lạp cố tình chặn các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bay qua Biển Aegean trong khuôn khổ thực thi nhiệm vụ mang tên NEXUS ACE Ege của NATO.

Tham gia hoạt động NEXUS ACE Ege gồm có 14 máy bay F-16, một máy bay trinh sát, máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay vận tải CASA, cũng như máy bay cảnh báo sớm trên không E3-A AWACS của NATO. Tất cả các đồng minh NATO cũng đã được thông báo 24 giờ trước khi diễn ra cuộc tập trận này. (Sputnik)

Châu Mỹ

* Ngân sách quốc phòng tài khóa 2023 của Mỹ tăng mạnh: Dự thảo ngân sách tài khóa 2023 của Mỹ công bố ngày 20/12 nêu rõ: “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho tài khóa 2023 cung cấp 797,7 tỷ USD cho chi tiêu linh hoạt, tăng 69,3 tỷ USD so với tài khóa 2022”.

Đáng chú ý, dự thảo phân bổ 11,88 tỷ USD nhằm bổ sung kho trang thiết bị Washington gửi tới Kiev cùng khoản hỗ trợ 9 tỷ USD cho đào tạo, cung cấp trang thiết bị, vũ khí, hỗ trợ hậu cần, vật tư và dịch vụ, tiền lương và trợ cấp, duy trì và hỗ trợ tình báo cho Ukraine.

Mỹ cũng phân bổ 6,98 tỷ USD cho các chiến dịch của Bộ Tư lệnh châu Âu của nước này và các hoạt động liên quan, đặc biệt là hỗ trợ nhiệm vụ, hỗ trợ tình báo, trả lương, trang thiết bị và các hoạt động liên quan. Đáng lưu ý, dự thảo này cấm phân bổ ngân sách cho lực lượng dân tộc chủ nghĩa Azov ở Ukraine và Taliban. (Sputnik)

Trung Đông-châu Phi

* EU khẳng định nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày 20/12, phát biểu trước thềm hội nghị khu vực ở Jordan, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nêu rõ: “Đã có cuộc gặp cần thiết với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ở Jordan trong bối cảnh quan hệ Iran-EU đang xấu đi. Nhấn mạnh cần phải ngừng ngay lập tức hỗ trợ quân sự cho Nga và các hoạt động bạo lực ở Iran".

Đồng thời, quan chức này cũng cho biết EU và Iran nhất trí rằng cần giữ liên lạc cởi mở và khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) trên cơ sở đàm phán ở Vienna. (Reuters)