Quân nhân Nga tham gia cuộc duyệt binh nhân Ngày Chiến thắng 9/5/2023. Nga vừa tuyên bố sẽ thành lập thêm 2 đội quân. (Nguồn: Reuters) |
Nga-Ukraine
* Nga sẽ thành lập hai đội quân mới: Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, binh sĩ nước này đang đẩy lùi lực lượng Ukraine, khiến Mỹ và các nước vệ tinh "cực kỳ quan ngại về sự thành công của Lực lượng Vũ trang Nga".
Bên cạnh đó, ông cho biết, Nga đã tuyển dụng hàng trăm nghìn binh sĩ hợp đồng và sẽ thành lập 2 đội quân mới và 30 đơn vị mới, bao gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn. (Reuters)
* Nga tố Pháp có kế hoạch đưa quân tới Ukraine, Paris lên tiếng: Ngày 19/3, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin tiết lộ, Moscow đã nắm được thông tin Pháp đang chuẩn bị gửi một đội quân tới Ukraine, giai đoạn đầu sẽ có khoảng 2.000 binh sĩ.
Giám đốc SVR nhấn mạnh, bất kỳ quân nhân Pháp nào được điều động đến Ukraine để giúp chống lại Nga sẽ đều là mục tiêu ưu tiên của quân đội Nga.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội X, Bộ Quốc phòng Pháp đã phủ nhận thông tin trên. (TASS, Sputnik)
* Mỹ quan ngại về “sự sống còn của Ukraine” trong giai đoạn hiện nay, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Ông Austin cam kết rằng, Mỹ sẽ "không để Ukraine thất bại" và "hoàn toàn quyết tâm duy trì nguồn hỗ trợ an ninh và đạn dược" dành cho Kiev, gọi đây là "vấn đề danh dự và an ninh" với Washington.
Tuy nhiên, ông không tiết lộ Washington sẽ hỗ trợ Ukraine ra sao nếu không có thêm nguồn tài trợ, trong khi gói viện trợ 60 tỷ USD vẫn đang bị "ngâm" tại Hạ viện Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ "bị sốc" vì Washington vẫn chưa phê duyệt gói viện trợ trên, giữa lúc Kiev phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung vũ khí. (Reuters)
* EU sẽ cung cấp cho Ukraine 500.000 quả đạn pháo vào cuối tháng 3 và đảm bảo mục tiêu ưu tiên là cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn pháo trong năm nay, theo lời ông Peter Stano - người phát ngôn của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell.
Theo ông Stano, Đại diện cấp cao Borrell cũng lưu ý rằng, bất kỳ quốc gia thành viên nào muốn mua đạn dược bên ngoài EU để cung cấp cho Ukraine đều có thể được hoàn tiền từ nguồn Quỹ Hòa bình châu Âu. (DC News)
* Nga sẽ sơ tán khoảng 9.000 trẻ em khỏi khu vực biên giới với Ukraine, vì khu vực này đang bị pháo kích liên tục từ phía Ukraine. Trẻ em sẽ được di chuyển xa hơn về phía Đông, cách xa biên giới với Ukraine.
Thông tin trên do Thống đốc vùng Belgorod của Nga Vyacheslav Gladkov xác nhận.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ đảm bảo an ninh cho khu vực biên giới, nơi thường xuyên bị Ukraine pháo kích. (Reuters)
Châu Âu
* Đức không cần kho vũ khí hạt nhân riêng, theo lời Thủ tướng nước này Olaf Scholz ngày 19/3, khi bình luận về đề xuất cho rằng, Berlin nên cùng với các đối tác Liên minh châu Âu (EU) giảm sự phụ thuộc vào “chiếc ô bảo vệ” của Mỹ.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vẫn là nền tảng của an ninh châu Âu và bất chấp một số khác biệt chính trị với Mỹ, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn bền chặt và cần thiết.
Ông nói rõ: "Không có lý do gì để thách thức những yếu tố rất có giá trị, đó là NATO và hợp tác xuyên Đại Tây Dương”. (Anadolu)
* Nông dân Ba Lan biểu tình rầm rộ trên toàn quốc trong ngày 20/3. RMF24 đưa tin, những người biểu tình đã cảnh báo về việc phong tỏa đường tại hơn 500 điểm dân cư - máy móc nông nghiệp sẽ xuất hiện trên đường phố và đường cao tốc.
Nông dân cũng tuyên bố sẽ chặn khoảng 10 tuyến đường cao tốc quan trọng dẫn đến thủ đô Warsaw. Tổng cộng có 580 cuộc biểu tình được thông báo, trong đó ít nhất 70.000 nông dân sẽ tham gia.
* EU đạt thỏa thuận gia hạn miễn thuế nhập khẩu nông sản Ukraine cho đến tháng 6/2025, theo thông cáo của Nghị viện châu Âu ngày 19/3.
Các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu đã nhất trí thêm yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong vào danh sách áp thuế khẩn cấp, nhưng vẫn giữ mức giới hạn là lượng nhập khẩu trung bình của hai năm 2022 và 2023.
Nghị viện châu Âu đảm bảo EC sẽ hành động trong vòng 14 ngày, thay vì 21 ngày như đề xuất ban đầu, nếu lượng hàng nhập khẩu từ Ukraine đạt đến mức giới hạn.
EC cũng cam kết sẽ theo dõi hàng lúa mì và các loại ngũ cốc khác nhập khẩu từ Ukraine để hành động nếu chúng gây gián đoạn thị trường EU. (Reuters)
* Nga tập trận hải quân toàn diện, bao gồm cả bắn đạn thật, trên Vịnh Peter Đại Đế và Biển Nhật Bản.
Thông cáo báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương Nga cho hay, phân đội tàu, bao gồm Anh hùng Liên bang Nga Aldar Tsydenzhapov, các tàu hộ tống Gromky và Sovershenny, đã đẩy lùi các cuộc tấn công mô phỏng bằng thuyền không người lái và máy bay không người lái.
Hiện chưa rõ thời gian diễn ra cuộc tập trận.
Vịnh Peter Đại Đế là vịnh lớn nhất của Biển Nhật Bản, nằm giữa Nga và Nhật Bản. (Interfax)
* Thụy Sỹ mở Đại sứ quán mới ở Ethiopia: Ngày 19/3, Ngoại trưởng Ethiopia Taye Atske-Selassie đánh giá, quyết định của Thụy Sỹ về việc mở đại sứ quán mới tại thủ đô Addis Ababa cho thấy quyết tâm của Bern về việc củng cố quan hệ với quốc gia châu Phi.
Phát biểu sau lễ khởi công xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán cùng người đồng cấp Thụy Sỹ Ignazio Cassis, ông Atske-Selassie khẳng định, chính phủ Ethiopia rất coi trọng mối quan hệ song phương với quốc gia Trung Âu.
Về phần mình, ông Cassis nêu rõ, dự án xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Thụy Sỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của Ethiopia trong chính sách châu Phi của Bern. (Prensa Latina)
Bán đảo Triều Tiên
* Triều Tiên thử thành công động cơ nhiên liệu rắn nhiều giai đoạn dành cho tên lửa siêu vượt âm tầm trung tại Bãi phóng vệ tinh Sohae vào sáng và chiều 19/3, theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/3 đưa tin. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo cuộc thử nghiệm.
KCNA cho rằng, thành công của cuộc thử nghiệm đã đặt ra lộ trình hoàn thành công tác phát triển hệ thống vũ khí tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới của Triều Tiên.
* Mỹ hối thúc Triều Tiên quay lại con đường ngoại giao, đặc biệt khuyến khích Bình Nhưỡng tham gia các cuộc thảo luận thực chất về việc xác định cách thức quản lý rủi ro quân sự và tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
* Hàn-Mỹ tập trận vượt sông Imjin ở thành phố biên giới Pajuy, gần Triều Tiên, từ 11/3 để tăng cường khả năng tương tác giữa binh sĩ hai bên.
Khoảng 470 quân từ Lữ đoàn thiết giáp số 5 của Lục quân Hàn Quốc và một tiểu đoàn công binh thuộc Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ/Sư đoàn hỗn hợp Mỹ-Hàn đã tham gia cuộc tập trận kéo dài hai tuần.
Khoảng 65 thiết bị, trực thăng CH-47D Chinook, trực thăng tấn công AH-64E Apache, xe tăng K1E1 và tên lửa đất đối không tầm ngắn đã được huy động cho cuộc tập trận. (Yonhap)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Nhật Bản và Canada có thể tham gia trụ cột thứ hai trong quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, nhằm tránh nguy cơ nếu ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, các quốc gia có thể quay trở lại chính sách theo chủ nghĩa biệt lập, dẫn đến AUKUS sụp đổ.
Quan hệ đối tác AUKUS, được công bố vào tháng 9/2021, có hai trụ cột. Trụ cột đầu tiên liên quan việc thành lập một hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Australia sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.
Trụ cột thứ hai bao gồm việc phát triển một loạt công nghệ, bao gồm robot dưới nước, điện tử lượng tử, an ninh mạng và khả năng tác chiến điện tử, vũ khí siêu thanh và cơ chế phòng thủ chống lại chúng. (Politico)
* Australia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích chung: Ngày 20/3, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, hai nước không nên để những khác biệt và bất đồng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.
Ông Albanese vui mừng khi thấy trong 2 năm qua, quan hệ Australia-Trung Quốc đã trở lại đúng hướng và Canbera sẵn sàng duy trì hoạt động giao lưu cấp cao chặt chẽ với Bắc Kinh, tăng cường hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh, Canberra luôn và sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.
Ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Australia để thúc đẩy trao đổi cấp cao và tăng cường hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực, đồng thời kêu gọi hai bên nỗ lực quản lý và vượt qua những khác biệt trên tinh thần tôn trọng, cùng nhau thúc đẩy xây dựng quan hệ trưởng thành, ổn định và hiệu quả hơn. (THX)
* Thái Lan ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Anh: Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa Thái Lan với một quốc gia châu Âu nhằm thúc đẩy thương mại và thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Thỏa thuận được ký kết tại Bangkok trong chuyến thăm Thái Lan của Ngoại trưởng Anh David Cameron. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Israel sẽ cử phái đoàn đến Mỹ: Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 20/3, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược của Israel Ron Dermer và Cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi sẽ đến Washington để gặp các quan chức Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, chuyến thăm nói trên có khả năng diễn ra vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, trong tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Israel Yoav Galant cũng sẽ gặp nhau tại Washington để thảo luận một loạt vấn đề, trong đó có nỗ lực đảm bảo việc thả tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ, nhu cầu tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho dân thường Palestine và kế hoạch đảm bảo an toàn cho hơn 1 triệu người ở thành phố Rafah. (AFP)
* Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh cáo buộc Israel phá hoại đàm phán ngừng bắn, sau khi quân đội nước này đột kích Bệnh viện Al-Shifa, cơ sở y tế lớn nhất ở Gaza, hôm 18/3 khiến hàng chục chiến binh Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị giam giữ. (MEM)
* IAEA-Syria tái khởi động đàm phán về năng lượng hạt nhân, khi Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tới thủ đô Damascus ngày 19/3.
Trong thông báo trên mạng X, Tổng Giám đốc Grossi cho biết, đã hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Ngoại trưởng Faisal Mekdad.
Ông viết: “Chúng tôi sẵn sàng tái khởi động đối thoại cấp cao giữa IAEA và Syria, tập trung vào mục tiêu xây dựng niềm tin về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Syria”. (Reuters)
* EU tài trợ 166 triệu Euro hỗ trợ phát triển Benin: Việc tài trợ này nhằm mục đích hỗ trợ hành động của chính phủ Benin trong khuôn khổ của một chương trình bao gồm các lĩnh vực nước và vệ sinh, tăng cường khả năng phục hồi, khởi nghiệp, an ninh, đào tạo chuyên nghiệp và năng lượng. (Europawire)
Châu Mỹ
* Mexico phản đối luật di cư mới của Mỹ: Chiều 19/3, Bộ Ngoại giao Mexico (SRE) lên tiếng phản đối việc Tòa án tối cao Mỹ thông qua dự thảo luật SB4 của bang Texas, trong đó cho phép lực lượng chức năng bắt giữ người di cư trái phép tại khu vực biên giới giữa hai nước.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mexico Alicia Bárcena phê phán dự thảo luật SB4, nhằm mục đích ngăn chặn dòng người di cư, đã hình sự hóa hoạt động nhập cảnh bằng biện pháp bắt giữ khiến nhiều gia đình sẽ bị ly tán, vi phạm các quy định về nhân quyền của cộng đồng người di cư.
Ngoại trưởng Bárcena tuyên bố, trên cương vị là người đứng đầu ngành ngoại giao Mexico, bà khẳng định nguyên tắc luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ người di cư là ưu tiên cao nhất của chính phủ, đồng thời nhận định việc Đạo luật SB4 có hiệu lực sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Mexico - Mỹ. (Anadolu)
* Không quân Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm phóng từ trên không ở Thái Bình Dương. Theo tuyên bố, vụ thử nghiệm được tiến hành hôm 17/3 sau khi một chiếc oanh tạc cơ B-52 cất cánh từ đảo Guam mang theo Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW).
Mặc dù khẳng định thành công, song Không quân Mỹ không cung cấp thêm thông tin về tốc độ của vũ khí siêu vượt âm vừa được thử nghiệm. (Reuters)