Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Căng thẳng Nga-Ukraine
Nga đưa 150.000 quân tới biên giới Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) ước tính rằng Nga đưa hơn 150.000 quân dọc theo biên giới với Ukraine và trên đảo Crimea trong những tuần gần đây. Đồng thời, EU cũng cảnh báo rằng, chỉ cần một “tia lửa nhỏ” thì một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Ukraine hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngày 19/4, sau cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng các nước EU để bàn về các diễn biến mới nhất trong quan hệ với Nga, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói: "Đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga ở biên giới Ukraine từ trước đến nay. Hơn 150.000 quân Nga đang tập trung ở biên giới với Ukraine và Crimea. Nguy cơ leo thang căng thẳng hơn nữa là điều hiển nhiên".
Bất chấp những diễn biến đáng lo ngại, ông Borrell khẳng định rằng, EU chưa có kế hoạch tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga. (AP)
Ukraine trục xuất nhà ngoại giao Nga
Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 19/4 thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả việc Moscow yêu cầu Lãnh sự Ukraine tại Saint Petersburg rời khỏi Nga với cáo buộc ông này cố gắng thu thập thông tin nhạy cảm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nêu rõ: "Hôm nay, Bộ Ngoại giao Ukraine đã trao công hàm tuyên bố một trong những cố vấn của Đại sứ quán Nga tại Kiev là nhân vật không được hoan nghênh. Ông ấy cần phải rời khỏi lãnh thổ đất nước chúng tôi trong vòng 72 giờ". (AFP)
20 tàu chiến Nga tập trận ở Biển Đen
Ngày 20/4, Hạm đội Biển ĐenNga cho biết hơn 20 tàu chiến của nước này đã tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đen.
Nga đã tạm thời hạn chế các tàu chiến nước ngoài và những tàu mà Moscow gọi là "các tàu của nước khác" hoạt động gần bán đảo Crimea. (Interfax)
Mỹ-Nga
Mỹ tố Nga 'leo thang vô cớ' ở Biển Đen
Ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Washington quan ngại sâu sắc về kế hoạch Nga hạn chế các tàu hải quân nước ngoài cũng như những tàu khác ở một phần Biển Đen.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Điều này cho thấy một động thái leo thang vô cớ khác trong chiến dịch hiện nay của Moscow nhằm làm suy yếu và gây bất ổn Ukraine".
Bộ này đồng thời kêu gọi Moscow bãi bỏ việc tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, hoạt động triển khai lực lượng của Nga gần Ukraine có quy mô lớn hơn so với năm 2014 nhưng chưa rõ việc Nga triển khai binh sĩ là nhằm mục đích huấn luyện hay không. (Reuters)
Đại sứ Mỹ tại Nga về nước vì yêu cầu của Moscow?
Ngày 20/4, hãng RIA đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan cho biết, ông sẽ về nước trong tuần này để tham vấn trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
“Tôi tin rằng điều quan trọng là phải nói chuyện trực tiếp với các đồng nghiệp mới của mình trong chính quyền của Tổng thống Biden ở Washington về tình hình hiện tại của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga”, Đại sứ John Sullivan nói.
Ông Sullivan cũng cho biết, ông đã không gặp gia đình mình trong hơn 1 năm qua, và đó là lý do quan trọng khác để ông trở về thăm quê nhà.
Hãng tin trên dẫn lời Đại sứ Sullivan cho hay, ông đang có kế hoạch trở lại Nga trong vòng vài tuần, trước khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có khả năng diễn ra.
Hãng thông tấn RIA dẫn tin, quyết định trở lại Mỹ của ông Sullivan xuất phát từ lời đề nghị của Điện Kremlin. (RIA)
Nga không bác bỏ thượng đỉnh với Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 20/4 cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden phụ thuộc nhiều vào các hành động tiếp theo của Washington.
Bất chấp tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Washington, Điện Kremlin không bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ Biden về một cuộc gặp thượng đỉnh tại châu Âu giữa lãnh đạo hai nước. (Reuters)
Nga- Czech vướng vào khủng hoảng ngoại giao
Ngày 19/4, chính quyền thành phố Prague đã yêu cầu Đại sứ quán Nga tại Cộng hòa Czech trả lại 0,5 ha trong tổng diện tích của cơ quan đại diện ngoại giao này.
Người đứng đầu quận Prague-7 Jan Chyzhinsky thông báo trên Twitter rằng, yêu cầu đã được gửi tới chính phủ Czech.
Ông Chizhinsky viết: “Hội đồng thành phố Prague đã yêu cầu chính phủ Czech đàm phán để đưa lô đất của Đại sứ quán Nga phù hợp với tình trạng trước cuộc xâm lược của quân đội Khối Hiệp ước Warsaw tháng 8/1968 (vào Tiệp Khắc)”.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Czech trở nên căng thẳng sau khi Czech trục xuất 18 nhân viên Đại sứ quán Nga với cáo buộc có liên quan đến tình báo Nga trong các vụ nổ kho đạn ở làng Vrbetice (miền Đông Czech) năm 2014. Nga đã đáp trả mạnh mẽ bằng cách trục xuất 20 nhân viên ngoại giao Czech tại nước này.
Cùng ngày, trang mạng Novinky.cz dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm quyền Ngoại trưởng CH Czech Jan Hamacek cho biết, nước này đã ngừng thảo luận về việc mua vaccine Sputnik V của Nga. Theo ông Hamacek, biện pháp duy nhất của Czech là tập trung vào vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép.
Nhận định về vấn đề này, hàng loạt các nước châu Âu như Ba Lan, Slovakia, Hungary và cả EU đều bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với CH Czech. (Reuters/AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc không 'bá quyền'
“Dù có phát triển mạnh thế nào đi nữa, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền, bành trướng hay tăng cường ảnh hưởng. Trung Quốc cũng không bao giờ tham gia chạy đua vũ trang”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu mở đầu Diễn đàn châu Á Bác Ngao, tổ chức tại tỉnh Hải Nam.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, "thế giới cần công lý, không phải sự bá quyền", theo đó kêu gọi hệ thống quản trị toàn cầu nên được thực hiện hợp lý và công bằng hơn, đồng thời các quy tắc do một quốc gia hoặc một số quốc gia thiết lập không thể đem áp đặt cho những quốc gia khác.
Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng các nước lớn nên cư xử “phù hợp với vị thế của mình và với một tâm thế trách nhiệm hơn”. Không nhắc đến tên nước nào, song ông Tập phản đối tư duy “Chiến tranh Lạnh” và “đối đầu tư tưởng”, cũng như việc can thiệp vào nội bộ nước khác. (THX)
Tổng thống Philippines ‘lớn tiếng’ với Trung Quốc về Biển Đông
Tối 19/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẵn sàng điều các tàu quân sự tới Biển Đông để "đánh dấu chủ quyền" những nguồn khoáng sản và dầu mỏ, trong bối cảnh lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc đang gia tăng trên vùng biển này.
Trên truyền hình vào chiều 19/4, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi hàng trăm tàu Trung Quốc (mà Bắc Kinh nói rằng đó là tàu cá) xuất hiện ở Đá Ba Đầu, ông Duterte nêu rõ: "Nếu chúng ta tới đó để xác nhận quyền tài phán, sẽ rất đẫm máu".
Tổng thống Philippines cho hay, hiện tại, ông "không quan tâm nhiều tới đánh bắt cá bởi lượng cá đủ lớn để tranh cãi".
Tổng thống Duterte đưa ra phát biểu trên dù tái khẳng định muốn duy trì tình hữu nghị với Bắc Kinh. Ông cũng liên tiếp nói rằng, Philippines không đủ sức mạnh để ngăn cản Trung Quốc, việc thách thức Bắc Kinh có nguy cơ gây ra một cuộc chiến mà Manila sẽ thất bại. (Reuters/SCMP)
Phương Tây tiếp tục lên án Nga vì vụ Navalny
Ngày 19/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, những điều xảy ra với nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny khi bị giam giữ là trách nhiệm của Chính phủ Nga và thế giới sẽ buộc Moscow phải chịu trách nhiệm.
Bà Jen Psaki nêu rõ: "Trước mắt, mục tiêu của chúng tôi dĩ nhiên là tiếp tục... thúc đẩy việc trả tự do cho ông ấy và tái khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng ông ấy phải được đối xử một cách nhân đạo".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho tình trạng sức khỏe đi xuống của ông Alexei Navalny, đồng thời một lần nữa ông kêu gọi thủ lĩnh đối lập của Nga cần được chăm sóc y tế độc lập.
Ông Raab viết trên mạng xã hội Twitter: "Giới chức Nga phải chịu trách nhiệm cho tình trạng sức khỏe đi xuống của ông Navalny. Họ cần phải lập tức cho ông ấy được chăm sóc y tế độc lập và trả tự do cho ông ấy khỏi sự giam cầm mang động cơ chính trị".
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/4 cho biết Đức rất quan ngại về tình hình sức khỏe của nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny. Phát biểu trước Hội đồng Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Merkel nói: "Chính phủ Đức, cùng với các nước khác, đang hối thúc để ông ấy (Navalny) được chăm sóc y tế đầy đủ". (Reuters/AFP)
Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc
Ngày 19/4, trang tin UDN trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã thông báo với chính quyền hòn đảo này việc Lầu Năm Góc sẽ sớm báo cáo Quốc hội Mỹ về thương vụ bán 40 khẩu pháo tự hành M109A6 "Paladin" cho Đài Loan.
Theo đó, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) dự kiến sẽ thông báo thủ tục để báo cáo Quốc hội Mỹ trong thời gian tới. (Taiwan News)
LHQ nêu bật vai trò của ASEAN về tình hình Myanmar
Ngày 19/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và người tiền nhiệm Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước Đông Nam Á thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Tổng Thư ký Guterres nêu bật vai trò quan trọng của ASEAN trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với vấn đề Myanmar.
Ông Guterres nhận định, tình hình đòi hỏi một phản ứng quốc tế mạnh mẽ dựa trên nỗ lực thống nhất của khu vực, do đó ông kêu gọi các nước ASEAN ngăn chặn tình hình xấu đi và tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề hiện nay.
Trong khi đó, cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các hành động phối hợp và ngay lập tức trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN về vấn đề Myanmar dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tới tại Indonesia.
Cựu Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng, ASEAN nên nhất trí cử phái đoàn cấp cao tới Myanmar nhằm kết nối tất cả các bên liên quan. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hợp tác với LHQ để giúp đỡ người dân và đất nước Myanmar. (Reuters)
Iran nêu điều kiện đảo ngược quá trình làm giàu urani ở mức 60%
Chính phủ Iran ngày 20/4 cho biết nước này đã bắt đầu quá trình làm giàu urani ở mức tinh khiết 60% nhằm thể hiện năng lực công nghệ sau vụ tấn công phá hoại nhằm vào một cơ sở hạt nhân của nước này và quá trình này sẽ được nhanh chóng đảo ngược nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran.
Phát biểu với báo giới tại Tehran, người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei nói: "Việc bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz nhằm thể hiện năng lực kỹ thuật của chúng tôi để đáp trả vụ tấn công khủng bố nhằm vào những cơ sở này… Biện pháp này có thể nhanh chóng được đảo ngược để quay lại mức làm giàu (urani) đã được nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân (2015) nếu các bên khác tuân thủ các nghĩa vụ của họ". (Reuters)