Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Mỹ:
Ngày 19/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã có gần 2 tiếng hội đàm tại Reykjavik (Iceland) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng Bắc Cực về quan hệ song phương cũng như nhiều vấn đề quốc tế nóng.
Cuộc gặp được phía Nga đánh giá là "mang tính xây dựng" dù vẫn còn những bất đồng nghiêm trọng.
Điện Kremlin đánh giá cao cuộc hội đàm ngoại trưởng Nga-Mỹ
Ngày 20/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc hội đàm Ngoại trưởng Nga-Mỹ là "tín hiệu tích cực" giúp Moscow quyết định về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo ông Peskov, Nga sẽ phân tích cuộc hồi đàm này trước khi Tổng thống Putin đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Biden.
Liên quan phát ngôn trước đây của Tổng thống Biden gọi người đồng cấp Nga là "kẻ sát nhân", Điện Kremlin cho hay, ông Putin sẽ không tìm cách nhắc lại những nhận xét bị cho là không lịch sự trong cuộc gặp thượng đỉnh nếu diễn ra, vì không muốn việc công kích cá nhân ảnh hưởng đến các nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Moscow và Washington. (RT).
Tình báo Nga ám chỉ Mỹ có thể đứng sau vụ tấn công mạng vào SolarWinds
Ngày 19/5, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin cho rằng, một số cơ quan tình báo Mỹ và Anh hoạt động trong lĩnh vực mạng có khả năng là thủ phạm đứng sau vụ tấn công mạng SolarWinds.
Ông Naryshkin nhắc lại một bài báo trên tờ The Guardian của Anh, trong đó nói về mối quan hệ hợp tác bí mật giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Anh với các công ty công nghệ và nhà cung cấp Internet hàng đầu. Theo các nhà báo, họ đã cùng đưa các bất ổn bí mật vào phần mềm thương mại.
Mỹ dỡ bỏ trừng phạt công ty phụ trách Dòng chảy phương Bắc 2
Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao trình lên Quốc hội Mỹ ngày 19/5, chính quyền của Tổng thống Joe Biden thông báo việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành của công ty này là Matthias Warnig phụ trách dự án Dòng chảy phương Bắc 2. (AFP, Reuters)
Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky ẩn ý 'âm mưu Nga'
Ngày 20/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định, việc Nga cấp hộ chiếu cho người dân ở miền Đông Ukraine là bước đầu tiên hướng tới công cuộc "sáp nhập" khu vực này.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine: "Điều tương tự đã từng xảy ra ở Crimea, người dân Crimea đã được cấp hộ chiếu Nga. Đây là một vấn đề lớn". (Reuters)
Bán đảo Triều Tiên:
Mỹ linh hoạt với Triều Tiên để tạo cơ hội cho ngoại giao
Ngày 20/5, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, chính sách mới về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden được soạn thảo linh hoạt nhằm tạo "cơ hội tốt nhất cho ngoại giao thành công" bằng cách đúc rút từ những nỗ lực không thành công trước đây.
Quan chức giấu tên này nói: "Chúng tôi nhận ra những nỗ lực trước đây gặp khó khăn ở đâu và chúng tôi quyết tâm cố gắng học hỏi từ những nỗ lực trước đây để tạo cho mình cơ hội tốt nhất cho ngoại giao thành công”.
Quan chức này khẳng định, Mỹ để ngỏ việc trao đổi với Triều Tiên. (Reuters)
Bộ Thống nhất Hàn Quốc kêu gọi Quốc hội ủng hộ phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom
Ngày 20/5, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã kêu gọi Quốc hội nước này ủng hộ và phê chuẩn thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều năm 2018, cho rằng các vấn đề xuyên biên giới như vậy nên được bảo vệ nhằm tránh những tranh cãi chính trị "vô bổ".
Bộ trưởng Lee nói: "Bộ Thống nhất đã gần như hoàn thành các công việc chuẩn bị nội bộ và xem xét các thủ tục khác liên quan đến việc phê chuẩn Tuyên bố Panmunjom", đồng thời cho biết, chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm trình lên Quốc hội.
Ông Lee nhấn mạnh việc phê chuẩn Tuyên bố này cũng thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong việc phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và về lâu dài sẽ giúp hai miền Triều Tiên và Mỹ hợp tác tốt hơn trong việc tạo ra bầu không khí hòa bình trong khu vực. (Yonhap)
Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu công du Mỹ
Ngày 19/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bắt đầu thực hiện chuyến công du Mỹ để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden về hợp tác trong các lĩnh vực như vaccine ngừa Covid-19, Triều Tiên, các vấn đề của liên minh Mỹ-Hàn và quan hệ đối tác kinh tế song phương.
Các chuyên gia dự đoán, vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như cách Seoul có thể lèo lái mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ sẽ là những chủ đề nổi bật trong cuộc gặp thượng đỉnh này. (Joint Press Corps/Yonhap)
Israel-Palestine:
Khả năng ngừng bắn ở Dải Gaza, Hamas ra điều kiện
Ngày 19/5, giới chức phong trào Hamas cho biết, một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột giữa Palestine với Israel "sắp diễn ra và có thể trong 24 giờ tới".
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, lãnh đạo cấp cao phong trào Hamas ở Gaza cho biết, lực lượng này chỉ chấm dứt các vụ phóng rocket nhằm vào Israel với hai điều kiện: Quân đội và cảnh sát Israel phải đồng ý không tái xâm phạm nhà thờ al-Aqsa; Israel không được buộc người Palestine ở khu vực Sheikh Jarrah phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Quan chức cấp cao của Hamas Moussa Abu Marzouk cũng nói rằng, lệnh ngừng bắn có thể đạt được trong 1-2 ngày tới.
Các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas từ hôm 10/5 đến nay đã khiến ít nhất 227 người ở Gaza thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Đây là cuộc giao tranh khốc liệt nhất giữa hai bên nhiều năm trở lại đây.
Tổng thống Putin ký sắc lệnh sơ tán công dân Nga khỏi Dải Gaza
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sơ tán công dân Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) khỏi Dải Gaza.
Sắc lệnh có đoạn viết: "Trong bối cảnh tình hình ở Dải Gaza xấu đi nghiêm trọng do chiến dịch quân sự của các lực lượng vũ trang Nhà nước Israel, việc sơ tán công dân Liên bang Nga và các nước thành viên SNG đang ở trong Dải Gaza phải được xem xét nếu họ bày tỏ nguyện vọng như vậy".
Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tình trạng Khẩn cấp và Cơ quan Tình báo Đối ngoại xác định thời hạn và hình thức sơ tán công dân, dựa trên các diễn biến ở Dải Gaza. (Sputnik)
Thỏa thuận hạt nhân Iran:
Ngày 19/5, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araghchi, trưởng đoàn đàm phán của Iran trong cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) nói rằng, cuộc đàm phán hạt nhân đã đạt được "tiến triển tốt", song một số vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết.
Các bên còn lại trong cuộc đàm phán cũng bày tỏ lạc quan với vòng đàm phán thứ 4 về thỏa thuận hạt nhân và đặt hy vọng lớn hơn về vòng đàm phán thứ 5, cũng là vòng cuối cùng, dự kiến diễn ra vào giữa tuần tới.
Biển Đông:
Tàu Anh bắt đầu hành trình ghé qua Biển Đông
Tờ The Australian ngày 20/5 cho biết, tàu sân bay hiện đại nhất của Anh HMS Queen Elizabeth vừa rời cảng Portsmouth ở phía Nam nước này để bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 28 tuần tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đi qua Biển Đông nhằm thể hiện cam kết của London đối với khu vực.
Tổng thống Mỹ: Mỹ phải bảo vệ những tuyến đường biển tại Bắc Cực, Biển Đông
Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nước này phải bảo vệ những tuyến đường biển rộng mở và an toàn ở Bắc Cực và Biển Đông trong bối cảnh các nước bao gồm Nga và Trung Quốc tìm cách khẳng định quyền kiểm soát to lớn hơn với những khu vực biển.
Ông Biden nêu rõ: "Đó là lợi ích sống còn của chính sách đối ngoại Mỹ nhằm đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở. Và điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta đóng vai trò tích cực để thiết lập các chuẩn mực ứng xử, để định hình chúng dựa trên các giá trị dân chủ, chứ không phải của những kẻ chuyên quyền".
Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và tương tự như Nga vì tạo ra các tiền đồn dọc theo bờ biển Bắc Cực. (Bloomberg)
Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự triệu hồi hàng loạt nhà ngoại giao
Ngày 19/5, Kyodo cho hay, theo một văn kiện nội bộ bị rò rỉ, chính quyền quân sự Myanmar đã chỉ thị khoảng 100 nhà ngoại giao đang công tác tại 20 quốc gia về nước, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản và Singapore.
Bên cạnh đó, chính quyền quân sự Myanmar cũng đã cách chức 2 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán nước này ở Tokyo, sau khi 2 nhà ngoại giao tẩy chay nhiệm vụ của họ nhằm phản đối vụ chính biến hôm 1/2 cũng như bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Vấn đề Đài Loan: Hàn Quốc nêu quan điểm về cuộc họp sắp tới của WHA
Ngày 20/5, giới chức ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, việc cho phép nhiều bên tham gia vào cuộc họp sắp tới của Đại hội đồng Y tế thế Giới (WHA), cơ quan hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tuần tới là điều quan trọng trong tình hình đại dịch Covid-19, cho dù đó là Đài Loan hay Vatican.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc cộng đồng quốc tế đang ngày càng chú ý đến khả năng Đài Loan được mời tham dự diễn đàn này với tư cách quan sát viên.
Mặc dù vậy, quan chức này cũng cho rằng, việc Đài Loan tham gia vào cuộc họp sắp tới của WHA là điều không dễ dàng, do sự phản đối của Trung Quốc: “Đã có những động thái từ Mỹ và Nhật Bản kêu gọi sự tham dự tích cực của Đài Loan, nhưng tôi nghĩ năm nay sẽ không có nhiều điểm khác biệt so với năm ngoái”. (Yonhap)
Hội nghị Tương lai châu Á: ASEAN có thể thành cầu nối hợp tác Mỹ-Trung?
Ngày 20/5, Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về "Tương lai châu Á" (FOA 2021) đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến.
FOA 2021 có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Á, trong đó các nhà lãnh đạo đến từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat.
Phát biểu tại FOA 2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc "một cách xây dựng".
Bên cạnh đó, có nhiều lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với ASEAN và với Trung Quốc, và đã những tín hiệu cho thấy, Washington và Bắc Kinh sẽ hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông cũng đề xuất Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đối với hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, ông cho rằng, hai bên cần nỗ lực giảm căng thẳng và tránh xung đột lợi ích - vốn là yếu tố cản trở hợp tác vì lợi ích chung.