Hợp đồng đóng tàu ngầm giữa Pháp và Australia bị phá vỡ sau khi Mỹ-Anh-Australia tuyên bố hiệp định an ninh ba bên mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS). (Nguồn: Sputnik) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Australia nhắn nhủ Đông Nam Á về Hiệp định AUKUS
Ngày 20/9, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis tuyên bố, thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ-Anh-Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS) "không phải là một liên minh hoặc hiệp ước quốc phòng" và thỏa thuận này "không thay đổi cam kết của Australia đối với ASEAN cũng như sự ủng hộ liên tục của nước này đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt".
Trong khi AUKUS đảm bảo Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, ông Nankervis khẳng định, Canberra "không mong muốn có được vũ khí hạt nhân và các tàu ngầm mới sẽ không mang đầu đạn hạt nhân".
Ông Nankervis nói: "Australia vẫn kiên định sự ủng hộ đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ NPT của chúng tôi với tư cách là quốc gia không có vũ khí hạt nhân". (ABC)
TIN LIÊN QUAN | |
10 điều rút ra từ sự ra đời của thỏa thuận AUKUS |
Thủ tướng Australia công du Mỹ, tuyên bố không bao giờ nghi ngờ Washington
Ngày 20/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison lên đường công du Mỹ để tham dự trực tiếp cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trong diễn đàn an ninh nhóm Bộ tứ gồm 4 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Chuyến đi trong bối cảnh thỏa thuận AUKUS vừa được công bố và khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Australia với Pháp liên quan hiệp định này.
Cùng ngày, nhật báo The Australian đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn được ghi trước với đài Sky News trước thềm chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, ông không bao giờ nghi ngờ Washington.
Đề cập việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhà lãnh đạo Australia bác ý kiến cho rằng có sự chuyển dịch các nguồn lực và sự tập trung của Mỹ sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia nói: “Mỹ là một quốc gia kiên định, một người bạn vĩ đại của Australia và tôi chắc chắn không bao giờ nghi ngờ về điều này”. (The Australian)
TIN LIÊN QUAN | |
Thỏa thuận Mỹ-Anh-Australia (AUKUS): Hợp tác có chọn lọc với sứ mệnh đặc biệt |
Bất ngờ đối với Tổng thống Pháp: AUKUS được thảo luận tại Thượng đỉnh G7 từ tháng 6?
Tờ The Sunday Telegraph đưa tin, những chi tiết về quan hệ đối tác an ninh Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) đã được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 6 tại Cornwall song Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không hề hay biết về việc này.
Theo nguồn tin, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tham gia các công tác chuẩn bị cho hiệp định này bất chấp những cảnh báo rằng, một hiệp định như vậy sẽ làm phương hại tới quan hệ với Bắc Kinh và Paris.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ 11-13/6 với sự tham gia của các lãnh đạo tới từ Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng như các lãnh đạo Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi với tư cách là các khách mời.
The Sunday Telegraph tiết lộ, tất cả tài liệu về AUKUS sau Hội nghị thượng đỉnh được phân loại "tối mật".
Liên quan căng thẳng giữa Pháp-Australia sau tan vỡ của một hợp đồng đóng tàu ngầm vì AUKUS, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Clement Bon cho biết, Liên minh châu Âu (EU) khó có thể tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Australia, vì lòng tin đã bị suy giảm.
Ông Clement Bon nói: “Giữ lời là một điều kiện tin cậy giữa các nền dân chủ và đồng minh. Vì vậy, không thể tưởng tượng được việc tiến tới các cuộc đàm phán thương mại như thể không có gì xảy ra với một quốc gia mà chúng ta không còn tin tưởng”. (TASS, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia trang bị tàu ngầm hạt nhân: Game changer hay chuyện thay đổi cuộc chơi! |
Mỹ-Trung Quốc: Tổng thư ký LHQ cảnh báo chiến tranh Lạnh mới
Ngày 18/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres có cuộc phỏng vấn với hãng tin AP trong bối cảnh Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ khai mạc vào sáng 21/9 để thảo luận hàng loạt vấn đề nóng như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các xung đột trên toàn cầu.
Nhận định về quan hệ Mỹ-Trung Quốc, ông Guterres nhắc lại lời cảnh báo hai năm trước rằng, nguy cơ thế giới bị chia cắt làm đôi, với việc Washington và Bắc Kinh tạo ra các quy tắc đối địch về tiền tệ, thương mại và tài chính cũng như các chiến lược địa chính trị và quân sự trong "trò chơi có tổng bằng không của riêng họ".
Nhấn mạnh rằng, hai chiến lược địa chính trị và quân sự đối địch sẽ gây ra "nguy hiểm" và chia rẽ thế giới, nhà lãnh đạo LHQ cho rằng, cần phải sửa chữa "mối quan hệ sa lầy" này.
Cảnh báo một cuộc chiến tranh Lạnh mới "rất khác với quá khứ, có thể nguy hiểm và khó quản lý hơn", ông Guterres kêu gọi thế giới cần cần phải tránh cuộc chiến "bằng mọi giá".
Người đứng đầu LHQ kêu gọi "thiết lập lại mối quan hệ chức năng giữa hai cường quốc", nhấn mạnh rằng, muốn giải quyết các thức thức toàn cầu như vấn đề tiêm chủng, biến đổi khí hậu... cần có các mối quan hệ mang tính xây dựng trong phạm vi cộng đồng quốc tế và "chủ yếu là giữa các siêu cường".
Đề cập thỏa thuận AUKUS, ông Guterres cho rằng, đây "chỉ là một mảnh nhỏ của một câu đố phức tạp hơn, đó là mối quan hệ hoàn toàn rối loạn giữa Trung Quốc và Mỹ". (AP)
TIN LIÊN QUAN | |
Đối đầu với Trung Quốc, Mỹ thực sự cần phải làm gì? |
EU chính thức thúc đẩy tự chủ chiến lược
Ngày 16/9, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận ba bên mới trong khu vực mang tên AUKUS. Chủ tịch EU Charles Michel cho rằng, thỏa thuận AUKUS “càng chứng tỏ EU cần có cách tiếp cận chung đối với một khu vực có lợi ích chiến lược”.
Tiếp sau kế hoạch ban đầu được đưa ra vào tháng 4/2021, EU nêu ra 7 lĩnh vực mà khối này sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm: y tế, an ninh, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, môi trường, thương mại và đại dương.
Kế hoạch này có thể đồng nghĩa việc EU sẽ hiện diện ngoại giao nhiều hơn về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ có thêm nhiều nhân sự và đầu tư của EU hơn trong khu vực, cũng như tăng hiện diện an ninh, bao gồm cả việc điều các tàu đi qua Biển Đông.
Tài liệu của khối cho biết: “Xét đến tầm quan trọng của sự hiện diện hải quân của châu Âu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU sẽ tìm cách đảm bảo việc triển khai hải quân của các quốc gia thành viên với mức độ cao hơn trong khu vực”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
EU thúc đẩy quan hệ đa diện với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước những lo ngại về Trung Quốc |
Bầu cử Hạ viện Nga: 95% phiếu được kiểm, Điện Kremlin và quan sát viên quốc tế đánh giá
Theo kết quả kiểm 95% số phiếu bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, tính đến 17h ngày 20/9 (giờ Việt Nam), đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền giành được 49,6% phiếu ủng hộ, tiếp sau là đảng Cộng sản với số phiếu ủng hộ là 19,2%.
Trong một tuyên bố cùng ngày, đảng Nước Nga Thống nhất ra tuyên bố đảng này đã giành được 2/3 số ghế đa số tại cơ quan lập pháp này.
Chia sẻ với báo giới, Điện Kremlin ra tuyên bố khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra trung thực, công khai, đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn quan sát viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Ilhom Nematov cho biết, không có vi phạm nghiêm trọng nào mang tính hệ thống có thể ảnh hưởng đến kết quả được ghi nhận trong cuộc bầu cử Hạ viện Nga.
Cùng ngày, phái đoàn quan sát viên quốc tế của Hội đồng Nghị viện Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tuyên bố, các vấn đề nhỏ liên quan đến công tác vận hành thiết bị và hoạt động của các điểm bỏ phiếu không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Hạ viện Nga và cách thức bày tỏ ý nguyện của người dân Nga. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Hạ viện Nga: Hơn 60% phiếu được kiểm, đảng cầm quyền tiến gần chiến thắng |
Đối thoại an ninh mạng Nga-Mỹ đem lại kết quả rõ ràng
Ngày 19/9, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định, Moscow và Washington đã đạt được một số kết quả rõ ràng trong tiến trình tham vấn an ninh mạng.
Ông Antonov cho hay: “Các đồng nghiệp Mỹ đang cố gắng tập trung vào khía cạnh tấn công đòi tiền chuộc trong các vấn đề an ninh mạng. Vấn đề này thực sự tồn tại, đòi hỏi chúng tôi phải hợp tác để xác định những cuộc tấn công này đến từ đâu và những kẻ tấn công là ai”.
Đại sứ Nga nhấn mạnh: “Những bước đi cụ thể đầu tiên theo hướng này đã được thực hiện và đạt được một số kết quả rõ ràng nhất định. Tuy nhiên, hầu hết công việc vẫn chưa được triển khai”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Sau nhiều tranh cãi, Nga-Mỹ bắt đầu hợp tác an ninh mạng |
Mỹ-Iran: Ngoại trưởng Iran không gặp quan chức Mỹ bên lề ĐHĐ LHQ
Ngày 20/9, tân Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến Mỹ để tham dự khóa họp thường niên lần thứ 76 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), bắt đầu diễn ra từ ngày 21/9.
Tại đây, ông Amir-Abdollahian “sẽ tham dự những cuộc gặp riêng rẽ và song phương” với những người đồng cấp của các quốc gia tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy vậy, cuộc gặp với các quan chức Mỹ “không có trong lịch trình”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ cần chuẩn bị một Kế hoạch B cho vấn đề hạt nhân Iran |
Bầu cử Canada: Cử tri bắt đầu đi bỏ phiếu
Ngày 20/9, cử tri Canada bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 44 tại nước này. Các địa điểm bỏ phiếu đã mở cửa lúc 18h cùng ngày (giờ Việt Nam) tại tỉnh đảo Newfoundland ở Đại Tây Dương.
Theo kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến, đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ đối mặt với một cuộc đua rất sít sao với đảng Bảo thủ của ông Erin O'Toole.
Thủ tướng Trudeau quyết định kích hoạt cuộc tổng tuyển cử sớm hơn 2 năm với hy vọng có thể lấy lại thế đa số tại Hạ viện dựa trên chiến dịch tiêm chủng thành công của chính phủ và chính sách hỗ trợ tài chính hào phóng dành cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.
Theo khảo sát của Nanos Research thực hiện với 1.600 người qua điện thoại từ ngày 16-18/9, trong số những cử tri đã có quyết định về lá phiếu của mình, đảng Tự do nhận được 31% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Bảo thủ được 30%.
| Bầu cử Canada: Ngay trước giờ G, hai phe Tự do-Bảo thủ vẫn bất phân thắng bại Ngày 19/9, một ngày trước cuộc tổng tuyển cử, các nhà lãnh đạo của 3 chính đảng lớn nhất Canada gồm đảng Tự do, Bảo ... |
| Covid-19 thế giới 20/9: Ấn Độ tính mở cửa du lịch; vaccine Pfizer giảm mạnh hiệu quả sau 4 tháng; nguy cơ lãng phí khoảng 100 triệu liều vaccine Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 229,3 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,7 triệu người tử ... |