📞

Tin thế giới 20/9: Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tới Belarus, Tổng tư lệnh Ukraine nguy cơ mất chức, Mỹ gia hạn cấm vận thương mại Cuba

Nhất Phong 19:58 | 20/09/2024
Ukraine trừng phạt hàng loạt cá nhân và tổ chức, Mỹ trừng phạt 6 đối tượng hỗ trợ Triều Tiên và Nga, gia hạn cấm vận thương mại Cuba, Nga nêu điều kiện giải quyết xung đột Ukraine với phương Tây… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ cho biết phong trào Hồi giáo Hamas và Israel khó có thể ký kết thỏa thuận ngừng bắn trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc. (Nguồn: Sky News)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Âu

*Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược tới Belarus, răn đe phương Tây và Ukraine: Chính quyền Nga ngày 20/9 cảnh báo phương Tây và Ukraine về “hậu quả thảm khốc” nếu theo đuổi “kịch bản khiêu khích” chống Belarus.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bày tỏ lo ngại về những hoạt động ngày càng “mang tính khiêu khích” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên biên giới Belarus. Ngoài ra, bà Zakharova không loại trừ nguy cơ leo thang xung đột trong khu vực.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga lưu ý Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. (Reuters)

*Estonia bắt đầu sản xuất hệ thống phòng không ở Ukraine: Hãng tin Bloomberg ngày 19/9 cho biết công ty quốc phòng mới của Estonia - Frankenburg Technologies vừa công bố bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không giá rẻ ở Ukraine.

Hệ thống này được thiết kế chủ yếu để tiêu diệt các thiết bị bay không người lái (UAV) và do các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và quốc phòng Estonia phát triển

Với chi phí hợp lý, hệ thống phòng không này hứa hẹn sẽ là một giải pháp hiệu quả cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công bằng UAV của Nga. (AFP)

*Nga nêu điều kiện giải quyết xung đột Ukraine với phương Tây: Chính quyền Nga ngày 20/9 tuyên bố phương Tây nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và tài trợ cho “hoạt động khủng bố” nếu muốn gửi đi tín hiệu cho thấy các nước này nghiêm túc trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Phát biểu trước báo giới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay kế hoạch hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra không liên quan đến nỗ lực giải quyết xung đột.

Hôm 18/9, Tổng thống Zelensky thông báo Ukraine đã hoàn tất quá trình chuẩn bị cho “Kế hoạch Chiến thắng” mà ông dự định sẽ thảo luận với người đồng cấp Joe Biden khi ông đến Mỹ vào tuần tới. (Reuters)

*Đức chuyển hơn 20 xe tăng Leopard và nhiều vũ khí cho Ukraine: Chính phủ Đức ngày 19/9 thông báo đã chuyển 22 xe tăng Leopard 1 A5, 61.000 viên đạn 155 mm, 3 pháo phòng không tự hành Gepard cùng các phụ tùng thay thế và nhiều thiết bị khác trong đợt chuyển giao viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.

Đợt chuyển giao này cũng bao gồm 5 xe địa hình Bandvagn 206, 2 radar giám sát trên không TRML-4D và một xe bọc thép đặc chủng Warthog, cũng như 112 xe từ kho dự trữ của quân đội và các ngành công nghiệp.

Cho đến nay, Ukraine đã nhận được 30 máy bay không người lái (UAV) Vector, 20 UAV Heidrun RQ-35, 12 UAV Songbird, 6 UAV Hornet XR và 20 UAV của hải quân. (AFP)

*Nga tiếp tục cảnh báo Mỹ về nguy cơ leo thang xung đột Ukraine: Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 20/9 cho biết Mỹ nên cân nhắc đến cảnh báo của Moscow về nguy cơ leo thang hơn nữa xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

Bình luận về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), ông Ryabkov nhấn mạnh sẽ không có cuộc gặp nào vì hai bên "không có gì để nói". (RIA Novosti)

*Ukraine trừng phạt hàng loạt cá nhân và tổ chức: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/9 đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với 48 cá nhân và tổ chức, trong đó có nhiều công ty và cá nhân của Nga, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran.

Các lệnh trừng phạt nhắm vào nhiều lĩnh vực, bao gồm vận tải, sản xuất, xây dựng và đầu tư. Các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực trong 10 năm và bao gồm việc phong tỏa tài sản, hạn chế hoạt động kinh tế và cấm tàu thuyền, máy bay nước ngoài vào lãnh thổ Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt này được đưa ra nhằm đáp trả các hành động mà Ukraine cho rằng đe dọa đến an ninh quốc gia. Biện pháp này đồng thời làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Ukraine với các quốc gia có công dân và tổ chức bị trừng phạt. (Sputniknews)

*Moldova buộc tội cựu Tổng tham mưu trưởng phản quốc: Văn phòng công tố Moldova đã buộc tội cựu Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Igor Gorgan tội phản quốc. Ông Gorgan bị tình nghi cộng tác với Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) từ giữa những năm 2000.

Cáo buộc này là kết quả của một cuộc điều tra kéo dài, với các tài liệu xác nhận mối liên hệ giữa ông Gorgan và tình báo Nga. Vào mùa hè 2023, ông bị tình nghi đã chuyển tài liệu mật cho Nga trong nhiều năm.

Theo điều tra, từ những năm 2000, ông Gorgan đã thường xuyên liên lạc với tình báo Nga, cung cấp thông tin về hoạt động của Các lực lượng vũ trang Moldova và đồng minh.

Ông Gorgan giữ chức Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Moldova đến cuối năm 2021. Ông từ chức sau khi Tổng thống Maia Sandu lên nắm quyền. (AFP)

*Tổng tư lệnh Ukraine đối mặt nguy cơ bị bãi nhiệm: Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), Tướng Alexander Syrsky, đang đối mặt với nguy cơ mất chức. Theo kênh Telegram "Legitimny" của Ukraine, Chánh văn phòng Tổng thống Andrei Ermak đã cảnh báo Tướng Syrsky phải tuân thủ chính xác mọi mệnh lệnh từ Tổng thống Zelensky và Ermak, nếu không sẽ phải từ chức.

Ermak yêu cầu Tướng Syrsky phải tạo nền tảng thông tin tốt trong thời gian ông Zelensky thăm Mỹ, bằng cách chuyển sang tấn công theo hướng Pokrovsk hoặc Kursk. Văn phòng Tổng thống không quan tâm đến phương tiện sử dụng để thực hiện nhiệm vụ này.

Kênh Telegram nhấn mạnh: "Tốt nhất ngay bây giờ Tướng Syrsky cần tấn công tích cực hoặc ít nhất là giữ vững những gì mình có. Nếu không, ông ta sẽ trở thành vật tế thần cho mọi rắc rối.". (AFP)

*Xung đột Ukraine có thể kết thúc vào năm 2025: Ngày 19/9, báo RBC-Ukraine dẫn các nguồn tin cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể kết thúc trước mùa Xuân năm 2025.

Theo RBC-Ukraine, cả Ukraine và các nước phương Tây đều nhận định về khả năng giao tranh có thể chấm dứt trong năm tới. Tuy nhiên, các kịch bản khác nhau vẫn đang được thảo luận.

Một số nguồn tin xác nhận đại diện Mỹ đã nói với lãnh đạo Ukraine về sự cần thiết phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2025. Việc tổ chức bầu cử liên quan trực tiếp đến việc dỡ bỏ thiết quân luật, đồng nghĩa với việc chấm dứt chiến sự.

Các nguồn tin nhấn mạnh cả Kiev và Washington đều nhất trí rằng việc tổ chức bầu cử trong bối cảnh xung đột đang diễn ra là không thể. Vì vậy, việc tổ chức bầu cử sẽ đòi hỏi phải có lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến sự thực sự, hoặc ký kết các văn bản chính thức đánh dấu xung đột kết thúc. (RBC)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Bắc Kinh chỉ trích Mỹ vi phạm nguyên tắc trong vấn đề Đài Loan: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương (Zhang Xiaogang) ngày 20/9 cho biết việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) đã vi phạm nghiêm trọng "Nguyên tắc một Trung Quốc" và các điều khoản của thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Trương thông báo rằng Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối nghiêm túc cho phía Mỹ về vấn đề này. Hôm 18/9, Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 9 công ty có liên hệ với quân đội Mỹ về việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan (Trung Quốc). (Reuters)

*Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên phóng thích công dân: Ngày 20/9, Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho đã kêu gọi Triều Tiên "ngay lập tức và vô điều kiện" trả tự do cho 6 công dân Hàn Quốc đang bị giam giữ.

Những người này gồm 3 nhà truyền giáo và 3 người trước đây từng là những người Triều Tiên đào tẩu, bị bắt giữ trong giai đoạn từ năm 2013-2016.

Hàn Quốc cũng cam kết nỗ lực tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề người Hàn Quốc bị bắt cóc, bị giam giữ và tù nhân chiến tranh (POW).

Ngoài 6 người Hàn Quốc bị giam giữ, 516 người Hàn Quốc vẫn chưa trở về quê nhà trong số khoảng 3.835 người bị Triều Tiên bắt cóc sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. (Yonhap)

*Chính phủ Campuchia điều chuyển nhân sự: Quốc hội Campuchia ngày 20/9 đã thông qua quyết định điều chuyển nhân sự trong nội các của Thủ tướng Hun Manet, với hai bộ trưởng hoán đổi chức vụ cho nhau.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Hun Manet, Quốc hội Campuchia đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Du lịch Sok Soken làm Bộ trưởng Thanh tra, trong khi Bộ trưởng Thanh tra Huot Hak được chỉ định làm Bộ trưởng Du lịch.

Phát biểu trước phiên bỏ phiếu, ông Hun Manet cho biết quyết định hoán chuyển nhân sự lần này được đưa ra nhằm đáp ứng "nhu cầu thiết yếu là thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả hơn cương lĩnh chính trị của chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá VII và Chiến lược Ngũ giác giai đoạn I". Nội các do Thủ tướng Hun Manet lãnh đạo được thành lập vào ngày 22/8/2023 với nhiệm kỳ 5 năm. (Khmer Times)

*Hàn, Mỹ tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược: Trong cuộc gặp Đại sứ Mỹ Philip Goldberg tại Quốc hội Hàn Quốc, lãnh đạo Đảng quyền lực quốc dân (PPP) Han Don-hoon tái khẳng định cam kết củng cố quan hệ đối tác chiến lược Seoul - Washington.

Hai bên nhấn mạnh liên minh 71 năm giữa Hàn Quốc và Mỹ dựa trên các giá trị chung như dân chủ tự do.

Đại sứ Goldberg nhấn mạnh liên minh quân sự Mỹ - Hàn đã phát triển thành quan hệ đối tác toàn cầu toàn diện, trải rộng trên nhiều lĩnh vực thương mại, giáo dục và ngoại giao.

Cả hai nước cam kết thúc đẩy và bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền trên toàn cầu. (Yonhap)

*Australia thu giữ 12 thiết bị trong vụ gián điệp liên quan đến Nga: Kênh truyền hình ABC ngày 20/9 trích dẫn nguồn tin từ tòa án xác nhận nhà chức trách Australia đã tịch thu 12 thiết bị và có được “lượng lớn” bằng chứng trong cuộc điều tra một cặp vợ chồng có hộ chiếu Nga với cáo buộc làm gián điệp cho Moscow.

Hồi tháng 7, các nhân viên thực thi pháp luật Australia đã bắt giữ cặp vợ chồng nêu trên với cáo buộc làm gián điệp cho Nga. Một tòa án Australia sau đó đã xác định các cá nhân bị bắt là Kira Koroleva và Igor Korolev. Theo cảnh sát liên bang, Kira - từng làm việc trong quân đội Australia - đã lợi dụng kỳ nghỉ để thực hiện “chuyến đi bí mật” đến Nga. Tại đây, Kira bị cáo buộc đã yêu cầu chồng mình, khi đó vẫn ở Australia, truy cập vào tài khoản công việc chính thức của vợ và gửi đi một số thông tin nhất định.

Đại sứ quán Nga tại Australia chỉ trích hành động công bố rộng rãi thông tin về vụ bắt giữ các công dân Nga tại Australia với cáo buộc làm gián điệp nhằm mục đích thúc đẩy làn sóng mới chống Moscow. (Sputniknews)

*Trung - Nhật đạt đồng thuận về xả nước thải từ Fukushima: Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 20/9 đưa tin Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được sự đồng thuận vào tháng 8 về việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Theo CCTV, hai bên đã nhất trí về việc Nhật Bản thiết lập một thỏa thuận giám sát quốc tế dài hạn và cho phép các bên liên quan tiến hành lấy mẫu và giám sát độc lập.

Nguồn tin cũng cho hay Trung Quốc nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán rằng việc lấy mẫu độc lập nên được tiến hành trước khi "dần dần" nối lại bất kỳ hoạt động nhập khẩu nào đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

*Báo Mỹ đánh giá về triển vọng ngừng bắn ở Gaza: Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức cấp cao Mỹ cho biết phong trào Hồi giáo Hamas và Israel khó có thể ký kết thỏa thuận ngừng bắn trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc.

Một quan chức Mỹ nhấn mạnh: "Không có thỏa thuận nào sắp xảy ra. Tôi không chắc khi nào hai bên sẽ đạt được thỏa thuận".

Theo báo trên, các bên "đang trong cơ chế chờ đợi" cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Nguồn tin cũng cho hay, trước tiên, các nhà đàm phán không thể thống nhất về tỷ lệ tù nhân Palestine mà Israel sẽ phải trả tự do để Hamas giải thoát một con tin Israel. (TASS)

*Tổng thư ký LHQ lên án vụ tấn công khủng bố ở Mali: Ngày 19/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Bamako của Mali ngày 17/9.

Trước đó, một khu phức hợp hiến binh ở Bamako đã bị tấn công. Bộ An ninh và Bảo vệ Dân sự Mali xác nhận tình hình đã được kiểm soát, nhưng không tiết lộ con số thương vong. Các phương tiện truyền thông đưa tin có hơn 70 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong vụ tấn công. (Al Jazeera)

*Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hòa giải Somalia và Ethiopia: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết nước này sẽ tổ chức các cuộc thảo luận riêng với Somalia và Ethiopia nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên trước vòng đàm phán mới.

Quan hệ giữa Mogadishu và Addis Ababa xấu đi sau khi Ethiopia ký thỏa thuận hàng hải với vùng ly khai Somaliland vào tháng 1/2024. Thỏa thuận cho phép Ethiopia tiếp cận biển qua Somaliland, nhưng Somalia coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho hai vòng đàm phán vào tháng 7 và tháng 8. Vòng thứ ba dự kiến ngày 17/9 đã bị hoãn để Ankara gặp riêng hai bên trước. Ngoại trưởng Fidan sẽ trực tiếp đàm phán nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai nước và hy vọng họ sẽ đạt được thỏa thuận. (Al Jazeera)

*Mỹ yêu cầu Hezbollah ngừng tấn công để giảm căng thẳng với Israel: Ngày 19/9, Mỹ tuyên bố lực lượng Hezbollah cần chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào Israel nếu muốn giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Nếu ông Nasrallah (lãnh đạo Hezbollah) chấm dứt các cuộc tấn công khủng bố, chúng tôi sẽ gây áp lực để Israel duy trì bình tĩnh. Nhưng ông ấy vẫn chưa làm vậy". Ông Miller nhấn mạnh: "Chừng nào Hezbollah còn tấn công qua biên giới, Israel sẽ tiến hành hành động quân sự tự vệ như bất kỳ quốc gia nào khác".

Trước đó, ông Nasrallah tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu với Israel "cho đến khi cuộc xâm lược Gaza chấm dứt", sau vụ nổ hàng nghìn thiết bị liên lạc được cho là do Israel thực hiện. (AFP)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Venezuela tham gia Hội đồng Thống đốc IAEA: Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil ngày 19/9 cho biết Venezuela đã được chỉ định là thành viên của Hội đồng Thống đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho nhiệm kỳ 2024-2026.

Trên trang Telegram, ông Gil cho hay việc chỉ định nói trên đã diễn ra tại Khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng IAEA ở Vienna (Áo). Ông Gil đã nhấn mạnh cam kết của Venezuela trong việc thúc đẩy sử dụng công nghệ và năng lượng hạt nhân vì hòa bình và phát triển.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela lưu ý nước này trở thành ứng cử viên cho vị trí nói trên từ năm 2022 và Caracas đã nỗ lực để giành được một trong 3 ghế đại diện của khu vực trong Hội đồng Thống đốc IAEA. Ngoài Venezuela, Argentina và Colombia cũng đại diện cho Mỹ Latinh và Caribe trong nhiệm kỳ này. (THX)

*Panama tìm cách hồi hương người Trung Quốc nhập cư trái phép: Ngày 19/9, Tổng thống Panama José Raúl Mulino cho biết nước này đang tìm cách đạt thỏa thuận với Trung Quốc để hồi hương công dân Trung Quốc di cư trái phép qua rừng Darién.

Theo số liệu chính thức, số người Trung Quốc vượt rừng Darién đã tăng từ 296 người giai đoạn 2010-2019 lên hơn 12.000 người trong những tháng đầu năm 2024.

Rừng Darién nằm ở biên giới Panama-Colombia, trở thành hành lang cho người di cư từ Nam Mỹ đến Mỹ. Cơ quan chức năng Panama ghi nhận sự gia tăng người di cư châu Á, chủ yếu là người Trung Quốc quá cảnh nước này trên hành trình tới Mỹ. (AP)

*Mỹ trừng phạt 6 đối tượng hỗ trợ Triều Tiên và Nga: Ngày 19/9, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt đối với 5 thực thể và 1 cá nhân tại Nga và một khu vực Gruzia bị Nga chiếm đóng. Lệnh trừng phạt được đưa ra dựa trên cáo buộc các đối tượng này tham gia kế hoạch hỗ trợ Bình Nhưỡng và Moscow né tránh các lệnh cấm vận.

Theo Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, các đối tượng này đã hỗ trợ thiết lập cơ chế thanh toán bất hợp pháp giữa Triều Tiên và Nga.

Động thái này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn mọi hành vi tài trợ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng cũng như hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. (Yonhap)

*Mỹ gia hạn cấm vận thương mại Cuba: Chính phủ Mỹ quyết định gia hạn thêm một năm (kéo dài đến 14/9/2025) việc áp dụng Luật Thương mại (TWEA) đối với Cuba. Đây là một trong những căn cứ của lệnh cấm vận áp đặt với Cuba từ năm 1962.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh việc gia hạn này phục vụ "lợi ích quốc gia của Mỹ". Ông là nguyên thủ thứ 12 của Mỹ duy trì chính sách này với đảo quốc láng giềng.

TWEA cho phép Tổng thống Mỹ áp đặt các hạn chế kinh tế đối với quốc gia được coi là thù địch, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong thời gian chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác. Cuba là nước duy nhất hiện bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật này.

Kể từ năm 1992, Cuba đều trình lên LHQ dự thảo nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận và nhận được sự ủng hộ của đa số quốc gia thành viên. Ước tính chính thức cho thấy lệnh cấm vận đã khiến Cuba thiệt hại hơn 164 tỷ USD trong 6 thập kỷ qua. (AFP)