Tổng tư lệnh VSU Valery Zaluzhny vẫn nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Ukraine. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Đa số người dân Ukraine ủng hộ Tổng tư lệnh VSU: Ngày 20/12, Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) đã công bố kết quả thăm dò dư luận, tiến hành trên 1.200 người sống trong các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát từ ngày 4-10/12.
Theo đó, chỉ 2% người Ukraine sẽ tích cực ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky bãi nhiệm Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) Valery Zaluzhny, trong khi 72% sẽ coi hành động như vậy là “tiêu cực”. Cuộc thăm dò cho thấy niềm tin của công chúng đối với ông Zaluzhny ở mức 92%, so với 77% những người tin tưởng Tổng thống Zelensky.
Thời gian gần đây, trên truyền thông Ukraine xuất hiện thông tin về mâu thuẫn giữa hai nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền sau khi ông Zaluzhny, trả lời phỏng vấn truyền thông Anh, đã nói rằng cuộc xung đột đang đi vào bế tắc.
Ngoài ra, Tổng tư lệnh VSU mới đây còn chỉ trích quyết định của Tổng thống Zelensky về việc sa thải những người đứng đầu văn phòng tuyển quân khu vực trong bối cảnh cuộc trấn áp tham nhũng vào mùa hè này. (Reuters)
* Truyền thông Đức: VSU đang thiếu người trầm trọng: Ngày 21/12, nhà báo Paul Ronzheimer của tờ Die Welt (Đức) cho biết các trung tâm ở Đức, nơi binh lính Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard 2, chỉ hoạt động ở một nửa quân số, điều này cho thấy VSU đang thiếu hụt người nghiêm trọng.
Về yêu cầu huy động thêm nửa triệu người Ukraine từ VSU, nhà báo Ronzheimer lưu ý rằng “ban đầu” những lời này đã “gây sốc” và dẫn tới tranh luận về “đối tượng huy động”. Theo ông, tuyên bố như vậy cho thấy “tình hình khó khăn đối với Ukraine”, dù thực tế là vấn đề về huy động đã tồn tại từ lâu.
Nhà báo này viết: “Ví dụ, chúng ta cũng nghe thấy từ Đức rằng ở các trung tâm huấn luyện, chẳng hạn như việc huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard 2, hiện chỉ hoạt động với khoảng một nửa số người. Điều này có nghĩa là hiện không có đủ người cho việc huấn luyện, và nếu cuộc chiến kéo dài hơn, nó đương nhiên sẽ gây ra vấn đề. Cuối cùng, mọi thứ phụ thuộc vào số lượng binh sĩ mỗi bên có”.
Trong một diễn biến khác, Alisa Jung, phóng viên kênh ZDF (Đức), cũng cho biết các binh sĩ VSU đang mệt mỏi vì chiến đấu, trong khi chính quyềnKiev đang phải đối mặt với tình trạng thiếu binh sĩ và đạn dược. Phóng viên này nhấn mạnh người Ukraine sợ mùa Đông đến và cũng mệt mỏi vì xung đột với Nga. Bà viết: “Những lời phàn nàn ngày càng lớn, người dân ngày càng chỉ trích (Tổng thống) Zelensky, niềm tin vào ông ấy và chính phủ đang nhanh chóng suy giảm”.
Bà Jung nhấn mạnh người dân vẫn nhớ về năm vừa qua và các đợt tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng. Theo họ, tình cảnh khó khăn có thể lại nảy sinh. Nhà báo cho hay bước tiến của VSU trên thực tế đã dừng lại. Điều này buộc quân đội Ukraine phải chuyển sang phòng thủ và cố sống sót qua mùa Đông. (DW/ZDF)
* VSU có thể thay thế đạn pháo bằng UAV: Ngày 21/12, các nguồn tin quân sự Ukraine cho biết ở Avdiivka, VSU buộc phải sử dụng nhiều máy bay không người lái (UAV) hơn do thiếu đạn pháo trầm trọng. Theo truyền thông Ukraine, sản lượng đạn pháo toàn thế giới đã đạt mức tối đa và “đạt trần”. Việc triển khai sản xuất số lượng lớn đạn pháo ở Ukraine cũng rất khó thực hiện. Do đó việc sản xuất UAV dễ dàng hơn nhiều vì chúng có thể được lắp ráp ở bất kỳ tầng hầm nào.
Một chiếc UAV FPV có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với một quả đạn pháo. Đồng thời, UAV có độ chính xác cao hơn khi tấn công các vị trí hoặc di chuyển thiết bị. Vì vậy, các nguồn tin Ukraine dự đoán việc thay thế đạn pháo bằng UAV có thể trở thành một trong những lựa chọn cho chiến lược của quân đội Ukraine trong thời gian tới. FPV là viết tắt của cụm từ First Person View (Góc nhìn thứ nhất). FPV này đem lại cho người điều khiển cảm giác điều khiển di chuyển linh hoạt, chân thực như một phi công đang ngồi trong buồng lái máy bay.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ sản xuất 1 triệu UAV trong năm 2024. Sau đó, Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine nói rõ rằng Tổng thống Zelensky muốn nói đến UAV FPV. Tháng 12/2023, chính phủ Ukraine ước tính việc sản xuất các UAV như vậy vào khoảng 50.000 chiếc/tháng, tức là ở mức sản xuất hiện tại, có thể sản xuất 600.000 UAV tấn công mỗi năm.
Song theo giới chuyên gia, UAV không thể thay thế hoàn toàn đạn pháo do chúng không thể phá hủy các công sự hoặc tạo ra mật độ hỏa lực để tấn công. (TASS)
Israel-Hamas
* Israel sẽ không ngừng bắn ở Gaza cho đến khi “xóa sổ” Hamas: Ngày 20/12, trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu: xóa sổ Hamas, giải thoát các con tin và chấm dứt mối đe dọa từ Gaza”. Bên cạnh đó, ông khẳng định các lực lượng Israel đang tấn công Hamas “khắp nơi” ở Gaza.
Tuyên bố trên được ông đưa ra trong bối cảnh thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh cùng ngày đã tới Cairo, Ai Cập để thảo luận với Giám đốc tình báo nước chủ nhà Abbas Kamel về khả năng tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. (AFP)
* Israel phát hiện trung tâm chỉ huy tối cao của Hamas dưới hầm ngầm ở Gaza: Ngày 20/12, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã phát hiện một mạng lưới đường hầm chạy sâu dưới thành phố Gaza ở miền Trung Dải Gaza, trong đó có “bất động sản” thuộc về thủ lĩnh Yahya Sinwar và nhiều chỉ huy cấp cao Hamas khác.
Người phát ngôn IDF, Trung tá Peter Lerner, cho hay mạng lưới đường hầm này được phát hiện khi các binh sĩ tiến vào khu vực trung tâm thành phố vài ngày qua. Theo những hình ảnh được công bố, các đường hầm có lối lên xuống bằng cầu thang xoắn ốc và thang máy sâu 20m dưới lòng đất. Các đường hầm được trang bị hệ thống điện, nước, camera giám sát và cửa chống bom đạn.
Ông Lerner nêu rõ: “Khu phức hợp cả trên và dưới mặt đất, là trung tâm quyền lực của cánh chính trị và quân sự thuộc Hamas”. Các đường hầm này được giới lãnh đạo cấp cao Hamas, bao gồm ông Sinwar, ông Ismail Haniyeh và ông Muhammad Deif sử dụng làm nơi chỉ đạo các hoạt động và để “bảo vệ hoạt động di chuyển hàng ngày” qua trung tâm thành phố Gaza.
Trước đó hồi đầu tuần, IDF cũng thông báo đã phát hiện một đường hầm bằng bê tông với khung sắt lớn bất thường, được thiết kế để các xe chở binh sĩ Hamas từ Dải Gaza tới thẳng khu vực biên giới với Israel. Tuy nhiên, đến nay phía IDF vẫn chưa tìm ra bất cứ nhân vật lãnh đạo cấp cao nào của Hamas. (Times of Israel)
* Giám đốc cửa khẩu Kerem Shalom thiệt mạng: Ngày 21/12, phong trào Hồi giáo Hamas và các quan chức y tế Palestine cho biết Israel đã tiến hành một cuộc không kích tại Rafah, phía Nam dải Gaza. Vụ tấn công đã khiến Đại tá Bassam Ghaben, Giám đốc cửa khẩu thương mại Kerem Shalom nằm ở biên giới Israel-Dải Gaza, và 3 người Palestine khác đã thiệt mạng. Tuy nhiên, một người phát ngôn của IDF đã phủ nhận mọi cáo buộc có liên quan tới vụ việc kể trên. (Reuters)
* Hamas nhấn mạnh điều kiện đàm phán trao đổi con tin: Ngày 21/12, Hamas khẳng định các phe phái ở Palestine bác bỏ đàm phán trao đổi tù nhân đến khi Israel chấm dứt chiến dịch quân sự: “Quyết định cấp quốc gia của Palestine là không được thảo luận về tù nhân hoặc trao đổi tù nhân trừ khi (Israel) chấm dứt hoàn toàn hành vi của mình”. Bên cạnh Hamas, nhóm Islamic Jihad, một nhóm chiến binh Palestine khác nhỏ hơn, cũng đang giữ các con tin tại Gaza. (Reuters)
* Ai Cập nói về “lằn ranh đỏ” tại dải Gaza: Ngày 20/12, phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Nga-Arab lần thứ 6 tổ chức ở thành phố Marrakesh (Morocco), Ngoại trưởng Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh Cairo coi việc di dời người dân Palestine khỏi lãnh thổ của họ là “lằn ranh đỏ không bao giờ được phép vượt qua dưới bất kỳ lý do nào”. Theo ông, cách tiếp cận như vậy sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán nghiêm túc và hiệu quả nhằm đạt giải pháp hai nhà nước, bảo đảm quyền của người dân Palestine được thành lập nhà nước độc lập dựa theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ai Cập cũng nhấn mạnh lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, đồng thời bảo đảm tiếp cận đầy đủ viện trợ nhân đạo. Ông Shoukry đánh giá cuộc khủng hoảng Gaza đã bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống toàn cầu và cách tiếp cận theo “tiêu chuẩn kép”.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Ai Cập cảm ơn Nga vì lập trường chính trị quốc tế cân bằng đối với các vấn đề Arab, trong đó có vấn đề Gaza tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Ông mong Moscow tiếp tục ủng hộ các quan điểm của người Arab và Palestine, bác bỏ hành vi của Israel, thu hút sự ủng hộ quốc tế cần thiết để Nhà nước Palestine được công nhận. (Al-Jaazera)
* Ngoại trưởng Iran, Qatar thảo luận giải pháp chính trị cho Dải Gaza: Ngày 20/12, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp chủ nhà Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã hội đàm tại thủ đô Doha, Qatar.
Trong cuộc hội đàm, hai bênđã thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Ngoại trưởng Iran cho rằng vấn đề của Palestine và sự phát triển của Dải Gaza là những vấn đề quan trọng nhất được hai nước cùng theo đuổi hai tháng qua, với mục tiêu ngăn chặn Israel tấn công Dải Gaza một cách lâu dài và bảo đảm hoạt động cung cấp viện trợ cho khu vực bị chiến tranh tàn phá này. Theo ông Amir-Abdollahian, quan trọng là phải tăng cường nỗ lực ở cấp khu vực và quốc tế để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Gaza.
Về phần mình, Ngoại trưởng Qatar mô tả nỗ lực chung của hai nước là “tích cực và hiệu quả” nhằm chuẩn bị nền tảng cho mục tiêu đạt một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza và tăng cường viện trợ cho người dân tại đây. Ngoại trưởng hai nước cũng cam kết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. (Tân hoa xã)
* Ngoại trưởng Mỹ kỳ vọng Israel tập trung vào điều này: Ngày 20/12, phát biểu họp báo cuối năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington mong muốn và kỳ vọng Nhà nước Do Thái sớm triển khai các hoạt động quân sự có cường độ thấp hơn ở dải Gaza, trong đó sẽ có nhiều hoạt động hơn tập trung vào các thủ lĩnh và cơ sở hạ tầng của phong trào Hồi giáo Hamas. Ông nhận định một khi sự thay đổi trên diễn ra, “thiệt hại đối với dân thường” sẽ giảm đáng kể.
Đồng thời, nhà ngoại giao xứ cờ hoa nhấn mạnh lời kêu gọi Israel thực hiện nghĩa vụ giảm thiểu thương vong cho dân thường trong nỗ lực vô hiệu hóa Hamas. Ông Blinken cũng kỳ vọng Israel thực sự tập trung vào việc đối phó với giới lãnh đạo của Hamas, mạng lưới đường hầm và một số vấn đề quan trọng khác. (Reuters)
Đông Nam Á
* Tổng thống Philippines “lo ngại” về các sự cố trên Biển Đông: Ngày 21/12, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr đã mô tả các sự cố hàng hải gần đây ở Biển Đông là “đáng lo ngại”. Nhà lãnh đạo này cũng tái khẳng định rằng Philippines sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của nước này theo luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi lực lượng vũ trang tiếp tục duy trì, thúc đẩy quan hệ đồng minh, đối tác hiện có. (Reuters)
Nam Á
* Trung Quốc kêu gọi các nước giúp Afghanistan giải quyết khủng hoảng: Ngày 20/12, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA), Phó Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Cảnh Sảng cho biết: “Hiện tại, hơn 3 triệu trẻ em Aghanistan đang bị suy dinh dưỡng và hơn 10 triệu người ở đó không biết bữa ăn tiếp theo của mình sẽ ở đâu. Mùa Đông đã đến và thảm họa nhân đạo ở Afghanistan sẽ còn tồi tệ hơn.
Chúng tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức bằng cách tăng cường viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, mang lại sự ấm áp và hy vọng cho người dân Afghanistan, đồng thời không để người dân thường Afghanistan trở thành nạn nhân của những tính toán chính trị”.
Đồng thời, ông bày tỏ “hy vọng rằng tất cả các bên sẽ có tầm nhìn dài hạn, tăng viện trợ phát triển cho Afghanistan và giúp nước này khôi phục chức năng của hệ thống ngân hàng, thiết lập trật tự kinh tế cơ bản và hội nhập tốt hơn vào hợp tác và kết nối kinh tế và thương mại khu vực”. Bên cạnh đó, ông Cảnh Sảng kêu gọi các nước trả lại tài sản ở nước ngoài bị đóng băng của Afghanistan, kêu gọi nỗ lực giúp Afghanistan tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản coi trọng Hàn Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Ngày 21/12, Quyền Phó đại sứ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, ông Yamamoto Mondo đã phát biểu tại hội thảo về quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản do Hội đồng Cố vấn thống nhất hòa bình, Viện Sejong và Quỹ lịch sử Đông Bắc Á phối hợp tổ chức.
Ông khẳng định Seoul và Tokyo là đối tác hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với sự giống nhau trong các chiến lược tương ứng. Lưu ý quan hệ song phương đã từng bước cải thiện năm nay, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước thông qua đối thoại. (Yonhap)
* Hàn Quốc thừa nhận bước tiến của Triều Tiên về phóng ICBM: Ngày 21/12, phát biểu trong phiên họp Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Shin Won Sik cho biết: “Triều Tiên đã thành công trong việc phóng tên lửa đi khoảng cách xa và phát triển tên lửa nhiên liệu rắn, nhưng vẫn chưa xác minh được liệu tên lửa đó có khả năng hồi quyển và tấn công chính xác mục tiêu hay không. Mặc dù công nghệ đa đầu đạn của tên lửa chưa được xác minh chính xác nhưng Triều Tiên được cho là đang đi theo hướng phát triển đó”.
Ông cam kết “đẩy nhanh” các nỗ lực răn đe hạt nhân cùng với Washington để khiến các thỏa thuận trong Nhóm tham vấn hạt nhân song phương (NCG) trở nên “không thể đảo ngược”, bất kể kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm tới. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga dọa trả đũa nếu EU sử dụng tài sản phong tỏa: Ngày 21/12, trả lời phỏng vấn kênh Russia 24 (Nga), Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói: “Chúng tôi cũng có đủ các tài sản bị phong tỏa ở đây, trong các tài khoản loại C. Con số không hề nhỏ, thu nhập từ việc sử dụng các quỹ này là đáng kể và chắc chắn cũng có thể được sử dụng nếu các đối tác không thân thiện đưa ra quyết định”.
EU đang đề xuất sử dụng thu nhập được tạo ra từ khoảng 300 tỷ USD quỹ bị đóng băng từ quỹ dự trữ ngân hàng trung ương Nga và thu về 16 tỷ USD. (Reuters)
* Hy Lạp tham gia bảo vệ hoạt động vận tải ở Biển Đỏ: Ngày 21/12, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Dendias thông báo nước này sẽ tham gia liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ tuyến đường vận tải toàn cầu trên Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.
Theo đó, một tàu khu trục của hải quân Hy Lạp sẽ tham gia lực lượng đặc nhiệm theo lệnh của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis. Theo ông Dendias, là một quốc gia vận tải hàng hải hàng đầu, Hy Lạp có “lợi ích cơ bản” trong việc giải quyết “mối đe dọa lớn” đối với vận tải hàng hải toàn cầu. (TTXVN)
* Armenia đình chỉ giấy phép của đài truyền hình Nga: Ngày 21/12, Đại sứ quán Nga tại Yerevan đã chỉ trích việc Armenia đình chỉ tạm thời chi nhánh tđịa phương của đài Sputnik (Nga) vì những bình luận “xúc phạm” mà một người dẫn chương trình đưa ra về Armenia trên sóng truyền hình. Đại sứ quán Nga ra tuyên bố cho rằng biện pháp trên “được thực hiện nhằm đẩy Armenia xa rời Nga hơn”.
Tối 20/12, Ủy ban chịu trách nhiệm về truyền hình và phát thanh Armenia thông báo rằng giấy phép của Tospa, đài Sputnik ở Armenia, đã bị đình chỉ trong 30 ngày sau phát biểu của nhân vật truyền hình Nga Tigran Keosayan hồi tháng 11. Theo ủy ban trên, ý kiến của ông Keosayan không phù hợp với điều mà một “nhà bình luận chính trị, người dẫn chương trình và công dân của một quốc gia khác” có “quyền” để nói, đồng thời ông đã kích động “các hành vi bất hợp pháp”. (AFP)
Trung Đông-châu Phi
* Diễn đàn Nga-Arab nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh hàng hải: Ngày 20/12, tuyên bố chung của Diễn đàn Hợp tác Nga-Arab đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm an ninh, an toàn cho giao thông hàng hải ở vùng Vịnh và Biển Đỏ.
Tại diễn đàn được tổ chức ở thành phố Marrakech của Maroc, các bộ trưởng đã chỉ trích “hành động phá hoại an ninh và an toàn giao thông hàng hải và thiết bị, nguồn cung năng lượng, đường ống dẫn đầu và các cơ sở vật chất liên quan”.
Tuyên bố cũng chỉ trích “mạnh mẽ các chiến dịch quân sự của Israel” với người Palestine ở Gaza và bác bỏ lý do cho rằng đây là “hành động tự vệ”. (Reuters)