📞

Tin thế giới 21/2: Phát hiện bất ngờ về vũ khí Nga trong xung đột, Đức có kế hoạch bí mật; bước đi tranh cãi của Mỹ và tuyên bố cứng từ Israel

Hoàng Hà 20:51 | 21/02/2024
Nhiều linh kiện phương tây trong vũ khí Nga dùng ở Ukraine, Mỹ tiếp tục phủ quyết dự thảo nghị quyết về Dải Gaza, Israel sẽ tiếp tục tấn công Hamas, EU áp đặt gói trừng phạt 13 lên Moscow... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Một số linh kiện do Canada sản xuất được phát hiện trong nhiều loại phương tiện tác chiến của Nga như tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2. (Nguồn: Wikipedia)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Vũ khí Nga dùng ở Ukraine có hàng loạt linh kiện phương Tây: Viện nghiên cứu vũ khí trong xung đột của Anh cho biết, một tên lửa do Nga phóng vào miền Đông Ukraine có hơn 290 linh kiện điện tử mang thương hiệu của 26 công ty ở Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore, Thụy Sỹ, Đài Loan và Mỹ.

Trong số các linh kiện, 75,5% có liên quan các công ty ở Mỹ, các công ty ở Đức (11,9%) và 3,1% liên quan các công ty ở Nhật Bản, hầu hết được sản xuất trong vòng 3 năm qua. Theo viện trên, tên lửa này là của Triều Tiên.

Trong khi đó, theo cơ sở dữ liệu của chính phủ Ukraine, nhiều linh kiện điện tử do các công ty Canada sản xuất đã xuất hiện trong 3 máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất là Shahed-136, Shahed-131, Mohajer-6 và trong UAV Orlan-10 do Nga sản xuất mà Moscow sử dụng ở quốc gia Đông Âu.

Một số linh kiện khác do Canada sản xuất cũng được phát hiện trong nhiều loại phương tiện tác chiến của Nga như tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2, hệ thống tác chiến điện tử Silok-01 dùng gây nhiễu UAV, xe bọc thép Kamaz Typhoon, xe cứu thương dã chiến bọc thép và pháo tự hành 2S5 Giatsint-S. (The Globe and Mail, Kyodo)

* Đức cân nhắc kế hoạch bí mật hỗ trợ quân sự cho Ukraine, kể cả vũ khí và thiết bị quân sự.

Để tránh áp lực trực tiếp lên Thủ tướng Olaf Scholz, văn kiện này loại trừ việc gọi tên trực tiếp tên lửa hành trình Taurus - từ lâu nằm trong danh mục yêu cầu của Kiev, mà gọi là “các hệ thống vũ khí tầm xa bổ sung”, cũng như các hệ thống vũ trang và xe bọc thép, cho phép Ukraine thực hiện tấn công vào hậu phương Nga.

Berlin phải đối mặt với vấn đề hoàn thiện sáng kiến này, trong khi Thủ tướng Scholz - người nổi tiếng với quan điểm thận trọng về việc chuyển giao một số vũ khí - vẫn chưa bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn.

Đức đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc bỏ phiếu sơ bộ về gói viện trợ quân sự nói trên, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này. Kết quả sẽ quyết định chính xác mức độ và thời điểm Ukraine có thể nhận được gói viện trợ mới. (DPA)

* Nga lên án Hội nghị G20 thảo luận về vấn đề Ukraine: Ngày 21/2, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, không thể chấp nhận việc đưa chủ đề Ukraine vào Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra trong các ngày 21-22/2.

Theo bộ trên, G20 "được thiết kế để tập trung nghiêm ngặt vào các thách thức kinh tế xã hội" và các vấn đề khác là "không cốt lõi", bao gồm cả xung đột Ukraine.

Theo trang web G20 của Brazil, ngoài những vấn đề khác, nhóm sẽ thảo luận về "tình hình ở Trung Đông và cuộc tấn công của Nga ở Ukraine, vốn tiếp tục gây ra mối lo ngại toàn cầu về khủng hoảng nhân đạo cũng như các vấn đề địa chính trị và kinh tế". (Reuters)

Trung Đông

* Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA về Dải Gaza: Ngày 20/2, Mỹ lần thứ 3 phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), do Algeria đề xuất, yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza.

Dự thảo nghị quyết nhận được 13 phiếu thuận, 1 phiếu chống (Mỹ) và 1 phiếu trắng (Anh). Do phản đối của Mỹ, nước ủy viên thường trực HĐBA, nên dự thảo đã không được thông qua.

Mỹ cho rằng, dự thảo không đưa đến nền hòa bình bền vững, kéo dài thời gian giam giữ đối với con tin và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo. Thay vào đó, Washington thúc đẩy HĐBA kêu gọi ngừng bắn tạm thời liên quan việc trả tự do cho các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ.

Nhiều nước như Nga, Ai Cập, Palestine lên tiếng phản đối hành động của Mỹ. Mới đây nhất, Trung Quốc cảnh báo, hành động của Mỹ đã đẩy cuộc xung đột vào tình thế “thậm chí còn nguy hiểm hơn”. (AFP, Reuters)

* Không có áp lực nào thay đổi được kế hoạch ở Dải Gaza, theo tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi nói chuyện với các binh sĩ Lực lượng phòng vệ nước này (IDF) tại căn cứ Zikim ở miền Nam ngày 20/2.

Đưa ra tuyên bố trên ngay sau khi HĐBA không thể thông qua dự thảo nghị quyết về Dải Gaza, ông Netanyahu thừa nhận, Israel đang phải đối mặt với những áp lực phải chấm dứt xung đột khi chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Nhà lãnh đạo nêu rõ: “Chúng ta muốn giải cứu thêm con tin và sẵn sàng nỗ lực hết sức để thực hiện điều đó, nhưng chúng ta sẽ không thỏa hiệp bằng bất cứ giá nào, đặc biệt là những cái giá ảo tưởng mà Hamas đã đặt ra”. (Anadolu)

* Đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và các tay súng Palestine ở Bờ Tây, khiến 3 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ra thông cáo cho biết, các binh sĩ nước này đã bao vây nhà của một nghi phạm “khủng bố” và đã tiêu diệt 3 phần tử vũ trang sau các vụ đọ súng ở Jenin.

IDF cũng huy động cả máy bay không người lái vũ trang để hỗ trợ cuộc tấn công vào địa điểm này. (Times of Israel)

* Tên lửa Israel tấn công thủ đô Syria trong ngày 21/2, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng.

Kênh truyền hình Nhà nước Syria cho biết, vụ tấn công nhằm vào khu dân cư Kafr Sousa, khiến một tòa nhà cao tầng bị cháy đen một phần, các cửa sổ bị vỡ, khói lửa bốc lên từ nhiều căn hộ... Khu vực bị tấn công cũng là nơi tập trung trụ sở các cơ quan an ninh và quân đội của Syria. (Reuters)

* Mỹ xác nhận lực lượng Houthi tấn công UAV và tàu hàng Mỹ: Ngày 21/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, Lực lượng Houthi của Yemen hôm 19/2 đã phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm vào tàu chở hàng M/V Sea Champion của Mỹ mang cờ Hy Lạp đang đi đến cảng Aden của Yemen.

Trong khi đó, hai quan chức Mỹ cũng xác nhận, một UAV MQ-9 của quân đội nước này đã bị lực lượng Houthi bắn hạ gần Yemen. (Reuters)

Châu Á

* Con trai cựu Thủ tướng Hun Sen làm Phó Thủ tướng Campuchia: Ngày 21/2, Quốc hội Campuchia phê chuẩn thêm 3 quan chức cấp cao giữ những cương vị mới trong Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VII.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Chức năng công cộng Hun Many - con trai út của Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP), cựu Thủ tướng Hun Sen - nhận được 120/120 phiếu tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Campuchia.

Như vậy, Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu hiện có 11 phó thủ tướng, 23 bộ trưởng cấp cao và 30 bộ trưởng. (AKP)

* Philippines muốn củng cố quan hệ với Indonesia: Ngày 20/2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr gửi lời chúc mừng ông Prabowo Subianto giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Indonesia.

Ông Marcos nói thêm: "Tôi mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương của Philippines với Indonesia, một nước láng giềng và đối tác thân thiết trong ASEAN, đặc biệt nhất là khi chúng ta kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay". (Jakarta Globe)

* Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Pháp, bày tỏ hy vọng Paris sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc phát triển mối quan hệ Bắc Kinh-châu Âu lành mạnh và ổn định bằng cách tăng cường sự tin cậy lẫn nhau cũng như thúc đẩy lợi ích hội nhập.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 20/2, ông Vương Nghị nhấn mạnh hai nước nên tăng cường phối hợp chiến lược và hợp tác để đóng góp cho hòa bình và ổn định toàn cầu.

Paris và Bắc Kinh nên tăng cường phối hợp chiến lược và làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược để đóng góp cho hòa bình và ổn định toàn cầu.

Về phần mình, Tổng thống Macron khẳng định, nước này luôn tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" và có lập trường rất rõ ràng về vấn đề này.

Pháp cũng tuân thủ nguyên tắc độc lập chiến lược và sẵn sàng tăng cường phối hợp chiến lược với Trung Quốc để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định. (Reuters, THX)

* Các chính đảng lớn Pakistan nhất trí thành lập chính phủ liên minh: Tối 20/2, lãnh đạo hai chính đảng lớn ở Pakistan là Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) thông báo đã nhất trí thành lập một chính phủ liên minh ở quốc gia Trung Nam Á.

Cựu Thủ tướng Shehbaz Sharif, Chủ tịch PML-N, sẽ là ứng cử viên của liên minh cho chức thủ tướng, trong khi đồng Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari sẽ là ứng cử viên chung cho vị trí Tổng thống.

Châu Âu

* EU tung gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga: Ngày 21/2, Bỉ, Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết, các đại sứ EU đã nhất trí về nguyên tắc gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga.

Gói trừng phạt mới này sẽ nhằm vào gần 200 thực thể và cá nhân của Nga nhưng không có các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực mới. Dự kiến, gói trừng phạt này sẽ chính thức được phê duyệt vào thời điểm đánh dấu năm thứ 2 xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, ngày 24/2 tới. (AFP)

* Tổng thống Nga Vladimir Putin bác tuyên bố của Mỹ về việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.

Mỹ đã thông báo với Quốc hội và các đồng minh ở châu Âu về thông tin tình báo mới liên quan vũ khí hạt nhân của Nga, có thể gây ra mối đe dọa quốc tế.

Tổng thống Putin khẳng định, các hoạt động trong không gian của Nga không khác biệt so với các nước khác, kể cả Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, những tuyên bố của Washington về ý định của Moscow nhằm mục đích khiến các nhà lập pháp Mỹ phải phân bổ nhiều kinh phí hơn để chống lại quốc gia châu Âu. (TASS)

* Tổng thống Belarus kêu gọi tuần tra có vũ trang trên các đường phố để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo nhà lãnh đạo, trong khi tỷ lệ tội phạm ở Belarus đang giảm, nước này lại có nguy cơ xảy ra các tội ác có "tính chất cực đoan", đồng thời yêu cầu đội tuần tra phải có mặt trên đường phố và trang bị vũ khí nhỏ, "ít nhất là súng lục". (Reuters)

Châu Mỹ

* Quân đội Mỹ mất 400 triệu USD để đối phó Houthi: Từ tháng 10/2023, Hải quân Mỹ đã phải đối mặt với thách thức mới từ lực lượng Houthi ở Yemen.

Quân đội Mỹ đã buộc phải triển khai nhiều vũ khí chống tên lửa và phòng không để đánh chặn tên lửa và UAV do Houthi phóng về phía Israel và các tàu ngoài ở khơi bờ biển Yemen.

Theo trang mạng The War Zone của Mỹ, trong giai đoạn này, khoảng 100 tên lửa thuộc dòng Standard đã được sử dụng, trong đó có 2 phiên bản SM-2 và SM-6, với giá lên tới 4 triệu USD/quả.

* Cuba ủng hộ Brazil trong căng thẳng với Israel: Ngày 20/2, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva sau khi ông Lula bị Israel tuyên bố là “nhân vật không được chào đón” tại quốc gia Trung Đông.

Chủ tịch Cuba nhấn mạnh, nước này hoan nghênh và ngưỡng mộ sự dũng cảm của Tổng thống Brazil, và rằng ông Lula sẽ “luôn đứng về phe chính nghĩa trong lịch sử”.

Brazil và Israel đang vướng căng thẳng ngoại giao liên quan việc Tổng thống Lula da Silva lên tiếng cáo buộc Israel phạm tội ác “diệt chủng” đối với người dân tại Dải Gaza và so sánh hành động này với chiến dịch tàn sát người Do Thái trước đây của chế độ Đức Quốc xã.

Israel đã phản ứng mạnh, khiến Brazil triệu hồi Đại sứ ở Tel Aviv.

* Tiến trình hòa bình ở Colombia lại rơi vào bế tắc: Nhóm vũ trang quân đội giải phóng quốc gia (ELN) vừa tuyên bố “đóng băng” các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Colombia.

Theo ELN, dù hai bên đã đạt được thỏa thuận về một quy trình quốc gia có sự tham gia của xã hội nhưng chính quyền của Tổng thống Gustavo Petro lại “thiết lập một cuộc đối thoại khu vực ở vùng Nariño ngoài tiến trình quốc gia nói trên và phớt lờ phái đoàn ELN”.

ELN nhấn mạnh, đối thoại giữa hai bên vì vậy sẽ rơi vào khủng hoảng cho đến khi chính phủ Colombia "tuân thủ thỏa thuận”. (AFP)

Châu Phi

* Senegal công bố danh sách ứng cử viên tổng thống mới gồm 19 người, sau khi ứng cử viên Rose Wardini rút lui do vướng phải vấn đề pháp lý vì bị nghi ngờ có hai quốc tịch.

Vẫn chưa có quyết định về ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Senegal, dù Tòa án Tối cao yêu cầu "các cơ quan có thẩm quyền" tổ chức cuộc bỏ phiếu nói trên "càng sớm càng tốt". (AFP)

* Thủ tướng CHDC Congo Sama Lukonde Kyenge đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Felix Tshisekedi vào ngày 20/2, dẫn đến việc giải tán chính phủ của ông, song không rõ lý do từ chức.

Tuyên bố của văn phòng Tổng thống cho biết, nguyên thủ quốc gia đã chấp nhận đơn, song chính phủ của ông Lukonde được yêu cầu tiếp tục giải quyết các vấn đề hiện tại" cho đến khi chính phủ mới được thành lập. (Reuters)