📞

Tin thế giới 21/2: Sai lầm của Ukraine; động thái bất thường ở nước Nga; Thượng đỉnh Nga-Mỹ liệu có thành?

Hoàng Hà 19:44 | 21/02/2022
Dư luận quốc tế xoay quanh căng thẳng Nga-Ukraine, các diễn biến mới tại Kiev và Moscow, Thượng đỉnh Nga-Mỹ liệu có được tổ chức, thông tin mới nhất về thỏa thuận hạt nhân Iran là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Nga-Mỹ nhất trí về mặt nguyên tắc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, song với điều kiện 'không xảy ra một cuộc xâm lược'. (Nguồn: Pgurus)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

Phương Tây chưa 'buông tha' về thời điểm Nga hành động, Mỹ nói 'thảm họa'

Ngày 20/2, hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận định, Nga có thể sắp sửa tấn công Ukraine: "Kịch bản phát triển sự kiện tồi tệ nhất có thể xảy ra ngay vào tuần tới. Thực tế là Nga đang cố gắng vặn ngược đồng hồ".

Theo quan điểm của bà, châu Âu đang đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ XX và có khả năng "Nga sẽ không tiếp nhận dàn xếp ngoại giao".

Tương tự, Đài phát thanh quốc tế Prague dẫn lời Thủ tướng Czech Petr Fiala cho hay, Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, mọi thứ đang diễn ra trên thực địa tại Ukraine, bao gồm thông báo kéo dài các cuộc tập trận của Nga và Belarus, đều cho thấy thế giới đang chuẩn bị chứng kiến một cuộc xâm lược của Moscow đối với quốc gia láng giềng thân phương Tây.

Cùng ngày, quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien cho rằng, một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ là "thảm họa", gây thương vong tiềm tàng cho cả hai bên và kèm theo đó là "các lệnh trừng phạt" từ Mỹ và đồng minh nhằm vào Moscow.

Các nhận định của giới chức phương Tây được đưa ra trong khi Nga tiếp tục phủ nhận cáo buộc lên kế hoạch tấn công Ukraine. (Reuters, AFP)

EU sắp ra tay với Nga, Ukraine tính thúc đẩy hành động?

Ngày 20/2, trang mạng truyền thông châu Âu Euractiv đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) có thể quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong vài ngày tới bởi tất cả văn bản pháp lý đã sẵn sàng.

Theo Euractiv, EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt với sự phối hợp của Mỹ, Anh và Canada, đồng thời tiếp tục phối hợp các kế hoạch với Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy Sỹ.

Trong khi đó, ngày 21/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Có rất nhiều quyết định mà EU có thể đưa ra hiện nay nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng, sự leo thang của Moscow sẽ không được dung thứ và Ukraine sẽ không bị bỏ rơi".

Theo ông, đây không chỉ là thông điệp chính trị mà còn là hành động rất cụ thể như hỗ trợ sự phát triển trong lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ an ninh mạng của Ukraine, áp đặt một số biện pháp trừng phạt.

Nhà ngoại giao Ukraine cho biết: "Thông điệp mà hôm nay tôi sẽ gửi tới các đồng nghiệp EU là chúng tôi tin rằng, có những lý do chính đáng và hợp pháp để áp đặt ít nhất một số biện pháp trừng phạt vào thời điểm này nhằm chứng minh EU không chỉ nói đến biện pháp trừng phạt mà còn thực hiện cam kết này”.

Ukraine

Ngoại trưởng Ukraine: Kiev sai lầm khi từ bỏ vũ khí hạt nhân

Ngày 20/2, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS của Mỹ, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho rằng, việc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân theo Bản ghi nhớ Budapest ký năm 1994 là một sai lầm, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ và Anh phải đảm bảo an ninh cho Kiev.

Ông Kuleba nói rõ: “Với thực tế là chúng tôi đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và những đảm bảo an ninh mà chúng tôi được trao không có ích gì, tôi nghĩ rằng một số quốc gia cần cảm thấy có trách nhiệm đối với thực tế này”.

Bản ghi nhớ Budapest được Ukraine, Mỹ, Anh và Nga ký ngày 5/12/1994. Văn kiện này đưa ra những đảm bảo về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Đổi lại, các nước trên cam kết tôn trọng chủ quyền của Ukraine và không sử dụng các loại vũ khí này để chống lại Kiev.

Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Zelensky, nhà nghiên cứu chính trị người Nga Dmitry Solonnikov cho rằng, nhà lãnh đạo Ukraine đang tống tiền phương Tây. Theo đó, Kiev chỉ đơn giản là muốn có tiền để đổi lấy việc từ bỏ sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong khi đó, Đại sứ Đức tại Ukraine Anka Feldhusen đánh giá, Bản ghi nhớ Budapest không phải là đảm bảo cho việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân do tình trạng pháp lý không rõ ràng của văn kiện. (24 World hours)

EU thông qua gói hỗ trợ tài chính vi mô cho Ukraine

Ngày 21/2, Hội đồng châu Âu xác nhận, cơ quan này đã hoàn tất quá trình thông qua khoản hỗ trợ tài chính vi mô trị giá 1,2 tỷ Euro (khoảng 1,36 tỷ USD) dành cho Ukraine dưới hình thức cho vay để thúc đẩy sự ổn định ở quốc gia Đông Âu.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu có đoạn: “Liên minh châu Âu (EU) dự định cung cấp gói hỗ trợ nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng nghiêm trọng và tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine”. (Sputnik)

Nga

Hội đồng An ninh Nga họp bất thường, Tổng thống Putin chủ trì

Ngày 21/2, hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì phiên họp “lớn” và không phải thường lệ của Hội đồng An ninh quốc gia trong cùng ngày.

Mặc dù không tiết lộ chủ đề của phiên họp, song người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, ông Putin sẽ trình bày bài phát biểu quan trọng, cũng như lắng nghe các báo cáo khác của những người tham gia phiên họp.

Theo ông Peskov, tại sự kiện này, dự kiến các Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng các bộ sẽ lần lượt phát biểu về các biện pháp hỗ trợ các gia đình có trẻ em, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, quá trình khí hóa các khu vực, sự phát triển của giáo dục phổ thông và tình hình phát triển của cơ sở hạ tầng của các tổ chức văn hóa.

Ngoài ra, ông Mikhail Kuznetsov - người đứng đầu Ban chấp hành Tổ chức Mặt trận nhân dân toàn Nga sẽ báo cáo về kết quả giám sát công tác thực hiện các chỉ thị trước đó của Tổng thống Putin.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, cuộc họp sẽ được tổ chức hoàn toàn ở chế độ mở.

Mỹ khuyến cáo công dân tại Nga dự phòng kế hoạch sơ tán

Ngày 20/2, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cảnh báo các công dân nước này ở Nga cần có kế hoạch an ninh cá nhân và sơ tán mà không dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ ở Washington.

Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ: "Đã có những lời đe dọa tấn công nhằm vào các trung tâm mua sắm, ga đường sắt, tàu điện ngầm, và các tụ điểm công cộng khác ở các khu vực đô thị lớn, bao gồm cả Moscow và St.Petersburg, cũng như ở các khu vực căng thẳng dọc biên giới Nga với Ukraine".

Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặt câu hỏi rằng, liệu phía Mỹ có chuyển cho Moscow thông tin về các cuộc tấn công có thể xảy ra hay không, "và nếu không, làm thế nào để hiểu được tất cả những điều này?". (Reuters)

Nga-Mỹ:

Điện Kremlin thông báo về Thượng đỉnh Nga-Mỹ, Ukraine muốn góp mặt

Ngày 21/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden có thể sẽ điện đàm hoặc gặp mặt trực tiếp bất cứ lúc nào.

Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh căng thẳng gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine, song những hoạt động giao thiệp ngoại giao vẫn đang được thực hiện.

Phát biểu của ông Peskov được đưa ra sau khi Pháp cho hay, Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden đã nhất trí trên nguyên tắc về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với điều kiện "không xảy ra một cuộc xâm lược".

Nhà Trắng cũng xác nhận về thông tin này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hoan nghênh sáng kiến của Pháp về hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng hội nghị này sẽ dẫn đến quyết định rút quân của Moscow.

Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho rằng, Thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì nếu thiếu sự can dự của Kiev. (Reuters, AFP)

EU ủng hộ Mỹ và Nga đối thoại về Ukraine

Ngày 21/2, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, khối này ủng hộ nỗ lực mới nhất nhằm thu xếp thêm những cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow để tìm ra giải pháp ngoại giao trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên ở Brussels (Bỉ) trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU, ông Borrell nói: "Những cuộc gặp cấp cao, ở cấp lãnh đạo, ở cấp bộ trưởng, dù theo hình thức nào, cách thức đối thoại nào, ngồi vào bàn đàm phán và cố gắng tránh chiến tranh đều hết sức cần thiết".

EU khẳng định sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì có thể làm cho những cuộc đối thoại ngoại giao trở thành cách thức quả nhất, con đường duy nhất để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine". (Reuters)

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Iran lạc quan với tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA

Ngày 21/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã đạt được "tiến triển đáng kể".

Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani cho hay, những cuộc đối thoại với các nhà đàm phán châu Âu đang và sẽ tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên, những cuộc đàm phán với Mỹ không nằm trong chương trình nghị sự vì sự kiện này không phải là nguồn gốc của "bất kỳ bước đột phá nào". (Reuters)

Israel muốn thảo luận với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran mới

Ngày 20/2, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đánh giá, Iran có thể sớm ký‎ một thỏa thuận hạt nhân mới với các cường quốc thế giới, nhưng thỏa thuận này "yếu hơn"‎ so với phiên bản năm 2015.

Theo nhà lãnh đạo Israel, các cuộc thương lượng đang tiến triển nhanh và chúng ta có thể "sớm chứng kiến một thỏa thuận hạt nhân mới".

Bên cạnh đó, cảnh báo việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ giúp nước này có thêm nhiều tiền để phát triển vũ khí, ông Bennett khẳng định, Israel đã chuẩn bị tốt để bảo vệ an toàn cho người dân trong mọi hoàn cảnh.

Trong khi đó, ngày 21/2, Bộ trưởng Giao thông vận tải và An toàn đường bộ Israel Merav Michaeli cho hay, quốc gia Do Thái sẽ giải tỏa những lo ngại của mình về một thỏa thuận hạt nhân Iran mới thông qua những hoạt động tiếp xúc song phương với Mỹ trong tương lai.

Bà Michaeli nhận định, “thỏa thuận hạt nhân (đang dần hình thành) hiện nay ngắn hơn nhiều” và “rất có vấn đề”, do đó, "Israel sẽ thực hiện bất cứ điều gì có thể để làm cho thỏa thuận này trở thành tốt nhất có thể… và nghiên cứu về một thỏa thuận bổ sung giữa Israel và Mỹ”. (Reuters)