![]() |
Tổng thống Trump cầm sắc lệnh giải thể Bộ Giáo dục tại Nhà Trắng ngày 20/3. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hàn - Trung nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế: Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 21/3 đã nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế và phát triển hơn nữa quan hệ song phương thông qua việc khôi phục các hoạt động giao lưu văn hóa.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Tokyo trước cuộc họp 3 bên với Ngoại trưởng Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Trung Quốc cũng nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về tự do thương mại trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. (Yonhap)
Tin liên quan |
![]() |
*Indonesia khẳng định theo đuổi chính sách đối ngoại thân thiện: Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại thân thiện với tất cả các quốc gia.
Phát biểu tại lễ khai trương Đặc khu kinh tế công nghiệp Batang ở tỉnh Trung Java, Tổng thống Prabowo bày tỏ: "Tôi nhấn mạnh rằng chính phủ do tôi lãnh đạo duy trì quan điểm và chính sách giữ gìn quan hệ thân thiện với tất cả các nước. Chúng tôi muốn trở thành một người láng giềng tốt".
Tổng thống Prabowo trích dẫn ý tưởng "nghìn bạn vẫn ít, một kẻ thù đã là quá nhiều", nhấn mạnh cam kết của Indonesia đối với ngoại giao hòa bình trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. (THX)
*Quan chức an ninh Trung, Nga gặp nhau tại Bắc Kinh: Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng cho biết nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga trong các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố và đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới khi gặp Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tại Bắc Kinh ngày 21/3.
Theo Tân Hoa Xã, ông Vương Tiểu Hồng phát biểu với Giám đốc FSB Alexander Bortnikov rằng Trung Quốc ủng hộ các cuộc gặp gỡ đa cấp giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh của hai nước. (Reuters)
*Trung Quốc tiếp tục phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ: Ngày 21/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc phản đối việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương "vô tội vạ và phi pháp" sau khi một nhà máy lọc dầu của nước này tại tỉnh Sơn Đông bị đưa vào danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ liên quan đến Iran.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Mao Ninh nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc. (Reuters)
*Nhật Bản khẳng định về kế hoạch hợp tác quân sự với Mỹ: Ngày 21/3, Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao năng lực răn đe và ứng phó cùng với Mỹ, bất chấp các thông tin cho thấy Washington có thể dừng mở rộng lực lượng tại quốc gia châu Á này nhằm cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Trước đó, CNN và NBC News đã đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét lại kế hoạch dừng mở rộng lực lượng ở Nhật Bản dựa trên tài liệu của Lầu Năm Góc, động thái này có thể giúp tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD. Theo hiệp ước an ninh giữa hai nước, lực lượng quân sự Mỹ hiện đang đồn trú tại Nhật Bản, chủ yếu ở tỉnh Okinawa và quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. (Kyodo)
*Trung Quốc đạt đột phá về vệ tinh lượng tử: Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc-Nam Phi đã thiết lập kỷ lục mới trong lĩnh vực truyền thông lượng tử khi tạo ra đường truyền thông lượng tử dài nhất thế giới, sử dụng vệ tinh nhỏ và các trạm thu phát di động mặt đất.
Theo công bố trên tạp chí Nature ngày 21/3/2025, nhóm nghiên cứu đã sử dụng vệ tinh Jinan-1 để kết nối thành công giữa Đại học Stellenbosch (Nam Phi) và một trạm nghiên cứu ở Bắc Kinh. Để chứng minh khả năng hoạt động của hệ thống, họ đã truyền thành công hai bức ảnh qua khoảng cách 12.900km: một bức chụp Vạn Lý Trường Thành và một bức chụp khuôn viên trường đại học.
Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển công nghệ này, với châu Âu đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách. (SCMP)
*Triều Tiên cảnh báo sử dụng "vũ khí hủy diệt" đáp trả cuộc tập trận Hàn-Mỹ: Ngày 21/3, Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã cảnh báo sử dụng "vũ khí quân sự chết người nhất" để đáp trả cuộc tập trận thường niên chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên đưa ra cảnh báo này trong một bài viết được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, một ngày sau khi hai đồng minh kết thúc cuộc tập trận Freedom Shield kéo dài 11 ngày, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ chung.
Bộ Quốc phòng Triều Tiên mô tả cuộc tập trận này là "các hành động khiêu khích quân sự", dẫn chứng các cuộc diễn tập nhằm phá hủy mạng lưới đường hầm bí mật và loại bỏ vũ khí hạt nhân.(Yonhap)
Châu Âu
*Moscow lên án Ukraine tấn công cơ sở khí đốt: Ngày 21/3, Nga cáo buộc Ukraine đã làm nổ tung một trạm bơm và đo khí đốt chủ chốt của Nga ở tỉnh Kursk, giáp biên giới với Ukraine, trong cuộc tấn công mà Moscow xem là "hành động khủng bố".
Trong thông báo, Ủy ban Điều tra Nga cho hay họ đã tiến hành cuộc điều tra hình sự về vụ việc gây "thiệt hại đáng kể" cho cơ sở gần thị trấn Sudzha này.
Hiện quân đội Ukraine phủ nhận việc liên quan đến vụ tấn công trên. (Reuters)
*Ukraine kêu gọi EU phê duyệt gói viện trợ 5 tỷ euro: Ngày 20/3, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ trị giá ít nhất 5 tỷ euro (5,45 tỷ USD) dành cho đạn pháo.
Phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra quyết định nhanh chóng, thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu có hành động quyết đoán trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Ông cũng chỉ trích việc cản trở các quyết định của EU. (THX)
*Nga cáo buộc Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn vào cơ sở năng lượng: Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại kho dầu ở vùng Krasnodar, Nga, nơi các lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy bùng phát sau cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine trước đó trong tuần này.
Đám cháy đã lan sang một bồn chứa khác, khiến diện tích cháy tăng lên đến 10.000 m². Hai lính cứu hỏa đã bị thương trong quá trình dập lửa. Kho dầu này, nằm gần làng Kavkazskaya, là một nhà ga quan trọng cho việc vận chuyển dầu của Nga đến đường ống nối Kazakhstan với Biển Đen.
Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích Ukraine vì đã vi phạm đề xuất ngừng bắn đối với các cơ sở năng lượng khi thực hiện cuộc tấn công vào kho dầu này. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Israel mở rộng vùng đệm ở Gaza, dồn ép Hamas thả con tin: Ngày 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz đã ra lệnh cho quân đội nước này mở rộng vùng đệm tại khu vực biên giới với Dải Gaza, trong bối cảnh phong trào Hamas từ chối thả các con tin Israel.
Bộ trưởng Katz phát biểu: "Tôi đã chỉ thị cho IDF chiếm đóng thêm các vùng lãnh thổ ở Gaza, sơ tán dân thường và mở rộng vùng đệm tại khu vực biên giới với Dải Gaza để bảo đảm an toàn cho các khu định cư Israel và binh sĩ IDF".
Ông Katz còn tuyên bố, Israel sẽ chiếm lấy Gaza nếu Hamas tiếp tục từ chối thả con tin. Theo ông, quân đội Israel đang gia tăng áp lực lên Hamas, buộc lực lượng này phải thả các con tin còn lại, bao gồm cả việc sơ tán người dân Gaza về phía Nam và thực hiện kế hoạch tái định cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (RIA Novosti)
*Lãnh đạo tối cao Iran cảnh báo Mỹ về hành động chống Tehran: Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, ngày 21/3 tuyên bố Tehran không ủy nhiệm cho lực lượng nào trong khu vực và các nhóm mà nước này ủng hộ đều hoạt động độc lập.
Ông Khamenei nhấn mạnh: "Mỹ cần biết rằng nếu động đến Iran, họ sẽ hứng chịu một đòn đau đớn".
Hôm 17/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông sẽ quy trách nhiệm cho Iran về bất kỳ cuộc tấn công nào do lực lượng Hồi giáo Houthi ở Yemen - mà Mỹ cho rằng Iran đang hỗ trợ - thực hiện. (Al Jazeera)
*Quân đội Sudan kiểm soát Phủ Tổng thống tại Khartoum: Theo đài truyền hình Sudan và các nguồn tin của Reuters, quân đội Sudan đã giành quyền kiểm soát Phủ Tổng thống tại Khartoum.
Trước đó, các nguồn tin quân sự tiết lộ quân đội Sudan đã tiến vào Phủ Tổng thống ở Khartoum từ phía Đông. Ngày 21/3, quân đội Sudan cho biết đã kiểm soát các bộ ngoài Dinh Tổng thống ở thủ đô Khartoum, một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến kéo dài 2 năm giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), đe dọa làm chia rẽ đất nước.
Người phát ngôn quân đội Sudan Nabil Abdallah khẳng định quân đội đã tái chiếm được dinh Tổng thống từ tay lực lượng RSF sau một trận giao tranh ác liệt. (Reuters)
*Israel sa thải người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa: Nội các Israel đã phê chuẩn yêu cầu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về việc sa thải ông Ronen Bar, người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa Shin Bet.
Theo truyền thông Israel, quyết định sa thải ông Ronen Bar được nhất trí thông qua ngày 21/3 và sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4.
Quyết định muộn màng này làm sâu sắc thêm tình trạng tranh giành quyền lực, tập trung chủ yếu vào việc tìm ra người chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công của lực lượng Hamas - nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến ở Gaza.
Động thái này cũng có thể tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng về phân chia quyền lực tại Israel. Tổng chưởng lý Israel đã ra phán quyết rằng Nội các không có cơ sở pháp lý để sa thải ông Bar. (THX/AP)
*Ai Cập và Qatar thảo luận về nỗ lực bảo đảm ngừng bắn tại Gaza: Ngày 20/3, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã thảo luận về những nỗ lực chung nhằm củng cố thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm, hai bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về những diễn biến mới nhất tại Gaza và nỗ lực hợp tác giữa hai nước để đảm bảo việc thực thi lệnh ngừng bắn.
Hai bên cũng thảo luận các biện pháp thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái thiết sớm Gaza của các nước Arập - Hồi giáo, cũng như công tác chuẩn bị cho hội nghị tái thiết quốc tế dự kiến diễn ra tại Cairo. (THX)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh thúc đẩy sản xuất khoáng sản trong nước: Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy sản xuất lithium và các khoáng sản thiết yếu khác trong nước, trong đó có việc sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tài trợ cho các dự án khai thác mỏ.
Sắc lệnh này cũng chỉ đạo các cơ quan liên bang lập danh sách các dự án khai thác mỏ ở Mỹ có thể được phê duyệt nhanh chóng, cũng như xác định những vùng đất liên bang, bao gồm cả những khu vực do Bộ Quốc phòng kiểm soát, có thể được sử dụng để sản xuất khoáng sản.
Sắc lệnh còn yêu cầu các cơ quan giúp tăng sản lượng đồng và vàng của Mỹ, dù cả hai loại này đều không được Cục Địa chất Mỹ xếp vào danh mục khoáng sản thiết yếu. (Reuters)
*Panama và Colombia phối hợp chống nạn di cư trái phép: Tổng thống Panama José Raúl Mulino ngày 20/3 thông báo ông sẽ hội đàm với người đồng cấp Colombia Gustavo Petro vào ngày 28/3 tới để thảo luận vấn đề di cư và việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng điện.
Hồi tháng 12 vừa qua, các nhà chức trách Colombia và Panama đã họp thảo luận dự án hợp tác cung cấp điện năng với giá trị 800 triệu USD. Trước đó năm 2009, hai nước cũng đã thành lập một liên doanh để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, song dự án đã bị đình chỉ vào năm 2012 do thiếu vốn và vấn đề kỹ thuật. (AFP)
*Tỷ phú Elon Musk được tiếp cận kế hoạch tối mật về "chiến tranh Mỹ - Trung": Ngày 20/3, tờ New York Times đưa tin tỷ phú Elon Musk - đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ được Lầu Năm Góc thông báo trong ngày 21/3 về kế hoạch quân sự của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.
Việc được tiếp cận kế hoạch quân sự tuyệt mật này đánh dấu sự mở rộng đáng kể vai trò của Musk với tư cách là cố vấn cho ông Trump, người đang dẫn dắt các nỗ lực cắt giảm chi tiêu chính phủ Mỹ. Động thái này cũng làm dấy lên những câu hỏi về xung đột lợi ích đối với vị tỷ phú, người đang điều hành cả Tesla và SpaceX - hai công ty có quan hệ kinh doanh với cả Trung Quốc và Lầu Năm Góc. (NYT)
*Tổng thống Trump giải thể Bộ Giáo dục: Trước sự chứng kiến của nhiều sinh viên và các nhà giáo dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/3 đã ký sắc lệnh hành pháp về cơ bản giải thể Bộ Giáo dục Liên bang, thực hiện cam kết từ lâu với các cử tri bảo thủ.
Sắc lệnh này sẽ trao gần như toàn bộ quyền quyết định chính sách giáo dục cho các bang và hội đồng địa phương, một viễn cảnh khiến các nhà hoạt động giáo dục theo khuynh hướng tự do lo ngại.
Giáo dục từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi trong nền chính trị ở Mỹ, trong đó phe bảo thủ ủng hộ các chính sách tự do lựa chọn trường học có lợi cho các trường tư thục, còn cử tri thiên tả phần lớn ủng hộ các chương trình và tài trợ cho trường công lập. (Reuters)
*Mỹ bán vũ khí chính xác cao cho Saudi Arabia: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/3 đã phê duyệt thương vụ đầu tiên bán hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác cao cho Saudi Arabia với giá ước tính 100 triệu USD
Hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác cao (APKWS) được phê duyệt bán cho Saudi Arabia là loại tên lửa dẫn đường bằng laser có thể tấn công cả mục tiêu trên không và mặt đất. Mỗi đơn vị vũ khí có giá khoảng 22.000 USD.
Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục các đợt không kích vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen kể từ tuần trước, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng. (Al Jazeera)
![]()
| Điện đàm Nga-Mỹ: Phá băng và hàn gắn Dù không đạt được đột phá trong chấm dứt xung đột tại Ukraine, song cuộc điện đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 18/3 cho thấy nhiều ... |
![]()
| Mỹ nói sẵn sàng tiếp quản các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, Kiev từ chối tham dự cuộc gặp Mỹ-Nga sắp tới Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright khẳng định nước này sẵn sàng tiếp quản các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine nếu hành ... |
![]()
| Tài sản Nga bị phong tỏa: EU đã có câu trả lời, nêu điều kiện 'mở bung' khoản tiền này, nhắc đến Mỹ Trang DW trích tài liệu được công bố sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/3 cho thấy, khối này quyết ... |
![]()
| Một nước ASEAN xác nhận có công dân tham chiến tại Ukraine Chính quyền Malaysia xác nhận công dân nước này là Lee Bing Hang, 20 tuổi, đã đăng ký làm lính đánh thuê cho quân đội ... |
![]()
| Bắc Kinh lên án tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Canada Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada - nước chủ nhà cuộc họp các Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kết ... |