Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Xung đột Israel-Palestine:
Lệnh ngừng bắn Israel-Hamas chính thức có hiệu lực
Theo Reuters, ngày 21/5, Israel và lực lượng Hamas của Palestine đã chính thức ký một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian.
Hai bên cam kết sẽ sẵn sàng trả đũa bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn nào của bên kia. Cairo cho biết họ sẽ cử hai phái đoàn tới giám sát lệnh ngừng bắn.
Các quan chức y tế Gaza cho biết 232 người Palestine, trong đó có 65 trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 1.900 người bị thương trong các cuộc không kích. Trong khi đó, con số thiệt mạng ở Israel là 12 người. Israel cho biết họ đã giết ít nhất 160 chiến binh.
Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo cai trị Gaza, coi cuộc giao tranh như một cuộc kháng cự thành công trước một kẻ thù mạnh hơn về mặt quân sự và kinh tế.
"Đúng là trận chiến kết thúc ngày hôm nay nhưng (Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu) và cả thế giới nên biết rằng bàn tay của chúng tôi liền kề họng súng và chúng tôi sẽ tiếp tục khả năng theo đuổi cuộc kháng chiến này" - Ezzat El-Reshiq, một quan chức cấp cao Hamas nói. (Reuters)
Thế giới hoan nghênh lệnh ngừng bắn
Trả lời phỏng vấn trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 2 giờ sáng ngày 21/5 theo giờ địa phương, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Tôi hoan nghênh lệnh ngừng bắn giữa Gaza-Israel, sau 11 ngày giao tranh gây ra nhiều thương vong.”
Ông Guterres bày tỏ: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập và Qatar, sự phối hợp chặt chẽ với Liên hợp quốc để giúp khôi phục bình yên cho Gaza và Israel,” đồng thời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phối hợp để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Palestine và giúp tái thiết khu vực này cũng như củng cố các thể chế của họ. Đồng thời, Israel và Palestine cũng nên nhanh chóng nối lại tiến trình đàm phán hòa bình một cách nghiêm túc, giải quyết các nguyên nhân “gốc rẽ” của cuộc xung đột.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ: “Chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với LHQ và các bên quốc tế liên quan để hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng và hỗ trợ quốc tế cho người dân ở Gaza cũng như trong các nỗ lực tái thiết Gaza.”
Ai Cập, ‘kiến trúc sư’ của lệnh ngừng bắn cũng có lời ca ngợi. Theo đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cho biết: “Với niềm hạnh phúc tột cùng, tôi đã nhận được một cuộc điện thoại từ Tổng thống Biden, trong đó chúng tôi đã trao đổi tầm nhìn xung quanh việc đạt được một công thức có thể xoa dịu xung đột hiện tại giữa Israel và Gaza.
Tầm nhìn của chúng tôi phù hợp với việc quản lý xung đột giữa các bên bằng biện pháp ngoại giao”. (Reuters/AFP)
Palestine nói ngừng bắn là chưa đủ
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki ngày 20/5 cảnh báo rằng tuyên bố ngừng bắn ở Dải Gaza là không đủ để xoa dịu căng thẳng hiện có giữa Palestine và Israel.
Cụ thể, thỏa thuận ngừng bắn không giải quyết hết các vấn đề cơ bản trong đó có vấn đề Jerusalem. Ông Al-Maliki lên án việc quân đội Israel cản trở người Palestine cầu nguyện ở Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Ngoại trưởng Palestine chỉ ra rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab chưa thể giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất đối với người Hồi giáo và Arab đó là tương lai của Jerusalem và việc thành lập một nhà nước Palestine. Người dân Palestine mong muốn được tự do và sống trong một quốc gia độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. (Al Jazeera)
Ông Putin dọa 'bẻ răng' kẻ nào muốn xâm lược Nga
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với quan chức cấp cao hôm 20/5, Tổng thống NgaVladimir Putin tuyên bố: "Nhiều kẻ muốn ‘cắn’ hoặc lấy đi thứ gì đó chúng ta. Nhưng những kẻ đó nên biết rằng chúng ta sẽ ‘bẻ răng’ của họ để họ không thể cắn”.
Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố trên sau khi ông cho rằng, nhiều nước đặt câu hỏi về quyền kiểm soát của Nga đối với Siberia - vùng giàu năng lượng.
"Một số người thậm chí còn dám bày tỏ công khai rằng việc Nga sở hữu tài sản của một khu vực như Siberia là không công bằng", Tổng thống Putin cho biết.
Ông Putin cho rằng, chìa khóa để “hạ gục” âm mưu của kẻ thù là thúc đẩy phát triển các lực lượng vũ trang của Nga. Theo ông Putin, Moscow đã liên tục tăng cường sức mạnh quân đội là để đảm bảo khả năng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền và sẵn sàng đáp trả quyết liệt trước những kẻ xâm lược. (Sputnik)
Mỹ, Nga cùng tổ chức tập trận ở Balkan
Ngày 20/5, Serbia và Nga có các cuộc tập trận quân sự chung gần thủ đô của Serbia, trong khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang tổ chức cuộc tập trận lớn ở các nước láng giềng Balkan.
Các cuộc tập trận của Nga tại một bãi tập gần thủ đô Belgrade - Serbia diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang có cuộc tập trận quy mô lớn mang tên DEFENDER-Europe 2021, được tổ chức trên khắp châu Âu, bao gồm hầu hết các quốc gia láng giềng Serbia.
Trong khi đó, Lục quân Mỹ cho biết các cuộc tập trận chung có khoảng 28.000 quân đa quốc gia được "thiết kế để xây dựng sự sẵn sàng và khả năng tương tác giữa quân đội Mỹ, NATO và các đối tác". (Reuters)
Nga: Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vì lo sợ
Thiếu tướng Sergei Lipovoy cho biết, việc Mỹ “phá vỡ” Hiệp ước Bầu trời mở là bằng chứng cho thấy Washington lo sợ về sự kết thúc của kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực.
Tướng Lipovoy lưu ý rằng Hiệp ước Bầu trời mở từ lâu đã đóng vai trò là một công cụ hiệu quả để phân tích định lượng hoạt động quân sự trên thế giới, vì lợi ích của tất cả các bên tham gia hiệp định này, bao gồm cả Mỹ. (TASS)
Nga cảnh cáo phương Tây về Bắc Cực
Ngày 20/5, Moscow khẳng định, “không có cơ sở” cho xung đột ở Bắc Cực, song cảnh báo phương Tây về việc quân sự hóa trước "thềm nhà" của nước Nga.
Hai bên gần đây đã tăng cường hoạt động quân sự, với việc Mỹ điều máy bay ném bom đến Na Uy trong khi Nga tiến hành các cuộc tập trận lớn trên biển và trên không.
Phát biểu với báo giới khi kết thúc cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Iceland, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi đã nhấn mạnh tại cuộc họp rằng, chúng tôi không thấy có cơ sở cho xung đột ở đó... Và chúng tôi hài lòng khi lưu ý rằng các đối tác của chúng tôi đồng ý về điều này”. (AFP)
Châu Âu bác bỏ hiệp định đầu tư với Trung Quốc
Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết hoãn việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư với Trung Quốc, cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào các chính trị gia và học giả châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào nước này mới là nguyên nhân gây nên những khó khăn trong quan hệ song phương, do vậy trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc.
Ông kêu gọi EU “nghiêm túc suy nghĩ” về việc dừng phê chuẩn Hiệp định đầu tư giữa hai bên, khẳng định Bắc Kinh “có thành ý” trong việc phát triển quan hệ Trung Quốc-EU, nhưng cũng sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển đất nước. (Reuters/THX)
Tình hình Myanmar:
Đảng của bà Aung San Suu Kyi bị giải tán
Hội đồng bầu cử do chính quyền quân sự Myanmar thành lập sẽ giải tán đảng của cựu cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi vì “gian lận” bầu cử, theo một hãng tin địa phương.
Theo ông Thein Soe, chủ tịch hội đồng bầu cử do chính quyền quân sự thành lập cho biết, gian lận bầu cử do đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thực hiện là trái pháp luật “nên chúng tôi sẽ phải hủy đăng ký của đảng này”.
“Những người này sẽ bị coi là kẻ phản bội và chúng tôi sẽ hành động” – ông Soe nói thêm. (Reuters)
Indonesia kêu gọi LHQ gây sức ép để Myanmar tuân thủ các đồng thuận ASEAN
Tham dự cuộc tranh luận đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 20/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đề nghị Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ) hối thúc quân đội Myanmar thực hiện đề xuất của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị sau đảo chính.
Bà Retno nói: "Tôi đề nghị HĐBA và Đại hội đồng LHQ ủng hộ những nỗ lực của ASEAN và sử dụng ảnh hưởng để buộc các bên liên quan ở Myanmar chấp nhận các cơ sở của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề ở Myanmar".
Theo bà Retno, Đại hội đồng và HĐBA LHQ hoan nghênh các bước đi của Indonesia trong việc cố gắng tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.
Chủ tịch Đại hội đồng và Chủ tịch HĐBA LHQ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ASEAN, trong đó có việc thực hiện 5 điểm đồng thuận từ Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức tại Jakarta hồi tháng 4 vừa qua. (AFP)
Azerbaijan sẵn sàng đàm phán với Armenia
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Armenia, 6 tháng sau khi hai nước láng giềng vùng Caucasus xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
“Chúng tôi sẵn sàng làm việc để đạt được thỏa thuận hòa bình với Armenia. Xung đột Nagorny-Karabakh đã kết thúc và đã đến lúc phải nghĩ đến tương lai”. Ông nhấn mạnh hai nước cần “giảm thiểu những rủi ro trong tương lai”.
Về phần mình, trong cuộc họp nội các ngày 20/5, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng một thỏa thuận với Azerbaijan đang được soạn thảo, song ông không có quyền tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.
Ông nêu rõ: “Tôi sẽ ký văn bản này trong trường hợp Azerbaijan thực hiện những gì đã thỏa thuận”, đồng thời cho biết Nga đang giúp làm trung gian cho các cuộc đàm phán. (TASS)