Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga bắn hạ 3 UAV gần Moscow: Ngày 21/6, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Nỗ lực hôm nay của chính quyền Kiev nhằm thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các cơ sở ở vùng Moscow đã bị chặn đứng”. Cụ thể, những UAV này đều đã bị vô hiệu quá bằng các hệ thống phòng thủ tác chiến điện tử trước khi bị bắn hạ và không ai bị thương trong cuộc tấn công này.
Trước đó, Thống đốc vùng Moscow Andrei Vorobyov cho biết, hai UAV đã lượn quanh với mục đích “tiếp cận các đơn vị lưu trữ của một căn cứ quân sự” cách Moscow khoảng 50 km về phía Tây Nam.
Ngày 20/6, Nga thông báo tấn công vào hàng loạt mục tiêu quân sự ở Kiev và các vùng khác của Ukraine. Bộ Quốc phòng nước này cho biết, lực lượng đã tấn công và phá hủy 8 kho đạn trên khắp Ukraine trong 24 giờ và đẩy lùi các cuộc tấn công của Kiev tại 3 khu vực. (AFP)
Tin liên quan |
Chiến dịch phản công của Ukraine: Bước ngoặt là đây? |
* Nga bắt đối tượng chuyển tiền cho quân đội Ukraine: Ngày 21/6, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ một người dân ở khu vực viễn Đông Khabarovsk do người này tìm cách chuyển “tiền điện tử” cho quân đội Ukraine để lực lượng này mua UAV, máy ảnh, đạn dược và vật tư y tế.
TASS (Nga) đưa tin FSB cũng đã bắt giữ một nhóm “những kẻ phá hoại” tại thành phố Melitopol của Ukraine do Nga kiểm soát đang chuẩn bị cho một vụ ám sát nhằm vào các quan chức. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết có bao nhiêu người bị giam giữ, hoặc đối tượng nào đứng đằng sau âm mưu này. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine: Tiến độ phản công đang “chậm hơn mong muốn”: Ngày 21/6, trả lời phỏng vấn đài BBC (Anh), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Một số người tin rằng, đây là một bộ phim Hollywood và mong đợi kết quả (từ chiến dịch phản công) ngay bây giờ. Thực tế không phải vậy”.
Cùng ngày phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở thủ đô London (Anh) về các nỗ lực phục hồi, ông Zelensky nêu rõ: “Chúng ta phải chuyển từ thỏa thuận sang các dự án thực tế... Có một phái đoàn Ukraine sẽ trình bày những điều cụ thể và chúng tôi đề xuất cùng thực hiện điều này trong chuyến công du của tôi”. (Reuters)
* Tổng Thư ký NATO khẳng định Nga ‘không thể thắng’: Ngày 20/6, phát biểu với đài truyền hình RTL/NTV (Đức), Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết. Đức đóng vai trò then chốt trong việc này… Tất cả các đồng minh NATO đã thể hiện rõ rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ (Ukraine), bởi nếu Tổng thống Putin chiến thắng ở Ukraine, đó sẽ là một thảm kịch đối với Ukraine… và chúng ta.
Trước đó, phát biểu khi tới thăm nhà sản xuất vũ khí FFG (Flensburger Fahrzeugbau Gesellschaft) cùng Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Boris Pistorius, ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí Đức, khẳng định những gì đang diễn ra tại Ukraine là một cuộc xung đột “tiêu hao” và giờ đã chuyển thành cuộc đối đầu về mặt hậu cần. (Reuters)
* Chủ tịch EC: EU có “trách nhiệm đặc biệt” với Ukraine: Ngày 21/6, phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở London (Anh), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Đây là nhu cầu trước mắt của Ukraine. Nhưng hãy nói về tương lai. Tôi tin rằng Liên minh châu Âu (EU) có trách nhiệm đặc biệt với nước này…Người Ukraine nói rằng khi họ nhìn về tương lai của mình, họ sẽ thấy lá cờ của châu Âu tung bay trên các thành phố của họ. Tôi không nghi ngờ gì việc Ukraine sẽ là một phần của liên minh chúng ta.” (Reuters)
* Ngoại trưởng Mỹ, Ukraine gặp nhau tại London: Ngày 20/6, bên lề Hội nghị Tái thiết Ukraine tổ chức tại London (Anh), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh Washington ủng hộ Kiev khôi phục nền kinh tế và nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ thông qua Khuôn khổ phối hợp tài trợ từ nhiều cơ quan. Nhà ngoại giao này cũng khẳng định cam kết hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tạo điều kiện cho quá trình hiện đại hoá và tái thiết Ukraine.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận sự cần thiết của việc Ukraine tiếp tục thực thi cải cách nhằm thiết lập môi trường cho đầu tư và tăng trưởng bền vững, cũng như trao đổi về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ kinh tế, năng lượng và an ninh cho Ukraine. Nhân dịp này, ông Blinken đã thông báo cho Ngoại trưởng Kuleba về chuyến đi Trung Quốc và nội dung thảo luận với quan chức Bắc Kinh về Ukraine.
Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Tái thiết Ukraine, ông Blinken cũng nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cung cấp hơn 1,3 tỷ USD viện trợ bổ sung để hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi sẽ đầu tư 520 triệu USD để giúp Ukraine đại tu mạng lưới năng lượng”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ ra cảnh báo về chiến dịch phản công của Ukraine, nói nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là 'có thật' |
Mỹ-Trung
* Khả năng Đặc phái viên Mỹ về khí hậu đến Trung Quốc: Tối 20/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Đặc phái viên John Kerry có thể sớm đến Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tiếp tục củng cố quan hệ ngoại giao song phương và sẽ có thêm các quan chức Mỹ tới thăm Trung Quốc thời gian tới. Đồng thời, hai bên cam kết ổn định mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, tránh đẩy hai nước rơi vào xung đột. Tuy nhiên, không có bước đột phá nào được ghi nhận trong chuyến thăm hiếm hoi của Ngoại trưởng Mỹ vừa qua. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Một loạt chỉ số kinh tế thấp hơn kỳ vọng, những bài toán hóc búa nào đang thách thức Trung Quốc? |
Đông Nam Á
* Thái Lan tiếp tục điều tra tư cách ứng cử nghị sỹ của lãnh đạo MFP: Ngày 20/6, Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cho biết, cơ quan này cần thêm bằng chứng để điều tra lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), ông Pita Limjaroenrat.
Ông Thitichet Nuchanart, thành viên EC cho biết cơ quan này sẽ thẩm vấn các giám đốc điều hành của iTV và ông Pita - ứng cử viên Thủ tướng duy nhất của MFP, đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5. Theo ông Thiticet, EC cũng sẽ kiểm tra thêm bằng chứng liên quan đến khiếu nại, bao gồm biên bản cuộc họp cổ đông gần đây nhất của iTV và bản ghi âm của cuộc họp hôm 26/4.
Trước đó, sự khác biệt giữa biên bản chính thức của cuộc họp cổ đông và video về cuộc họp này đã làm phát sinh tranh cãi về việc ông Pita bị cáo buộc không đủ tư cách ứng cử hạ nghị sỹ, cũng như kết luận về việc iTV còn hoạt động với tư cách là một công ty truyền thông hay không. Ông Thitichet lưu ý thêm, thông tin về bản kê khai tài sản của ông Pita với Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cũng sẽ được sử dụng cho cuộc điều tra của EC.
Theo quy định của Thái Lan, công dân đang nắm giữ cổ phần tại các công ty truyền thông sẽ không được phép ứng cử hạ nghị sỹ. Nếu vi phạm, ứng cử viên có thể bị tước tư cách tranh cử, thậm chí bị cấm hoạt động chính trị và phạt tù. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thái Lan duy trì lực lượng đặc biệt tại cực Nam đến năm 2027 |
Nam Á
* Mỹ sẽ đề cập với Ấn Độ về vấn đề nhân quyền: Ngày 21/6, phát biểu với các phóng viên về cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ-Ấn tại Washington D.C., Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho hay, ông Biden dự kiến sẽ nêu ra lo ngại của Mỹ về sự thụt lùi dân chủ ở Ấn Độ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ không chỉ trích Thủ tướng Modi về chủ đề này.
Mặc dù vậy, Cố vấn An ninh quốc gia Sullivan cho biết khi Mỹ nhận thấy những thách thức đối với báo chí, tôn giáo hoặc các quyền tự do khác, "chúng tôi sẽ công khai quan điểm của mình”. Ông nói thêm: “Câu hỏi về việc chính trị và câu hỏi về các thể chế dân chủ sẽ đi về đâu ở Ấn Độ sẽ do người Ấn Độ quyết định. Điều đó sẽ không do Mỹ quyết định”.
Dự kiến, lãnh đạo hai nước sẽ công bố nhiều thỏa thuận liên quan đến hợp tác và mua bán quốc phòng, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và hoạt động đầu tư vào Ấn Độ của Tập đoàn Micron Technology, cũng như các công ty khác của Mỹ.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Mỹ, ông Narendra Modi sẽ phát biểu tại Phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Thủ tướng cũng gặp gỡ cộng đồng người Mỹ gốc Ấn và nhiều CEO hàng đầu để thảo luận về các cơ hội nâng cao mối quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Ấn Độ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ |
Đông Bắc Á
* Nhóm tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan: Ngày 21/6, cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, nhóm tàu sân bay của Trung Quốc Đại lục do tàu Sơn Đông dẫn đầu đã đi qua eo biển Đài Loan. Cụ thể, tàu sân bay Sơn Đông, được đưa vào hoạt động năm 2019, đã di chuyển theo hướng Nam qua phần phía Tây của eo biển Đài Loan. Ngay sau đó, nhà cầm quyền hòn đảo này đã điều động “lực lượng phù hợp” để giám sát các hoạt động nêu trên. (Reuters)
* Thủ tướng Nhật Bản chưa quyết định về chuyến thăm Trung Quốc: Ngày 21/6, phát biểu họp báo ở Tokyo, ông Kishida Fumio cho biết chưa có gì được quyết định về một chuyến thăm tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản nêu rõ ông cảm thấy rằng cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái đã tạo động lực tích cực cho mối quan hệ song phương. (Kyodo)
* Hàn Quốc đề nghị Pháp bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp: Ngày 20/6, tại điện Elysee, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Emmanuel Macron. Phát biểu tối cùng ngày, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae Hyo nói: “Tổng thống Yoon đã đề nghị Tổng thống Pháp đặc biệt lưu ý để bảo đảm các biện pháp luật thương mại mới do EU thúc đẩy không phân biệt đối xử các doanh nghiệp của chúng ta”.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong không gian vũ trụ và hợp tác quốc phòng giữa tập đoàn Airbus (Pháp) và các doanh nghiệp Hàn Quốc nhân dịp dự kiến thành lập cơ quan quản lý hàng không quốc gia của riêng Hàn Quốc, phiên bản của Cơ quan Hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA). Ông Yoon và ông Macron cũng cam kết mở rộng hợp tác công nghệ cho các lò phản ứng module nhỏ thế hệ tiếp theo và năng lượng sạch, bao gồm cả hydro, đồng thời nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ: Trung Quốc đang ở vị thế duy nhất để khuyến khích Triều Tiên ngừng phóng tên lửa |
Trung Á
* Azerbaijan cáo buộc Armenia tấn công ở biên giới: Ngày 21/6, Bộ Quốc phòng Azerbaijan nêu rõ: “Các đơn vị của lực lượng vũ trang Armenia đã dùng nhiều loại vũ khí nhỏ bắn vào các vị trí của quân đội Azerbaijan”. Bộ này cũng chỉ trích lực lượng vũ trang Armenia cũng nổ súng vào các vị trí của Azerbaijan gần Susha ở vùng Nagorno-Karabakh. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Azerbaijan tự tin tuyên bố đang ở 'ngưỡng cửa hòa bình' với Armenia |
Châu Âu
* Belarus bắt đầu diễn tập động viên quân sự: Ngày 21/6, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo các lực lượng vũ trang nước này bắt đầu “diễn tập huy động” thường niên kéo dài 10 ngày. Theo Minsk, cuộc diễn tập nhằm đánh giá mức độ chuẩn bị của các cơ quan nhà nước trong việc huy động lực lượng dự bị.
Trước đó, trong tháng này, Belarus đã tiếp nhận các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Nga, với Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là nhằm mục đích cảnh báo phương Tây. (Reuters)
* Pháp xem xét đặt mua 1.000 tên lửa Mistral: Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo nước này có thể đặt mua 1.000 tên lửa phòng không Mistral trị giá khoảng 500 triệu Euro (545,6 triệu USD) trong kế hoạch mua sắm chung với bốn quốc gia châu Âu khác.
Trước đó một ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này - cùng với Bỉ, Cyprus, Estonia và Hungary - đã nhất trí với các kế hoạch mua sắm. Theo ông, hiện đã có tiến triển trong thuyết phục một số đồng minh trong EU của Pháp xem xét thêm chiến lược phòng thủ trong nước, trái ngược với nỗ lực do Đức đứng đầu sản xuất chung các hệ thống phòng không từ bên ngoài châu Âu.
Các hệ thống phòng không Mistral do công ty MBDA sản xuất. Trong đó, Tập đoàn Airbus (Pháp) và BAE Systems (Anh) mỗi bên có 37,5% cổ phần, trong khi công ty Leonardo của Italy sở hữu 25% cổ phần. (Reuters)
* Thụy Điển hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề gia nhập NATO: Ngày 21/6, phát biểu bên lề cuộc họp Quốc hội Thụy Điển, Ngoại trưởng nước này Tobias Billstrom cho biết: “Theo đánh giá, chúng tôi đã hoàn thành những yêu cầu đặt ra. Giờ là lúc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến trình phê chuẩn”. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ ra cảnh báo về chiến dịch phản công của Ukraine, nói nguy cơ Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là 'có thật' |
Trung Đông-châu Phi
* Ngoại trưởng Iran đến Oman: Ngày 21/6, trong khuôn khổ chuyến công du vùng Vịnh, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã đến Oman và gặp quan chức cấp cao nước chủ nhà Sultan bin Mohammed al Numani để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước và “một số lĩnh vực hợp tác”.
Trước đó, hôm 20/6, ông Hossein Amir-Abdollahian đã đến Qatar, thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà về chương trình hạt nhân của Iran. Theo kế hoạch, sau khi thăm Oman, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian sẽ đến Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuần trước, Iran cho biết đã đàm phán gián tiếp với Mỹ thông qua Oman về các vấn đề như chương trình hạt nhân nước này, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và những người Mỹ đang bị Iran giam giữ. (ONA)
* Israel tiếp tục việc xây 1.000 căn hộ ở khu định cư Eli: Ngày 21/6, Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo Nhà nước Do Thái sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xây 1.000 căn hộ mới tại khu định cư Eli ở Bờ Tây, ít lâu sau vụ xả súng tại khu vực này khiến 4 người Israel thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đã “đồng ý xúc tiến ngay lập tức” kế hoạch trên, song không nêu chi tiết thời gian và tiến độ. (Times of Israel)
| Tình hình Ukraine: Nga đánh giá cơ hội hòa đàm, Kiev nói về ao làm mát tại Zaporizhzhia Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại và liên lạc với châu Phi về xung đột, Italy và Pháp tiếp tục khẳng định cam kết... ... |
| Kinh nghiệm ngoại giao dày dặn của tân Đại sứ Đức tại Nga Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, vị trí Đại sứ Đức tại Nga được coi là một trong những vị trí ... |
| Thủ tướng Czech nhận định về cuộc phản công của Ukraine và tương lai xung đột Ngày 20/6, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho rằng, xung đột ở Ukraine có thể bị đóng băng, theo đó khu vực Đông Âu sẽ ... |
| Trung Quốc, Ấn Độ đẩy mạnh mua dầu Nga; phương Tây nhập hàng từ các nước 'thân thiện' với Moscow Trong tháng 5/2023, lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã lên tới mức cao nhất kể từ khi chiến dịch quân sự ... |
| Viện trợ cho Ukraine: EC đưa ‘biện pháp khẩn cấp tạm thời’, Kiev đàm phán, NATO thừa nhận kho vũ khí trống rỗng Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, Kiev đã nhận được sự hỗ trợ từ các quốc ... |