📞

Tin thế giới 21/7: Kho ngũ cốc ở Odessa bị tấn công, Pheu Thai có cơ hội lập chính phủ

Minh Vương 21:13 | 21/07/2023
Lượng vũ khí viện trợ bị đánh cắp ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ hối Thụy Điển xúc tiến gia nhập NATO theo thỏa thuận… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc tập trận đa phương Talisman Sabre do Australia tổ chức. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Australia)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga phá hủy trung tâm chỉ huy và tín hiệu của Ukraine: Trong họp báo ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenko cho biết: “Tại khu vực gần Avdiikva và Torskoye ở Cộng hòa Donetsk (DPR) tự xưng, trung tâm tín hiệu của lữ đoàn cơ khí 110 và sở chỉ huy của lữ đoàn cơ khí số 63 thuộc Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã bị phá hủy”.

Quan chức này cho biết trong những ngày qua, Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) đã “vô hiệu hóa” các đợt tấn công của Ukraine ở hướng Kupyansk. Theo đó, trong 24 giờ qua, Ukraine đã mất 110 người, 1 xe chiến đấu bộ binh, 1 lựu pháo Msta-B và 1 lựu pháo D-20.

Theo Thiếu tướng Igor Konashenko, trong một ngày qua, VS RF tiếp tục đẩy lui nhiều đợt tấn công ở Krasny Liman, cũng như 16 đợt tấn công khác ở khu vực Donetsk, khiến VSU chịu thiệt hại lên tới hàng trăm người và nhiều khí tài quan trọng do phương Tây viện trợ. (TASS)

* Nga: Ukraine “tấn công khủng bố” ở Biển Đen: Ngày 21/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích Ukraine gây nguy hiểm cho hoạt động đi lại của tàu bè dân sự ở Biển Đen, đồng thời cáo buộc Kiev thực hiện các hành động gây nguy hiểm trong khu vực.

Ông nói: “Những hành động không thể lường trước và hơn nữa là sự dính líu của Kiev trong các hành động gây nguy hiểm chắc chắn có nguy cơ gây ra mối đe dọa trong khu vực”.

Về việc liệu các tàu chở dầu và hàng hóa khác của Nga từ hệ thống cảng ở Biển Đen của nước này có gặp rủi ro hay không, và khả năng Moscow điều chỉnh tuyến đường của các tàu ở Biển Đen, Điện Kremlin khẳng định các cơ quan hữu quan của Chính phủ Nga sẽ đưa ra quyết định. Ông Peskov chia sẻ: “Chúng tôi đang phân tích tình hình, và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan là sẽ đưa ra những khuyến nghị thích hợp để giảm thiểu rủi ro”. (Reuters)

* Ukraine: Nga tấn công các kho ngũ cốc ở vùng Odessa: Ngày 21/7, viết trên Telegram, Thống đốc khu vực này Oleh Kiper cho biết cho biết tên lửa của Nga đã phóng trúng kho tập kết ngũ cốc của một doanh nghiệp nông nghiệp ở vùng Odessa, miền Nam Ukraine. Quan chức này nêu rõ: “Thật không may, kho chứa ngũ cốc của một doanh nghiệp nông nghiệp ở vùng Odessa đã bị trúng đạn. Đối thủ đã phá hủy 100 tấn đậu và 20 tấn lúa mạch”. (TASS)

* Ukraine đạt thành công “nhất định” trên thực địa: Ngày 20/7, điện đàm với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, Tổng tư lệnh VSU, Tướng Valery Zaluzhny thông báo quân đội nước này đã đạt “thành công nhất định” ở một số hướng. Tuy nhiên, ông Zaluzhny nhấn mạnh tả việc binh sĩ Ukraine phải vượt qua các bãi mìn “siêu phức tạp” do công binh Nga thiết lập, hàng rào chống tăng và hệ thống hỏa lực hủy diệt được tính toán kỹ lưỡng. Ông khẳng định Ukraine cần nhận được máy bay chiến đấu F-16 để giành lại ưu thế trên thực địa: “Chỉ một số lượng giới hạn thôi cũng đủ rồi”.

Về phần mình, Tướng Mark Milley đánh giá: “Hầu hết thương vong của Ukraine trong chiến dịch phản công không đến từ hỏa lực của Nga. Thay vào đó, chúng đến từ các bãi mìn – các bãi mìn được yểm trợ bởi hỏa lực từ các lực lượng chống tăng.” (Reuters)

* Ukraine bắt đầu sử dụng bom, đạn chùm Mỹ cấp: Ngày 20/7, tờ Washington Post (WP) dẫn lời các quan chức Ukraine thạo tin cho biết Kiev đã bắt đầu sử dụng bom chùm, đạn chùm ở Đông Nam Ukraine. Theo đó, loại vũ khí này đã được bắn vào các cứ điểm của Nga để phá hủy các công sự làm chậm đà phản công của Ukraine. Dự kiến, loại đạn này sẽ được sử dụng gần thành phố Bakhmut hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

* Czech, Đức thảo luận việc mua chung xe tăng Leopard: Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistotius đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Prague.

Tại cuộc hội đàm chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova khẳng định Prague muốn đàm phán mua chung với Berlin khoảng 70 xe tăng chiến đấu Leopard 2A8 mới, trị giá hàng tỷ USD. Bà nhấn mạnh hồi tháng Năm, chính phủ đã ủy quyền cho bà đàm phán về khả năng Czech cùng Đức tham gia đấu thầu mua loại xe tăng hiện đại này. (TTXVN)

* Lầu Năm Góc: Một phần vũ khí chuyển đến Ukraine bị lấy cắp: Ngày 21/7, CNN (Mỹ) dẫn báo cáo tháng của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho hay trong năm ngoái, một số vũ khí phương Tây gửi đến Ukraine đã bị lấy cắp và sau đó được thu hồi.

Cụ thể, báo cáo đề tháng 10/2022 tổng kết số liệu trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 9/2022, giới tội phạm, “các chiến sĩ tình nguyện” và đối tượng buôn bán vũ khí đã đánh cắp một số vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp cho quân đội Ukraine, nhưng sau đó, số vũ khí này “đã được trả lại”.

Theo đó, một số thiết bị quân sự bị “những tay lái súng” đánh cắp từ đường giới tuyến ở miền Nam Ukraine, cũng như một nhóm người giả làm thành viên các tổ chức nhân đạo lấy trộm một số áo chống đạn trị giá 17.000 USD. Tháng 8/2022, các cơ quan tình báo Ukraine đã phát hiện vụ binh lính của một tiểu đoàn tình nguyện đánh cắp 60 khẩu súng trường và gần 1.000 viên đạn, “có lẽ để tuồn ra chợ đen”.

Báo cáo cũng đánh giá các trang thiết bị cỡ lớn như tên lửa và trực thăng dễ quản lý hơn các vật dụng nhỏ như kính nhìn đêm. Cuối tháng 10/2022, giới chức Mỹ đã nối lại việc kiểm tra các kho vũ khí của Ukraine để “giám sát tốt hơn quá trình vũ khí đó được cung cấp đến đâu”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ nên lưu tâm kỹ hơn đến thực tế là vũ khí cung cấp cho Ukraine bị tuồn ra thị trường chợ đen và phát tán, không chỉ riêng ở châu Âu, mà còn tới các châu lục khác. (CNN)

Đông Nam Á

* Bầu thủ tướng Thái Lan: MFP rút lui, ‘cờ đến tay’ Pheu Thai? Ngày 21/7, Tổng Thư ký đảng Tiến bước (MFP) Chaithawat Tulathon xác nhận đảng này đã quyết định rút lui để đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo liên minh tiềm tàng thành lập chính phủ mới. Theo ông, việc cả MFP và Pheu Thai lần lượt giành được số ghế hạ nghị sĩ nhiều thứ nhất và thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 14/5 phản ánh mong muốn của người dân về một chính phủ mới bao gồm các đảng bên ngoài liên minh cầm quyền của chính phủ tiền nhiệm.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký MFP khẳng định mục tiêu chính của đảng này không phải là giúp nhà lãnh đạo Pita Limjaroenrat trở thành thủ tướng tiếp theo, mà là “thành lập một chính phủ dân chủ” theo biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết giữa 8 bên. Tuy nhiên, sau hai lần thất bại trong nỗ lực đề cử ông Pita trở thành thủ tướng, MFP đã quyết định trao lại cơ hội này cho Pheu Thai.

Ông Chaithawat Tulathon khẳng định trong cuộc họp tiếp theo của Quốc hội Thái Lan ngày 27/7 để bầu thủ tướng, MFP sẽ đề cử một ứng cử viên của Pheu Thai. Trong khi đó, đảng Pheu Thai cũng có thể đề cử một ứng cử viên mà đảng này lựa chọn. (Bangkok Post)

Nam Thái Bình Dương

* Tàu do thám Trung Quốc theo dõi tập trận ở Australia: Ngày 21/7, phát biểu tại buổi họp báo trên tàu HMAS Canberra, Chỉ huy trưởng các hoạt động chung của Australia, Trung tướng Greg Bilton, thông báo một tàu do thám Trung Quốc đã bị phát hiện ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Australia hôm 20/7: “Ngày 20/7, vị trí con tàu ở Biển San hô. Tôi cho rằng nó sẽ di chuyển xuống (phía Nam) và theo sát cuộc tập trận… Bắc Kinh đã thực hiện hành động suốt nhiều năm - chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó”. Trung tướng Bilton đánh giá phản ứng của Trung Quốc là “lịch sự và phù hợp với các quy tắc thông thường trên biển”.

Ông thừa nhận giới chức quốc phòng Australia “không liên lạc với phía Trung Quốc” trước thềm cuộc tập trận. Quan chức quân sự này khẳng định : “Cuộc tập trận này là vì chúng ta, vì các quốc gia đối tác của chúng ta, xây dựng năng lực tương tác, lòng tin và khả năng cùng nhau ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể tồn tại ở khu vực trong tương lai”.

Trong ngày, Australia đã tiến hành tập trận chung quy mô lớn “Talisman Sabre” với Mỹ và gần 10 quốc gia khác. Cuộc tập trận “Talisman Sabre” diễn ra 2 năm/lần với sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ từ 13 quốc gia, trong đó có Anh, Nhật Bản, Indonesia, Canada và Pháp. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Nhật Bản theo dõi sát cuộc tập trận chung Nga-Trung: Ngày 21/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tập trận chung hiện nay của quân đội Nga và Trung Quốc từ quan điểm đảm bảo an ninh của đất nước chúng tôi”.

Ngày 20/7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này và Trung Quốc đã bắt đầu tập trận hải quân và không quân chung “Phương Bắc/Tương tác-2023” ở Biển Nhật Bản đến ngày 23/7. Theo xứ bạch dương, đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quân sự và hải quân giữa Nga và Trung Quốc, bảo vệ sự ổn định và hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng trước, lực lượng của Bắc Kinh và Moscow đã thực hiện một cuộc tuần tra chung trên không ở Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Hàn Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu đề phòng. (TASS)

* Quan chức hạt nhân Mỹ-Hàn lo ngại về Triều Tiên: Ngày 21/7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ông Kim Gunn, đại diện đặc biệt của nước này về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và người đồng cấp Mỹ Sung Kim đã gặp gỡ tại Tokyo. Ông Kim nói: “Hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên liên tục từ chối các đề xuất đối thoại từ Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế, đổ lỗi cho nước khác về sự leo thang căng thẳng, kêu gọi Triều Tiên nhanh chóng quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa”.

Hai đặc phái viên cũng chỉ trích việc phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhất trí duy trì tư thế phòng thủ mạnh mẽ. Họ cam kết tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế và tiếp tục liên lạc với Trung Quốc. Cả hai đều nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có “vai trò mang tính xây dựng và trách nhiệm” trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Yonhap)

Châu Âu

* Tổng thống Ukraine sa thải Đại sứ tại Anh: Ngày 21/7, ông Volodymyr Zelensky đã sa thải Đại sứ Vadym Prystaiko, song không nêu rõ lý do. Ông Prystaiko cũng không còn đại diện Ukraine tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Trước đó, nhà ngoại giao này đã chỉ trích phản ứng của Tổng thống Zelensky về đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace rằng Ukraine cần thể hiện lòng cảm kích nhiều hơn với viện trợ quân sự từ các đồng minh. (AFP/Reuters)

* UAV quân sự rơi ở Ba Lan thuộc về Mỹ: Ngày 21/7, Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận chiếc máy bay không người lái (UAV) trinh sát bị rơi ở Tây Nam nước này tối 18/7 đã được binh sĩ Mỹ sử dụng để bay huấn luyện: “Thông tin thu được cho thấy trong khuôn khổ chuyến bay huấn luyện của các binh sĩ Mỹ, liên lạc với UAV đã bị mất và sau đó, nó rơi xuống một khu rừng. Không ai bị thương, và không có thiệt hại nào sau sự cố trên... UAV đã được phía Mỹ tiếp nhận”. (Reuters)

* Ba Lan điều quân về phía Đông do e ngại Wagner: Ngày 21/7, hãng thông tấn PAP (Ba Lan) dẫn lời Thư ký Ủy ban an ninh nước này Zbigniew Hoffmann nêu rõ: “Việc huấn luyện hoặc tập trận chung của quân đội Belarus và Tập đoàn Wagner chắc chắn là một hành động khiêu khích… Ủy ban đã phân tích các mối đe dọa có thể xảy ra, chẳng hạn như sự rối loạn của các đơn vị Wagner. Do đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ tịch Ủy ban, Mariusz Blaszczak, đã quyết định điều đội hình quân sự của chúng tôi từ phía Tây sang phía Đông Ba Lan”.

Trước đó, Warsaw đã cử 500 cảnh sát để tăng cường an ninh ở biên giới trước số lượng người di cư vượt biên gia tăng và sự hiện diện của binh sĩ Wagner. (PAP)

* Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc Thụy Điển xúc tiến quá trình gia nhập NATO: Ngày 21/7, Haberturk (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara sẽ hành động để phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển, phù hợp với bước đi do Stockholm thực hiện. Nhà lãnh đạo này hy vọng Thụy Điển sẽ giữ lời hứa.

Phát biểu trên chuyến bay trở về nước sau khi thăm vùng Vịnh và miền Bắc Cyprus, ông quả quyết: “Sẽ có lợi cho Thụy Điển nếu nước này thực hiện những bước đi cụ thể liên quan tới cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố và về vấn đề dẫn độ những phần tử khủng bố... Chúng tôi mong đợi họ sẽ thực hiện cam kết”.

Nhà lãnh đạo này cho biết, cuộc hội đàm theo dự kiến giữa ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể giúp khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, đồng thời nhận định phương Tây nên cân nhắc đề nghị của Moscow. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Saudi Arabia triệu đại diện Thụy Điển để phản đối vụ đốt kinh Qur’an: Tối ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết họ sẽ trao cho đại biện lâm thời Thụy Điển “một công hàm phản đối bao gồm yêu cầu của Saudi Arabia đối với chính quyền Thụy Điển thực hiện tất cả các biện pháp ngay lập tức và cần thiết để ngăn chặn những hành vi đáng xấu hổ này”.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thụy Điển và Iraq cùng các nước Hồi giáo sau vụ một người tị nạn Iraq sống ở Thụy Điển hồi tháng trước đã đốt kinh Qur’an bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo chính của Stockholm. Trong vụ việc mới nhất xảy ra vào ngày 20/7, một người tị nạn tên Salwan Momika (37 tuổi) đã dẫm lên cuốn kinh Qur’an, song không đốt nó. (AFP)

* Chính phủ Yemen mở lại sân bay quốc tế Ghaydah sau 9 năm: Ngày 20/7, chính quyền Sana’a thông báo mở cửa trở lại sân bay quốc tế Al Ghaydah ở tỉnh miền Đông Al Mahrah, 9 năm sau khi xung đột quân sự bùng phát. Theo hãng thông tấn nhà nước Saba, đây là một bước tiến quan trọng ở Yemen, mang lại hy vọng mới về các cơ hội kinh tế và tăng cường kết nối dù còn nhiều thách thức.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Yemen Abdul-Salam Humaid, việc sân bay Al Ghaydah mở cửa lại đánh dấu cột mốc quan trọng, bởi đây là sân bay quốc tế thứ tư dưới sự kiểm soát của chính phủ và nối lại các chuyến bay. (Tân hoa xã)