Phương Tây đã có phản ứng ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh động viên một phần ngày 21/9. (Nguồn: Getty) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 21/9.
Nga-Ukraine
* Nga mất gần 6.000 binh sỹ ở Ukraine: Ngày 21/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sỹ thuộc quân đội Nga đã thiệt mạng tại Ukraine: “Tổn thất của chúng ta cho đến nay là 5.937 người”. Ông Shoigu cũng thông báo về việc khoảng 90% số người bị thương trong chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ trở lại phục vụ chiến đấu. (Sputnik)
* Ukraine bắt đầu rà phá bom mìn ở Kharkov: Ngày 21/9, ông Roman Prymush, quan chức về dịch vụ khẩn cấp của Ukraine, cho biết nước này đã bắt đầu rà phá bom mìn trên vùng lãnh thổ rộng 12.000 km2 giành lại từ Nga ở khu vực miền Đông Kharkov. Theo ông Prymush, có thể sẽ mất vài năm để rà phá xong khu vực trên, vốn có diện tích lớn hơn cả Qatar. Mỹ, Anh và Canada sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện công việc này. (Reuters)
* Tổng thống Putin: Phương Tây muốn tiêu diệt nước Nga: Trong bài phát biểu quan trọng sáng 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, mục tiêu của phương Tây là chia rẽ và tiêu diệt nước Nga. Ông nói: “Họ thực hiện những kế hoạch này từ lâu, họ muốn biến nước ta thành nhiều vùng không đội trời chung và thù địch với nhau. Và Ukraine đã trở thành bàn đạp chống Nga”.
Nhà lãnh đạo này lưu ý rằng, sau khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, kể cả tại cuộc đàm phán ở Istanbul, các nhà đàm phán của Ukraine đã phản ứng tích cực với đề xuất đảm bảo an ninh và lợi ích của Nga. Tuy nhiên, ông nhận định giải pháp hòa bình “không phù hợp với phương Tây” và Ukraine “đã được lệnh trực tiếp phá bỏ mọi thỏa thuận”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng giải thích nguyên nhân phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2 và chỉ rõ rằng quyết định “về chiến dịch quân sự phủ đầu là cần thiết và duy nhất có thể”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-EU: Khi người ta tranh cãi về tính chất ‘con dao 2 lưỡi’ của đòn trừng phạt |
Châu Âu
* Phương Tây phản ứng trước lệnh động viên một phần của Nga: Ngày 21/9, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh động viên một phần, một số nước phương Tây đã lập tức có phản ứng.
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, cho rằng lệnh động viên của Nga là bước đi có thể dự đoán được và đánh giá xung đột hiện nay không còn đi theo đúng kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nhấn mạnh Berlin đang cân nhắc biện pháp đáp trả.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết, Litva đã nâng mức độ sẵn sàng của lực lượng phản ứng nhanh trong quân đội “để ngăn chặn bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Nga”. Trên Facebook, ông Anusauskas lý giải: “Vì việc huy động quân sự của Nga cũng sẽ được thực hiện ở Kaliningrad, khu vực lân cận của chúng ta, Litva không thể chỉ đứng nhìn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở nước láng giềng Nga. Ông Kaikkonen nói: “Về môi trường xung quanh Phần Lan, tôi có thể nói rằng tình hình quân sự ổn định và bình yên. Lực lượng phòng thủ của chúng tôi đã chuẩn bị tốt và đang theo dõi sát sao tình hình”.
Trước đó, chiều ngày 21/9 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký sắc lệnh về động viên một phần đất nước, bắt đầu từ ngày 21/9. Theo đó, đợt động viên một phần này sẽ có 300.000 người được gọi nhập ngũ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Áp giá trần dầu Nga - Tung đòn 'chưa từng có tiền lệ', Phương Tây đã nắm chắc phần thắng? |
Đông Nam Á
* Philippines: Cần giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, “lý trí và lẽ phải”: Phát biểu tại Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 21/9, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định, các bất đồng cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, cũng như “lý trí và lẽ phải”.
Viện dẫn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố Manila về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, ông nhấn mạnh các văn kiện này đang “đưa ra chỉ dẫn hữu ích cho thời đại của chúng ta”.
Ông nêu rõ: “Giữa cơn thủy triều toàn cầu đầy thách thức, thứ quan trọng giữ thăng bằng con tàu chung của chúng ta là trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao trùm và rộng mở, được quy định theo luật pháp quốc tế”. Ông cũng nhắc lại chính sách đối ngoại của Philippines là “làm bạn với tất cả và không là kẻ thù của ai”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Philippines: Manila luôn hướng về Mỹ |
Trung Đông
* Iran vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên ở nước ngoài: Ngày 20/9, IRNA (Iran) dẫn thông báo của Bộ Dầu mỏ nước này cho biết, nhà máy lọc dầu ở nước ngoài đầu tiên của Iran đóng tại Venezuela đã bắt đầu đi vào hoạt động. Công suất của nhà máy lọc dầu này đã được nâng từ 15.000 thùng/ngày lên 90.000 thùng/ngày sau khi hoàn tất một số công việc liên quan đến kỹ thuật và công nghệ.
Đây là một phần trong nỗ lực của Tehran nhằm thiết lập vị trí trên bản đồ năng lượng toàn cầu và tăng doanh số bán dầu thô. Sự kiện này cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng với Iran, trong bối cảnh nước này đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây.
Trước đó, ngày 11/9, ông Parviz Mohammadnejad, thành viên Ủy ban Năng lượng Quốc hội Iran, cho biết giới lập pháp nước này đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Dầu mỏ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng nhà máy lọc dầu ở nước ngoài. Theo ông, đến nay Tehran đã ký 2 hợp đồng xây dựng nhà máy lọc dầu ở nước ngoài. (IRNA)
* Mỹ cho phép xuất khẩu thiết bị Internet vệ tinh sang Iran: Ngày 20/9, Bộ Tài chính Mỹ cho biết một số thiết bị Internet vệ tinh có thể được xuất khẩu sang Iran.
Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đã cấp phép xuất khẩu lâu dài một số thiết bị nhất định sang Iran, bao gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ liên quan đến thông tin liên lạc qua Internet, các dịch vụ kết nối Internet ở cấp độ người dùng và thiết bị đầu cuối vệ tinh dành cho người dân. OFAC nêu rõ, với hoạt động xuất khẩu mặt hàng không có trong danh mục hiện hành, cơ quan này hoan nghênh các công ty nộp đơn xin giấy phép cụ thể.
Trước đó, ngày 19/9, Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk cho biết, công ty của ông sẽ xin miễn trừ trừng phạt với Iran nhằm cung cấp dịch vụ băng thông rộng của vệ tinh Starlink tại đây.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ không nêu cụ thể động thái trên có liên quan đến kế hoạch của vị tỷ phú này hay không. Hiện SpaceX đang hướng tới mở rộng nhanh chóng Starlink và đang tham gia cuộc đua với các công ty truyền thông vệ tinh đối thủ, trong đó có OneWeb. (Reuters)
| Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ: Indonesia, Australia và Timor Leste thúc đẩy hợp tác phục hồi sau đại dịch, tuân thủ Hiến chương LHQ Bên lề Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ, Indonesia, Australia và Timor Leste ưu tiên hợp tác trong một số lĩnh vực nhằm phục hồi hậu ... |
| Tài phiệt Nga bị Đức phong tỏa tài sản, lý do là gì? Ngày 21/9, truyền thông Đức đưa tin, cảnh sát nước này đã tiến hành phong tỏa tài sản của nhà tài phiệt Nga Alisher Usmanov ... |
| Nhiều người Đức phản đối giao xe tăng hiện đại cho Ukraine Vấn đề cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây cho Ukraine đang gây nhiều tranh luận tại Đức. |
| Xung đột Nga-Ukraine đẩy kinh tế thế giới đứng trước 'bờ vực thẳm', triển vọng phục hồi mịt mờ Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực đang làm thui ... |
| Khí đốt Nga sẽ 'rót' sang Iran qua lãnh thổ Azerbaijan Ngày 20/9, hãng tin Fars trích dẫn báo cáo của Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, nước này sẽ sớm bắt đầu nhập khẩu 9 ... |