Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:
Tình hình Myanmar
Đăng thông báo chết chóc, tài khoản của kênh truyền hình nhà nước Myanmar bị Facebook thẳng tay 'xóa sổ'
Ngày 22/2, Facebook cho biết đã gỡ bỏ trang của kênh truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar do "nhiều lần vi phạm các Tiêu chuẩn Cộng đồng" của mạng xã hội này, bao gồm chính sách về bạo lực và kích động.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi kênh truyền hình này cảnh báo những người biểu tình phản đối đảo chính có thể sẽ bị mất mạng nếu tiếp tục xuống đường.
Trước đó ngày 21/2, mạng xã hội Facebook cũng đã xóa trang chính của quân đội Myanmar vì lý do tương tự sau khi cảnh sát Myanmar nổ súng vào những người biểu tình phản đối đảo chính khiến 2 người thiệt mạng. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Myanmar: Chính quyền quân sự cảnh báo về sự chết chóc, Mỹ cam kết có hành động cứng rắn |
EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Myanmar
Ngày 22/2, tại cuộc họp với những người đồng cấp trong Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, khối này có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Myanmar.
Ngoại trưởng Đức khẳng định: "Chúng tôi không khoanh tay đứng nhìn. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để thúc đẩy quá trình giảm leo thang căng thẳng ở Myanmar".
Tuy nhiên, ông Mass nhấn mạnh, khối này "cũng chuẩn bị biện pháp cuối cùng là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ quân sự ở Myanmar".
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng phản đối việc những người đứng sau cuộc chính biến ở Myanmar sử dụng vũ lực với người biểu tình, đồng thời hối thúc quân đội nước này dừng ngay lập tức việc đàn áp và trả tự do cho các tù nhân. (AFP, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp mắc kẹt trong 'bãi mìn' của cuộc đảo chính ở Myanmar |
Nga-Mỹ: Washington chuẩn bị 'đáp lễ' toàn diện chưa từng thấy với Moscow?
Ngày 21/2, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã tham gia chương trình Face the Nation của kênh truyền hình CBS.
Trong cuộc trò chuyện, người dẫn chương trình đã đề cập vụ tấn công mạng SolarWinds hồi năm ngoái, khiến một số cơ quan chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng mà Nga bị tình nghi thực hiện, đồng thời cho rằng, các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga đã được chứng minh là không có hiệu quả.
Khi người này hỏi ông Sullivan về động thái sắp tới của Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng cho hay: "Phản ứng của Mỹ sẽ là sự kết hợp của các công cụ đã thấy và chưa từng thấy".
Ông Sullivan nói thêm rằng, các công cụ này "sẽ không chỉ là các biện pháp trừng phạt, bởi phản ứng đối với một loạt các hành động như vậy đòi hỏi một bộ công cụ toàn diện hơn và đó là những gì chính quyền Mỹ dự định sẽ làm".
Bên cạnh đó, cố vấn an ninh Mỹ khẳng định, việc chuẩn bị các biện pháp trả đũa Nga sẽ được tung ra "chỉ trong vài tuần, chứ không đến vài tháng. Chúng tôi sẽ đảm bảo Nga hiểu rõ ranh giới mà Mỹ đã vạch ra cho những hành động như vậy". (Reuters, RFERL)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ điều máy bay ném bom đến Bắc Na Uy tập trận, Nga không ngồi yên, đem hẳn tên lửa ra thử? |
Iran: IAEA chạy đua cứu 'lửa gần'
Ngày 22/2, một ngày trước khi đạo luật hạn chế thanh sát hạt nhân của Iran có hiệu lực, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã "đạt được những thành quả ngoại giao và kỹ thuật đáng kể".
Theo đó, trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Grossi, hai bên đã đạt được một "giải pháp tạm thời" kéo dài 3 tháng, cho phép IAEA tiếp tục thực hiện công tác thanh sát hạt nhân dù mức độ tiếp cận sẽ bị hạn chế kể từ ngày 23/2.
Phát biểu trước báo giới tại sân bay ở Vienna sau khi trở về từ Tehran, Tổng Giám đốc IAEA cho biết, một số nội dung đã được nhất trí "có ý nghĩa hữu ích trong việc vượt qua những khác biệt và cứu vãn tình hình hiện nay" giữa các bên.
Theo ông Grossi, cần phải chấp nhận thực tế là việc tiếp cận của các thanh sát viên IAEA sẽ bị giảm bớt, nhưng vẫn có thể duy trì mức độ giám sát và xác minh cần thiết.
Tổng Giám đốc IAEA cũng xác nhận, số lượng thanh sát viên ở Iran không giảm và các hoạt động thanh sát đột xuất vẫn có thể được tiếp tục theo thỏa thuận tạm thời. Tuy nhiên, thỏa thuận mới đạt được sẽ liên tục được đánh giá lại và có thể bị đình chỉ bất kì lúc nào. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Iran: Tehran 'đòi công bằng' cho Nga và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ nói vẫn còn cơ hội |
Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh đổ lỗi chính quyền Mỹ tiền nhiệm là 'cội rễ' của khó khăn
Ngày 22/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, các hành động kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn trong quan hệ song phương.
Phát biểu trong một diễn đàn ở thủ đô Bắc Kinh, ông Vương Nghị hối thúc hai nước tạo dựng thiện chí, tuân theo những nội dung trong cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden và thiết lập các cơ chế đối thoại.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Trung Quốc kêu gọi mở rộng các lĩnh vực hợp tác song phương và hy vọng phía Mỹ sẽ điều chỉnh những chính sách sớm nhất có thể, dỡ bỏ những "khoản thuế vô lý" với các mặt hàng Trung Quốc. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc muốn vạch ranh giới, tuyên bố không có ý định thách thức hay thay thế Mỹ |
Mỹ-Triều Tiên: Hé lộ đề nghị bất ngờ của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên
Theo một bộ phim tài liệu mới của hãng tin BBC, cựu Tổng thống Mỹ đã "gây bất ngờ ngay cả với những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nhất" khi đề nghị đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về nước bằng chuyên cơ Không lực Một sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019 tại Việt Nam.
Nếu chấp nhận lời đề nghị này, nhà lãnh đạo Triều Tiên và có thể một số tùy tùng của ông sẽ có mặt bên trong chuyên cơ chính thức của Tổng thống Mỹ và chứng kiến nó bay vào không phận Triều Tiên, đặt ra nhiều vấn đề an ninh. Tuy vậy, ông Kim Jong-un đã từ chối.(AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên muốn 'phá băng' quan hệ với Mỹ |
Biển Đông
Pháp 'diễu' tàu chiến lớn nhất qua Biển Đông
Hải quân Pháp cho biết, tàu tấn công đổ bộ Thunderbolt lớp Mistral và tàu hộ vệ Sukuf đã khởi hành từ cảng đất liền Toulon ngày 18/2 để thực hiện sứ mệnh kéo dài 3 tháng đến Thái Bình Dương.
Trong đó, tàu tấn công đổ bộ Thunderbolt là một trong những tàu chiến lớn nhất đang hoạt động trong Hải quân Pháp, có khả năng mang nhiều trực thăng để thực hiện các hoạt động đổ bộ ba chiều, có thể được gọi là tàu sân bay.
Hải quân Pháp tuyên bố, hai tàu Pháp sẽ lần lượt đi qua Địa Trung Hải, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa hai tàu trên sẽ đi qua Biển Đông hai lần trong toàn bộ hành trình, đồng thời có kế hoạch diễn tập chung với với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và các tàu Hải quân Mỹ vào tháng 5.
TIN LIÊN QUAN | |
Pháp điều tàu chiến tới Biển Đông tập trận chung với Mỹ, ngầm gửi tín hiệu tới Trung Quốc |
Chính quyền ông Biden công nhận phán quyết của PCA về Biển Đông
Trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định lại rằng, Washington công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo đó, "phán quyết năm 2016 của PCA theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý với tất cả các bên”.
Ngày 12/7/2016, PCA có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi các quyền lịch sử đối với cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông và Bắc Kinh đã xâm phạm chủ quyền của Philippines. (Philstar)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ tái khẳng định phán quyết Tòa trọng tài về Biển Đông với Philippines |
Libya: Hội đồng Chủ tịch và Thủ tướng mới tổ chức cuộc họp đầu tiên
Ngày 21/2, Hội đồng Chủ tịch và Thủ tướng mới Libya đã tổ chức cuộc họp đầu tiên ở thủ đô Tripoli để thảo luận việc thành lập chính phủ mới.
Trong một thông báo, Hội đồng Chủ tịch nêu rõ: "Chủ tịch của Hội đồng Chủ tịch và hai cấp phó của ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng để lựa chọn những cá nhân thích hợp, người có thể dẫn dắt các cuộc bầu cử sắp tới, và đạt được sự hòa giải quốc gia toàn diện và công bằng".
Hội đồng cũng sẽ gặp Ủy ban Quân sự chung Libya để thảo luận việc mở lại tuyến đường ven biển giữa các thành phố Misurata và Sirte, vốn được quy định theo một hiệp định ngừng bắn Libya. (THX)