Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phải) và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. (Nguồn: The Express Tribune) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
*Nga tuyên bố kiểm soát thêm một làng ở vùng Donetsk của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/4 tuyên bố các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát ngôi làng Novomykhailivka, cách thành phố Donetsk của Ukraine 40 km về phía Tây Nam.
Trong báo cáo thường kỳ sáng 22/4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay các lực lượng của nước này tiếp tục cản trở những nỗ lực của Nga nhằm tiến gần làng Novomykhailivka.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng Nga đã chiếm được làng Bogdanovka gần Chasov Yar tại Donetsk, đánh đấu bước tiến đáng kể ở mặt trận phía Đông. (Reuters)
Tin liên quan |
Đức bắt hai nghi phạm liên quan mật vụ Nga, Moscow nói gì? |
*EU gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga: Khi bình luận về khả năng Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga, Điện Kremlin ngày 22/4 khẳng định Moscow biết được Brussels sẽ tiếp tục mở rộng những biện pháp như vậy.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga sẽ tìm cách giảm thiểu thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt của EU.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Thụy Điển đề nghị gói trừng phạt tiếp theo của EU đối với Moscow liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nên bao gồm biện pháp nhắm mục tiêu vào đội tàu chở dầu “bí mật” vận chuyển dầu của Nga nhằm né tránh các lệnh pháp trừng phạt. (AFP)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc phản đối Thủ tướng Nhật Bản gửi đồ lễ tới đền Yasukuni: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/4 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi đồ lễ tới đền Yasukuni ở Tokyo. Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Kishida hôm 21/4 đã gửi đồ lễ tới đền Yasukuni nhân dịp lễ hội mùa Xuân.
Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó có cả những nhân vật mà các nước láng giềng coi là tội phạm chiến tranh hạng A.
Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thế kỷ 20. Những chuyến viếng thăm hay gửi đồ lễ tới ngôi đền này của các nhà lãnh đạo hay nghị sĩ Nhật Bản luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nước láng giềng Đông Bắc Á. (Reuters)
*Mỹ - Hàn Quốc đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 22/4 cho biết Seoul và Washington sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Hawaii trong tuần này về chủ đề chia sẻ chi phí duy trì Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay cuộc đàm phán từ ngày 23-25/4 tại Hawaii sẽ do trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc Lee Tae-woo và người đồng cấp Mỹ Linda Specht chủ trì.
Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Seoul và Washington bổ nhiệm hai nhà ngoại giao này hồi đầu tháng trước để chủ trì những cuộc đàm phán về việc xác định nghĩa vụ tài chính của Seoul trong chi phí duy trì hoạt động đồn trú của USFK gồm 28.500 binh sĩ.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, đàm phán về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) là vấn đề gây tranh cãi lớn khi ông yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần mức đóng góp lên 5 tỷ USD. (Yonhap)
*Trung Quốc kiện Nhật Bản về vấn đề “phụ nữ mua vui”: Theo hãng tin Kyodo, gia đình của một nạn nhân quá cố người Trung Quốc từng làm “phụ nữ mua vui” cho quân đội Nhật Bản đã khởi kiện Chính phủ Nhật Bản. Đây là vụ kiện đầu tiên tại Trung Quốc chống lại Tokyo liên quan đến vấn đề “phụ nữ mua vui” trong Thế chiến II.
Luật sư của gia đình người phụ nữ quá cố cho biết đơn kiện đã được gửi lên tòa án ở tỉnh Sơn Tây yêu cầu xin lỗi và bồi thường. Hiện vẫn chưa rõ liệu tòa án có chấp nhận vụ kiện hay không.
Các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại tương tự của phụ nữ Trung Quốc ở Nhật Bản đều bị bác bỏ. Tuy nhiên, theo luật sư, gia đình đã hành động sau phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi năm ngoái có lợi cho một nhóm từng là “phụ nữ mua vui” cho quân đội Nhật Bản. (Kyodo)
*Triều Tiên có thể thử hạt nhân trước bầu cử Tổng thống Mỹ: Giới chuyên gia ngày 22/4 nhận định Triều Tiên có thể thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 7 trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, nhằm nỗ lực gia tăng khả năng thương lượng trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Washington.
Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường thử nghiệm vũ khí và có những lời lẽ hiếu chiến trong năm nay, giữa lúc có quan điểm cho rằng Bình Nhưỡng đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân nữa tại bãi thử Punggye-ri.
Park Won-gon, Giáo sư tại Đại học nữ sinh Ewha, cho hay không thể loại trừ khả năng Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân trước cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt nếu Triều Tiên muốn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia đàm phán hạt nhân. (Yonhap)
*Philippines, Mỹ bắt đầu cuộc tập trận thường niên Balikatan: Hàng nghìn binh sĩ Philippines và Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung Balikatan trong ngày 22/4, khi sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực làm dấy lên lo ngại về xung đột.
Các cuộc tập trận thường niên Balikatan sẽ tập trung ở phía Bắc và phía Tây của Philippines, gần các điểm nóng tiềm tàng ở Biển Đông và Đài Loan.
Cuộc tập trận chung bao gồm hoạt động mô phỏng việc chiếm lại một hòn đảo ở tỉnh Palawan, vùng đất lớn của Philippines nằm gần nhất với quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Cuộc tập trận tương tự sẽ được tổ chức ở các tỉnh miền Bắc Cagayan và Batanes, cả hai đều cách Đài Loan chưa đầy 300 km.
Cuộc tập trận kéo dài đến ngày 10/5 sẽ có sự tham gia của khoảng 11.000 lính Mỹ và 5.000 lính Philippines, cũng như các quân nhân Australia và Pháp. Pháp cũng sẽ triển khai một tàu chiến tham gia cuộc tập trận chung với các tàu Philippines và Mỹ. Trong khi đó, 14 quốc gia ở châu Á và châu Âu sẽ tham gia với tư cách quan sát viên. (AFP)
*Đại sứ Trung Quốc tại Canada đột ngột rời nhiệm sở: Theo một nguồn thạo tin ngày 21/4, Đại sứ Trung Quốc tại Canada từ năm 2019, ông Tùng Bậu Vũ, đã rời nhiệm sở và trở về Trung Quốc.
Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về lý do Đại sứ Tùng Bậu Vũ trở về nước. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này Mã Triêu Húc đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Canada David Morrison đang ở thăm, thảo luận về “quan hệ Trung Quốc-Canada cũng như các vấn đề khác cùng quan tâm”.
Việc Đại sứ Trung Quốc rời nhiệm sở được tờ Globe and Mail đưa tin đầu tiên. Tờ báo dẫn nguồn tin cho biết công việc của ông Tùng Bậu Vũ đột ngột kết thúc vào ngày 9/4 và gây bất ngờ cho một số người trong đoàn ngoại giao. (AFP)
Châu Âu
*Đức bắt giữ 3 nghi phạm làm gián điệp cho Trung Quốc: Các công tố viên Đức ngày 22/4 xác nhận 3 công dân nước này đã bị bắt vì tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.
3 nghi phạm gồm Herwig F. và Ina F - cặp vợ chồng điều hành một công ty ở Dusseldorf (Đức) - cùng Thomas R., đối tượng mà các công tố viên mô tả là đặc vụ của một nhân viên Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS).
Trong tuyên bố, các công tố viên cho hay 3 công dân Đức bị nghi ngờ chuyển cho MSS những công nghệ nhạy cảm, vốn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. (Reuters)
*Nga theo sát thông tin Ba Lan để Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân: Điện Kremlin ngày 22/4 cho biết quân đội Nga sẽ phân tích mọi động thái của Ba Lan liên quan tới việc Warsaw cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan.
Trước đó, nhật báo Fakt dẫn lời Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố Warsaw sẵn sàng thảo luận với Washington về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân để củng cố sức mạnh ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Quân đội Nga sẽ phân tích tình hình. Nếu những kế hoạch này được thực hiện, tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh của chúng tôi”. (AFP)
*Thụy Điển khẳng định trừng phạt Nga phải nhắm vào đội tàu chở dầu "bóng tối": Phát biểu trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Luxembourg ngày 22/4, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom tuyên bố gói trừng phạt tiếp theo của EU sẽ bao gồm các bước chống lại đội tàu "bóng tối" vận chuyển dầu của Nga để lách các lệnh trừng phạt.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Thụy Điển nhấn mạnh việc thông qua gói trừng phạt thứ 14 là "một trong những điều quan trọng nhất", đồng thời khẳng định gói này sẽ bao gồm cả việc cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và các biện pháp hạn chế đội tàu "bóng tối" của Nga.
Các cuộc thảo luận về gói trừng phạt mới này đang ở giai đoạn đầu và dự kiến sẽ không được thông qua tại hội nghị ở Luxembourg. (AP)
*Nga nêu điều kiện trở lại phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/4 tuyên bố Moscow sẵn sàng trở lại phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) ngay khi Mỹ thực hiện bước đi tương tự.
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Moscow về Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định sự kiện Nga hủy bỏ phê chuẩn CTBT là “phản ứng hợp lý” đối với “những hành động phá hoại của Mỹ và các nước phương Tây khác”. Ông cũng nhấn mạnh Nga vẫn là bên tham gia đầy đủ CTBT và cách đây không lâu, Moscow đã hoàn tất việc thành lập bộ phận của Nga trong Hệ thống Giám sát Quốc tế.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo phương Tây đang ở tình thế bấp bênh một cách nguy hiểm bên bờ vực của một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân do chính sách hỗ trợ Ukraine. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Pakistan hoan nghênh Iran vì “lập trường mạnh mẽ” trong vấn đề Gaza: Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 22/4 đã ca ngợi Iran vì quan điểm mạnh mẽ về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch trong khu vực.
Phát biểu họp báo chung cùng với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại thủ đô Islamabad, Thủ tướng Sharif kêu gọi các nước Hồi giáo đoàn kết và lên tiếng để chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Raisi đã tới Islamabad, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại Pakistan nhằm củng cố hơn nữa quan hệ song phương. (the Express Tribune)
*Giám đốc tình báo quân đội Israel từ chức: Quân đội Israel ngày 21/4 thông báo Giám đốc Cục Tình báo - Thiếu tướng Aharon Haliva - đã từ chức và sẽ rời đi ngay sau khi người kế vị được bổ nhiệm.
Tuyên bố của quân đội Israel nêu rõ: “Thiếu tướng Aharon Haliva - phối hợp với Tổng Tham mưu trưởng - đã đề nghị chấm dứt chức vụ của ông, theo trách nhiệm lãnh đạo trên cương vị là người đứng đầu Cục Tình báo liên quan tới vụ tấn công ngày 7/10. Quyết định đã được đưa ra là Thiếu tướng Aharon Haliva sẽ chấm dứt chức vụ và rút khỏi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ngay sau khi người kế vị được bổ nhiệm theo quy trình có trật tự và chuyên nghiệp”.
Năm ngoái, Tướng Haliva đã nhận trách nhiệm về những sai sót trong hoạt động tình báo, vốn “cho phép” Phong trào Hồi giáo Hamas thực hiện vụ tấn công chưa từng có nhằm vào Israel hôm 7/10/2023. (AFP/Jerusalem Post)
| Ukraine: Nga dự trữ tên lửa hành trình Zircon, có thể tấn công Kiev trong vài phút Ukraine cho biết, Nga đã dự trữ tên lửa hành trình Zircon ở Crimea và Moscow có thể sử dụng loại tên lửa này để ... |
| Nga cảnh báo cuộc chiến hỗn hợp của Mỹ sẽ thất bại như ở Afghanistan Ngày 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Washington đang phát động một cuộc chiến tranh hỗn hợp nhằm vào ... |
| Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn một địa điểm chiến lược tại Donetsk Ngày 21/4, quân đội Nga tuyên bố đã hoàn toàn chiếm được Bogdanivka - một làng nằm ở tuyến đầu chiến lược, cách thị trấn ... |
| Cuộc so tài giữa UAV và UGV trong xung đột Nga-Ukraine Xung đột Nga-Ukraine ngày càng cam go, thương vong về người buộc hai bên phải phát triển các phương tiện mặt đất không người lái ... |
| Thủ tướng Đức ca ngợi Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine, ứng viên Nghị viện EU lại phản đối kịch liệt Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 21/4 lên tiếng hoan nghênh Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ quân sự gần 61 ... |