Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Anh James Cleverly trong cuộc hội đàm ngày 22/9 bên lề khóa 77 ĐHĐ LHQ. (Nguồn: CGTN) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin quốc tế nổi bật ngày 22/9.
Nga-Ukraine
* Nga bác tin công dân trong độ tuổi nhập ngũ di tản khỏi nước này: Ngày 22/9, Điện Kremlin cho rằng truyền thông đã “phóng đại” về cái gọi là "cuộc di tản của những người đàn ông trong tuổi nhập ngũ" sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên một phần.
Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov không bác bỏ thông tin cho rằng một số người biểu tình phản đối lệnh động viên bị bắt giữ tối ngày 21/9 đã được trao giấy nhập ngũ, song nói rằng “điều này không vi phạm pháp luật”.
Cùng ngày, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho hay bất kỳ vũ khí nào trong kho vũ khí của Moscow, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga từ Ukraine. Theo ông, cuộc trưng cầu dân ý theo kế hoạch tại các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine sẽ diễn ra và “sẽ không có đường lui”. (Reuters)
* Ukraine kêu gọi Australia viện trợ thêm vũ khí: Ngày 22/9, Đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko ngày 22/9 kêu gọi Canberra hỗ trợ thêm khí tài cho Ukraine vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột Nga-Ukraine như tên lửa chống hạm Harpoons, xe thiết giáp Bushmasters và Hawkei cùng với pháo tầm xa...
Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Penny Wong, người đang tham dự khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ở New York, cho biết chính phủ Australia đang tích cực xem xét yêu cầu của Ukraine. Sau cuộc họp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba lần thứ hai trong 2 ngày, bà khẳng định Australia sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Ukraine. Trong cuộc họp tại thủ đô Canberra tuần tới, nội các Australia dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này. (Reuters)
Châu Âu
* Ba Lan kêu gọi NATO tăng quân ở sườn phía Đông: Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Polsat (Ba Lan), ông Pavel Solokh, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, nhận định lệnh động viên một phần của Nga đã phát đi tín hiệu tới Ba Lan nói riêng và phương Tây nói chung.
Ông nhấn mạnh: “Thêm một minh chứng nữa cho thấy cần có sự hiện diện của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía Đông nhiều hơn trước đây”. Theo đó, trong tương lai gần, các nhà chức trách Ba Lan sẽ thảo luận về chủ đề này ở các cấp độ khác nhau.
Liên quan tới khả năng Ba Lan bổ sung lực lượng ở biên giới với Kaliningrad (Nga), ông Solokh cho biết chưa có kế hoạch nào như vậy. (Sputnik)
* Tổng thống Cyprus hủy gặp Ngoại trưởng Nga: Ngày 22/9, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã hủy cuộc họp theo kế hoạch với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại New York sau khi ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí chuẩn bị biện pháp trừng phạt mới với Nga. Ban đầu, Tổng thống Anastasiades và Ngoại trưởng Lavrov dự kiến gặp tối 21/9.
Người phát ngôn Chính phủ Cyprus Marios Pelekanos cho hay trước quyết định trên của EU, Brussels đã khuyến nghị tránh các cuộc gặp song phương với Nga. Trước đó, Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides đã tham dự cuộc họp với những người đồng cấp EU tại New York. (Reuters)
* Áo đối mặt với nguy cơ khủng hoảng người di cư: Trang Kronen Zeitung (Áo) ngày 22/9 cho biết riêng 8 tháng đầu năm, đã có tới 56.149 người nộp đơn xin tị nạn tại Áo, tăng 195% so với cùng kỳ năm trước dù chưa bao gồm người di cư từ Ukraine. Hiện các trung tâm tiếp nhận người di cư của Áo, chẳng hạn như tại Traiskirchen đã quá tải đến mức “vô vọng”, với hàng dài người di cư chờ nhận thực phẩm.
Tình trạng này đang đẩy toàn bộ hệ thống tiếp nhận người tị nạn của Áo đứng trước bờ vực sụp đổ. Dòng người di cư đổ vào Áo đông nhất là từ Ấn Độ, Pakistan, Morocco và Tunisia, song họ khó có thể được hưởng cơ chế tị nạn.
Về cuối năm, làn sóng di cư được dự báo sẽ càng tăng và số người tị nạn đổ vào châu Âu nói chung và Áo nói riêng có thể sẽ vượt qua con số năm 2015. Các chuyên gia an ninh cảnh báo làn sóng này có thể báo hiệu sự trở lại ồ ạt của nạn buôn người sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. (AFP)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc lên tiếng "gắt" về vấn đề Tân Cương: Ngày 22/9, một quan chức Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng “đáp trả” nếu các nước chỉ trích nước này về vấn đề Tân Cương tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR).
Trả lời báo giới ở Geneva, ông Xu Guixiang, người phát ngôn của chính quyền Tân Cương, nhấn mạnh: “Chúng tôi không lo sợ điều đó và sẽ có biện pháp đáp trả. Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến để công lý có thể tỏa sáng trên thế giới”.
Trước đó, một nhóm các nước đang cân nhắc chỉ trích Trung Quốc tại hội nghị của UNHCR đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) sau khi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) công bố báo cáo về người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực này. (Reuters)
* Anh-Trung Quốc nhất trí duy trì đối thoại: Hội đàm bên lề phiên họp của ĐHĐ LHQ khóa 77 ở New York Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Anh James Cleverly nhất trí “duy trì đối thoại”. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc và Anh cần có “hiểu biết khách quan”, tránh xung đột, đối đầu, “xử lý đúng đắn những bất đồng mấu chốt” và tập trung vào hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Về phần mình, ông James Cleverly đề cao vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc tại HĐBA LHQ nhất là trong an ninh, biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu. Ngoại trưởng Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong duy trì các kênh thảo luận các vấn đề còn bất đồng. Ông James Cleverly cũng bày tỏ sự cảm kích điện chia buồn từ Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II.
Về vấn đề Đài Loan, ông Vương Nghị kêu gọi người đồng cấp Anh tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Nhấn mạnh lập trường “không thay đổi” trong vấn đề này, song Ngoại trưởng Anh cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng hiện nay tại eo biển Đài Loan. (SCMP)
Đông Nam Á
* Khóa họp 77 ĐHĐ LHQ: Thủ tướng Malaysia chia sẻ kinh nghiệm ứng phó các thách thức toàn cầu: Bernama ngày 22/9 đưa tin Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã tới thành phố New York (Mỹ) dự phiên Thảo luận chung khóa 77 ĐHĐ LHQ. Dự kiến, ông Ismail Sabri sẽ có bài phát biểu tại phiên họp ngày 23/9 bằng ngôn ngữ Malaysia. Đây là sáng kiến của Thủ tướng Ismail Sabri nhằm thúc đẩy việc sử dụng tiếng Malaysia như một ngôn ngữ chính thức trên trường quốc tế.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết trong khuôn khổ phiên thảo luận chung cấp cao của ĐHĐ LHQ, Thủ tướng Ismail Sabri sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của Malaysia đối phó với đại dịch Covid-19 và các thách thức toàn cầu, cũng như đưa ra một số đề xuất về giải pháp cho các cuộc xung đột tại Ukraine, Palestine và Myanmar. Theo ông Saifuddin, Thủ tướng Ismail Sabri sẽ đề xuất các giải pháp trên cơ sở chung sống hòa bình, giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình và giữ đoàn kết giữa các quốc gia.
Ngoài ra, bên lề khóa họp chính Thủ tướng Malaysia sẽ tiến hành nhiều cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước như người đồng cấp Pakistan Shehbaz Sharif chiều ngày 22/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 23/9, người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte ngày 24/9 và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Tại cuộc gặp với lãnh đạo Palestine, ông Sabri sẽ cùng ông Abbas chứng kiến lẽ ký kết ký kết 4 Biên bản ghi nhớ (MoUs) quan trọng. (Bernama)