Phương Tây tổng lực chĩa mũi dùi vào Nga. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Phương Tây gửi ‘tối hậu thư’ cho Nga
Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Ukraine, Liên minh châu Âu, Ba Lan, cùng một số nước châu Âu khác khẳng định, nếu Nga có hành động gây hấn quân sự đối với Ukraine sẽ gây ra “hậu quả to lớn” và Moscow sẽ hứng chịu “sự đáp trả nghiêm trọng”.
Các nước cũng kêu gọi Nga "ngừng chiến dịch đưa thông tin xuyên tạc thù địch chống lại Ukraine, giảm leo thang căng thẳng trong và xung quanh Ukraine, đồng thời rút lui ngay lập tức các lực lượng và thiết bị mà Moscow đóng tại Ukraine mà không có sự đồng ý của Kiev.”
Tuyên bố cũng nói rằng, các hành động của Nga là mối quan tâm toàn cầu và chúng đã vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc. Các hành động này cũng đi ngược lại với các cam kết của Nga, ngày càng đe dọa an ninh của châu Âu và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. (TASS)
NATO sẵn sàng đàm phán với Nga
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Đức - DPA ngày 23/12, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi Tổng thống Putin nên tận dụng những ngày nghỉ lễ sắp tới để rút lực lượng an ninh khỏi biên giới Ukraine nhằm xóa bỏ căng thẳng và đảm bảo kỳ nghỉ lễ Giáng sinh an lành và yên bình.
Ông Stoltenberg nhắc lại, Nga hiện đang triển khai hàng chục nghìn binh sĩ ở sát biên giới Ukraine, nhấn mạnh đây là hoạt động quân sự lớn và chưa có dấu hiệu dừng hay giảm mức độ chuyển quân.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng ngồi lại và đối thoại với Nga trong Hội đồng NATO-Nga nhưng chúng tôi sẽ không thỏa hiệp đối với các nguyên tắc cơ bản". (Reuters)
Nga đề xuất thời điểm thảo luận với Mỹ về đảm bảo an ninh
Hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 23/12 cho biết Nga đã đề xuất với Mỹ về thời gian mà các bên có thể tổ chức thảo luận về đảm bảo an ninh, song không nêu rõ thời điểm cụ thể. Ông Ryabkov khẳng định Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện sơ bộ nào để bước vào đàm phán.
Nga muốn có các đảm bảo mang tính ràng buộc từ phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc liên minh quân sự này sẽ không cho phép Ukraine trở thành thành viên hay triển khai binh sĩ và vũ khí tới khu vực này.
Trong khi đó, Ukraine khẳng định nước này có quyền được gia nhập NATO. Theo Kiev, Moscow có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine khi ngày càng có nhiều binh sĩ Nga được triển khai tới khu vực biên giới gần Ukraine.
Nga-Trung Quốchợp tác phát triển vũ khí chính xác cao
Ngày 23/12, phát biểu tại họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Trung Quốc phối hợp phát triển vũ khí chính xác cao, tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra chung.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đây là những hoạt động mang tính chất đối tác toàn diện "tuyệt đối" giữa hai nước. Ông thừa nhận có mối quan hệ cá nhân rất đáng tin cậy với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và điều này hỗ trợ tích cực trong công việc liên quan.
Nhận định toàn bộ khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kinh tế và "Trung Quốc là đầu tàu không thể bàn cãi", ông Putin nhấn mạnh Liên bang Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và khu vực châu Á trong lĩnh vực này.
Theo ông Putin, Nga cung cấp tất cả các loại tài nguyên năng lượng cho Trung Quốc. Hai nhà nước vẫn tiếp tục làm việc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, vũ trụ, công nghệ cao và nhân đạo, cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh và tương tác giữa các lực lượng vũ trang của hai nước. (Sputnik)
Trung Quốc hỗ trợ Quần đảo Solomon đảm bảo an ninh
Trung Quốc ngày 23/12 cho biết nước này sẽ cử các cố vấn an ninh và gửi trang thiết bị chống bạo động tới Quần đảo Solomon. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi các lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai tới Quần đảo Solomon trong thời gian nổ ra các cuộc biểu tình đẫm máu bắt đầu rút quân khỏi quốc đảo Thái Bình Dương này.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh sẽ "khẩn trương cung cấp" hỗ trợ "theo đề nghị của Chính phủ Quần đảo Solomon", đồng thời khẳng định nhân lực và vật lực sẽ sớm được chuyển tới quần đảo này.
Ông nói: "Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các nỗ lực của Quần đảo Solomon nhằm duy trì ổn định ở quốc đảo này, đồng thời sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát ở Quần đảo Solomon".
Trong một tuyên bố, Chính phủ Quần đảo Solomon cho biết đã tiếp nhận lời đề nghị của Trung Quốc cử 6 "sĩ quan liên lạc" giúp huấn luyện lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon. Bắc Kinh cũng sẽ gửi các thiết bị gồm khiên chắn, mũ bảo hiểm, dùi cui và các thiết bị "phi sát thương" khác. (AFP)
Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng tái tranh cử
Trong cuộc phỏng vấn phát trên đài ABC ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nếu vẫn khỏe mạnh.
Tổng thống Biden nói: "Tôi là một người rất tôn trọng số phận. Số phận đã nhiều lần can thiệp vào cuộc đời tôi. Nếu tôi vẫn khỏe như bây giờ, nếu tôi có sức khỏe tốt, thì… tôi sẽ lại tranh cử".
Ông Biden cũng cho biết khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tham gia vào cuộc bầu cử năm 2024 sẽ chỉ làm tăng triển vọng được đề cử của ông.
Pháp sẽ kiện Anh về giấy phép đánh cá
Ngày 23/12, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết nước này sẽ khởi kiện Anh về vấn đề giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit vào đầu tháng 1 tới.
Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, ông Beaune cho hay sẽ có một cuộc họp cấp cao giữa các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức vào ngày 4/1 tới và việc khởi kiện tại một tòa án đặc biệt được áp dụng theo các thỏa thuận Brexit sẽ bắt đầu vào đầu tháng 1. (Reuters)
Australia cáo buộc Trung Quốc theo đuổi quân sự hóa không gian vũ trụ
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 23/12 cáo buộc Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch quân sự hóa không gian vũ trụ nhằm làm suy yếu khả năng chiến đấu của các quốc gia phương Tây, trong đó có Australia.
Bày tỏ quan ngại về cách thức và tốc độ mà Trung Quốc đang tìm cách quân sự hóa không gian, ông Dutton nhận xét trong "cuộc chạy đua không gian" đang diễn ra, Trung Quốc áp dụng các chiến thuật bắt nạt giống như cách đã làm đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ông nói: "Tôi cho rằng hành vi của họ không khác với những gì chúng ta đang thấy ở Biển Hoa Đông, trên biên giới đất liền với Ấn Độ,...” (The Australian)
Đức lên kế hoạch triển khai tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 22/12, Tham mưu trưởng Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay-Achim Schonbac, tuyên bố, trong tương lai, Hải quân Đức sẽ định kỳ hai năm một lần triển khai tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu trên của Phó Đô đốc Schonbac được đưa ra tại Singapore khi khinh hạm Bayern của Đức đang ghé thăm cảng của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong bài phát biểu theo lời mời của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, ông Schonbac mô tả sứ mệnh hiện nay của chiến hạm Bayern như chiếc "tàu phá băng" để chuẩn bị cho các sứ mệnh trong tương lai.
Các sứ mệnh này có thể được tiến hành theo định dạng quốc tế với các đối tác hải quân châu Âu và quốc tế.
Tham mưu trưởng Hải quân Đức không loại trừ khả năng Đức có thể tham gia các sứ mệnh do một cụm tàu sân bay tấn công dẫn đầu. (FAZ)
Một số tin quốc tế nổi bật khác:
Kinh tế Triều Tiên sụt giảm mạnh: Theo số liệu do Viện Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 23/12, kinh tế Triều Tiên đã sụt giảm 4,5% trong năm 2020 so với một năm trước đó, nguyên nhân là vì các lệnh trừng phạt của quốc tế và đại dịch Covid-19.
Nga không định xâm lược quân sự Ukraine: Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Đức Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov khẳng định, Nga mong muốn hỗ trợ những người nói tiếng Nga và đồng bào đang sinh sống ở các quốc gia khác, song không có nghĩa Moscow muốn sử dụng biện pháp quân sự cho mục đích này.
Trung Quốc hối thúc Mỹ tạo điều kiện tăng cường hợp tác thương mại: Trả lời phỏng vấn ngày 23/12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết nước này hy vọng Mỹ có thể tạo điều kiện để hai bên mở rộng hợp tác thương mại và nhóm thương mại của cả hai bên vẫn đang duy trì liên lạc bình thường.