📞

Tin thế giới 23/2: Armenia tạm 'dứt tình' với liên minh do Nga dẫn đầu? Mỹ giáng 'đòn' lớn nhất với Moscow; Kế hoạch hậu chiến của Israel

Hoàng Hà 21:36 | 23/02/2024
Diễn biến xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, Israel đã có kế hoạch thời "hậu chiến", Armenia đình chỉ tư cách thành viên ở CSTO, Mỹ tung gói trừng phạt lớn nhất với Nga, tình hình khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố sẽ tạm dừng tư cách thành viên tại Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Quốc hội Mỹ nếu không phê duyệt gói viện trợ bổ sung sẽ phải trả giá bằng mạng sống của người Ukraine, đồng thời kêu gọi cơ quan lập pháp này hành động.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận Nga có ưu thế trên không cũng như vượt trội về nhân lực, song Kiev sẽ có "một bất ngờ" dành cho Nga ở Biển Đen.

Tổng thống Zelensky cũng khẳng định không muốn lặp lại các thỏa thuận Minsk, bởi "vấn đề không chỉ là lãnh thổ, mà còn là an ninh của Ukraine". (Fox News)

* Lãnh đạo Đan Mạch, Ukraine gặp nhau tại Lvov: Ngày 23/2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gặp Tổng thống Zelensky tại thành phố Lvov, miền Tây Ukraine và cùng đến thăm nghĩa trang, tưởng nhớ các binh sĩ đã hy sinh trong xung đột Kiev-Moscow.

Ông Zelensky viết trên mạng xã hội X: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên những anh hùng đã bảo vệ nền độc lập, tự do và tương lai của chúng ta”. (Reuters)

* Pháp đăng cai hội nghị hỗ trợ Ukraine vào ngày 26/2, theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Thông báo nêu rõ, các nhà lãnh đạo và bộ trưởng các nước châu Âu đã được mời tham dự hội nghị “để nghiên cứu các biện pháp có thể áp dụng nhằm tăng cường hợp tác hỗ trợ Ukraine”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố sẽ tham gia “để thảo luận các đề xuất mới về giải pháp và hỗ trợ cho Ukraine”. (AFP)

* Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ giải ngân 880 triệu USD cho Ukraine, trong giai đoạn ba của gói viện trợ trị giá 15,6 tỷ USD được phê duyệt năm ngoái.

Khoản viện trợ này vẫn phải được ban điều hành IMF phê duyệt. Theo IMF, Ukraine sẽ cần tới 486 tỷ USD để tái thiết sau chiến tranh. (AFP)

Châu Âu

* Armenia đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), theo thông báo của Thủ tướng nước này Nikol Pashinyan trên kênh truyền hình France 24.

Ông Pashinyan tuyên bố, CSTO “đã không hoàn thành nghĩa vụ an ninh của mình đối với Armenia", đặc biệt trong giai đoạn 2021-2022.

Nhà lãnh đạo nói rõ: "Điều này không thể diễn ra mà không có hậu quả. Và hậu quả là trên thực tế, về cơ bản chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia CSTO".

Tuy nhiên, cho đến nay, Ban thư ký CSTO chưa nhận được công bố chính thức từ phía Yerevan về việc đình chỉ tư cách thành viên. Theo Ban thư ký CSTO, ý kiến của ông Pashinyan dường như phản ánh việc Erevan không tham gia một số sự kiện của tổ chức.

Điện Kremlin sẽ tiếp tục đối thoại với Armenia, trong đó có cả vấn đề trên.

CSTO là một liên minh quân sự, thành lập năm 1992. Ngoài Armenia, CSTO hiện còn Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

* Trừng phạt Nga: Tròn 2 năm xung đột Nga-Ukraine và vụ nhân vật đối lập Alexei Navalny tử vong ở nhà tù Bắc Cực mà phương Tây cho rằng Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm, Mỹ cùng châu Âu đã tung các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow.

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/2 tuyên bố ông sẽ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 cá nhân và thực thể, phối hợp với các quốc gia khác, nhắm mục tiêu vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga cũng như các công ty ở các nước thứ 3 tạo điều kiện cho Moscow tiếp cận hàng hóa.

Các biện pháp trừng phạt này sẽ do cả Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt và đây sẽ là "gói trừng phạt lớn nhất” kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tung gói trừng phạt thứ 13, đưa tổng cộng 106 cá nhân và 88 thực thể vào "danh sách đen".

Như vậy, gói trừng phạt mới nâng số lượng các biện pháp hạn chế được thực hiện liên quan đến tình hình ở Ukraine đối với các cá nhân và pháp nhân lên hơn 2.000.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Moscow sẽ "đáp trả bằng hành động" trước các lệnh trừng phạt do Mỹ sắp áp đặt bằng cách củng cố nền kinh tế và nâng cao mức sống cho người dân và hợp tác với các quốc gia thiện chí trong tất cả các lĩnh vực.

Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo mở rộng đáng kể danh sách các quan chức và chính trị gia EU bị cấm nhập cảnh Nga nhằm đáp trả vòng trừng phạt mới nhất của khối này. (Reuters, AFP)

* Hungary-Thụy Điển ký thỏa thuận lớn về quân sự: Ngày 23/2, Thụy Điển Ulf Kristersson đã đến Hungary và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Viktor Orban.

Ông Orban thông báo, hai nước đã ký kết một thỏa thuận lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng và vạch ra một số hướng phát triển hợp tác song phương. (Sputnik)

* Belarus sẽ giám sát việc Ba Lan triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ: Ngày 22/2, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho hay Ba Lan có quyền triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ và Minsk sẽ "theo dõi mục đích và loại vũ khí mà họ đang triển khai".

Đề cập những đồn đoán ở châu Âu liên quan việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, ông Khrenin nhấn mạnh, đó là biện pháp bắt buộc từ phía Minsk.

Châu Á-Thái Bình Dương

* Nhật Bản-Australia nghiên cứu phát triển các thiết bị không người lái dưới nước: Đây là dự án đầu tiên kể từ khi hai quốc gia này ký thỏa thuận hợp tác vào tháng 6/2023, nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho các nghiên cứu kỹ thuật chung về thiết bị quốc phòng.

Dự án này nhằm góp phần tăng cường khả năng tương tác trong tương lai của các thiết bị drone dưới nước, có thể phát hiện mìn và thực hiện các nhiệm vụ khác. (Kyodo)

* Hàn Quốc nâng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng y tế lên mức “nghiêm trọng”, mức cao nhất trên thang gồm 4 cấp, trong bối cảnh hàng nghìn bác sĩ đồng loạt nghỉ để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y nước này.

Theo Thủ tướng Han Duck Soo, chính phủ sẽ tối đa hóa việc sử dụng các cơ sở y tế công bằng cách kéo dài thời gian làm việc, mở rộng dịch vụ tư vấn vào cuối tuần và ngày lễ và nới lỏng các quy định liên quan việc thuê nhân viên y tế để giúp giảm bớt khối lượng công việc của các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện

Hàn Quốc sẽ thành lập 4 phòng tình huống khu vực chịu trách nhiệm vận chuyển bệnh nhân cấp cứu nặng vào đầu tháng 3 tới nhằm bổ sung cho các phòng hiện có. Tất cả các bệnh viện cũng được phép thực hiện đầy đủ các dịch vụ y tế từ xa như nhằm đối phó với tình trạng các cơ sở y tế công bị quá tải.

Trên toàn Hàn Quốc hiện có khoảng 13.000 bác sĩ tập sự và vai trò của họ rất quan trọng trong quy trình chăm sóc, khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện. Tính đến ngày 23/2, gần 80% trong tổng số bác sĩ tập sự tại 95 bệnh viện trên toàn quốc đã nộp đơn xin thôi việc và 7.800 bác sĩ đã nghỉ việc. (Yonhap)

* Hàn Quốc-Ấn Độ nối lại đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao về quan hệ đối tác song phương vào ngày 6/3 tới, sau khoảng 5 năm gián đoạn.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 10 (JCM) sẽ "là dịp để củng cố 'quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt' song phương với Ấn Độ - một đối tác khu vực quan trọng có cùng giá trị với Hàn Quốc - trong các lĩnh vực đa dạng từ trao đổi cấp cao, quốc phòng, an ninh kinh tế, và khoa học và công nghệ cho các vấn đề khu vực và toàn cầu". (Yonhap)

Trung Đông-Châu Phi

* Thủ tướng Israel đề xuất kế hoạch hậu chiến ở Gaza: Ngày 23/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã đề xuất một kế hoạch cho Gaza thời hậu chiến, theo đó, quân đội nước này sẽ có "quyền tự do vô thời hạn" hoạt động trên khắp dải đất nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động khủng bố nào tái diễn.

Giới chức địa phương Palestine có kinh nghiệm hành chính, không có liên kết với Hamas hay với các lực lượng nước ngoài ủng hộ phong trào này, sẽ quản lý Dải Gaza, trong khi giải tán Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo, đảm bảo thả tất cả các con tin.

Israel sẽ tiến hành dự án đã được triển khai nhằm thiết lập vùng đệm an ninh ở biên giới với dải đất của Palestine này” cũng như dự tính việc kiểm soát an ninh của Israel "trên toàn bộ khu vực phía Tây sông Jordan".

Kế hoạch này dự kiến "phi quân sự hóa hoàn toàn... vượt quá những gì cần thiết để đáp ứng nhu cầu duy trì trật tự công cộng" và nhằm thúc đẩy "mục tiêu trừ khử các phần tử cực đoan trong tất cả các tổ chức tôn giáo, giáo dục và phúc lợi ở Gaza".

Một điểm quan trọng trong kế hoạch này là giải tán Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Trước đó, ngày 22/2, nội các chiến tranh Israel đã biểu quyết thông qua quyết định cử phái đoàn tới Paris, Pháp nhằm nối lại cuộc đàm phán về con tin và lệnh ngừng bắn với Phong trào Hồi giáo Hamas qua sự trung gian của Mỹ, Ai Cập và Qatar.(Times of Israel)

* Hội đồng Bảo an nhóm họp phiên mở rộng về tình hình Gaza trong ngày 22/2. Tại phiên họp, Điều phối đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến đáng báo động, bất ổn tại Gaza.

Ông Wennesland mô tả tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này là “gây sốc, không bền vững và tuyệt vọng”; người dân Palestine mất nhà cửa đang phải đối mặt với tình trạng thiệu hụt nghiêm trọng lương thực thực phẩm, nước sạch, thuốc men, trong khi dịch bệnh truyền nhiễm cũng gia tăng đáng lo ngại.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế có một phản ứng tập thể, mang tính phối hợp và toàn diện để không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt ở Gaza, mà còn góp phần khôi phục tương lai chính trị cho cả người Palestines và người Israel.

Theo ông, để làm được điều này, phong trào Hồi giáo Hamas và Israel cần đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và trao trả các con tin cũng như cần tạo không gian để tiến về phía trước thông qua đối thoại thay vì bạo lực.

Ông Wennesland cũng nhấn mạnh rằng giải pháp lâu dài cho Gaza là giải pháp hai nhà nước. (UN News)

* Houthi tăng cường tấn công các tàu ở Biển Đỏ:Ngày 22/2, Thủ lĩnh Phong trào Houthi Abdul Malik Al-Houthi cho biết, lực lượng này đang tăng cường tấn công các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển khác, thậm chí bằng cả "vũ khí tàu ngầm", để trả đũa các hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, ông không đề cập chi tiết đến loại "vũ khí tàu ngầm".

Ngay sau tuyên bố trên, Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công một tàu chở hàng thuộc sở hữu của Anh và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào một tàu khu trục Mỹ trong cùng ngày, đồng thời thừa nhận đã tấn công thành phố cảng và nghỉ dưỡng Eilat của Israel bằng tên lửa đạn đạo và UAV. (Times of Israel)

* Thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah thiệt mạng trong vụ không kích của Israel ngày 22/2 vào làng Ramen, gần thành phố Nabatieh ở miền Nam Beirut của Lebanon.

Nhân vật này tên là Mahmoud Saleh, có cấp bậc trong lực lượng vũ trang Hezbollah tương đương với Lữ đoàn trưởng.

Truyền thông Israel dẫn các nguồn tin y tế và quân đội Lebanon cho biết, ít nhất 5 người đã bị thương trong vụ không kích, trong đó có 2 người bị thương nặng. (The Jerusalem Post)

Châu Mỹ

* Ngoại trưởng Nga Sergai Lavrov hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva vào ngày 22/2 (giờ địa phương), một ngày sau khi ông Lula tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Tổng thống Lula và Ngoại trưởng Lavrov đã không phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm.

Nhà lãnh đạo Brazil là người phản đối nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập và trừng phạt Nga vì xung đột ở Ukraine, cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nước phương Tây có một phần trách nhiệm trong cuộc chiến. (AFP)

* G20 nhấn mạnh sự cần thiết cải cách thể chế quản trị toàn cầu: Ngày 22/2, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc sau 2 ngày họp kín tại thành phố Rio de Janeiro.

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của LHQ trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, song cần thiết cải cách thể chế quản trị toàn cầu như Hội đồng Bảo an, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WHO).

Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 trong năm nay, đã đề xuất tổ chức cuộc họp ngoại trưởng lần thứ hai vào tháng 9, trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ thường niên tại New York (Mỹ) nhằm kêu gọi sự tham gia của tất cả các thành viên G20 cũng như các nước thành viên LHQ về cải cách thể chế quản trị toàn cầu.