📞

Tin thế giới 23/5: Nga ra điều kiện với Ukraine; EU 'than thở' kho vũ khí cạn kiệt vì Kiev; Mỹ khiến Trung Quốc 'nóng mặt'

Hoàng Hà 19:47 | 23/05/2022
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Thủ tướng Australia tuyên thệ, tình hình Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo, Tổng thống Mỹ khẳng định nước này sẽ sát cánh cùng đồng minh bảo vệ Đài Loan, khiến Trung Quốc phát cảnh báo. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga nêu điều kiện nối lại đàm phán với Ukraine: Hãng tin RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tuyên bố, nước này sẽ sẵn sàng quay lại đàm phán với Ukraine "ngay khi Kiev thể hiện quan điểm mang tính xây dựng".

Đề cập việc trao đổi số binh sĩ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol mà phía Nga đang bắt giữ, ông Rudenko không bác bỏ việc đang diễn ra các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại. (Reuters)

* Quan chức Ukraine loại trừ khả năng chấp nhận ngừng bắn với Nga: Ngày 22/5, ông Mikhail Podolyak, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, tuyên bố, Kiev loại trừ khả năng chấp nhận ngừng bắn với Nga.

Theo ông Podolyak, các lực lượng vũ trang Nga phải rời khỏi Ukraine, sau đó hai bên “có thể sẽ nối lại tiến trình hòa bình”. (Lenta)

* Tổng thống Ukraine nói "thế giới đang đứng trước một bước ngoặt", khi ông có bài phát biểu tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) ngày 23/5.

Kêu gọi trừng phạt "tối đa" với Nga, ông Zelensky nhấn mạnh: "Lịch sử đang ở một bước ngoặt... Đây thực sự là thời khắc quyết định liệu vũ lực có thống trị thế giới hay không?".

Tổng thống Zelensky đã nhân Hội nghị thượng đỉnh Davos để kêu gọi viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời thúc giục một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Moscow, trừng phạt tất cả ngân hàng và chấm dứt mọi hoạt động thương mại với Nga. (AFP)

* Ukraine kết án chung thân binh sĩ Nga: Ngày 23/5, một tòa án ở Kiev đã ra phán quyết tù chung thân đối với binh sĩ 21 tuổi người Nga. Đây là bản án đầu tiên đối với các lực lượng của Moscow kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Đông Âu.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: "Chúng tôi quan tâm đến số phận của công dân của chúng tôi, nhưng chúng tôi không có khả năng để bảo vệ quyền lợi của anh ta".(AFP)

Châu Âu

* EU nói không còn thiết bị quân sự viện trợ Ukraine, theo lời của Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell hôm 22/5.

Ông Borrell nói rõ: “Các kho dự trữ cạn kiệt do chúng tôi đã phải viện trợ quân sự cho Ukraine là minh chứng rõ nhất cho tình trạng thiết hụt hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng này cũng xuất phát từ chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng và không đầu tư trong quá khứ".

Cho rằng năng lực quốc phòng và chi tiêu quân sự của khối không phù hợp để chống lại các mối đe dọa an ninh, nhà ngoại giao EU kêu gọi khối này cần tăng cường năng lực quốc phòng trong 5 năm tới, đặc biệt là đối với các hệ thống phòng không, không gian mạng và vũ trụ.

Về dài hạn, ông Borrell nhận định các nước EU cần tập trung vào những hoạt động mua và sản xuất vũ khí chung, như xe tăng, thiết bị cảnh báo không gian, thiết bị chống truy cập. (Sputnik)

* Điện Kremlin tố phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất trong lịch sử hiện đại đối với Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí với đánh giá của Liên hợp quốc rằng, thế giới đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực có khả năng gây ra nạn đói song Moscow "không phải là căn nguyên của vấn đề này".

Bên cạnh đó, ông Peskov khẳng định, việc quân sự hóa châu Âu hay ý tưởng tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine sẽ không góp phần tăng cường an ninh và ổn định trên lục địa này. (Reuters)

* Pháp "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của Ukraine: Ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng, nỗ lực gia nhập EU của Ukraine không thể hoàn thành trong "15 hoặc 20 năm". (AFP)

* Tổng thống Áo Van der Bellen tranh cử nhiệm kỳ thứ hai: Trong một video trực tuyến ngày 22/5, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, 78 tuổi, thông báo sẽ tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ hai nếu được tín nhiệm. Tại Áo, Tổng thống liên bang có thể được tái cử một lần nhiệm kỳ 6 năm.

Ông Van der Bellen cho biết, người giữ chức tổng thống Áo sẽ có một nhiệm vụ to lớn trong những năm tới là duy trì hoà bình và sự gắn kết xã hội.

Hiện ông Bellen đã nhận được sự ủng hộ của đảng Nhân dân Áo (ÖVP), đảng Dân chủ Xã hội (SPÖ) và đảng Neos. (Reuters)

* Nga theo dõi sát thái độ của Moldova về việc NATO muốn cấp vũ khí: Ngày 22/5, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks tuyên bố, Washington sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Moldova, nếu chính phủ của quốc gia thuộc Liên Xô cũ này yêu cầu.

Trước đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng, Moldova cần được cung cấp vũ khí theo tiêu chuẩn của NATO.

hiến pháp Moldova quy định rõ ràng tình trạng trung lập". (TASS, Sputnik)

* Armenia-Azerbaijan đạt được thỏa thuận phân định biên giới trong cuộc họp 3 bên giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels (Bỉ).

Trung Quốc

* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ chối cho phép Đài Loan (Trung Quốc) trở thành quan sát viên: Ngày 23/5, Đại hội đồng Y tế thế giới quyết định không đưa vào chương trình nghị sự chính thức của tổ chức này đề xuất của 13 thành viên, trong đó có Mỹ, tìm kiếm cơ hội để Đài Loan được tham dự cuộc họp của WHO với tư cách quan sát viên.

Trước đó, Đài Loan đã bị loại khỏi WHO do sự phản đối của Trung Quốc. (Reuters)

* Mỹ nói chính sách với Đài Loan không đổi: Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan cũng như sát cánh với các nước khác để bảo vệ cho hòn đảo này.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ: "Chúng tôi đồng ý với chính sách Một Trung Quốc, chúng tôi đã ký vào nó... nhưng ý tưởng về việc có thể giành lấy Đài Loan bằng vũ lực là không phù hợp".

Sau tuyên bố của ông Biden, một quan chức Nhà Trắng khẳng định, không có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.

Quan chức giấu tên của Nhà Trắng nói: "Tổng thống Biden đã tái khẳng định chính sách Một Trung Quốc và cam kết của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan. Tổng thống Biden cũng nhắc lại các cam kết theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan nhằm cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để phòng vệ". (Reuters, AFP)

* Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Đài Loan: Ngày 23/5, Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia của mình liên quan Đài Loan, phản bác việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bảo vệ hòn đảo này.

Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Không ai được đánh giá thấp quyết tâm vững chắc, ý chí kiên cường và khả năng mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”. (AFP)

* Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sắp đến quần đảo Solomon trong tuần này và ký các thỏa thuận quan trọng, dự kiến bao gồm cả một hiệp ước an ninh mà Mỹ, Australia và Nhật Bản lo ngại.

Chính phủ quần đảo Solomon và Đại sứ Trung Quốc ngày 23/5 đã xác nhận chuyến công du này. Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare miêu tả đây là một cột mốc quan trọng. (Reuters)

Bán đảo Triều Tiên:

* Tổng thống Hàn Quốc nói "bóng trên sân Triều Tiên": Ngày 23/5, kênh truyền hình CNN của Mỹ đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, bất kỳ việc nối lại đối thoại nào giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào Bình Nhưỡng.

Ông Yoon nói: “Tôi nghĩ rằng quả bóng đang ở phần sân của Chủ tịch Kim. Việc bắt đầu đối thoại với chúng tôi là sự lựa chọn của ông ấy. Tôi không muốn nhà nước Triều Tiên sụp đổ. Hy vọng của tôi là Triều Tiên sẽ phát triển thịnh vượng cùng với Hàn Quốc”.

Về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, ông Yoon Suk-yeol khẳng định: “Chúng tôi sẽ đối phó mạnh mẽ và kiên quyết với bất kỳ mối đe dọa hoặc hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên”.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho hay, chính quyền của ông sẽ có phản ứng khác với chính quyền tiền nhiệm nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy và cho rằng các cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ chỉ mang tính chất phòng thủ. (Yonhap)

* Hàn Quốc thúc đẩy việc bình thường hóa hoạt động hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup ngày 23/5.

Trước đó, thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở trong tình trạng “lắp đặt tạm thời” do phải chờ đánh giá tác động môi trường và các lý do khác. (Yonhap)

* Hàn Quốc tái khẳng định kế hoạch giúp Triều Tiên phát triển kinh tế: Ngày 23/5, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se đã tái khẳng định một “kế hoạch táo bạo” nhằm giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, song cho biết điều này sẽ phụ thuộc vào tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Thông qua kế hoạch trên, chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế chung giữa hai miền Triều Tiên và hiện thực hóa "tầm nhìn quốc gia trụ cột toàn cầu”.

Ông Kwon Young-se nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tuần qua tại Seoul giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đánh dấu một "cột mốc" rõ ràng cho tương lai của liên minh song phương này. (Yonhap)

Mỹ-Nhật Bản

Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Nhật Bản và có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Kishida nêu rõ: “Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng xấu đi, tôi đã tái khẳng định với Tổng thống Biden rằng chúng ta cần nhanh chóng tăng cường sự răn đe và ứng phó của liên minh Nhật-Mỹ”.

Ông khẳng định quyết tâm “tăng cường về cơ bản năng lực quốc phòng của Nhật Bản”, nêu rõ, hai bên nhấn mạnh "bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều cần bị nghiêm cấm một cách tuyệt đối, bất kể ở đâu”, bao gồm cả Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mặt khác, hai bên cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Thủ tướng Kishida kêu gọi hai nước đi đầu trong việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Về phần mình, Tổng thống Biden cho hay, Mỹ cam kết bảo vệ toàn bộ Nhật Bản và "hoan nghênh cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong môi trường an ninh ngày càng thách thức hơn”. (Kyodo)

Tân Thủ tướng Australia tuyên thệ

Ngày 23/5, ông Anthony Albanese - lãnh đạo Công đảng Australia - đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng. Ông là vị Thủ tướng thứ 31 trong lịch sử Australia.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Albanese công bố những ưu tiên của ông trong thời gian tới là thành lập một ủy ban chống tham nhũng quốc gia, thúc đẩy sự công nhận về mặt hiến pháp đối với người Australia bản địa và triệu tập một hội nghị quốc gia về việc làm.

Về quan hệ với Trung Quốc, ông Albanese cho rằng, đây sẽ vẫn là "một mối quan hệ khó khăn" và "chính Trung Quốc đã thay đổi, không phải Australia". (Reuters)

Trung Đông:

* Tổng thống Iran công du Oman: Ngày 23/5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã đến Oman trong khuôn khổ chuyến công du được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thỏa thuận thương mại.

Chuyến công du một ngày của Tổng thống Raisi diễn ra vào thời điểm cuộc đàm phán mới về khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đang bế tắc. Oman từng đóng vai trò trung gian giữa Tehran và Washington trong việc xây dựng thỏa thuận ban đầu.

Phát biểu trước thềm chuyến công du, ông Raisi nhận định: "Trao đổi thương mại giữa hai nước Oman và Iran chắc chắn sẽ cải thiện... Cả hai nước đều quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ chính trị và kinh tế lên tầm cao mới". (AFP)

* Chủ tịch Nghị viện châu Âu thăm Israel: Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola ngày 22/5 đã đến Israel, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới quốc gia Do Thái và Palestine. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị chủ tịch EP tới Israel và Palestine kể từ năm 2014.

Theo tờ Times of Israel, bà Metsola sẽ phát biểu trước Quốc hội Israel vào ngày 23/5, gặp Tổng thống Isaac Herzog, Thủ tướng Naftali Bennett, Chủ tịch Quốc hội Mickey Levy, Ngoại trưởng Yair Lapid và các quan chức cấp cao khác trong chính phủ Israel.

Sau đó, Chủ tịch EP sẽ gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah.

Thông cáo của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Israel có đoạn: “Chủ tịch Metsola mang theo thông điệp hy vọng, lời kêu gọi củng cố quan hệ với cả Israel và Palestine”, thể hiện thiện chí tái khởi động tiến trình hoà bình Trung Đông.

* Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen (PLC) cam kết ủng hộ gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, vốn sẽ hết hạn vào ngày 2/6, theo truyền thông Trung Đông ngày 22/5 đưa tin.

Chủ tịch PLC Rashad Al-Alimi tuyên bố sẽ hỗ trợ những nỗ lực của các nhà hòa giải quốc tế nhằm gia hạn thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ, đấu tranh chống nạn tham nhũng, thống nhất các đơn vị quân đội và an ninh ở Yemen.

Ông Al-Alimi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, buộc phong trào Houthi chấm dứt những hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn và thực hiện các điều khoản của thỏa thuận, bao gồm việc chấm dứt bao vây thành phố Taiz.

* Phong trào Houthi không phản đối đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn ở Yemen, theo tuyên bố của người đứng đầu Hội đồng Chính trị Tối cao của phong trào Houthi ở Yemen Mahdi al-Mashat ngày 22/5.

Tuy vậy, ông Mashat bày tỏ: “Chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào mà trong đó, sự đau khổ của nhân dân chúng tôi vẫn tiếp diễn. Tôi yêu cầu một sự hợp tác chân thành và đáng khích lệ - nhân tố dẫn đến sự cải thiện các lợi ích nhân đạo và kinh tế trong bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào sắp tới”. (Reuters)