📞

Tin thế giới 2/4: Mỹ tuyên bố hành động mới ở Nga; Động thái của Trung Quốc, Nhật Bản về vụ việc thảm khốc ở Đài Loan; Nga 'xử' Twitter

Hoàng Hà 20:42 | 02/04/2021
Mỹ tạm dừng dịch vụ thị thực tại lãnh sự quán ở Nga, tình hình miền Đông Ukraine, quan hệ Nga-Trung Quốc, Dòng chảy phương Bắc 2, Nga phạt Twitter, vụ tai nạn thảm khốc ở Đài Loan, thỏa thuận hạt nhân Iran... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ tạm dừng dịch vụ thị thực tại lãnh sự quán ở Nga

Ngày 1/4, Đại sứ Mỹ John Sullivan cho biết, nước này đang tạm dừng các dịch vụ thị thực và công dân tại các lãnh sự quán ở Nga và chỉ cung cấp các dịch vụ này tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow sau khi đình chỉ hoạt động tại 2 lãnh sự quán này vào năm ngoái, viện dẫn các vấn đề an toàn và an ninh tại các cơ sở mà hoạt động bị giảm bớt do Covid-19.

Theo đó, các hoạt động tại lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Vladivostok sẽ vẫn bị đình chỉ trong khi lãnh sự quán Mỹ tại Yekaterinburg sẽ vẫn mở cửa nhưng không còn cấp thị thực hoặc cung cấp dịch vụ cho công dân Mỹ kể từ ngày 2/4. (Reuters)

Tình hình Donbass: Ukraine quyết 'tìm lại hòa bình', Nga cảnh cáo NATO

Ngày 1/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mong muốn quay lại một cơ chế ngừng bắn hiệu quả hơn tại Donbas và cam kết sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận, với hy vọng đạt được hòa bình tại khu vực này, coi đây là "bước đi chiến thuật nhanh chóng nhất".

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cáo buộc Nga “diễu võ giương oai” ở Donbass dưới các hình thức tập trận và các hành động khiêu khích có thể diễn ra dọc biên giới.

Trong khi đó, ngày 2/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tình hình tại đường dây liên lạc ở miền Đông Ukraine giữa các lực lượng chính phủ Ukraine và các lực lượng ly khai thân Nga là rất đáng lo ngại và nhiều "hành động khiêu khích" đã xảy ra ở đó.

Ông Peskov cũng cảnh báo, bất kỳ hoạt động triển khai quân nào của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine sẽ làm gia tăng căng thẳng gần biên giới Nga và buộc Moscow phải áp đặt thêm các biện pháp đảm bảo an ninh đất nước. (Reuters, THX)

Nga khẳng định 'tình anh em' khác biệt với Trung Quốc

Ngày 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, Nga và Trung Quốc không cần một liên minh quân sự giống như NATO bởi mối quan hệ giữa hai nước này là hoàn toàn khác biệt.

Theo ông Lavrov, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc gần gũi hơn một liên minh quân sự ở một khía cạnh nhất định.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, các quan chức phương Tây trao đổi với Nga và Trung Quốc dựa trên sức mạnh hoặc với sự xúc phạm là "những chính trị gia và chiến lược gia vô dụng".

Ông nhấn mạnh, Moscow và Bắc Kinh sẽ không sử dụng các hành động khiêu khích để đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. (Sputnik)

Dòng chảy phương Bắc 2: Nga quan ngại về an ninh đối với dự án

Ngày 2/4, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, nước này mong muốn các quy định giao thông hàng hải "phải được tuân thủ nghiêm ngặt" trong khu vực xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, trong bối cảnh dấy lên các quan ngại an ninh về dự án này.

Trước đó, ông Andrey Minin, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Nord Stream 2 AG vận hành dự án xây dựng trên, cho biết, đội tàu của dự án đã trở thành "mục tiêu khiêu khích thường xuyên của các tàu dân sự và quân sự nước ngoài".

Thứ trưởng Grushko khẳng định: "Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ giúp củng cố an ninh năng lượng của châu Âu". (Reuters)

Vụ gián điệp Nga ở Italy: Hé lộ thông tin mới về người 'bán tài liệu mật' cho Nga

Ngày 1/4, nhật báo Corriere della Sera cho biết, sĩ quan hải quân Italy Walter Biot, bị bắt giữ với cáo buộc bán tài liệu mật cho quân nhân Nga, đang gặp khủng hoảng và khó khăn về tài chính với nhiều khoản phải chi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi lương cố định chỉ khoảng 3.000 Euro (khoảng 81,5 triệu VNĐ).

Trong khi đó, cùng ngày, dẫn nguồn thông tin điều tra, hãng thông tấn ANSA cho biết, trong thẻ nhớ thu giữ từ ông Biot, có 181 ảnh tài liệu mật, với 9 tài liệu tuyệt mật và 47 tài liệu mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tòa án Nga phạt Twitter hơn 42.000 USD vì không dỡ bỏ các nội dung bị cấm

Ngày 2/4, một tòa án ở Nga đã phạt Twitter 3,2 triệu Rouble (khoảng 42.010 USD) do không dỡ bỏ các nội dung bị cấm.

Động thái trên diễn ra sau khi Cơ quan giám sát thông tin và truyền thông Roskomnadzor của Nga ngày 16/3 thông báo nước này sẽ khóa Twitter trong một tháng nếu mạng truyền thông xã hội này của Mỹ không dỡ bỏ các nội dung bị cấm đăng tải. Tuần trước đó, Nga đã cảnh báo sẽ giảm tốc độ đường truyền của Twitter ở nước này.

Hiện chưa có bình luận từ Twitter về quyết định của tòa án Nga. Trước đó, mạng xã hội này đã bác bỏ cáo buộc của giới chức Nga cho rằng, hãng này cho phép sử dụng các nền tảng của mình để khuyến khích các hành vi trái pháp luật. (Reuters)

Không chịu 'kém miếng' Nhật Bản, Hàn Quốc muốn có cuộc gặp Moon-Biden vào tháng 4

Ngày 2/4, một nguồn thạo tin cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đang "tham vấn chặt chẽ" để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh vào tháng 6 tới.

Theo nguồn thạo tin này, thời gian diễn ra cuộc gặp có thể là trong tháng 4. Nếu được nhất trí, khả năng cao là ông Moon sẽ tới thủ đô Washington, D.C.

Trước đó, Nhật Bản đã thông báo, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Biden vào nửa đầu tháng 4, trong khi một nguồn tin cho biết, cuộc gặp được sắp xếp vào ngày 9/4.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 2/4 thông báo cuộc gặp đã bị lùi sang ngày 16/4. (Yonhap, Kyodo)

'Lời hồi đáp từ Nhật Bản' tới Trung Quốc: Chuẩn bị tăng cường năng lực trên biển

Ngày 1/4, một ủy ban của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản phụ trách các vấn đề về an ninh hàng hải và quốc phòng đã thông qua một dự thảo đề xuất phê duyệt về việc tăng cường năng lực cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển (JCG) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Theo đó, LDP sẽ hối thúc chính phủ thúc đẩy nhanh việc mua các tàu quân sự, các máy bay và những thiết bị quân sự khác của SDF cũng như JCG.

Đề xuất trên cũng yêu cầu xem xét các biện pháp lập pháp, trong đó có việc sửa đổi luật pháp để cho phép sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết nhằm đối phó các sự cố tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Đề xuất này sẽ được đệ trình lên chính phủ Nhật Bản vào vào đầu tuần tới.

Các nhà hoạch định chính sách của LDP trong ban hội thẩm đã đưa ra đề xuất này để đối phó với luật mới của Trung Quốc hiệu lực từ tháng 2 cho phép lực lượng hải cảnh được dùng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của mình. (Kyodo)

Vụ tai nạn tàu hỏa Đài Loan: Trung Quốc chia buồn, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ

Ngày 2/4, chính phủ Trung Quốc đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa tại Đài Loan, vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất tại vùng lãnh thổ này trong 4 thập niên trở lại đây, làm ít nhất 41 người thiệt mạng và 72 người bị thương.

Người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc Mã Hiểu Quang cho biết, Trung Quốc đại lục đã và đang theo dõi hoạt động cứu hộ "với mối quan tâm mạnh mẽ".

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẵn sàng xem xét giúp đỡ Đài Loan nếu được đề nghị, đồng thời "bày tỏ sự cảm thông với những người đã tử vong và gửi lời chia buồn chân thành đến những người mà có liên quan đến vụ tai nạn".

Được biết tàu tốc hành bị trật bánh khỏi đường ray dẫn đến vụ tai nạn nói trên do Tập đoàn đa quốc gia Hitachi Ltd. của Nhật Bản sản xuất và bắt đầu hoạt động vào tháng 5/2007, trở thành tàu nghiêng đầu tiên của Đài Loan. (Kyodo)

Mỹ-Trung Quốc: Phe Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Biden trừng phạt Trung Quốc

Ngày 1/4, Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Joe Biden có biện pháp trừng phạt Trung Quốc sau khi 7 người tại Hong Kong bị kết án vì tham gia các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh.

Trước đó cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân trấn áp người biểu tình tại Hong Kong sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken gửi báo cáo lên Quốc hội Mỹ tái khẳng định Hong Kong không xứng đáng được hưởng các ưu đãi thương mại đặc biệt của Mỹ.

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này không hài lòng và kiên quyết phản đối một báo cáo trên, đồng thời hối thúc Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại trên con đường phát triển lành mạnh và ổn định. (Sputnik)

EU sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho Cuba-Mỹ

Ngày 1/4, Hãng thông tấn quốc gia Cuba (ACN) đưa tin, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đồng ý làm trung gian thuyết phục chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố" của Mỹ.

Trong bức thư gửi tới thành viên Nghị viện châu Âu (EP), ông Borrell nhấn mạnh EU sẽ giải quyết vấn đề này và kêu gọi Washington rút Havana khỏi danh sách trên.

Trong phản ứng mới nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Cuba Ana Mari Machado đã hoan nghênh quyết định trên của EU, đồng thời khẳng định quốc gia Caribbean này không tài trợ hoặc ủng hộ chủ nghĩa khủng bộ. Bà nhấn mạnh Cuba luôn ủng hộ hòa bình, sự đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân các nước. (THX)

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bước tiến mới nhằm khôi phục JCPOA

Ngày 2/4, Iran cùng đại diện của Iran và Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và EU đã tiến hành họp trực tuyến bàn về Thỏa thuận hạt nhân 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA)

Các đại diện từ Iran và các cường quốc thế giới đã quyết định sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 6/4 tới.

Sau cuộc họp trên, Đại sứ Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mikhail Ulyanov đánh giá mọi thứ đang đi đúng hướng và cho hay, các cuộc thảo luận diễn ra thực chất và sẽ còn tiếp diễn, mặc dù chặng đường phía trước không dễ dàng.

Các động thái trên được Washington đánh giá tích cực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: "Chúng tôi thực sự hoan nghênh bước đi tích cực này. Chúng tôi sẵn sàng theo đuổi việc trở lại tuân thủ các cam kết JCPOA, nếu Iran cũng thực hiện điều tương tự". (Reuters)

Mỹ chuẩn bị viện trợ hơn 100 triệu USD cho Palestine

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao của nước này vừa gửi thông báo lên Quốc hội về kế hoạch sẽ viện trợ 125 triệu USD cho người dân Palestine.

Nguồn tin Quốc hội cho biết, số tiền này phần lớn được trích từ ngân sách năm 2020, bao gồm 75 triệu USD giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản và thực thi các chương trình gắn kết xã hội ở Bờ Tây và Gaza; 10 triệu USD hỗ trợ các hoạt động hòa giải và 40 triệu USD dành cho các chương trình hợp tác an ninh, đặc biệt là việc kiểm soát buôn bán ma tuý và đảm bảo tuân thủ pháp luật ở Bờ Tây.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Palestine phù hợp với các giá trị của Mỹ, lợi ích của Palestine và lợi ích của cả đồng minh Israel.

Việc Mỹ đưa ra thêm gói hỗ trợ mới lên tới 125 triệu USD cho thấy rõ thiện chí của Chính quyền Tổng thống Biden trong việc khôi phục quan hệ với Palestine vốn rơi xuống mức thấp nhất dưới thời Chính phủ tiền nhiệm Donald Trump.