📞

Tin thế giới 24/1: Máy bay Nga chở 74 người phát nổ gần Ukraine, Đức dọa khó 'gánh' Kiev, Iraq 'nóng mặt' vì hành động của Mỹ

Hoàng Hà 21:51 | 24/01/2024
Máy bay Nga chở gần 80 người rơi ở Belgorod gần Ukraine, xung đột ở Trung Đông, Triều Tiên phóng tên lửa hành trình, Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh máy bay vận tải quân sự hạng nặng Ilyushin Il-76 của Nga rơi và bốc cháy ở Belgorod ngày 24/1. (Nguồn: The Guardian)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Máy bay vận tải quân sự Nga rơi gần biên giới Ukraine: Đại diện Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, ngày 24/1, một máy bay vận tải quân sự hạng nặng Ilyushin Il-76 của Nga đã rơi ở vùng Belgorod của Nga - giáp giới với Ukraine và phát nổ tạo thành một quả cầu lửa khổng lồ.

Bộ trên cho biết, máy bay chở theo 65 tù binh Ukraine, cùng 6 thành viên phi hành đoàn và 3 người hộ tống, tới vùng Belgorod để trao đổi.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ám chỉ Ukraine đã bắn hạ máy bay, đồng thời chỉ thị soạn và gửi ý kiến đến Quốc hội Mỹ và Đức liên quan vụ việc.

Theo lời ông Volodin, cần làm rõ máy bay có thể bị bắn rơi bằng loại tên lửa phòng không nào.

Trong khi đó, Thứ trưởng thứ nhất Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Nga Viktor Bondarev cho biết, phi hành đoàn của Il-76 đã kịp báo cáo về tác động từ bên ngoài vào chiếc máy bay.

Căn cứ vào thông tin này, ông Bondarev khẳng định, chiếc máy bay này bị bắn rơi, đồng thời lưu ý, qua đoạn clip đăng tải trên kênh Telegram, có thể nhìn rõ dấu vết điển hình của tên lửa và rất có thể không chỉ một chiếc. (AFP, Reuters)

* Đức cảnh báo về việc hỗ trợ Ukraine: Ngày 23/1, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố, nước này không thể tự mình duy trì năng lực phòng thủ của Ukraine về lâu dài và các nước khác sẽ cần tăng cường đóng góp.

Nhấn mạnh "không thể nào Đức làm nhiều hơn để giúp Ukraine trong khi những nước khác làm ít hơn", ông Lindner đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác chia sẻ chi phí.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng cảnh báo rằng, nước này phải "để mắt đến khả năng phòng thủ của chính mình", nghĩa là Berlin không thể "dốc hết mình" cho Ukraine như một số nước đang yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh: "Nếu không, chúng ta sẽ không thể tự vệ được". (RT)

* Điện Kremlin phản pháo sắc lệnh mới của Kiev về các vùng lãnh thổ của Nga “trong lịch sử là nơi sinh sống của người Ukraine”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một nỗ lực nhằm che đậy các vấn đề chính trị của Kiev.

Theo ông Peskov, ông Zelensky muốn đảm bảo “sự ủng hộ tuyệt đối” giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine không thành công.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, sắc lệnh này là vô lý. (TASS)

Trung Đông

* Thủ tướng Iraq phản đối các cuộc tấn công của Mỹ: Ngày 23/1, Mỹ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào 3 cơ sở có liên hệ với các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tại Iraq.

Hãng Reuters ngày 24/1 dẫn tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Iraq cáo buộc, các cuộc tấn công của Mỹ sẽ dẫn đến sự “leo thang vô trách nhiệm” và vi phạm chủ quyền Iraq.

Tuyên bố nêu rõ, Iraq sẽ coi đây là những “hành động hung hăng” làm suy yếu quá trình hợp tác nhiều năm giữa 2 nước.

* Mỹ tiếp tục tấn công Houthi ở Yemen vào sáng 24/1, phá hủy 2 tên lửa chống hạm của phiến quân Houthi.

Trong khi đó, một nguồn tin cho hay: "Phong trào Houthi, thông qua Bộ ngoại giao Yemen, đã liên hệ với văn phòng đại diện thường trực của Liên hợp quốc (LHQ) và điều phối viên nhân đạo tại Yemen, yêu cầu tất cả nhân viên có quốc tịch Mỹ hoặc Anh phải rời khỏi đất nước này trong vòng 30 ngày".

Trong thư, Houthi cảnh báo công dân Mỹ, Anh trong các hoạt động của các cơ quan LHQ không nên tới những khu vực do phong trào này kiểm soát cho đến khi có thông báo mới. (Reuters, Sputnik)

* Nga lên án các cuộc tấn công của Mỹ, Anh nhằm vào Yemen: Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về Trung Đông, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động gây hấn phi lý chống lại Yemen do Mỹ và Anh tiến hành mà không có lệnh trừng phạt của HĐBA".

Theo ông, đó là "mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình quốc tế, làm suy yếu trật tự thế giới dựa trên tính tối thượng của luật pháp quốc tế phổ quát và vai trò trung tâm của LHQ". (TASS)

* HĐBA LHQ thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông vào chiều 23/1 (giờ Mỹ), với sự tham gia của Ngoại trưởng, Đại sứ và quan chức cấp cao nhiều nước.

Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực lan rộng vượt ra khỏi Gaza, thương vong gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, trong đó có cả Đông Jerusalem; các vụ giao tranh giữa Israel-Lebanon, các cuộc tấn công tại Syria và Iran, tình hình leo thang trên Biển Đỏ.

Người đứng đầu LHQ tái khẳng định giải pháp hai nhà nước là lối thoát duy nhất, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho các con tin, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để thúc đẩy một tiến trình hòa bình có ý nghĩa tại khu vực này.

Theo Ngoại trưởng Palestine Riyad Al Maliki, 2.000 tấn bom đã trút xuống cướp đi sinh mạng của hơn 25.000 người Palestine, trong đó có trên 11.000 trẻ em và khiến 63.000 người khác bị thương.

Ông Maliki nhấn mạnh, giờ là thời điểm để công nhận và hiện thực hóa việc kết nạp Nhà nước Palestine vào LHQ.

Trong khi đó, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan một lần nữa khẳng định nước này “sẽ bảo vệ tương lai của mình”. (TTXVN)

Châu Á

* Trung Quốc-Nauru tái thiết lập quan hệ ngoại giao: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ngày 24/1, nước này và đảo quốc Nauru ở Nam Thái Bình Dương đã tái thiết lập các mối quan hệ ngoại giao.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nước sẽ tổ chức một buổi lễ khôi phục các mối quan hệ ngoại giao song phương tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 24/1. (THX)

* Hỏa hoạn nghiêm trọng làm 25 người thiệt mạng ở thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây, miền Đông nước này.

Công tác cứu hộ đang khẩn trương diễn ra, trong khi cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân hỏa hoạn. (THX)

* Triều Tiên phóng một số tên lửa hành trình vào sáng 24/1 ra biển Hoàng Hải, theo thông báo của Hàn Quốc. Vụ phóng diễn ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công tên lửa siêu thanh tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) ngày 14/1 và thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước "Haeil-5-23" ngày 19/1.

Yonhap đưa tin, ngày 24/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát và tin tưởng vào khả năng phòng thủ hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là phù hợp”.

* Quan chức Triều Tiên tăng cường ngoại giao ở NAM: Ngày 24/1, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Son-kyong đã có cuộc gặp các quan chức cấp cao của nhiều nước bên lề các Hội nghị thượng đỉnh của Phong trào Không liên kết (NAM) và Nhóm các nước đang phát triển (G77).

Theo đó, ông Kim Son-kyong đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung và Phó Chủ tịch thứ nhất của Cuba Salvador Antonio Valdes Mesa.

Quan chức Ngoại giao Triều Tiên cũng đã gặp Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni và Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.

Ngoài ra, ông Kim Son-kyong cũng đã gặp Ngoại trưởng Belarus Sergei Aleinik để thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương. (Yonhap)

* Ngoại trưởng Hàn-Nhật điện đàm về tăng cường hợp tác: Ngày 23/1, tân Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa để thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề liên quan khác.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước kể từ khi ông Cho nhậm chức, các bộ trưởng nhận định, quan hệ song phương được cải thiện và hai bên đã xây dựng lại lòng tin thông qua hàng loạt hội nghị thượng đỉnh và hội đàm cấp bộ trưởng ngoại giao trong năm 2023.

Theo xu hướng này, hai Ngoại trưởng nhất trí cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ song phương dựa trên sự tin cậy giữa các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước cũng như tăng cường hợp tác trên trường quốc tế, trên các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) hay Hội đồng Bảo an LHQ.

Hai bên đồng ý phối hợp chặt chẽ với đồng minh chung là Mỹ trong việc đối phó với Triều Tiên. (Yonhap)

Châu Âu

* Nga-Phần Lan chấm dứt thỏa thuận về hợp tác xuyên biên giới từ ngày 24/1.

Thông cáo của Đại sứ quán Nga tại Phần Lan cho hay: "Do các hành động có chủ đích mà phía Helsinki thực hiện trong năm 2022-2023 nhằm cắt đứt quan hệ nhiều mặt với Moscow, việc phát triển hợp tác xuyên biên giới đã bị vô hiệu hóa ngay cả khi thỏa thuận này có hiệu lực chính thức".

Theo cơ quan ngoại giao trên, thỏa thuận này đã mất đi tính phù hợp trong tình hình mới khi các tuyên bố từ các quan chức phụ trách đối ngoại của Phần Lan và lập trường đối đầu nói chung của Helsinki thể hiện sự thiếu sẵn sàng tham gia đối thoại trong khu vực. (THX)

* Nga bình luận việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý kết nạp Thụy Điển vào NATO: Ngày 23/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức phê duyệt đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, hành động này là "thực tế hoàn toàn hiển nhiên" và "Ankara thực thi nghĩa vụ của mình, tuân thủ quy trình đàm phán trong khuôn khổ liên minh này. Đây là quyết định có chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ".

Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Moscow lấy làm tiếc về quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển, nhắc lại quan điểm Nga không gây ra bất kỳ đe dọa nào cho đất nước Bắc Âu từng giữ vị thế trung lập trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh này.

Tuy nhiên, hiện Thụy Điển sẽ không tự động gia nhập NATO ngay cả sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn quyết định của Quốc hội, vì một đồng minh khác trong NATO là Hungary vẫn chưa "bật đèn xanh" cho việc gia nhập. (Reuters)

* Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu từ chức ngày 24/1, nhấn mạnh ông đã hoàn thành mục tiêu của mình là lèo lái đất nước hướng tới việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Quyết định từ chức được đưa ra đúng vào thời điểm nhạy cảm đối với Moldova. Căng thẳng gia tăng kể từ khi chính phủ Moldova áp dụng thuế đối với hàng xuất nhập khẩu vào đầu năm 2024, trong nỗ lực nhằm gia nhập EU.

Vốn phụ thuộc vào hỗ trợ từ Moscow, khu vực ly khai Transnistria cho rằng, việc áp thuế như vậy gây tổn hại cho các doanh nghiệp của họ. Lực lượng ly khai thân Nga tại Tranistria kêu gọi duy trì “mức độ sẵn sàng quân sự cao” và tổ chức tập trận thường xuyên cho mục đích đó. (Reuters)

* Đan Mạch tài trợ 91 triệu Kroner (13,26 triệu USD) tăng cường an ninh mạng cho Ukraine.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web, Bộ Quốc phòng Đan Mạch nhấn mạnh: “Khoản tài trợ được thực hiện dưới sự bảo trợ của liên minh CNTT do Estonia-Luxembourg dẫn đầu dành cho Ukraine, trong đó Đan Mạch đã tham gia cùng với một số quốc gia khác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen khẳng định: “Khoản viện trợ này là một đóng góp quan trọng cho chính sách hỗ trợ lâu dài nhằm tăng cường khả năng phòng thủ mạng của Ukraine”. (TASS)

* Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Srettha Thavisin.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Đức tới Thái Lan sau 22 năm, bước đi quan trọng hướng tới tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, góp phần đưa Bangkok trở thành đối tác chiến lược trong tương lai của Berlin.

Điểm nổi bật trong chuyến thăm 3 ngày của Tổng thống Steinmeier sẽ là cuộc hội đàm với Thủ tướng Srettha vào ngày 25/1, tập trung vào chủ đề thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu và hướng nghiệp, với sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân hai nước.

Châu Phi

* Mỹ cam kết thêm 45 triệu USD để tăng cường an ninh ven biển Tây Phi, theo lời Ngoại trưởng nước này Antony Blinken phát biểu tại Bờ Biển Ngà - điểm dừng chân thứ 2 trong khuôn khổ chuyến công du 4 quốc gia châu Phi.

Khoản tài trợ bổ sung được công bố trong cuộc gặp của ông Blinken với Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara vào sáng 23/1.

Theo đó, khoản tài trợ này sẽ bổ sung thêm cho gói 300 triệu USD mà Mỹ đã đầu tư vào khu vực ven biển Tây Phi trong hai năm qua.